Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

LỜI THỀ CỎ MAY

 LỜI THỀ CỎ MAY



PHẠM CÔNG TRỨpham_cong_tru


Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may...

Nguồn: Báo Tiền phong, số ngày 19/4/1988.

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện: 

“CÓ NGƯỜI NGỒI GỠ LỜI THỀ CỎ MAY”

“Lời thề cỏ may’’ là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ Phạm Công Trứ (1953 - Hái Hậu Nam Định). Thi phẩm được rất nhiều bạn đọc yêu thích bởi đã tái hiện những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ, làm sống dậy rung cảm trong trẻo, hồn nhiên thuở ban đầu và thực tế đau xót trước những khác biệt lớn giữa văn hóa nông thôn với nếp sống thị thành.


Những tác phẩm thành công nhất của Phạm Công Trứ thường gắn với thể thơ
lục bát, đem lại những giá trị riêng không lẫn với ai khác, khẳng định tên tuổi của

ông trong lòng bạn đọc và nền thi ca đương đại. 
Nhan đề của bài đã là một tứ thơ rất thú vị. Nói tới ”lời thề”, người ta nghĩ
đến thái độ cam đoan sẽ làm trọn vẹn một việc nào đó bằng lời lẽ nghiêm trang.
Còn ”cỏ may” là loài cỏ dại mọc hoang rất nhiều ở ngoài đồng, bông hoa nhỏ xíu
và nhọn, bám đầy quần áo người đi qua, gây ngứa – rát khi bị hoa đâm phải; một
loài hoa thật tầm thường, thậm chí đáng ghét. Vậy nên cách nói ”Lời thề cỏ
may” vừa có tính giễu nhại vừa gợi lên niềm đau của tình yêu đầu không thành.
Điều ấy do đâu? Bài thơ dần lý giải với bạn đọc.
Bài gồm hai phần khá rõ rệt. Mở đầu là những câu thơ nghi vấn nhằm khẳng
định cao hơn niềm tiếc nuối tuổi thơ với những kỳ niệm đẹp chẳng thể nào quên: 
“Làm sao quên được tuổi thơ/ Tuổi vàng, tuổi ngọc - tôi ngờ lời ai”. Từ hiện tại,
chủ thể trữ tình nhớ về những ký ức đẹp thời tuổi vàng, tuổi ngọc. Nghệ thuật ẩn
dụ, cách dùng từ khác lạ được sử dụng đắt giá tỏ rõ sự trân quý những năm tháng
đã qua. Cả em và tôi “chân đất đầu trần” nhưng đều sống vô tư, tình cảm hồn
nhiên, trong sáng nơi quê hương: “Thuở ấy tôi mới lên mười/ Còn em lên bảy, theo
tôi cả ngày/ Quần em dệt kín cỏ may/ Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm/ Tuổi thơ
chân đất đầu trần/ Từ trong lấm láp em thầm lớn lên”. Nhà thơ rất sáng tạo trong
sử dụng vần luật thơ lục bát. Câu ”Thuở ấy tôi mới lên mười”, tiếng thứ hai trong
câu lục quy định là thanh bằng, ở đây nhà thơ sử dụng thanh trắc, có ý nhấn mạnh
kỷ niệm tuổi thơ đẹp diệu kỳ và đáng nhớ biết bao.
Những câu thơ giầu hình ảnh, với sự xuất hiện của hai nhân vật tôi và em mới
lên mười và lên bảy, cả hai bên nhau suốt ngày, thường là em lẽo đẽo theo tôi.
Trang phục của mỗi đứa hồi ấy “Quần em dệt kín cỏ may” còn ”Áo tôi đứt cúc,
mực dây tím bầm”. Hai câu thơ đăng đối về hình ảnh giữa quần và áo, giữa em và
tôi, đều nhấn mạnh những kỷ niệm tuổi thơ cùng với tình cảm ban đầu trong trẻo,
đẹp như cổ tích. Với mấy câu thơ này, tác giả đã nói hộ cảm xúc của chúng ta khi
nhớ về tuổi thơ và tình cảm ban đầu với người bạn khác giới. Bất chấp gian khó và
thiếu thốn, cùng với năm tháng, em từ trong lấm láp cứ âm thầm lớn lên.
Phần còn lại của bài: “Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê”. Bài thơ cho thấy
lối diễn của Phạm Công Trứ thường đa giọng điệu. Ngôn ngữ thơ phong phú, có
lúc đột ngột tạo ra những cách thể hiện rất riêng. Chẳng hạn như: “Thế rồi xinh
đẹp là em/ Em ra tỉnh học em quên một người/ Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi/ Em tôi áo
chẽn, em tôi quần bò”. Nghệ thuật đảo ngữ “xinh đẹp là em” cùng với điệp từ “em

tôi” được sử dụng đắc địa, nhấn mạnh sự thay đổi khó tin ở em. Trước sống tại
quê, em trang phục giàn dị; nay ra tỉnh về em “áo chẽn quần bò” khác lạ đến lố
bịch. Những câu thơ này khiến ta nhớ đến áng thơ tuyệt hay ”Chân quê” của
Nguyễn Bính. Cả hai nhà thơ - cùng quê Nam Định - tuy sống ở hai thời kỳ khác
nhau nhưng chung một cảm xúc “vỡ mộng” trước sự đổi thay nhanh chóng của
bạn gái sau khi “đi tỉnh về”.
Nguyên nhân sự đổ vỡ ấy căn nguyển sâu xa là sự xung đột của văn hoá vùng
giữa nông thôn và thị thành. Một bên là sự mộc mạc, bền vững, một bên là sự thay
đổi bởi sự hào nhoáng. Mặt khác, tôi và em lại ở trong tương quan đối lập nhau: tôi
vẫn thế, còn em thay đổi quá nhiều. Thế nên: “Gặp tôi, em hỏi hững hờ/ “Anh
chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?” Sự vô cảm của cô gái qua câu hỏi đã làm chàng trai -
nhân vật tôi - tan nát cõi lòng. Người đi đổi thay, người ở lại nguyên chất quê chỉ
biết khép kín cõi lòng trong niềm đau xót và hoài niệm: “Trăng vàng hôm ấy bờ
đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may’’. Hình ảnh vầng trăng cô đơn, bờ đê lặng lẽ
và những bông cỏ may vướng víu đặt cạnh nhau tạo thành một không gian nghệ
thuật mới lạ vô cùng, làm ám ảnh, xúc động lòng người. Cái duyên dáng của những
hình ảnh thơ cùng với việc sử dụng tài tình thể thơ lục bát quả đã góp phần làm nên
hồn cốt của bài.
Cách biểu đạt như vậy chứng tỏ “Lời thề cỏ may” của Phạm Công Trứ mang
một phong cách nghệ thuật độc đáo. Sau này, sự ra đời các tác phẩm khác: “Cỏ
may thi tập”, “Lời thề cỏ may 1” (NXB Thanh niên, 1990); “Lời thề cỏ may 2”
(NXB Văn hóa - Thông tin, 1993); “Lời thề cỏ may 3” (NXB Văn hóa - Thông tin,
1996); “Phồn thi”càng khẳng định tên tuổi ông trong nền thơ ca Việt Nam đươngđại.
  Với 18 câu thơ cô đọng găm vào trí nhớ người đọc bởi giọng điệu hồn hậu vàsay đắm của thi nhân, gợi niềm bâng khuâng, xao xuyến khiến người đọc hoài
niệm, tiếc nuối về những tình cảm thuở ban đầu không thể nào quên.


NGUYỄN THỊ THIỆN R6 A - Royal Cyti 72 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

hoa_sung_1


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét