Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

MỘT THỜI XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN

 MỘT THỜI XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN

               Bút kí của BÙI QUANG THANH

bui_quang_thanh

Nhà thơ Bùi Quang Thanh


Đường Hồ Chí Minh, con đường cách mạng, con
đường giải phóng vĩ đại nhất trong lịch sử kháng
chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta đã đi vào huyền
thoại, từ không đến có, từ bí mật đến công khai, từ ngắn
đến dài, từ đường mòn thành đại lộ. Đường Trường Sơn
trong tâm khảm chúng ta là sự hy sinh, cống hiến của bộ
đội, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, của
nhân dân các địa phương nơi có con đường đi qua. Và còn
một lực lượng đáng kể, dù ít được nói đến nhưng không
thể nào quên khi nhắc tới sự tồn tại của con đường huyết
mạch này: những chiến sĩ dân công hỏa tuyến - những
người nông dân thực thụ làm nhiệm vụ trọng yếu như
những lực lượng chính quy - trong đó có đơn vị chúng tôi
- đơn vị có biệt danh “Công trường 10”.


Con đường chúng tôi đảm trách có tên gọi là đường
10 được mở từ những năm 1963 - 1964 và còn có tên gọi
là “20-7”. Đường 10 bắt đầu trục chính của Quốc lộ 15 -
phía nam Long Đại (Km 0), chạy dọc Đông Trường Sơn
vào đường 9. Song song với nó là đường ống dẫn xăng dầu
vào Nam. Đây là con đường cắt vĩ tuyến 17, là huyết mạch
lớn và chủ yếu cho chiến trường Trị - Thiên. Trên tuyến

đường này ta làm chủ toàn bộ và với nó, cách mạng Việt
Nam không có giới tuyến, mặc dầu từ Vĩnh Linh trở ra
những năm này Mỹ đã tạm ngừng ném bom, còn phía
Quảng Trị địch tăng cường bắn phá, phong tỏa bằng mọi
hỏa lực có thể sử dụng. Mỹ - ngụy coi đây là trọng huyệt
của đường Hồ Chí Minh. Chúng ngửi thấy từ con đường
này, lực lượng quân đội, vũ khí và lương thực tăng cường
cho mặt trận B5 càng ngày càng đáng sợ nên không tiếc
đạn bom đánh phá và không từ một thủ đoạn nào để ngăn
chặn, chặt đứt mạch máu này. Từ máy bay siêu hiện đại
đến thám báo biệt kích, mìn ríp, mìn lá, mìn vướng… cạm
bẫy quân thù cài đặt, rình rập khắp nơi.
Ban chỉ huy công trường, bộ phận chính đóng ở kilômét
21, bộ phận nữa nằm ở kilômét 45 ngay ngã ba đường 18
đi sang Lào. Thời kỳ này, trụ sở của đồng chí Đồng Sĩ
Nguyên - Tư lệnh 559 đóng ở kilômét 31, đồng chí Đinh
Đức Thiện - Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần đóng ở
kilômét 20 để trực tiếp chỉ đạo toàn tuyến Trường Sơn.
Nhiệm vụ của Công trường 10 (CT10) là nâng cấp
đường 10 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp 4 đồng thời rải đá
+ nhựa xâm nhập trên toàn tuyến. Ở những nơi có độ dốc
lớn hơn 10 độ thì đổ bê tông hoàn thiện ngầm, tràn để bảo
đảm xe cơ giới và tăng có thể hành quân được.
Anh chị em dân công hỏa tuyến từ miền Bắc, miền
Trung vào đây theo tinh thần tình nguyện phục vụ chiến
trường, họ hưởng chế độ nhu yếu phẩm như bộ đội, không
lương bổng. Những người nông dân nam có, nữ có, già
có, trẻ có vừa thả liềm hái cuốc cày vào tuyến lửa tham
gia đảm bảo, xây dựng giao thông. Với sự lao động quên
mình của họ, trong năm 1971 đường 10 đã được mở rộng
và thông xe trên toàn tuyến. Những đoạn đường ngày xưa
đi men khe suối thường bị ngập lũ được đưa lên lưng núi,

lẩn dưới những tán rừng đại thụ. Những chỗ trống thoáng
dễ bị máy bay Mỹ phát hiện thì làm dàn ngụy trang, có
đoạn khoét núi xuống rồi đẵn cây rừng đổ ngang để làm
sườn cho những dàn ngụy trang. Hình thức ngụy trang
tùy theo địa hình, màu sắc của xung quanh mà che chắn
cho phù hợp. Có dàn ngụy trang che bằng những giò hoa
phong lan xanh mơn mởn, có dàn ngụy trang che bằng lá
cây rừng phủ bụi đất đỏ bầm vì xung quanh toàn hố bom
và rừng cháy trụi. Nhờ sự thông minh và sáng tạo vô biên
của cán bộ chiến sỹ CT10, cả khi máy bay địch rình mò
tìm kiếm giữa ban ngày, xe ta vẫn có thể vận hành làm
nhiệm vụ.
Có lẽ con đường 10 là cung đường đầu tiên trên hành
lang Trường Sơn được rải nhựa và lát bê tông. Mặc dù
đoạn đường nhựa chỉ vỏn vẹn 14 km từ “Ngã ba Dân Chủ
ngoài” vào đến nông trường cao su Lệ Ninh và đường
bê tông chỉ có 70 m trên đỉnh dốc 32 và một số ngầm của
kilômét 21 nhưng đó là những cố gắng phi thường và táo
bạo của ta hồi đó. Để rải được chừng ấy đường nhựa, Bộ
Tư lệnh 559 và Bộ Giao thông Vận tải đưa vào đây khá
nhiều phương tiện, thiết bị hiếm hoi như máy ủi, máy lu,
máy xúc, máy xay đá, máy nén khí khoan đá, máy phát
điện… Dốc 32 có độ dốc lớn hơn 10 độ lại rất dài và cao,
về mùa mưa bị ẩm ướt, trơn nhão suốt ngày đêm, xe chở
hàng vào Nam qua đây, kể cả “Zin 157” hay “Hồng Hà”
ba cầu cũng không vượt qua nổi. Việc bê tông hóa phần
đỉnh dốc giải quyết vấn đề thông tuyến ngay cả giữa mùa
mưa lũ.
Cuối năm 1971, Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, đường
10 bị đánh phá liên miên với một mật độ rất cao. Ngay từ
những ngày đầu tiên của các cuộc oanh tạc, một số lán trại

và điểm đóng quân của đơn vị đã bị thiệt hại. Cuộc sống ở
đây được dời vào lòng đất sâu hoặc các hang động có sẵn.
Công tác xây dựng và bảo vệ đường vẫn được tiến hành
khẩn trương quyết liệt cả ngày và đêm. Ngày 20.4.1972,
doanh trại của Đại đội dân công hỏa tuyến huyện Thạch
Hà (Hà Tĩnh) bị trúng bom, 1 đồng chí hy sinh, hầm lán
bị phá hủy hết. Đầu tháng 6, Mỹ phóng hỏa tiễn trúng
kho đạn AT (loại hỏa tiễn mặt đất) cạnh doanh trại của
Đại đội Nghi Xuân. Đạn cháy, nổ bay tứ tung làm 3 người
hy sinh. Tháng 7.1972, bom Mỹ đánh trúng hầm đồng chí
cán bộ tổ chức công trường. Thi thể đồng chí này tan nát.
Cũng thời gian đó, trong khi đi tìm hang cho đại đội Cẩm
Xuyên trú ẩn, chúng tôi phát hiện trong một hang đá sâu
có 7 bộ xương người chết từ bao giờ. Họ không có một thứ
gì còn lại. Có lẽ đó là những đồng chí từng đi mở đường
Trường Sơn năm xưa. Chôn cất họ tử tế xong, chúng tôi
hương khói xin được ở lại trong hang này.
Những đơn vị dân công người Hà Tĩnh được cả công
trường nể trọng. Họ dũng cảm, xốc vác trong công việc.
Họ làm quen với môi trường gian khổ ác liệt rất nhanh.
Với 1.400 người phân thành 10 đại đội, các đơn vị của Hà
Tĩnh chốt giữ hầu hết các nơi xung yếu. Phía nam cầu treo
Long Đại là Đại đội Cẩm Xuyên, ngã ba đường 18 đi Lào
là Đại đội Thạch Hà, kilômét 64 do Đại đội Kỳ Anh trấn
giữ… Văn nghệ khá nhất là Đại đội Nghi Xuân. Chẳng
biết anh chị em tập tành từ bao giờ mà các điệu múa của
họ rất đẹp, họ có thể đội chai nước lên đầu múa lượn mà
nước không đổ. Đơn vị cũng được lãnh đạo Bộ Tư lệnh
559 và lãnh đạo tỉnh quan tâm chăm sóc thường xuyên.
Tỉnh ủy tặng cho 2 lá cờ: 1 lá mang tên Lý Tự Trọng cho
Đoàn Thanh niên, 1 lá Quốc kỳ để luân lưu cho các đơn vị
dẫn đầu từng giai đoạn. Đơn vị Hà Tĩnh còn được nhận

lẵng hoa của Bác Tôn tặng cho “Đơn vị hoàn thành nhiệm
vụ xuất sắc nhất”.
Bọn Mỹ rất thâm hiểm, chúng tìm mọi cách phá hoại
việc xây dựng con đường chiến lược này. Ngoài bom tấn,
bom tạ, bom phá, bom sát thương, hỏa tiễn… chúng còn
rải mìn lá, mìn vướng trong rừng dọc hành lang. Vô tình
dẫm phải mìn, vương phải râu nó là bị ngay. Chúng tôi có
sáng kiến gỡ mìn bằng cách dùng dây dù pháo sáng loại
nhỏ nối lại, buộc vào đầu dây một cục sắt vừa nặng tay
rồi người ngồi dưới hầm ném cục sắt ra xa về phía có mìn,
cuốn dần sợi dây cho cục sắt rà trên mặt đất để râu mìn
vướng vào dây nổ. Cách làm này đã giúp chúng tôi rà phá
được mìn mà đỡ thương vong. Để chống mìn ríp - một
loại mìn nhỏ lẫn trong lá cây rừng, nếu dẫm lên là nổ mất
gót, mất ngón chân - anh chị em lấy lốp ô tô cũ cắt “dép
Bác Hồ” đế rất dày, có thể giữ an toàn cho đôi chân nếu
dẫm phải mìn này.
Tháng 12.1972, đơn vị CT10 hoàn thành nhiệm vụ xây
dựng đường 10. Anh chị em được trở về với quê hương
ruộng vườn. Hai năm gắn bó với con đường gian khổ, ác
liệt mà vinh quang ấy khắc sâu trong tâm khảm chúng
tôi. Chẳng vui sao được khi chính mồ hôi, xương máu của
mình đổ ra được đền đáp: từ con đường này và nhiều con
đường khác như đường K, đường 15, đường 20, Quốc lộ
1A… đại quân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt
ở đường 9 - Nam Lào, ở Quảng Trị; ở Tây Nguyên và
trên khắp các nẻo đường này, lực lượng ta đã tràn dâng
để có Chiến dịch giải phóng miền Nam mùa xuân năm
1975 lịch sử.
Tổng kết thương vong trong 2 năm, cả đơn vị có 70
đồng chí hy sinh. Những người này đều được truy tặng

liệt sĩ. Họ ra đi, người vì bom mìn đạn pháo; người sốt rét,
rắn cắn, cây đổ, đá lăn; người bị tai nạn trong lao động,
cũng có người hy sinh vì rơi vào nồi nhũ tương khi dập tắt
lửa nấu nhựa đường để tránh máy bay địch. Hàng trăm
người bị thương và hàng ngàn người bị nhiễm đủ chứng
bệnh của vùng rừng thiêng nước độc hoặc do ăn ở thiếu
thốn, khí hậu khắc nghiệt, muỗi vắt, dịn mòng… Đặc biệt
với những người bị nhiễm bệnh mãn tính do quá trình
phục vụ chiến đấu, những người dính chất độc da cam rất
thiệt thòi. Bệnh tật đeo đẳng không chịu rời họ nữa nhưng
nhiều người trong họ không được hưởng một chế độ gì và
chưa ai nghĩ phải có một giải pháp gì giúp họ. Số người bị
thương, sau gần 30 năm (1998) nhiều người đã được làm
thủ tục để giám định công nhận thương binh nhưng bệnh
binh thì chưa có. Mấy năm trước, nhân kỷ niệm 40 năm
ngày thành lập Đoàn 559, Binh đoàn 12 tặng cho nhiều
người trong số họ huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn”. Huy
hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn” xứng đáng được đeo lên ngực
họ như mốc son một thời oanh liệt.
(*) Ghi theo lời kể của ông Bùi Quang Vũ, nguyên Phó Ty Giao
thông Vận tải Hà Tĩnh.

bia_bui_q._thanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét