Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Luận về văn chương Nguyễn Huy Thiệp

 Luận về văn chương Nguyễn Huy Thiệp

ANH CHI

anh_chi

NHÀ VĂN ANH CHI

Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) quê gốc Hà Nội, sinh tại Thái Nguyên và
theo gia đình chuyển cư qua Phú Thọ, Vĩnh yên, tới năm 1960 mới hồi hương, định cư tại xóm Cò, xã Khương Đình, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1970 Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội rồi lên Tây Bắc dạy học. Năm 1980 Nguyễn Huy Thiệp chuyển về làm việc tại một Công ty sách của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, ít năm sau lại chuyển sang làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, 
Cục Bản đồ cho đến cho đến khi nghỉ hưu năm 1992… Cứ theo đường đời Nguyễn Huy Thiệp thì thấy: Vốn văn hóa anh được đào tạo nhiều nhất là tri thức về sử học.

Còn vốn sống từ thực đời anh nếm trải gồm: Sống cùng các dân tộc thiểu số miền thượng du (ở Thái Nguyên thời niên thiếu và ở Tây Bắc thời anh dạy học); và sau khi hồi hương về làm việc ở Hà Nội anh mới bắt đầu tích cóp, chiêm nghiệm nhiều về đời sống xã hội ở đô thị những năm sau chiến tranh chống Mỹ, trong thời Đổi
mới và hội nhập quốc tế… Đối với một người sẽ trở thành nhà văn, ba cái “vốn” ấyrất quan trọng, nó tạo nên những sở trường không chỉ làm phong phú về đề tài cho nhà văn mà còn tạo nên cá tính và thi pháp riêng của nhà văn!


1. Nguyễn Huy Thiệp với những truyện sử
Từ tuổi nhỏ Nguyễn Huy Thiệp đã ham thích sánh vở và văn chương, “đọc
sách từ năm 10 tuổi”, như có lần anh đã tự bạch, và cũng viết văn khá sớm “năm 21
tuổi đã viết những truyện ngắn đầu tiên về đề tài miền thượng du khi sống và dạy
học ở Hua Tát”. Dù vậy, khi về làm việc tại Bộ Giáo dục - Đào tạo, đến năm 36 tuổi
Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện trên văn đàn và vụt nổi tiếng ngay sau khi đăng
báo Văn Nghệ ba truyện ngắn: Muối của rừng, Nàng Sinh và Cô Mỵ (trong chùm
truyện Những ngọn gió Hua Tát). Một năm sau, với truyện ngắn Tướng về hưu,
cũng đăng báo Văn Nghệ (năm 1987), viết về cuộc sống nơi phố phường Hà Nội sau
cuộc chiến chống Mỹ, lập tức Nguyễn Huy Thiệp được một số nhà lý luận phê bình
văn học viết bài khen ngợi. Chỉ hơn một năm sau, Tướng về hưu đã được dịch sang
Pháp ngữ, đăng trên tạp chí Les Temps moderness (tháng 3/1989). Có thể nói,
Nguyên Huy Thiệp rất nhanh chóng xác lập được vị trí trong đời sống văn chương.
Như được đà, anh viết liên tục nhiều tác phẩm liên quan đế các vấn đề lịch sử (sở
trường đầu tiên của anh), khiến giới văn học đương đại rộ lên cuộc luận bàn về các
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Mạnh
Thường thì: “Nói đến Nguyễn Huy Thiệp những năm cuối thế kỷ XX, là nói đến
một hiện tượng văn học mới! Người khen là khen hết lời, người chê cũng lắm, thậm
chí giận dữ… Các cuộc tranh luận phần lớn tập trung vào truyện ngắn Tướng về hưu
và bộ ba truyện ngắn: Vàng lửa, Kiếm sắc và Phẩm tiết…” - (Trích sách Các tác giả
văn chương Việt Nam tập 2, NXB Văn hóa - Thông tin, 2008). Quả như vậy, nhà
văn - sử gia Tạ Ngọc Liễn lên tiếng: “Nguyễn Huy Thiệp muốn đánh giá lại lịch sử,
nhưng lại có một học vấn chưa đầy đủ, cần phải kiểm tra lại vốn tri thức văn hóa”.
Để phản bác lại, nhà văn Lại Nguyên Ân viết: “Bạn Liễn đã nêu ra cách đọc không
phù hợp với tác phẩm văn xuôi nghệ thuật”. Về truyện Phẩm tiết, Nguyễn Thúy Ái
cực lực lên án: “Không được soi lại lịch sử bằng tấm gương dị dạng như vậy… Đó
là một sự xúc phạm đến người đọc và lịch sử. Đành rằng văn học không phải lịch
sử, nhưng nhà văn căn cứ vào đâu để hư cấu những chi tiết thật kinh sợ?”…
Việc Nguyễn Huy Thiệp viết các truyện sử loang ra cộng đồng người Việt ở
nước ngoài. Trong một tiểu luận về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhà sử học
Hồ Tài Huệ Tâm ở New York đã cho rằng sức mạnh tác phẩm (của Nguyễn Huy
Thiệp) “bắt nguồn từ một kết hợp khác thường về cảm thức hiện sinh” và “kỹ thuật
văn chương hậu hiện đại”. Trên tạp chí Hợp lưu ở California, nhà nghiên cứu Đào
Trung Đạo cũng cho đăng bài phân tích những tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp.
Greg Lockhart, sử gia Australia là người dành nhiều tình yêu cho văn học Việt Nam
đã dịch tập truyện Tướng về hưu (The General Retires and Other stories) gồm 8
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ra Anh ngữ (1992). Nhà văn Mỹ Peter Zinoman


rất am hiểu văn hóa Việt Nam, qua thiên tiểu luận Giải mật Nguyễn Huy Thiệp
(Declassifying Nguyen Huy Thiep), đã nhận định: “Tâm thế của một nhà sử học hiện
rõ trong sự chú tâm tỉ mỉ của Nguyễn Huy Thiệp dành cho ngày tháng, địa danh và
những nhân vật lịch sử vốn được đưa vào chủ yếu hoặc một phần trong các truyện
Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc và Nguyễn Thị Lộ… Nguyễn Huy Thiệp, nhà sử học,
người định giá xã hội Việt Nam đương thời thông qua cái nhìn quá khứ…” Đến thời
điểm này, đời sống văn chương Việt Nam đã chuyển hẳn sang giai đoạn Đổi mới và
bắt đầu Hội nhập khá rộng rãi với thế giới. Sau nhận định của Peter Zinoman các
nhà phê bình văn học trong nước đã im ắng lại thay cho việc thừa nhận ý kiến của
Tạ Ngọc Liễn và Nguyễn Thúy Ái (như chúng tôi vừa nêu ở trên) là chính đáng,
không phải bàn thêm nó là sử hay văn nữa. Để bảo vệ Nhuyễn Huy Thiệp, nhà
nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến đã đưa ra lập luận: Trước nhan sắc Vinh Hoa,
Quang Trung nói chân thành “Ta muốn thành thân với nàng”, còn Nguyễn Ánh “ta
muốn sở hữu nàng như con gà con vịt trong nhà”, rồi Hoàng Ngọc Hiến đi đến
khẳng định “nhân cách Quang Trung là một nhân cách đẹp”. Nhà lý luận phê bình
Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng “nhân vật Quang Trung trong Phẩm tiết vẫn anh
hùng, nhưng người anh hùng thích gái đẹp, như vậy người đọc cũng cảm thấy
Quang Trung gần gũi hơn, đáng yêu hơn…”. Chúng tôi nhận thấy rằng, bảo vệ
Nguyễn Huy Thiệp như vậy, chẳng khác gì Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Đăng
Mạnh cũng đã thừa nhận Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc là truyện sử!
Như những người quan tâm đến đời sống văn học đương đại, chúng tôi cũng
muốn góp lời luận bàn về văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nhà lý luận phê bình
danh tiếng Nguyễn Đăng Mạnh đã khẳng định: “Nguyễn Huy Thiệp đã thổi vào nền
văn xuôi một luồng gió lạ mới mẻ, hấp dẫn”. Do vậy, như ở phần trên chúng tôi
cũng đã bàn luận một chút về thể tài thành công nhất của nguyễn Huy Thiệp là
truyện ngắn, cụ thể là truyện sử - một sở trường của anh. Giờ chúng tôi xin nhận xét
về một “khả năng” nữa của Nguyễn Huy Thiệp trong cách viết truyện sử: Khi viết
truyện Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp tự coi mình như là người chứng kiến câu
chuyện lịch sử đó bằng cách kể về việc ông Quách Ngọc Minh ngụ ở Tu Lý, Đà Bắc
mời lên và cho xem “vài tư liệu” (chữ của Nguyễn Huy Thiệp), rồi anh triển khai
thêm khả năng của mình: “Tôi đã lên thăm gia đình ông Quách Ngọc Minh. Những
tư liệu cổ mà ông Quách Ngọc Minh gìn giữ thật độc đáo. Về Hà Nội tôi viết truyện
ngắn này. Khi viết, tôi có thay đổi vài chi tiết phụ, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với
việc kể chuyện”. Viết như thế, là để khiến người đọc tin những tư liệu “cổ” và “thật
độc đáo” là tư liệu lịch sử “thật”(!) Cách dẫn truyện “thuyết phục” kiểu như vậy, nó
như một sở đoản của Nguyễn Huy Thiệp. Anh không chỉ dùng sở đoản đó một lần,
đến Phẩm tiết, lại mở đầu truyện: “Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong khu
vực thủy điện Sông Đà khiến tôi lại lên Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc. Ông Quách… ngờ
rằng ngôi mộ này là của bà Ngô Thị Vinh Hoa sống cách đây gần hai trăm năm”.
Rồi tới cuối truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp lại tiếp tục phát huy sở đoản, coi
ông Quách Ngọc Minh ở Tu Lý cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử đã giúp mình
“sưu tầm, chỉnh lý” những tư liệu “cần thiết”, đến mức để bạn đọc tin, anh cảm động
bày tỏ: “Viết truyện ngắn này, tôi muốn đề tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để
cảm ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi”(!). Chúng tôi cho rằng, cách
dẫn truyện Vàng lửa, Phẩm tiết, và lời bày tỏ tình cảm khép lại truyện Kiếm sắc,
Nguyễn Huy Thiệp đã dùng cả sở trường (thầy giáo dạy sử) và cả sở đoản (tiểu xảo)


tạo tác chân dung tư tưởng và tình cảm các nhân vật lịch sử. Nhưng, dẫu anh viết
bằng bút pháp lãng mạn hay hiện thực, hiện sinh hay hậu hiện đại, thì cũng chưa
thoát khỏi cái câu dân dã người Việt ta vẫn nói “cái kim trong bọc (không cần lâu
ngày) cũng tòi ra thôi”! Người đọc tinh ý một chút sẽ nhận ra ngay, đó là một xảo
thuật. Và chúng tôi mạnh dạn nhận định rằng, các truyện sử của Nguyễn Huy Thiệp
chỉ ở mức được bạn văn bàn luận và nhanh chóng qua đi, bởi rất đơn giản, nó là
truyện sử mà không theo một sử liệu xác đáng nào!
2. Nguyễn Huy Thiệp và những truyện miền thượng du
Trong đời sống văn hóa nói chung và văn học nói riêng ở Việt Nam ta, không
phải thời nay mới có những hiện tượng được bàn luận rộng rãi, mà đã có từ xa xưa
rồi. Chẳng hạn từ cuối thế kỷ II, Mâu Tử (Mâu Bác) và Khương Tăng Hội ở Giao
Châu đã được dư luận cả ở nước ta và quốc tế nhìn nhận, coi hai ông là những tác
gia văn học Phật giáo tiêu biểu của Phương Đông (bao gồm cả Nhật Bản và Trung
Quốc). Hiện tượng thơ Thiền thờì Lý - Trần, được ghi nhận là thơ giàu phẩm chất
triết học (thuộc triết phái Trúc Lâm - Yên Tử). Đầu thế kỷ XV, hiện tượng Nguyễn
Trãi đã làm hùng mạnh, tươi mới diện mạo văn chương nước Việt ta. Cuối thế kỷ
XV là hiện tượng Lê Thánh Tông tài giỏi cả văn thơ chữ Hán và văn chương quốc
âm. Thế kỷ XVI có hiện tượng Nguyễn Dữ được coi là thiên cổ kỳ bút trong thể tài
truyện truyền kỳ. Tiếp theo là những hiện tượng lừng lẫy: Lê Quý Đôn với văn
chương bác học, Nguyễn Du thiên tài cả thơ Nôm và Hán thi, rồi Ngô thì Nhậm, Hồ
Xuân Hương, Cao Bá Quát... cũng vậy. Đến thời dại chữ Quốc ngữ, chỉ vài chục
năm đã xuất hiện nhiều hiện tượng được bàn luận sôi nổi và đời sống văn hóa sau đó
đã ghi nhận: Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Trọng Phụng, Lê Tràng Kiều, Chế Lan Viên,
Huy Cận, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tố Hữu… Vâng, “hiện tượng” với nghĩa được bạn
văn luận bàn đến vẫn chưa đủ, mà phải trải qua “thời gian vặt lông vịt mới biết vịt
béo hay gầy” - theo cách nói của Xuân Diệu - nghĩa là còn phải được đời sống kiểm
định xem phẩm giá mà bạn văn bàn luận có được định vị vững chắc về văn hóa, thì
mới trở thành tác gia tầm mức như những tên tuổi mà chúng tôi vừa nêu lên ở trên!
Trở lại vấn đề Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi cho rằng, với những truyện ngắn
viết trong ba, bốn năm đầu đời văn của anh đã được dư luận như trên, là rất đáng
trọng. Tuy nhiên, văn chương của anh mới chỉ ở mức được bạn văn bàn luận đến.
Do thực sự quan tâm đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi tôn trọng mọi ý
kiến khen, chê không giống nhau về anh. Đó là quyền và cũng là trách nhiệm của
mỗi người trước công chúng. Nguyễn Huy Thiệp là một văn tài đã có tác phẩm hội
nhập được nhanh và nhiều với văn chương quốc tế. Đó là một thành công của anh,
cũng là thuận lợi cho đời sống học thuật quan tâm, lý giải (như Peter Zinoman ở Mỹ
và Nguyễn Đăng Mạnh trong nước đã làm), để chóng biết “vịt béo hay gầy” (theo
cách nói của Xuân Diệu). Sau sở trường về vốn tri thức lịch sử, chúng tôi thấy cần
luận bàn, lý giải về sở tường thứ hai cuả Nguyễn Huy Thiệp, là viết những truyện về
đời sống các dân tộc thiểu số miền thượng du, anh cũng đã tận dụng rất nhanh. Chỉ
với ba truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ, đều là truyện viết về đời sống
trên vùng Tây Bắc (Muối của rừng, Nàng Sinh, Cô Mỵ) Nguyễn Huy Thiệp lại được
luận bàn sôi nổi trên văn đàn! Ta còn thấy, cả cái sở trường là vốn tri thức lịch sử
cũng được Nguyễn Huy Thiệp dùng khi viết những truyện ở miền thượng du (Vàng
lửa, Trái tim hổ, Sói trả thù, Truyện tình kể trong đêm mưa). Những truyện đó cùng


truyện Tướng về hưu đã được dịch in ở Pháp, rồi dịch in ở Italia, khiến nhà văn được
tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp năm 2007 và Giải thưởng Premio
Nonino Italia năm 2008!... Điểm lại như vậy để thấy cái sở trường cuả Nguyễn Huy
Thiệp rất mạnh, rất đắc dụng trong sự nghiệp văn chương của anh!
Khi đọc những truyện về đời sống miền rừng núi của Nguyễn Huy Thiệp,
chúng tôi thấy nó có sức cuốn hút rất đặc biệt. Đó là sự cuốn hút bởi bối cảnh sống
hoang dã và hành tung lạ thường của các nhân vật, như những “truyện kỳ dị đường
rừng” mà các nhà văn Tchya, Lan Khai, Thế Lữ… viết những năm 30 thế kỷ XX.
Chúng tôi xin tạt sang “truyện kỳ dị đường rừng” một chút: Gần hai ngàn năm
trước, thể tài văn chương viết bằng chữ Hán thường được gọi là “văn ngôn đoản
thiên tiểu thuyết” hoặc “truyện truyền kỳ”, đã xuất hiện vào đời Tuỳ (581 – 618), có
đặc điểm là nhiều tình tiết thần dị, phi thường, bắt nguồn từ chuyện chí quái thời
Lục triều (222 – 589). Nước Việt ta, từ xưa xa đã có những tác gia lỗi lạc viết truyện
truyền kỳ đậm đà phong vị Việt Nam, như Lê Tánh Tông (thế kỷ XV), Nguyễn Dữ
(thế kỷ XVI). Cuối thế kỷ XVIII, lại xuất hiện Vũ Trinh tài danh được các nhà
nghiên cứu coi ông cùng với Bồ Tùng Linh (của Trung Quốc) là hai tác gia đã đạt
tới đỉnh cao truyện ngắn trung đại Viễn Đông với nội dung đan xen giữa thực và kỳ.
Tới những năm 30 thế kỷ XX, một số nhà văn viết chữ Quốc ngữ theo thi pháp Âu
Tây đã sáng tác những truyện thần dị, lạ lùng về cuộc sống các dân tộc miền thượng
du mà họ gọi là “truyện kỳ dị đường rừng”. Vũ Trinh xưa đã thường ghi ở cuối
truyện của mình địa chỉ của nhân vật, hoặc cho người đọc biết người nào chứng kiến
và kể lại sự việc ấy. Còn Tchya viết Thần hổ (1936), thiên bi kịch kỳ dị, dai dẳng và
đầy khốc liệt về sự thù hận giữa một con hổ dữ được gọi là “hung thần” với gia hệ
Đèo Lầm Khẳng. Lồng trong thiên bi lịch đẫm máu đó còn có chuyện tình của Lầm
Khẳng với một hồn ma (người Mường gọi là “ma Trành”), và nhờ mối tình kỳ dị đó
Lầm Khẳng mới thắng được hổ thần dù phải trả giá bằng một vết thương chí tử…
Cuối truyện, TChya viết: “Nếu sự tự nhiên không xui tôi quen biết Đèo Lầm Khẳng,
tôi làm gì biết được chuyện Thần hổ với chuyện ma Mường?”
Vẻ như Nguyễn Huy Thiệp đã đọc kỹ Vũ Trinh, một tác gia mẫu mực về truyện
ngắn trung đại Viễn Đông, và chắc cũng hứng thú nhiều với “truyện kỳ dị đường
rừng” Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có Thần hổ, nên anh đã học được ngón
nghề “giới thiệu” vai trò “quan trọng” của mình trong một số truyện sử như Vàng
lửa, Phẩm tiết và Kiếm sắc mà chúng tôi đã nhận xét ở trên. Thêm nữa, Nguyễn
Huy Thiệp còn dành tâm sức viết một số truyện khác theo kiểu truyện kỳ dị đường
rừng với bối cảnh cuộc sống những năm anh sống trên đó (1970 – 1980). Chẳng
hạn, Trái tim hổ, kể chuyện chàng Khó đi săn hổ dữ để lấy trái tim hổ chữa bệnh cho
cô Pùa. Nhiều người ở Hua Tát cũng muốn lấy tim hổ với các mục đích khác. Kết
cục, Khó bắn được hổ nhưng lại bị chết bên xác hổ dưới vực sâu, tráí tim hổ thì đã
bị kẻ khác lấy mất! Truyện Tiệc xòe vui nhất kể về nàng Hà Thị E xinh đẹp và đức
hạnh như một món quà mà Then (ông trời) ban cho Hua Tát. Cuộc kén chọn chồng
cho E như là cuộc kén chọn người tài đức nhất thiên hạ, được Nguyễn Huy Thiệp
viết na ná như Hùng Vương thứ mười tám kén chồng cho công chúa Mỵ Nương
trong huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nhân vật chính trong truyện Sói trả thù là
thợ săn Hoàng Văn Nhân có ba bà vợ mà ngoài 50 tuổi mới có được đứa con trai nối
giõi “đẹp như thiên thần”. Tài săn thú của Nhân vang dội khắp các bản mường,
chính ông đã bắn chết sói cái đầu đàn và bắt sói con mang về nuôi trong nhà. Sói


con lớn lên, rồi một hôm, như tiềm thức trỗi dậy trong sói con, nó như điên như dại
cắn chết đứa con nối giõi dòng họ Hoàng Văn Nhân!... Sói trả thù thật ngắn mà đầy
đủ ân, oán một cách kỳ dị!... Và, đến Truyện tình kể trong đêm mưa (TTKTĐM),
Nguyễn Huy Thiệp viết về một nhân vật rất lạ thường, và anh lại mở đầu: “Hồi ở
Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh”. Đọc TTKTĐM, chúng tôi
thấy nó na ná truyện kỳ dị đường rừng xưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đem đặt vào
bối cảnh đời sống cuối thế kỷ XX. Bạc Kỳ Sinh trong nghiệp buôn lậu thuốc phiện
xuyên biên giới, từ cách thoát khỏi cuộc truy lùng của công an biên phòng đến cuộc
tình với Muôn - cô gái đẹp nhất Mường Vài, và qua cuộc ganh đua với tình địch là
đồn trưởng đồn biên phòng Lò Văn Ngân… đều tỏ rõ một cá tính mạnh đến mức
hoang dã và hành tung có phần kỳ dị, lạ lùng của một siêu nhân. Hơn nữa, Nguyễn
Huy Thiệp còn đưa Bạc Kỳ Sinh vào đời sống đương đại: Buôn lậu xuyên biên giới
Trung Quốc, Lào, Thái Lan, rồi sang định cư ở Mỹ, (để cho lô-gich) với chi tiết nhà
văn đi Mỹ thì gặp Bạc Kỳ Sinh ở New York “nơi vẫn tụ tập khá nhiều nhà thơ và
nghệ sĩ” - chữ của Nguyễn Huy Thiệp - Bạc Kỳ Sinh “chơi đàn ghi-ta rất diệu nghệ”
và “hát những bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt”. Câu chữ đoạn kết TTKTĐM
Nguyễn Huy Thiệp viết ở Mỹ lại gợi lên không gian đường rừng: “Đêm ấy ở New
York trời mưa rất to, mưa như ở vùng rừng Tây Bắc Việt Nam…tưởng như không
thôi, tưởng như không bao giờ hết được”. Vâng, một cái kết câu chuyện nhiều tình
tiết diễn ra cả trong nước cả trên trường quốc tế, mà Nguyễn Huy Thiệp viết mùi
mẫn như một bản tân cổ giao duyên vậy. Cũng xin nói thêm rằng, đọc truyện đường
rừng của các nhà văn viết những năm ba mươi thế kỷ XX, sau những tình tiết kỳ dị,
độc giả vẫn thấy căm ghét cái xấu, cái ác và bùi ngùi thương cảm khi cái đẹp, cái
thiện bị dập vùi. Còn với cái kết TTKTĐM, Bạc Kỳ Sinh chơi ghi-ta rất diệu nghệ,
hát tiếng Anh và tiếng Việt ở New York - chi tiết đó cho thấy cách tạo dựng nhân
vật của nhà văn có phần nhuốm màu hư vô, hoang đường!
3. Đời sống phố phường trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp còn có một sở trường thứ ba nữa, là khai thác sâu vào đời
sống xã hội nơi phố phường sau chiến tranh. Truyện đầu tiên anh thể hiện sở trường
thứ ba là Tướng về hưu, ngay sau khi đăng báo Văn Nghệ (năm 1987) lại được các
nhà lý luận phê bình coi là một thành công về sự đổi mới văn học! Tuy nhiên, thực
tế đã cho thấy trước đó mươi năm, qua tiểu luận Trang giấy trước đèn (1976) và tiểu
thuyết Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1982), nhà văn Nguyễn Minh Châu
đã nêu vấn đề: Sau chiến tranh ta không chỉ phải khôi phục lại những thành phố,
thôn làng bị tàn phá mà còn phải khôi phục lại phẩm cách con người đã bị những
tình cảnh ngặt nghèo mấy chục năm giặc dã làm cho phần nào bị méo mó đi. Cả
những vấn đề có tính bi kịch mà trước đây văn học Hiện thực xã hội chủ nghĩa né
tránh cũng đã được đưa vào văn chương ta, như năm 1982, Ma Văn Kháng đã cho
xuất bản Mưa mùa hạ, thiên bi kịch của một kỹ sư thủy lợi. Rồi Bảo Ninh có Nỗi
buồn chiến tranh, Lê Lựu có Thời xa vắng, và Hồ Anh Thái còn rất trẻ đã có Người
đàn bà trên đảo… Những nhà văn đó đã đem đến cho văn chương Việt Nam ta sức
cuốn hút mới bởi họ đã nhận thức lại, nhận thức thêm về đời sống xã hội và kiến
giải nó bằng tri thức rất nhân bản.
Tới năm 1987 Nguyễn Huy Thiệp mới có Tướng về hưu; thêm vài năm nữa nhà
văn lão thành Tô Hoài mới viết Ba người khác, và hai nhà văn này còn có kỹ năng
văn chương thâm sâu hơn là tạo ấn tượng mạnh cho độc giả bởi sự soi mói trong


cách nhìn nhận lại quá khứ. Đó là cá tính văn chương của mỗi nhà văn, nhất là
Nguyễn Huy Thiệp, một văn tài có phần cá biệt so với các nhà văn đương thời.
Truyện Tướng về hưu xoay quanh bi kịch của người lính chiến trở về sau chiến
tranh. Những khác biệt trong nếp sống giữa một người cả đời chỉ biết chinh chiến
với con trai và con dâu đã bắt đầu sống theo kinh tế thị trường, khiến những khúc
mắc trong gia đình mỗi ngày một thêm khó giải tỏa. Cuối truyện, vị tướng già lựa
chọn việc trở về đơn vị cũ với đồng đội, và rồi ông qua đời khi chưa thể hòa nhập
được với cuộc sống con, cháu! Nguyễn Huy Thiệp muốn lên án cái xấu trong đời
sống đô thị, nhưng với nhân sinh quan cá biệt, anh đã tạo nên các nhân vật ở thành
phố chả ra thể thống gì, như nhận định của Châu Hồng Thủy, trong tiểu luận Về đích
sớm (viết tháng 12/2000): “Họ sống nhốn nháo, đểu giả, bị đồng tiền làm hỏng, suy
đồi về đạo đức”. Chẳng hạn nhân vật bác sĩ Thủy ở bệnh viện sản chuyên nạo thai
đem về nấu để nuôi lợn và cho chó bẹc-giê (truyện Tướng về hưu). Vốn thích soi
mói những sự đời khác lạ trong xã hội, tới truyện Không có vua, cá tính đó của
Nguyễn Huy Thiệp còn đậm đặc hơn: Cả gia đình lão Kiền sống nhốn nháo như một
xã hội vô pháp vô thiên, lộn đô lộn đáo, bố chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng
làm việc ở Bộ Giáo dục đòi “chim chuột” chị dâu, con trai út thì bệnh thần kinh, teo
tóp dị dạng... Chuyện về các nhân vật đó nhà văn viết với giọng văn tỉnh bơ, đọc
thấy ghê ghê. Vậy nên truyện Nguyễn Huy Thiệp chỉ gây ấn tượng bằng cách nhìn
đời khác lạ chứ không tạo được nhân vật điển hình. Giọt máu là tác phẩm có yếu tố
truyện sử, kể về dòng họ Phạm ở Kẻ Noi (ngoại ô Hà Nội - Anh Chi chú) nhiều đời
cày cuốc mà nên giàu có. Tới “nửa đầu thế kỷ trước” - chữ của Nguyên Huy Thiệp -
ông Phạm Ngọc Liên bắt đầu muốn họ Phạm phát đạt theo con đường văn bút, nên
cho con, cháu ăn học để vinh thân sánh vai với sĩ tử thiên hạ. Từ đó, gần một thế kỷ
bon chen danh lợi, họ Phạm cũng có người được làm quan huyện, rồi làm cả báo
chí, xuất bản… nhưng người họ Phạm trở nên đầy mưu mô, thủ đoạn nhằm giành
giật từ tài sản đến vợ con của các đối thủ. Kết cục, tai họa không phải do chữ nghĩa
hay cày cuốc mà là sấm sét trên trời giáng xuống, khiến dòng họ Phạm tuyệt diệt.
Giọt máu dài như một thiên tiểu thuyết luận đề pha yếu tố kinh dị cho hấp dẫn,
nhưng các nhân vật mờ nhạt về cá tính, những thăng trầm đời sống chủ yếu được kể
lể như ước lệ. Do vậy, tính luận đề chỉ được lý giải chung chung như kiểu chuyện cổ
về chủ đề ác giả ác báo. Âu, đó cũng bởi cá tính văn chương Nguyễn Huy Thiệp nó
vậy. Về cá tính văn chương Nguyễn Huy Thiệp, thưa bạn đọc, đến truyện Huyền
thoại phố phường, cũng đăng Văn nghệ năm 1987, chúng tôi thấy nó cá biệt đến
mức không biết nên gọi cách sáng tác của anh là “viết lại” hay là “viết theo” tác
phẩm Con đầm pích của Alexander Pushkin? Sự thể xin tóm tắt thế này:
Nhân vật chính của A. Pushkin trong Con đầm pích là German, sĩ quan công
binh sống cần kiệm, quyết không động đến vốn liếng nhỏ người cha để lại, đã từng
ngồi thâu đêm bên chiếu bạc, nhưng chưa một lần động đến quân bài. Một hôm
German nghe tay sĩ quan Tomsky kể câu chuyện về bí quyết ba quân bài bảy mươi
năm trước đã giúp bà anh ta, một nữ bá tước đã thắng ba canh bạc lớn. Lợi dụng tình
cảm của Lizaveta, cô gái bất hạnh con nuôi bà bá tước, German đột nhập vào phòng
bà ta cầu xin bí quyết của ba quân bài. Bà bá tước sợ hãi quá đã đột tử. Ba ngày sau,
German đến đám tang bà bá tước và kinh hoàng thấy xác chết nháy mắt diễu cợt
mình. Tối hôm đó dường như hồn ma bà bá tước hiện về cho anh bí quyết ba quân
bài với điều kiện sau ba ván thắng anh sẽ không được chơi bài nữa và phải chăm lo


cho Lizaveta. German tập trung mọi vốn liếng để chơi ba ván bài “long trời lở đất”.
Hai ván đầu với quân 3 và quân 7, German thắng. Ván thứ ba, German đinh ninh
trong tay mình với quân Xì (A) hóa ra là quân đầm pích (Qa), hình vẽ trên quân bài
“giống bà bá tước mội cách kỳ dị” và “cũng nháy mắt diễu cợt” anh ta. German thua
sạch và hóa điên. Còn nhân vật chính của Nguyễn Huy Thiệp trong Huyền thoại phố
phường, là Hạnh, từ tuổi mười tám đã xây dựng cho mình nếp sống khắc kỷ. “Dè
xẻn, tiết kiệm từng đồng hào một - đấy là điều Hạnh luôn phải nhắc mình”. Do tình
cờ một người bạn có hai tờ vé xổ số đã cho Hạnh một tờ và cho Thoa con gái bà
Thiều một tờ. Khi biết bà Thiều chi phí rất nhiều tiền trong việc đem tờ vé số của
Thoa lên các đền, chùa cầu xin thần phật phù hộ cho được trúng số độc đắc, Hạnh
đã tin rằng tờ vé số của Thoa “sẽ trúng độc đắc mất thôi!”. Lợi dụng sự cảm tình của
bà Thiều và Thoa, Hạnh đến nhà bà Thiều với quyết tâm đổi kỳ được tờ vé số của
mình để lấy vé số của Thoa. Bà Thiều ở nhà một mình, Hạnh nghĩ “phải lập tức trở
thành tình nhân của mụ bằng mọi giá”. Truyện diễn biến nhanh. Hạnh đè lên bà
Thiều ngay trên ghế đi-văng. Thoa về đột ngột, run bần bật, “hấp tấp mở ví xách tay,
chiếc vé số của cô rơi ngay xuống đất, Hạnh lấy tờ vé số đó và ném tờ vé số của
mình cho bà Thiều… Buổi chiều hôm đó, chiếc vé số của Hạnh ném trả bà Thiều
trúng giải độc đắc. Hạnh đã phát điên.
4. Dư vang về “luồng gió lạ”
Khi Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện trên văn đàn, nhà lý luận phê bình văn
học danh tiếng Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định: “Nguyễn Huy Thiệp đã thổi vào
nền văn xuôi Việt Nam một luồng gió lạ mới mẻ, hấp dẫn, có nhiều ý kiến khen chê
khác nhau thậm chí đối lập gay gắt”. Luồng gió lạ ấy là các truyện sử, truyện lạ
thường ở miền thượng du và những truyện về đời sống xã hội ở phố phường mà
chúng tôi nói tới ở trên. Nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng ghi nhận: “Chỉ
trong hai năm 1987 - 1989 đã có khoảng bảy mươi bài viết về văn chương Nguyễn
Huy Thiệp”. Như vậy có thể nói, chỉ với những truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp
xuất hiện đột ngột và thành danh trên văn đàn cũng thật đột ngột!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ dăm, bảy năm sau Nguyễn Huy Thiệp không
còn cho ra đời được những truyện ngắn như thế nữa. Anh đã chuyển sang viết tiểu
thuyết, như Tuổi hai mươi yêu dấu, cũng dược dịch in ở Pháp, nhưng chúng tôi đồng
thuận với nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “…cuốn sách ấy ông Thiệp đã tự
đẩy mình xuống những cây viết nghiệp dư” (trích Ngẫu hứng qua mây gió - Văn
nghệ Quân đội sô 496 năm 2004). Nguyễn Huy Thiệp còn viết kịch bản chèo Vong
bướm; rồi viết Giăng lưới bắt chim, tạp văn, tiểu luận về văn chương, về văn hóa,
bàn cả về triêt học, đời và đạo, xuất thế và nhập thế… Những tác phẩm đó lại lập
tức tạo nên những tranh luận mang tính đôi co, có lúc gay gắt, về thái độ nhìn nhận
đời sống văn học chứ không tạo nên giá trị gì cho văn học. Chúng tôi cho rằng,
Nguyễn Huy Thiệp chỉ thực sự tạo được dư luận văn chương bằng những truyện
ngắn anh viết dăm năm đầu đời văn của mình. Và, khách quan mà nói thì, chính
không khí hồ hởi nhập cuộc đổi mới của đông đảo các nhà văn lúc ấy đã kích hoạt
khiến Nguyễn Huy Thiệp viết những truyện từ “nguồn vốn” của anh (như chúng tôi
nhìn nhận ở đầu tiểu luận này). Đó là sự gặp thời, rồi với tính cách cá biệt, ngôn ngữ
phát tiết, thăng hoa, nên Nguyễn Huy Thiệp cũng đã góp phần đổi mới nền văn xuôi,
như “một luồng gió lạ”. Việc ấy đích thực là thành công của anh! Và với thành tích
như vậy, ngày Nguyễn Huy Thiệp từ biệt cõi tạm (20/3/2021), đời sống văn chương


Việt Nam thực sự trào dâng nỗi thương tiếc Nguyễn Huy Thiệp, thật nhiều bạn văn
chương lại nhắc nhớ những giá trị anh đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Nguyên Ngọc có bài viết Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng lạ. Lã Nguyên có bài
Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học. Nhiều tác gia nữa ghi nhận:
“Nguyễn Huy Thiệp như những ngọn gió”; “Nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp”; “Hiện tượng độc đáo của văn đàn giai đoạn đổi mới”... Nói chung là xúc
cảm thương tiếc tự hào trào dâng, đến mức đại diện Hội Nhà văn Nguyễn Quang
Thiều bày tỏ: “Họ hỏi tôi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có danh hiệu gì?... tôi trả lời:
Văn chương của anh ấy cao hơn mọi danh hiệu”(!)
Nhiều năm trước, bản thân chúng tôi đã nhận biết, những truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp là một đóng góp khác lạ cho văn học thời kỳ Việt Nam ta đổi mới và hội
nhập với thế giới. Chúng tôi cũng quan tâm đến những cuộc trao đổi, tranh luận về
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của các bạn văn trong nước và cả ở nước ngoài. Có
lần trao đổi với nhà văn Hoàng Minh Tường, chúng tôi nêu vấn đề: người ta so sánh
Nguyễn Huy Thiệp với Nam Cao có ổn không? Hoàng Minh Tường không chỉ trả
lời miệng mà sau đó đã viết bài Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn phùng thời, ngắn thôi,
nhưng nhìn nhận thân tình và thẳng thắn: “Nguyễn Huy Thiệp để lại nhiều tác phầm
hay, song không để lại được nhân vật nào. Văn Nam Cao là văn xuất thế. Chỉ riêng
nhân vật Chí Phèo và chi tiết cái lò gạch cũ đã vẽ ra cả một cõi luân hồi… xuất thế ở
chỗ đó và đến đạo cũng ở chỗ đó. Nếu có so sánh, thì hãy so sánh Nguyễn Huy
Thiệp với chính… Chí Phèo, ở cái khoản chửi cả làng Vũ Đại mà cả làng ai cũng
nghĩ chắc nó trừ mình ra. Chớ có so sánh với Nam Cao!”
Vâng, chính vì những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn để lại dư vang mạnh
đến như thế, nên chúng tôi viết thiên tiểu luận này góp thêm ý kiến luận giải về cách
“Nguyễn Huy Thiệp đã thổi vào nền văn xuôi Việt Nam một luồng gió lạ mới mẻ,
hấp dẫn”. Thưa thực với bạn đọc và giới quan tâm, sau khi luận về những truyện sử,
những truyện miền thượng du và các truyện đời sống ở phố phường…chúng tôi vẫn
chưa biết gọi xác đáng cách Nguyễn Huy Thiệp sáng tác Huyền Thoại phố phường
là “viết lại” hay “viết theo” Con đầm pích của thi hào Nga vĩ đại Alexander Pushkin
đã tạo nên từ năm 1833!

Thanh Am, Long Biên tháng 1/2024.

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét