Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

NHỮNG NGỌN NẾN KÝ ỨC TRONG THƠ

 NHỮNG NGỌN NẾN KÝ ỨC TRONG THƠ

                                                LÊ THÀNH NGHỊ

nh_n.t.mai_1

           NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Một ngày nào đã khá lâu, trên đường từ Yên Lạc qua phà sông Hồng sang bên kia Đan Phượng, tự nhiên cây gạo ngàn đời/ Hiện lên cháy đỏ khoảng trời ta đi  (Nguyễn Thị Mai). Đó cũng là lúc tình cờ nghe được bài hát Chiều nắng, nhạc Nguyễn Đình San, lời thơ của Nguyễn Thị Mai, nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa trình bày. Tôi nhớ hình như là một ngày tháng ba, sương mù âm u, trên ngọn cây già, bập bùng như lửa những bông hoa gạo đỏ thắm, to bằng nắm tay, tựa muôn ngàn ngọn nến trong ngôi nhà thờ cổ, cháy trong yên lặng. Ca từ giản dị, giai điệu mượt mà, tình tứ, trong thời khắc ấy, tâm hồn trở nên thư thái, trí tưởng tượng trở nên thoáng đãng, như thể một thoáng trần gian nhẹ nhõm vừa lướt qua trước mặt:

          Không có mây để nhớ

Không có mưa để buồn

Chiều chia tay rất nắng

Nón em chừng ngiêng hơn

 

…Cái thời hoa gạo cháy

Xa mãi rồi người ơi!

 

…Dòng sông vẫn lướt trôi

Bến bờ không theo được

Bàn chân rồi dừng bước

Nhưng mắt lòng em đi

                             (Chiều chia tay – Thời hoa gạo cháy)

Cái thời hoa gạo cháy trong bài thơ đã thuộc về quá vãng, đã là xa mãi nhưng vệt bỏng của ký ức thì hình như còn y nguyên trong buổi chiều chia tay rất nắng kia, vì thế, nhịp thơ có gì đó trở nên thao thiết, tâm trạng có gì đó dường như bất định, không làm chủ được. Câu thơ Bàn chân rồi dừng bước/ Nhưng mắt lòng em đi nói lên điều đó, và cũng nói lên tâm thế của thế hệ Nguyễn Thị Mai: mọi việc không dễ dàng bày tỏ, cái vẻ bên ngoài thường chưa nói lên điều gì cái tình tứ trong tâm hồn như một nét phương Đông nữ tính. Thời a còng không thịnh hành cách diễn đạt như vậy ngoài đời cũng như trong thơ nữa. Trái lại, mọi việc đi đến mục đích mau lẹ, và xóa đi cũng mau lẹ, không để lại chút dư âm, ngập ngừng, quảng lặng đắn đo nào, như cái delete góc bàn phím, lạnh lùng không một tiếng động của tâm tư.

Dịu nhẹ, tình tứ…là đặc điểm trữ tình của thơ Nguyễn Thị Mai. Chị nghiêng về phía dịu dàng, thích sự tinh tế, tế nhị, pha một chút hài nhẹ, chị không hợp với những gam “mạnh” chói gắt, gân guốc của tâm trạng, như mỉa mai, căm phẫn…Chị thích đem đến cho người đọc một lời nói đẹp, một lời yêu thương, một lời khi đọc lên có thể nghe được cái thổn thức, xốn xang…rất dễ đồng cảm, lan tỏa.

Để tìm đến một lối nói tình tứ, khi cần đưa đẩy, thơ chị sẽ không ngại mượn một chút “hơi” của ca dao để đưa đẩy, kiểu như:

          Người thương người ấy bao nhiêu

          Mà thương mình chỉ những điều xót xa

                                      (Người ơi giữ lấy phận mình)

          Ngày xưa ơi, ngày xưa ơi

          Ngày xưa trong trắng tuyệt vời…tin không?

                                      (Xóm đạo của tôi)

Khi cần một chút “hơi” cổ phong, ngôn từ thơ chị vẫn đủ độ “mờ ảo” sau những “đăng đối”, khuôn phép:

          Thực ra lộc biếc ngày em đến

          Phút giây tan chảy nhựa lên cành

          Em về đào quất miên man phố

          Thi tứ bộn bề ở lại anh

                                      (Khai bút giao thừa)

Khi cần một chút dịu dàng của nhịp năm chữ, ngôn ngữ thơ chị vẫn bay:

          Hồn ngược miền cỏ lau

          Nơi mình không ở được

          Thì để tình

                             Thương nhau

                                      (Chiều nghẽn gió)

           

Thơ trữ tình là nơi ghi dấu những ký ức của tâm hồn. Trong thơ Nguyễn Thị Mai ký ức phong phú, thường là những xúc cảm sâu kín như là một biểu hiện của cách sống luôn quan sát, luôn muốn ghi nhớ và ghi dấu những xúc động riêng tư của chị. Sống hời hợt có thể là lối “sống khỏe” của ai đó, của lớp người nào đó trong xã hội, nhưng tuyệt nhiên không phải lối sống của giới cầm bút, những người mà Thúy Vân gọi là “dư nước mắt”. Nhưng nếu khác đi thì cũng chẳng có văn chương nghệ thuật. Người làm thơ có thể “khác người” vì cứ lưu giữ mãi cái điều mà người đời đã quên từ lâu, vì nuối tiếc và cảm thấy trống vắng trong tâm hồn như một thoáng “hương hoa lý” đã không còn hiện hữu:

Nhà bên đã chuyển giàn hoa lụi

Chói chang sân nắng mỗi lần qua

Em hay mặc áo màu hoa lý

Để tiếc một thời hương bên ta

                             (Hoa lý nhà bên – Thời hoa gạo cháy)

Một ngày như mọi ngày, cuộc đời có trăm ngàn cuộc chia tay. Với Nguyễn Thị Mai đây là một cuộc chia tay với lời hẹn không thành. Buổi chiều ấy mắc nợ chị một lời hẹn, cho nên mới có những ngày không yên: Mưa tháng bảy dằng dai/ Cồn cào cơn lũ muộn:

          Cái ngày em đi xa

          Sông Đà đang lũ cuối

         

          …Bài thơ để tâm tình

          Câu hẹn lên với núi

          Lời chia tay ngắn ngủi

          Cũng không.

                             Rồi em đi

                             ( Nhắn người đợi ở đầu sông – THGC)

          Bạn có nhận thấy cái khác thường trong câu thơ cuối của đoạn trích không? Một nhịp ngắt đột ngột: Cũng không. Và một cuộc ra đi không mấy toại nguyện, có gì như thoáng buồn tủi: Rồi em đi, như nghe được cả tiếng thở dài kín đáo trong tâm tư “người đi”Người đi “thà coi như chiếc lá bay, thà coi như là hạt bụi, thà coi như hơi rượu say” (TT) còn có thể được khỏa lấp nỗi buồn, người đi trong thơ Nguyễn Thị Mai thì mang trong tâm trạng những thứ làm day dứt không yên:

                   …Cơn mưa và lời hẹn

                   Theo suốt tháng năm dài

                             ( Nhắn người đợi ở đầu sông)

                   Lời hẹn rơi xuống cỏ

                   Nhặt làm sao cho đầy

                             (Mình em với gió)

          “Cơn mưa” thì rồi có thể gặp lại, nhưng “lời hẹn” qua rồi thì mãi mãi chỉ còn là ký ức. Đấy, thơ trữ tình “len” cả vào những nơi không ai nhìn thấy được, những góc mờ khuất của nỗi buồn, riêng tư đấy mà cũng quen thuộc đấy, như thể những câu thơ kia đang muốn can dự vào ký ức của chính chúng ta vậy.

          Trong thơ Nguyễn Thị Mai có một mảng sâu đậm là những ký ức về người thân, như gợi lên, như đi kèm với những vui buồn, cả những mất mát mà mỗi con người sống trên đời không ai thoát khỏi. Đây là những câu thơ về người cha: Bây giờ bờ bến thiên di/ Cha giờ tên tuổi khắc ghi ngoài đồng (Lời thì thầm với cha). Đây là ký ức ngày mất của mẹ:

                   Chắc người nhắm mắt chưa nguôi

                   Cảnh đàn con khóc đứng ngồi lô nhô

                   Một nhà trắng những khăn xô

                   Dải khăn em út bấy giờ chấm chân

                   Bấy giờ đang cuối mùa xuân

                   Hoa xoan lã chã từ sân ra vườn

                   Nhà còn bơ gạo cẩm hương

                   Và bơ nữa thổi bát cơm trứng gà

                   Gia tài lúc mẹ đi xa

                   Đôi quang đứt giải, căn nhà dột mưa

                                      (Nỗi niềm ngày giỗ mẹ - Tầm xuân mắt biếc)

          Câu thơ gây sự chú ý nhất trong đoạn trích: Hoa xoan lã chã từ sân đến vườn. Cụm từ độc đáo nhất: hoa xoan lã chã. “Lã chã” là từ cụ tượng hữu cảm vì nó chứa trạng thái sự vật vừa chứa trạng thái tâm hồn của tác giả. Đây chính là lối diễn đạt “thi vị” thường thấy trong thơ trữ tình. Sự chặt chẽ logic có thể mang đến sự thú vị, nhưng cái khoáng đạt phi logic sẽ tạo nên thi vị. Ngày nào chị viết: Giọt lòng lã chã…(Đêm phù vân), Câu thơ lã chã…( Khóc người cùng giải văn chương) là viết với logic thông thường. Ở đây Nguyễn Thị Mai viết Hoa xoan lã chã…có vẻ như phi logic, kỳ thực chị đang “nhân hóa” cảnh vật, “mềm hóa” câu thơ để nói lên “nỗi niềm” của một ngày buồn, của một cảnh nghèo, mà chị muốn diễn đạt bằng thơ. Một đôi lần Nguyễn Thị Mai có nói về mùa “hoa xoan” gắn với những kỷ niệm xót xa của chị: Nhà quê còn chút mẹ già/ Đêm thâu thức giấc canh gà ho khan…/ Vườn quê còn rặng xoan gầy/ Lá rơi xót đất, hoa bay trắng trời (Bài thơ viết trước ngày mẹ mất). “Rặng xoan gầy” thì vẫn thế, nhưng khi tác giả viết “lá rơi xót đất” thì không còn thế, mà là rặng xoan của nỗi đau! Câu thơ đang làm sống lại những xúc động đã qua. Một đôi lần chị viết về “hoa cau” bình dị quê nhà, có điều hoa ấy gắn liền với ký ức: Bên hiên thong thả người ngồi/ Hoa cau trắng, hoa cau rơi, nhẹ nhàng…Bởi vì, với chị nỗi đau như vẫn còn nguyên:

                   Nhưng rồi hình bóng về xa khuất

                   Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu

                   Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh

                   Con đặt tay vào ngón buốt đau

Ngón buốt đau, là cái đau cụ thể, thời khắc, còn  sự “xa khuất” là cái đau muôn thuở: Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám vào ( Qua hàng trầu vỏ). Người nông cạn thì không có những khoảnh khắc tâm trạng này. Nguyễn Thị Mai thường hay “báo trước” tâm trạng của mình như vậy. Chẳng hạn chị viết: Con đường ấy giờ không dám đi/ Ta sợ lắm tiếng còi tàu tiễn biệt (Lời buồn cho lá)… “Không dám vào”, “không dám đi”, “ta sợ lắm” là những ẩn dụ của trạng thái tâm hồn người viết, mà nếu diễn đạt bằng văn xuôi sẽ phải rất dài. Tuy trong những câu thơ này không hề có sự sầu muộn, cũng không hề hiện diện những trạng ngữ thương, nhớ…mà sao đọc lên tự dưng nhói đau, bởi vì riêng tư của một người hình như đang đánh thức cái nỗi niềm chung của mọi người, thì phải?

Có khi ký ức là một cảm giác về thời gian trong không gian của những âm thanh quen thuộc: Thôi thế là mùa xuân ấy qua nhanh/ Tu hú gọi nôn nao ngoài bãi vải (Linh cảm). Có khi là một chút bối rối trong sâu xa tiềm thức: Ngõ nhà em hoa muồng vàng bối rối/ Để suốt đời linh cảm có anh qua (Chiều chia tay – Thời hoa gạo cháy). Có khi ký ức là như là chút nhớ nhung thầm kín: Ngồi một mình tĩnh lặng với không gian/ Lòng nhớ Mai Châu trăng mờ phố núi/ Tiếng đàn ai vọng về như tiếng gọi/ Em trinh nguyên tóc thả xuống vai gầy (Nhớ một tiếng đàn). Những cụm từ hữu cảm như: “mùa xuân ấy qua nhanh”, “tu hú gọi nôn nao”, “Hoa muồng vàng bối rối”, “tĩnh lặng với không gian”, “trăng mờ phố núi”, “tóc thả xuống vai gầy”…vừa chứa đựng màu sắc, âm thanh vừa chứa đựng cảm giác về màu sắc, âm thanh đó.

 Ký ức có khi là một trạng thái xốn xang lẫn lộn hiện tại và quá khứ, buồn và vui, không còn nhiều khát khao, nhưng chưa hẳn đã nguôi quên, chưa hề đã buông bỏ, chưa hề “tĩnh lặng”:

          Có gì chưa đến, có gì xa xôi

          Chớp mắt tuổi đi, bỏ rằm trăng khuyết

          Mới đấy ngày xưa giờ đã qua rồi

          Gót son một thời…buồn thương da diết

 

          …Đường về mùa trăng em trôi trong hoa

          Bỏ đôi bờ xa sông dài cát trắng

          Trái tim đa đoan làm sao yên lặng

                                      (Lối trăng em về)

Ký ức có khi là nỗi xót xa về một cuộc chia tay với những “câu hỏi không lời đáp” muôn thuở của tuổi tóc thề, cho đến khi năm tháng càng đi qua, nỗi day dứt càng lớn dậy, trở nên ám ảnh: Còn nguyên bụi sim năm ấy/ Vẫn chờ tôi dốc đồi Gàng/ Tím ngát như ngày đưa tiễn/ Lặng thầm giữa tuối xuân sang…/Thế mà không sao trở lại/ Mắt cay bụi đỏ gió đồi/ Hay tại một người đi mãi/ Chẳng về sông Lục cùng tôi ( Tự vấn). Ký ức có thể là những gì còn lại, những gì không xóa nổi sau sự từng trải: Em xa anh đã ngàn dặm, trăm miền/ Đã gặp bão, gặp đầm lầy, thác lũ/ Cánh tầm xuân ép khô vào trong sổ/ Suốt cuộc đời không xóa nổi lời hoa (Tản mạn với tầm xuân). Ký ức cũng có thể là những vướng mắc trong tâm tư, thấy cuộc đời trở nên như phù vân trước mặt, dường như đã qua những trống trải, đau buồn, đã vơi hao đi cái mê mải thuở Nón em chừng nghiêng hơn, đã nhuốm màu chán chường, (chẳng ham, chẳng cần), đã tới nơi thấu hiểu lẽ vô thường: Mà khi đau buồn, đời tênh như mây/ Trống rỗng tháng ngày, lội trăng nghịch cát/ Mình như câu hát nốt trầm thâm u/ Dội vào hoang vu, giọt lòng lã chã…/ Mùa đi tong tả, tâm tư héo sầu/ Bước trong đêm sâu thấy mình thừa thải/ Tình thôi mê mải, chẳng ham chẳng cần/ Vô cảm trăng ngần…ơi đêm phù vân (Đêm phù vân); Anh là lãng đãng phù vân/ Mải mê với những xa gần thấp cao (Anh và em). Rồi đến một lần:  Cát đã xóa dấu chân trần một thuở/ Sóng đã ra biển lớn lâu rồi (Vùng than – tâm tình ngày trở lai). Rồi đến một ngày sau rất nhiều từng trải, sau tất cả buồn vui, sướng khổ, khi Cõi người cơ khổ bể dâu đã nhiều (Gửi ai giận dỗi), khi Bảy sắc ảo huyền vỡ vụn, hư không (Trước cầu vồng), khi nhận ra cái phù vân của kiếp nhân sinh, mỗi con người sẽ đến với chính mình như một sự  “vỡ nhẽ”, như  một sự tự thanh lọc, tự lựa chọn, như một sự yên tĩnh tâm tư sau những bất an, như một sự lắng đọng sau những trôi chảy, như một sự chưng cất, gạn lọc sau những xốn xang: Thôi mình giữ sạch lương tâm/ Hóa bùn thành sen thơm ngát (Ở lành).

Một miền ký ức chất chứa, một trái tim nhạy cảm, một khả năng diễn đạt tình tứ, lẽ tự nhiên Nguyễn Thị Mai thường đến với thể lục bát như một sự lựa chọn để biểu hiện tâm trạng của mình. Khá nhiều lần mạch thơ đang rất “tự do” đột nhiên như thể ngôn từ đã lấp ló đâu đó sau ngòi bút của chị, bài thơ chuyển sang thể sáu tám mau lẹ, làm thay đổi trạng thái tiếp nhận của người đọc, mà vẫn không gây “cộm”. Chẳng hạn như ở các bài: Tạ ơn mắm – đước, Ngân hàng phúc đức, Ý nghĩ lúc đêm về sáng, Xóm đạo của tôi, Chiều nay trước biển… Ở Nguyễn Thị Mai, thơ lục bát đôi khi như thể thuộc về nếp quen của ngòi bút, hay chí ít là mỗi khi chị có ý định viết, kho từ vựng từ đâu đó trong vốn đọc của chị bắt đầu được kích hoạt, và câu “lục” hiện ra như một “định mệnh” quy định luôn cái nhịp, cái hơi, cái vần của câu “bát”, của toàn bài. Chính điều này đã buộc chị phải đối diện với nhiều thử thách, như có lần chị nói kê bằng được ý thì vênh mất lời (Lục bát – Em và anh). Ai làm thơ đều phải biết những “cái bẫy” ngôn từ giăng sẵn trong tâm thức, đặc biệt thể loại lục bát. Chẳng hạn khi ta cầm bút định viết về mùa hạ lập tức những phượng hồng, sen biếc, tu hú, ve sầu, cát trắng, gió Lào…vây bủa, chen lấn tâm tư ta như một “mặc định” vô thức, làm “giao diện” của thi cảm có thể bị thu hẹp lại, sáng tạo ngôn từ trở nên vướng víu. Thơ lục bát không những phải vượt qua những “bẫy ngôn từ” ấy, mà còn bị khống chế bởi luật, bị “giám sát” bởi vần, bị ràng buộc bởi nhịp, lại phải đôi khi thoát ra khỏi cái “thực”…để tạo độ ảo, độ bay nữa. Nó là “hồn quê” dân dã đậm chất trữ tình nên dễ sa vào xưa cũ, sướt mướt, duy tình. Nó gần với lời ăn tiếng nói của người lao động (ca dao, dân ca) nên sự chân thực dễ đem đến sự suồng sã, nó thuận với phương thức truyền miệng của các cụ ta ngày trước nên sự mượt mà dễ cuốn theo lối lan man diễn ca…Bởi vậy, như người ta vẫn nói, thơ lục bát dễ làm, khó hay…không phải là không có lý. Trong thơ lục bát của Nguyễn Thị Mai có cả những ưu điểm bởi nét riêng biệt của ngòi bút, lẫn những gì không phải là thế mạnh của thể loại.

Nét riêng của ngòi bút Nguyễn Thị Mai là lối diễn đạt tình tứ, trôi chảy, với những ngôn từ đằm thắm ảnh hưởng từ ca dao dân ca, gần với “hồn quê” bình dị, gần với lời ăn tiếng nói trên đồng bãi, trong xóm mạc, dưới những nếp nhà gianh, những miền đất thân thuộc. Một chút buồn vắng: Nhà không có bố buồn sao/ Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn…/Ngày đông gió bấc mưa dầm/ Đậy che mái dột, âm thầm mẹ con (Nhà không có bố). Một chút ngẫm ngợi thân phận: Là viên ngói cũ đầu đình/ Vô tư mưa xối, vô tình mây qua (Anh và em). Một thoáng nhớ nhung: Người về Cần Giuộc hay chưa/ Chợ còn đông chợ hay thưa tiếng cười (Gửi người miền hạ), Người thương người ấy bao nhiêu/ Mà thương mình chỉ những điều xót xa (Người ơi, giữ lấy phận mình). Một cuộc chia ly: Vội gì mà phải đi ngay/ Cứ như được gọi đổi thay phận buồn/ Hồn bay trên cánh chuồn chuồn/ Chiều đông sông Lục ngược nguồn về đâu? (Khóc người cùng giải văn chương)…

Kể cả những đề tài có vẻ cần một chút hiện đại, cần một chút thời sự, cần một chút gấp gáp…, chứ không riêng gì những đề tài đã “lắng đọng” ở tầng sâu của tâm tư. Thơ lục bát của Nguyễn Thị Mai có nét khỏe khoắn kề bên cái dịu nhẹ truyền thống, có sức cân chở sự việc vượt trội. Chị tinh nhạy nghe được những âm thanh của tâm hồn, bên cạnh những âm thanh thực dụng chát chúa của cuộc sống:

          Buồn nghe cưa xẻ ầm ầm

          Trong cây có tiếng khóc thầm của ve

          …Buồn thương gốc ấy ngày xưa

          Có bao đôi lứa trú mưa thầm thì

                                      (Hồn cây)

Nạn đốn hạ cây xanh vô tội vạ trên đường Nguyễn Trãi, cũng như các đường phố Hà Nội, một thời gây bão mạng xã hội đã được Nguyễn Thị Mai “lên án” theo cách riêng của chị. Cái khác biệt trong trạng thái của “những kẻ chặt cây” và trạng thái của người làm thơ nói lên sự khác biệt trong phẩm giá tâm hồn của họ. Nỗi xót xa, bất bình được “nói” nhẹ như không, nhưng chỉ một giây lát sau khi đọc xong bài thơ, thấy rõ thái độ của ngòi bút. Điều đó có thể được xem như một phong cách diễn đạt lịch duyệt vậy!

Lục bát của Nguyễn Thị Mai tuy gắn với truyền thống, nhưng câu chữ luôn sẵn sàng phá cách khi cần thiết để theo kịp lối suy nghĩ của con người hiện đại: Hẹn hò, trông ngóng, xốn xang/ Y như tiểu thuyết, y chang truyện tình/ Nỗi lo nơm nớp gia đình/ Nghe ai gọi cũng giật mình tiếng con/ Tình ơi, thôi méo đừng tròn…/ Tình ơi thôi mất đừng tìm/ Lẻo lèo leo dậu bìm bìm, thế nha (Học lõm ca dao). Chen trong giọng điệu “làng quê” là những ngôn ngữ văn chương đương thời: Bạn cười lạc giọng bơ vơ/ Nghe như trăng vỡ bên bờ nhân gian (Bạn gái xóm giềng), Xưa thì đâu dám cầm tay/ Giờ ôm vai bạn mây bay trắng đầu (Họp lớp), Nẻo nào cũng gió cũng mây/ Gió đưa lạc hướng mây quây lạc chiều (Một chiều lạc lối), Ngoái thương núi ở sau lưng/ Lòng đau trước mặt cánh rừng trắng bia (Nhật ký đi miền Trung)…

Ngay cả với một đề tài khó như Lạc anh, rất dễ gây bực dọc cho ngòi bút, vậy mà đọc rồi thấy cái thương cảm, vị tha át đi cái bực mình, thấy trong tâm tư nhẹ nhõm một nụ cười hóm hỉnh đi liền với một hình dung về nỗi niềm “đàn chị” của chủ thể trữ tình:

          Dặn rồi!

          Thành thị đông chen

          Ngã năm, ngã bảy rối ren nẻo đường

          Dặn rồi!

          Xuân lắm sắc hương

          Thoáng theo tà áo…là vương mất người

          Dặn rồi!

          Xểnh mấy phút thôi

          Mà anh biến mất chân trời bóng chim

          Em về

          Buồn giữa lặng im

          Mặc gương chiếu hậu dõi tìm bóng anh

                                                (Lạc anh)

Bài thơ có tứ khá hay: cái “lạc” cụ thể làm (những bạn đọc có trí tưởng tượng phong phú) liên tưởng đến cái “lạc” có thể có trong cuộc đời. Cái “lạc” này có thể chỉ là “trục trặc kỷ thuật” thôi, nhưng cái lạc kia mới thật sự là cái lạc “trục trặc duyên phận” của kiếp người, sẽ đem đến cái “buồn giữa lặng im” sâu sắc hơn nhiều. Có thể nghe được cái tâm trạng bất an sau những nhịp ngắt câu sáu (lục), lại có thể nghe được cả sự kiên nhẫn trong sự để nguyên câu tám (bát) của một người đang đi tìm một người! Bài thơ diễn đạt hóm hỉnh nhưng hình như với những người đọc khó tính, thì vẫn thiếu một “câu kết” thay cho mấy câu kết trong bài (dù mấy câu kết trong bài cũng rất ấn tượng), để biến cái “thật” kia của một người thành cái “ảo” đau xót của nhiều người, nghĩa là cần một “tầm mức” khác của ngôn ngữ trong những câu kết của bài.

Giữa những cung bực khác nhau của tâm tình là những nụ cười hóm hỉnh, là chút u mua thư giãn đẫm buồn vui thế sự. Có lần tác giả chứng kiến sự liều lĩnh trần gian: Cà sa choàng gió phi lao/ Trở nguyên cõi tục òa vào thế nhân/ Triều khơi vai trắng ngực trần/ Từ bi hỷ xả một lần xem sao? (Tắm biển gặp sư); Có lần là chút “phiêu” trăng ngàn gió núi: Gọi anh, máy giả lại lời/ Chỉ nghe thông mách cái thời vi vu/ Gọi tình, rối ngọn su su/ Tình đang lãng đãng phiêu du với tình (Tam Đảo và Anh). Có lần là sự “tự trào”: Chút tình còn lại bấy nhiêu/ Đưa ta giữ hộ xế chiều đam mê/ Người về nung hết đá quê/ Têm trầu vôi ấy mà thề đuốc hoa/ Rồi ra buộc cửa, gửi nhà/ Theo ta mòn gót trăng tà được không (Gửi bạn thơ). Có lần như bất lực: Anh là một chấm buồm xa/ Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng (Anh và em). Cũng có khi là một thách thức đầy vẻ tự tin: Dù anh biển rộng trời xa/ Cũng không bước nổi qua tà áo em (Anh và em); hoặc một lời nhắn quả quyết: Có gan bứt khỏi cũ thường/ Tay em cũng đủ nẻo đường anh đi (Bàn tay em); hoặc một quyết định “đáo để”: Thì mua tặng thắt lưng da/ Trói người quanh quẩn ở nhà với…thơ (Mua quà tặng) vv…

          Đọc thơ Nguyễn Thị Mai có thể nhận ra chị là người đi nhiều, gặp nhiều. Thơ đối với chị đôi khi như là nhật ký chuyến đi. Tới đâu chị cũng quan sát, và không quên đưa vào thơ những chi tiết đời sống về những con người, những vùng đất ghi dấu tâm trạng của mình. Khi thì như một “thông tấn” về  núi lở ở La Pán Tẩn: vợ mất chồng, con mất cha (Trống Pá Sang), khi thì những ấm tượng vùng than: Có rặng phi lao một thời hò hẹn/ Tóc em dài – than chảy xuống bờ trăng (Vùng than, tâm tình ngày trở lại), có khi là một chút tâm tư sau đêm nghỉ lại doanh trại bộ đội miền cao: Sớm mai trở dậy, phòng lưu luyến/ Biết để lại gì chuyến ghé thăm/ Có sợi tóc mềm vương lại gối/ Xin gửi làm tin một đêm nằm (Nằm giường bộ đội)…Những bài thơ chị viết từ những chuyến đi mang hơi thở của cuộc sống, tự nói lên chân dung “xông xáo” của chị, một người sống luôn mở rộng tâm hồn để hòa nhập. Nhưng cũng từ những gì chị viết sau mỗi chuyến đi có thể nhận ra bên cạnh sự bề bộn có được kia, hình như cần một chút lắng lại, để ít nhất là khỏi bị dài, khỏi bị rơi vào tình thế bỏ gì cũng tiếc…Những khi ấy, thơ chị thiên về “kể” mà hao đi sự xúc động của tâm hồn. Thơ, và đặc biệt thơ lục bát hình như không phải được viết “bằng mắt”, mà được viết bằng cái thổn thức bên trong, ở khả năng biểu hiện con người tình cảm của tác giả. Vì vậy, “Thơ ca có cái năng lực khiến được người”*. Đọc ca dao thì rõ, rất ít bài trực tiếp nói về lao động, mà phần lớn thường qua lao động (chồng cày, vợ cấy) để nói điều khác: tâm tư, tâm trạng, thân phận, những gì không thể “nhìn thấy”, giấu kín trong tâm hồn, mà nếu không viện dẫn đến phương thức trữ tình, thì mọi việc trở nên nằm ngoài câu chuyện chúng ta đang bàn! Thơ không xa lạ với đời sống, thậm chí thơ ca sinh ra từ đời sống…nhưng nếu cần tìm hiểu sự thật đời sống thì có nhiều thể loại tin cậy hơn thơ. Ngược lại, chân dung tinh thần của một thời, của một lớp người thường ghi dấu rất đậm trong thơ. Chúng ta đọc mười năm Thơ mới và nhận ra dễ dàng đời sống tinh thần của lớp người trẻ tuổi cá nhân tiểu tư sản thời ấy. Nhưng để hiểu cặn kẽ bữa cơm hàng ngày của họ thì thật khó. Chúng ta đọc thơ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và dễ dàng nhận biết đời sống tinh thần của tuổi trẻ những ngày đất nước có chiến tranh... Như vậy, thế mạnh của thơ (và thơ lục bát) là khả năng biểu hiện con người tình cảm của tác giả trước cuộc sống, chứ không phải là bản thân cuộc sống... Mỗi khi Nguyễn Thị Mai mặn chuyện, thích kể chuyện, thích “thông tấn”…(như ở những bài: Ý nghĩ đêm về sáng, Tuổi thơ tôi, Người về sau chiến tranh, Nhà máy của anh, Thị xã ra quân, Câu hỏi trước một dòng sông...), là câu chữ của chị bị phân tán đi sự gợi cảm, tình tứ, vốn là thế mạnh của chị.

 

                                                          *

 

          Là tác giả của 8 tập thơ: Thời hoa gạo cháy (1995), Nón trắng sang đò (1997), Một khúc sông trăng (2001), Tảo tần gót khuya (2005), Lục bát – Em và Anh (2010), Tầm xuân mắt biếc (2014), Không xóa nổi lời hoa (2014), Vẻ đẹp buốt trời (2018)…,cũng như nhiều truyện ngắn và thơ viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thị Mai có nhiều câu thơ hay, được nhiều người ghi nhớ. Đây là một cặp lục bát hay vì sự chân thành, vì cái “thật” từ đời sống, vì cái cái riêng tư đã trở thành cái chung của mọi người:

          Em thì tất tưởi mưu sinh

          Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ

                                      (Lục bát – Em và Anh)

          Câu thơ vẽ lên khá đầy đủ chân dung của tác giả: một phụ nữ tảo tần, đảm đang, biết rõ đâu là “thực” đâu là “mơ” của cuộc đời, biết rõ đâu là trách nhiệm, đâu là đam mê của bổn phận mình, sáng tỏ cái nghiệt ngã của kiếp nhân sinh và cái “vô minh” muôn thuở của “thơ lơ mơ”…Nghĩa là đã đến lúc thấu hiểu, thấu cảm lẽ đời, nghiệp văn. Quả là rất đáng chia sẻ, cảm thông với những ai vẫn còn đam mê, theo đuổi nghiệp văn chương trong thời buổi các giá trị tinh thần đang không được xem trọng như lúc này. Nhưng tôi tin, với họ đam mê sáng tạo là không gì thay thế được, không gì đánh đổi được.

 

                                                                   Tháng 5 năm 2019

----------------------

*Tản Đà. Tuyển tập, NXB Văn học, 1986, tr.486

 

 hoa_gao_1

   

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét