Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Khắc khoải Dương Kiều Minh

 


Khắc khoải Dương Kiều Minh

                                                                                               CAO NGỌC THẮNG

 

Ngay những bài trong tập Củi lửa, tập thơ xuất bản đầu tiên (Nxb Tác phẩm mới, 1989), Dương Kiều Minh đã biểu lộ thiên hướng bộc bạch nỗi trằn trọc rất riêng tư những cảm hoài bằng ngôn ngữ thơ hiện đại:

“Khắc khoải trầm dài miền quê xa tít

Ai đợi con bên ô giậu thưa

Chùm mồng tơi tim tím”

                                                    (Hy vọng)

Thiên hướng này Dương Kiều Minh chung thủy cho đến cuối chặng đường thơ của mình, tạo nên giọng thơ không lẫn trong môi trường thơ đương đại, mang dấu ấn của người thơ dấn thân vì cái đẹp, vừa thuần khiết vừa sang trọng của thơ.

Dương Kiều Minh, tên khai sinh là Kiều Văn Minh, sinh năm 1960 tại Mê Linh, Vĩnh Phúc. Đời thơ Dương Kiều Minh gắn bó với vùng bán sơn địa, từ vùng quê nơi khúc sông Hồng chuẩn bị uốn bọc thành phố Hà Nội, sang lưu vực sông Đà (Hòa Bình), rồi về bên sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Đông), những mảnh đất ông “đã sống trọn vẹn trong một giấc mộng thật đẹp trong chìm đắm và trong khổ luyện nhọc nhằn”, và ông tự sự: “Được sinh ra làm người, được hít thở giữa trời xanh, được uống nước và tắm gội từ dòng sông cuộc đời, lại được sống trong những lớp lớp ánh sáng từ vẻ đẹp của văn chương rạng tỏa, như vậy là quá mãn nguyện rồi” (Thơ Dương Kiều Minh - Nxb Hội Nhà văn, 2011). Những nơi Dương Kiều Minh từng sống là những điểm giao thoa các vùng văn hóa của trung du miền núi với nhiều nét tinh túy bản sắc trước khi hòa vào dòng chảy kinh kỳ văn hiến ngàn năm đang chuyển mình lên văn minh hiện đại. Dương Kiều Minh thức nhận rất rõ những cái mình “được” từ nơi giáp ranh ấy và cả giới hạn khiến bản thân nhà thơ tiếc nuối, vì chưa thể “lặn” xuống cho thấu tận căn nguyên.

“Đấy khúc hát cả đời chưa cất nổi

đấy đồng cỏ ban mai sương lạnh đầm đìa

ánh sáng đổ lênh láng miền châu thổ”

                                                      (Đất)

Tâm trạng ấy trong niềm hy vọng ấy không chỉ có ở thơ Dương Kiều Minh, mà ẩn náu trong tâm hồn của tất cả những người thơ luôn đáu đau trước vẻ đẹp vừa kiều diễm vừa ảo huyền của Nàng Thơ, một vẻ đẹp chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc, để không bao giờ trở lại, khiến lòng ngẩn ngơ, nhưng ở người thơ này có phần quạnh quẽ.

“Ta đã nhốt thanh xuân căn phòng đóng kín

Nàng ban cho ta hơi thở bầu trời”

                                                     (Faust)

và, ngay cả khi:

“Tôi tìm thấy mùa xuân kỳ diệu

Trong chiếc hộp góc khu vườn cũ

 

Phải em đến đặt bàn tay thanh bình

Những câu thơ

- Mối tình thầm kín

 

Em đến tìm tôi ư - khát vọng?

Như người xưa ẩn dật chốn ao đầm

Tôi mệt mề với bao hư ảnh

Mệt mề màn kịch cuộc đời”

                                                    (Tưởng nhớ mùa xuân)

Những câu thơ “dính dấp” đến ám ảnh, từ những ký hiệu-con chữ cho thấy sự quyện xoắn cái nhìn thấy, cái cảm được cùng sự chuyển hóa trong tư duy thơ mà nhà thơ ngẫm suy rốt ráo để đi tới trình hiện trên văn bản.

“Ta biết rằng mùa hạ rộ lên bản tứ tấu

chập choạng hoàng hôn sương khói mịt mờ

say mê bùng từ đấy

[…]

Ờ nhỉ thời gian bàng bạc cuốn

ờ nhỉ canh khuya quầng mắt thâm

đã qua nửa đời…

cố hương phơ phất

 

Em vẫn thế, ngày nào vẫn thế

tay huơ tay quầng ánh sáng tan dần”

                                                    (Quên lãng)

Nhà thơ chẳng quên bất cứ cái gì đã cảm được, mà thực hiện việc chuyển hóa từ kỷ niệm thành ký ức, thành chất liệu cho thi tứ “bùng” lên, chảy tràn lênh láng.

“Bao giờ? Không biết nữa

nước đổ về sông, lửa dựng trời

chiếc xe cuối ngày đẩy đêm chìm đắm

đời người thoáng giấc mộng vơi.”

                                                   (Hồi vọng)

hay:

“Ừ nhỉ, hai bàn tay trắng

sầm sầm thế sự lương vương

sắc chiều nhuốm màu dâu bể

 

Hai tay ôm mặt lệ nhòa

ồ vậy, một đời tiêu tán

rộng dài nắng khói xông pha”

                                                  (Cuối xuân)

Trong sự quạnh quẽ riêng tư ấy, nhà thơ “nhả” ra những câu chữ mang hơi ấm của ký ức, vừa dày vừa nặng mà vẫn bay lên nhẹ nhàng làn khói mênh mang của mộng mị, phảng phất mùi trầm hương pha hương hoa đồng nội, tạo nên nhịp điệu vững trong thơ tự do, thiết lập ý-tứ nhất quán, liền mạch, với vốn ngôn ngữ thơ được chắt lọc khá tinh chất, không gây sự mù mờ, đánh đố hay “tắc tỵ” như kiểu cách tân thơ không đến nơi đến chốn. Điều này khẳng định: nhà thơ Dương Kiều Minh có những đóng góp tích cực trên con đường hiện đại hóa thơ, không những vẫn giữ được hồn cốt, âm điệu thơ truyền thống mà còn “kích” cho độ rỗng của thơ thêm rộng, thêm huyền ảo, cho nhịp thêm nhanh; chẳng hạn “đoạn 7” trong bài Ngày xuống núi (gồm 13 đoạn):

“Trước mặt sông, sau lưng núi

sông giữ chiếc bình

núi cầm ngọn lửa

buổi sớm ra sông, buổi chiều về núi

 

Đâu thời gian nan

đâu thời thịnh lớn

 

Lòng hư không

sông bao nhiêu đủ?

núi bao nhiêu vừa?

 

Một bận già nua, một lần thơ dại

 

*

Núi vẫn đổ ngút ngàn thời trai trẻ

sông vẫn gầm thuở náo nức nhiệt nồng”     

 Sự “dính dấp”, trong thơ Dương Kiều Minh, có ở câu và chữ, ý và tứ, thực và ảo, nên thơ ấy chất tâm linh cũng phả vào như nhang khói bảng lảng giữa đời, lúc tỉnh khi mơ chẳng cứ ngày hay đêm, mùa nào cũng thể.

“Chợt thức nửa đêm ngõ sâu mưa lộp độp

ngỡ gặp lại người thân

ngỡ sờ lên kỷ vật

 

Người xa xa thật

kỷ vật còn…

 

Mải cuốn trăm ngàn toan tính

nếu không có mùa thu chắc gì kịp tỉnh

kỷ niệm phả về sực nóng

chiếc lá đầu tiên nằm dưới gốc ngô đồng.”

                                                         (Ghi ở buổi đầu thu)

Mùa thu với Dương Kiều Minh không là cố nhân để hồi tưởng, để hoài niệm, mùa thu nhắc ông chiêm nghiệm, nhắc ông “kịp tỉnh” cho thơ-thu rảo bước, cho “bộc bạch đôi điều”, rằng: “Có chăng cũng chỉ là sự vô tình ngang qua như ngàn vạn sự ngang qua khác không như ý của thế gian, của cõi đời dâu bể” (Tự bạch nhân xuất bản tập thơ Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, 2028). Những ngày thu tận ấy ông tựa “Bên cửa sổ trời xanh mây trắngNắng tràn qua hơi thu hòa dịu” nhìn “Thác nước dựng giữa trời trắng xóaThuần khiết dâng âm thanh trong trẻoNhững âm thanh thanh lọc hồn taNhững âm thanh gạt đi bụi bặm”, mà vẫn “Còn điều gì chưa thể yên lòngChuyện nay thành quá vãngChuyện xưa lảng vảngNào máu xương, nào nước mắt”, để thiếp vào mộng mơ “Vừa trả xong món nợ cổ nhânNgười xưa nặng lòng nước non đến vậyLinh khí quanh quất giữa mây trời không tan ra được” và tỉnh thức trước ánh xạ hào quang “Lực lưỡng đè lên ráng chiều hằn những dòng cổ tựAi vừa mang bút lớn trổ lên trời.”

Phải chăng “thu tận” là những ngày Dương Kiều Minh “gói lại” cuộc hành trình thơ tươi rói mà đầy thao thức giữa thực và mơ?

“Ngươi vừa thực hiện một chuyến đi rất xa

Một chuyến đi huyền bí không xác định

Một chuyến đi không hứa hẹn ngày trở về

Giống một cuộn gió trên sa mạc

Kéo dài đến khi không còn sức hút nào nữa tự tan vào không trung

[…]

Những chuyến đi dù xa đến mấy, rồi sẽ tìm một con đường riêng để trở về”

                                                         (Hành trình)

Hành trình thơ Dương Kiều Minh là hành trình trở về sau chuyến đi rất xa trong cõi mộng du chật căng hỗn độn, bằng những nỗ lực sắp xếp những suy tưởng thành lối riêng vạm vỡ với năng lượng dồi dào. Trong nỗ lực phi thường ấy, nhà thơ của chúng ta nuôi nhiều hy vọng:

“Kéo ngang trời những cánh đồng sông Đáy

Kìa, những chiếc nụ bé xíu nhú lên như những hạt tấm

Kiên nhẫn đợi mùa xuân về”

                                                         (Gửi những mùa rau khúc)

Rồi chợt nhận ra:

“Vẻ ảm đạm của chiều thu thật đẹp

Ngân vang gió thoảng trên đồng

Ký ức mờ dần sau hàng cây sữa”

                                                         (Khúc 2 trong Ba khúc chuyển mùa)

Và, trong cái đẹp-thu ấy “Những bông lau tím trên đồiMùa thu mang cả bóng người về đây”, nhà thơ biết:

“Tôi đâu trả nổi

Thanh xuân mù mịt

Chìm dưới đáy sông.

 

Tôi sợ heo may trở về

Những bông lau tím lạnh phất nỗi sầu dằng dặc.”

                                                        (Tôi chợt sợ những bông lau tím lạnh)

Những bài mang dáng dấp thơ-văn xuôi dường như là những dẫn giải bên cạnh, và song hành cho những bài thơ cách tân-tự do-không vần thêm dư ba trĩu nặng ân tình, mà người thơ đa mang và thức nhận:

“Thơ - Ngươi ở đâu?

Ngươi không hình, không ảnh

Ngươi bám riết theo ta - định mệnh

Ngươi ánh phản quang của mặt trời trong đêm, hình bóng những người đã khuất.

Ngươi lẫn vào gió sớm, mưa chiều”

                       (Đoạn 7 trong Những đoạn thơ khởi đầu, bỏ dở, gồm 14 đoạn)

Dương Kiều Minh không phải là “phu chữ”, như ông quả quyết. Thơ Dương Kiều Minh viết bằng máu, từ máu, như ông khẳng định. Thơ ấy mang hơi thở ấm nóng của cõi nhân gian với nhịp đập con tim khỏe khoắn và đôn hậu, trằn trọc và thao thức:

“Có cuộc đời giầu bao nhiêu ánh sáng

có niềm vui thanh sạch sau mưa

ôm ấp khát thèm trên con đường quê cát

 

Ở một ngày cuối thu

lác đác khu vườn lá khía lên lối sỏi

có một đôi bướm trắng

dập dờn bên ngồng cải nở vàng”

                                                         (Bướm trắng)

 

                                                                                                   Xuân Giáp Thìn - 2024

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét