Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên”



Ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh 09:41 18/04/2024 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sáng ngày 17.4.2024 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân phối hợp cùng với gia đình nhà thơ Hữu Thỉnh tổ chức ra mắt độc giả trường ca “Giao hưởng Điện Biên”. Ở tuổi 82, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn giữ được từ trường sáng tạo và độ bền cảm xúc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện BCH tặng hoa chúc mừng nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh Tuấn Linh Đến dự buổi ra mắt tập trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh có ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại tá Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Quân Đội Nhân Dân; phía Hội Nhà văn có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Việt – Ủy viên BCH, cùng đông đảo nhà văn, các cơ quan truyền thông, gia đình nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông Nguyễn Minh Nhựt tặng nhà thơ Hữu Thỉnh lẵng hoa của ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh Tuấn Linh Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” là một tác phẩm văn học rất có ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tác phẩm khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc, cũng như sự biết ơn các thế hệ cha anh đã hi sinh vì Tổ quốc. “Điện Biên Phủ từng giờ từng phút/ đang gửi đi thông điệp khắp hành tinh/ những lời hịch của tự do, độc lập/ những khát khao cháy bỏng hòa bình”. Đây là những câu thơ mở đầu của tập trường ca. Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh tại buổi lễ ra mắt sách Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy. Trong lời mở đầu tập trường ca, nhà thơ Hữu Thỉnh viết “Vào dịp đầu xuân Tân Tỵ 2001, tôi có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam lên trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội tặng tác phẩm “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Đại tướng rất vui nói với chúng tôi đại ý: Cuốn sách được Hội Nhà văn trao giải thưởng chắc sẽ có thêm nhiều người tìm đọc. Đại tướng thăm hỏi ân cần về tình hình văn học, hoạt động của Hội và gửi lời chúc năm mới tới tất cả nhà văn. Trước lúc ra về, tôi được đại tướng trao tặng tập hồi ức nói trên và nói vui: “Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí”. Tại buổi lễ ra mắt nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: ‘’Viết về Điện Biên Phủ với tôi là điều say mê, nhưng đồng thời cũng là việc làm quá sức. 
Ý định viết về chiến công lịch sử này đến với tôi từ những năm đầu của thế kỷ XXI, sau khi tôi đọc tập hồi ức “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ông, sau nhiều năm suy nghĩ, ông quyết định phải viết một tác phẩm về Điện Biên Phủ. Nhưng vì nhiều lý do nên đến nay mới có thời gian hoàn thành tác phẩm. Trường ca thơ “Giao hưởng Điện Biên” được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ (7.5.2023), và sau gần một năm thì hoàn thành. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết “Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sỹ đã từng tham gia và chiến đấu ở đây, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước về võ công oanh liệt của quân, dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm”. Ông quan niệm viết về lịch sử thì cái quan trọng hàng đầu là phải tôn trọng sự thật lịch sử, vì thế trong tập trường ca này những sự kiện lịch sử được gia công hơn so với sự bay bổng. Và cũng do quan niệm thay đổi nên chương mở đầu “Người ra trận đầu tiên” viết về chuyến đi xuất ngoại bí mật của Bác đầu năm 1930, tiếp đó là chiến dịch biên giới, theo nhà thơ Hữu Thỉnh nếu không có thành công của hai sự kiện trên thì chúng ta gặp vô vàn khó khăn để đánh thắng tập đoàn cứ điểm hùng mạnh như Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng, ông đã đọc tập trường ca trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp, hứng thú để xem Điện Biên Phủ – một chiến dịch, chiến thắng lừng lẫy đã được dựng lại trong thi ca mang vẻ đẹp gì. Tất cả chương hồi, câu chuyện, sự kiện cơ bản ở vùng miền núi Tây Bắc đến các nhân vật đã được nhà thơ Hữu Thỉnh tái hiện sinh động, sâu sắc và kỳ vĩ. Theo ông, 70 năm là một thách thức với một nhà thơ để sáng tạo tác phẩm về một sự kiện lịch sử, nhưng cũng cho nhà thơ Hữu Thỉnh lùi lại khoảng thời gian thật dài, để thấm sâu hơn sự hy sinh lớn lao của quân và dân Việt Nam. Ông đánh giá đây là một tác phẩm độc đáo, quan trọng và chứa đựng rất nhiều ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã hồi sinh những sự kiện này sau 70 năm đã qua tất cả các chương hồi, những sự kiện cơ bản đã được tái hiện sinh động, sâu sắc, kỳ vĩ . Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Tập trường ca “Giao hưởng Điện Biên” được ra mắt trong dịp này thực sự là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị về tinh thần cho công chúng, khi tất cả đang cùng hướng về Điện Biên với những cảm xúc thiêng liêng và tự hào. Đây là ngày kỷ niệm đặc biệt của giới văn học nghệ thuật. Khi cả nước đang hướng về sự kiện 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để bày tỏ lòng biết ơn, nhà thơ Hữu Thỉnh làm cho chúng ta nhận ra một điều: Lịch sử có thể trôi đi, thời gian có thể trôi đi, nhưng tất cả những vẻ đẹp, sự bi tráng và tất cả bài ca anh hùng của lịch sử khi ta nhìn nhận, khi ta tôn trọng, khi ta yêu quý nó sẽ trở lại. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã trở thành người lính đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã phục dựng toàn bộ cuộc chiến đấu kỳ vĩ này bằng những câu thơ đẹp, xúc động sâu sắc và đầy tính lan tỏa. Ông khái quát lại những giá trị chiến dịch Điện Biên Phủ bằng thi ca, đây là cuốn sử đặc biệt có khả năng khám phá, hồi sinh và lan tỏa những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu. Ảnh Tuấn Linh Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì cho rằng các tập trường ca đã ra đời của nhà thơ Hữu Thỉnh đều bám rất sát vào các mốc lịch sử. Khi chiến tranh rất ác liệt thì ông có trường ca “Sức bền của đất”, khi vừa giải phóng Sài Gòn nhà thơ Hữu Thỉnh có “Đường tới thành phố”, khi có những chiến dịch bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo thì nhà thơ Hữu Thỉnh có “Trường ca Biển”, khi chúng ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thì ông có trường ca “Trăng Tân Trào”, cuốn sách này đã được giải A cuộc vận động sáng tác Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm nay 2024 kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhà thơ Hữu Thỉnh cho ra mắt bạn đọc tập trường ca Giao hưởng Điện Biên. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa bây giờ để viết về Điện Biên là rất khó, vì những gì viết về Điện Biên đã được khai thác hết, đã được đề cập bằng rất nhiều loại hình khác nhau. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh đã một mình mở một trận Điện Biên Phủ bằng văn chương, thơ Hữu Thỉnh luôn luôn có một giọng điệu riêng không lẫn với ai, đó là những câu thơ ảo. Nhờ có nhà thơ Hữu Thỉnh chúng ta đã có cuộc gặp gỡ rất là thú vị. Nhà văn Lê Thành Nghị phát biểu Phát biểu tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho rằng: Với độ lùi 70 năm, được chiêm nghiệm sâu sắc, tác phẩm là ngọn lửa nhiệt huyết, bền bỉ lan tỏa sức mạnh yêu nước của người Việt. 21 chương là 21 con dốc gian nan với chính tác giả, thử thách sức bền của cây bút, và dù nhọc nhằn tới đâu thì nhà thơ vẫn gắng sức bộ hành, không bỏ cuộc… Ở tuổi 82, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn giữ được từ trường sáng tạo và độ bền cảm xúc. Còn nhà văn Lê Thành Nghị thì chia sẻ: Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, vốn là đề tài không xa lạ với văn học nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước. nhà thơ Hữu Thỉnh cũng biết rõ điều này: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?” (Lời tác giả). Như vậy, tác giả đã lường được những khó khăn sẽ phải đối diện. Chưa biết trường ca ‘Giao hưởng Điện Biên” thành công đến đâu, nhưng có thể hiểu những khó khăn kia rất có thể làm bất cứ ai cũng phải chùn bước. Làm sao thoát được sự ám ảnh với những thành công của người đi trước, làm sao để không vơi cạn cảm xúc suốt trên 332 trang viết. Điều này cho thấy bản lĩnh, sự dũng cảm của tác giả ‘Giao hưởng Điện Biên’. Lối thoát của Hữu Thỉnh cũng đã được ông hé lộ: “Muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm” (Lời tác giả). Lựa chọn như vậy là hợp lý, và chắc chắn tác giả sẽ phải bám sát các sự kiện, nhân vật, đồng thời sẽ có dịp đưa vào tác phẩm “cái tôi” trữ tình của một nhà thơ. Sự kiện đã đi qua 70 năm sẽ được làm “sống lại” bởi suy cảm của người đương thời. Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Hữu Thỉnh Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến đánh giá về tập trường ca của GS Phong Lê, các nhà văn, nhà thơ Phùng Văn Khai, Trần Anh Thái, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Đức Mậu…. Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, “Giao hưởng Điện Biên” thực sự là một hoạt động văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại giá trị về tinh thần cho công chúng, khi tất cả đang hướng về Điện Biên với những cảm xúc thiêng liêng và tự hào. “một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ mang Điện Biên trong mỗi con người”. Một buổi lễ xúc động với không gian văn hóa Tây Bắc, từ tiểu cảnh là tượng đài Điện Biên Phủ, các cô gái đón khách trang phục gái Thái dịu dàng, trình diễn và ngâm thơ, hội trường sự kiện, tặng sách, dự tiệc …. được con gái nhà thơ Hữu Thỉnh là đạo diễn Nguyễn Việt Thanh chuẩn bị chu toàn. THANH BÌNH Nguồn Van.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét