Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

NẮNG NON

 


NẮNG NON

               TRUYỆN NGẮN CỦA LƯƠNG KY

                Nắng tháng Chín vàng ươm từ sáng sớm. Mặt trời vừa bứt qua cánh núi xâm xấp như lưỡi cưa khổng lồ ngoạm vào bầu trời ban mai hồng nhạt phía núi Hồng là chiếu ngược đoạn thượng nguồn sông Phó Đáy. Vạt đồi thoai thoải con, lồi lõm phơi hướng đông hứng nắng. căn nhà hai tầng mái tôn đỏ sẫm của trường cấp 2-3 Trung Quan như dán mình vào bức tranh xanh mướt của cánh rừng.

          Phin bước lên từng bậc đất, ngước mắt nhìn ngôi trường mới. Mặt trời ở sau lưng mà sao mặt Phin nóng ran, lâng lâng như vừa uống cả bát rượu hoẵng. Hôm nay là ngày đầu năm học mới, ngày đầu Phin làm cô giáo trường trung học phổ thông, trong đầu tràn ngập bao ý nghĩ…Phin thoáng nhận ra nhiều bước chân học trò vụt nhanh qua mình.

- Chào cô giáo ạ!

- Cô chào các em!

          Tiếng trống trường vang lên. Có gì đâu, vẫn là lão Phộc bảo vệ trường từ ngày các lớp học còn là hai dãy nhà xoan xỏ duổi hóp, xà tre, vách thưng, lợp lá cọ gồi. Lão Phộc cứ i xì giờ giấc, vung dùi trống đánh chậm rãi, mạch lạc. Tùng! Tùng! Tùng!... Phin như bừng lên, bước mạnh hơn về phía sân trường, ít phút sau có mặt trong phòng nghỉ của giáo viên ở tầng một ngôi trường mới xây.

          Sau hồi trống, số học sinh lớp 9 xếp thành ba hàng, cả thẩy trên ba chục em. Các lớp dưới kế thao từng hàng. Nắng sớm rọi, bóng học trò đổ dài chồng lên nhau in sậm xuống sân trường. Những mái đầu lố nhố, cái cao vống của mấy em người Dao bản Pắng học thì học mà lấy vợ cũng được, vài khôn mặt trắng ngần của các em gái Tày tròn trịa. Ai cũng thắng bộ đẹp đẽ bước vào năm học mới. Quần áo đủ màu, trông tươm tất và sạch sẽ. Lác đác vài em quàng khăn đỏ. Chắc ngày đầu năm các em chưa nền nếp.

          Kỳ đài trang trí đơn sơ. Sau cột cờ là tấm phông xanh với hàng chữ trắng Lễ khai giảng năm học mới…Hai hàng ghế tựa dành cho đại biểu, vài hàng ghế băng cho thầy cô giáo. Trên bục phát biểu có lọ hoa rừng, không có mi crô. Phin bẽn lẽn ngồi xuống đầu ghế băng, bên cạnh các thầy cô giáo của trường, hầu hết họ là thầy cô giáo cũ của Phin.

- Tám giờ rồi còn gì! - Ai đó nói- Làm được rồi đấy, hay còn chờ ai?

          - Sao không thấy thầy Vinh nhỉ? Mới hôm rồi nghe đồn thầy Vinh quay trở lại trường và có quyết định làm Hiệu trưởng trường mình thay thầy San về nghỉ chế độ.

          - Chắc gì ông ấy lại vào nơi này. Ông ấy đã cống hiến tuổi xuân hết ở đây, giờ ngoài băm, ra thị xã rồi khéo chả ai dại mà nhận chức, vào lại…

          Những câu nói lao phao làm Phin xoay người lại.

- Thưa cô! Là thầy Vinh nào ạ? - Phin khẽ hỏi cô giáo Mai ngồi kề- Em cũng nghe nói mà không rõ là thầy Vinh đen hay thầy Vinh măng?

          - Vinh măng ấy chứ! Ông này gõ đầu trẻ chừng mươi năm ở Quan Trung mình, ừ, từ hồi Phin còn bé, thầy ở ngay trong nhà em mấy năm cơ mà - Cô Mai dài giọng- Sau đó thầy lên Hiệu phó, nhưng nhà neo lắm, chỉ còn mẹ già nên cấp trên điều về thị xã. Cũng phải thôi, ở mãi trong xó rừng này giỏi hóa cùn…

           Phin bâng khuâng. Lại là thầy Vinh măng ư?

          Thầy Vinh đến bản Nhùng của Phin khi lâm trường Ngòi Cướm phát cánh rừng sau trường, hồi ấy chỉ có cấp 1 thôi. Thực bì được dọn sạch và những cây Mỡ non tí tẹo được trồng lên.,. giờ thành rừng cây ngút ngàn, thân gỗ song sóng như cắm đũa. Vinh học xong Trường Sư phạm tỉnh. Ra trường được phân về Trường cấp 1 Quan Trung ngay, mặc dù nhà rất khó khăn, bố hi sinh còn mình mẹ. Vinh chỉ nghĩ đã bớt gánh nặng “bao cấp” cho mẹ là quý lắm rồi nên hăm hở về vùng sâu vùng xa. Con đường chiến khu xưa nhỏ bé, ngoằn ngoèo vừa đủ hằn hai đường lốp xe ô tô lâm nghiệp đi xuyên qua những cánh rừng già heo hút chạy dài cặp theo con sông Phó Đáy. Vinh may mắn được người quen gửi theo xe Lâm trường đến thẳng UB xã trong một chiều tháng Tám mưa giăng rào rào. Thủ tục tiếp nhận ở đó cũng thật đơn giản: Xem qua giấy tờ, ông Chủ tịch xã- một người đàn ông chừng năm chục tuổi đen đúa hom hem ngắm Vinh từ đầu đến chân.

- Hờ, trẻ nhẩy! ở đây cũng có một thầy tên Vinh vào trước mấy năm, già, đen trũi, giờ thêm cậu cũng tên Vinh, trẻ măng…Hề hề…- Ông chủ tịch cười, phơi hàm răng xỉn xạm xen vào một chiếc bịt vàng- Tốt! Gọi anh kia là Vinh đen, anh này là Vinh măng cho dễ nhỉ. Về nhà mình ở cũng được, nhưng tiện hơn cả, bọn mình gửi nhà anh chị Ngoạt gần trường, phải cái bên kia sông đấy, nhưng nhà rộng, trẻ đông, có thầy trong nhà lại tốt ấy chứ. Mình dạm rồi, từ hôm ra huyện họp, nghe nói có thêm thầy cô chuẩn bị vào năm học mới.

          Chủ tịch xã nói sao là vậy. Ông dẫn Vinh xuống phía bờ sông, leo lên cây cầu buộc ghép mấy cây tre chinh dài, hai bên có hai cây làm tay vịn, gác qua hai cây sung già ở đoạn sông thắt hẹp lô nhô gập ghềnh đá, nước chảy ào ào như thác. Băng qua bãi chăn thả hướng lối mòn vào nhà anh Ngoạt.

- Thầy giáo đây nè! - Chủ tịch xã nói với to vào nhà khi mới tới bờ dậu.

          - Lên nhà đi! Bố bọn trẻ đi nương còn chưa về- Chị Ngoạt gọn lỏn- Trẻ vớ! Mấy đứa trẻ ló đầu từ trên sàn nhà trố mắt nhìn xuống.

          - Con Phin lấy nước cho bác chủ tịch với thầy giáo uống! - Chị Ngoạt chỉ vào con bé chừng chín mươi tuổi nãy giờ dán mắt vào khách.

          - Thôi thế nhá! Đây là thầy Vinh. Bố nó về bảo xếp cho nó ở cùng.

          Tối mịt anh Ngoạt mới về, trên tay vài con chuột rừng bẫy được và nắm rau rừng. Nghe chị vợ nói gì đó bằng tiếng Tày, Vinh không hiểu, chỉ thấy chủ nhà gật gật cái đầu, mồm miệng oang oang: - Được, ờ, được mà! Quay sang thầy Vinh, bảo:

- Đi theo tao! Đây nhá, thầy giáo ở chái nhà này! - Chủ nhà mở cánh cửa buồng bằng phên nứa, chỉ tay vào khoảng trống tối om- Chỗ này nhá!

          Bữa tối dọn ra trong lờ mờ ánh đèn dầu hỏa pha trộn ánh lửa bếp bập bùng gần đó. Chủ nhà xếp bằng tròn. Vinh ngồi cạnh bên.

- E hèm! Mẹ nó đâu? Con Phin, thằng Phún, con Tỳ…về hết chửa?

          - Thầy giáo về trong này tốt cho bọn trẻ quá!

          - Vâng!

          - Thầy giáo à, vợ con chưa?

          - Dạ, chưa! - Trong tối không ai nhìn rõ nhưng chắc là mặt Vinh đỏ lắm, nóng ran.

          - Dễ 19, 20 còn gì. Trong này là có vợ, có khi vài đứa con ấy chứ.

          Vinh cười nhăn nhở. Lũ trẻ cũng cười theo. Vinh chợt nghĩ: cách thị xã chừng vài chục cây số mà trong làng còn lạc hậu quá thôi.

          Ông chủ và khách tợp vài li rượu nhắm thịt chuột rừng. Lũ trẻ ăn rào rào, vừa nhìn trộm thầy giáo và bố chúng.

- Từ nay nhà ta có thầy Vinh ở cùng- Ông chủ nói cho cả nhà- tốt lắm vớ. Bọn trẻ rờ hồn nhá! Chịu khó nghe thầy bảo học. Con Phin lên lớp 2, xem ra cũng sáng dạ thầy ạ. Nhưng chả ai bảo thêm, có thầy thế nào nó cũng khá lên đấy. Mới được đôi lần xới cơm thì quanh nhà đã loang loáng ánh đèn pin, ánh đuốc. Mấy thanh niên nam nữ trong bản biết tin có thầy giáo mới kéo đến xem mặt. Mâm cơn được dọn đi, chỉ còn lại hũ rượu sành nút lá chuối khô, mấy cái chén vại cùng chủ nhà và thầy Vinh xoay người lại tiếp khách. Coi như là tiệc rượu đón thầy giáo mới về bản. Lũ trai gái cười nói thả phanh…Duy có Vinh là chưa hiểu được câu gì.

          Những ngày đầu ngỡ ngàng rồi cũng qua đi. Vinh thường dậy sớm, quét dọn trên sàn, dưới bãi, chuẩn bị vài thứ rồi đến trường. Cái bụng “tự do’, trong làng chẳng ai ăn sáng. Bố lũ trẻ tinh mơ đã đi nương. Việc gọi các em dậy, lau qua mặt mũi cho chúng là việc của Phin. Dặn lũ em vài câu rồi Phin cùng thầy tới trường.

          Như con sáo vô tư, Phin lon ton trước thầy, vừa đi vừa kể đủ thứ chuyện, nào là mấy lần bị bố đánh, chuyện đi học gặp rắn hổ mang…Vui chân, chốc đã đến bờ con sông Phó Đáy, leo lên cây cầu tre chênh vênh...

          Đại biểu đã đến đủ: Ông chủ tịch xã, ông Mặt trận, chị Phụ nữ, anh Thanh niên, giám đốc lâm trường Ngòi Cướm, mấy trưởng bản gần trường nhất, bản Nhùng, bản Pắng, bản Lù…Thầy hiệu phó lên bục:

- Cho phép làm việc. Kính thưa…Lẽ ra hôm nay thầy Vinh hiệu trưởng mới của trường cấp 2-3 Trung Quan ta khai giảng năm học mới, nhưng tin cho biết mẹ thầy mệt nặng có thể không qua khỏi, nên thầy vào chậm ít hôm…Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, đó là vừa phổ cập tiểu học trong độ tuổi ở xã nhà, vừa tổ chức xóa mù, chống tái mù chữ…Tôi tin tưởng rằng…sẽ làm cho vùng quê cách mạng của chúng ta có nhiều thay đổi, nhất là trường ta….

          Nắng đầu thu không nóng rát nhưng chói trang cũng đủ làm nheo mắt chủ tọa và đại biểu, thầy cô giáo ngồi đối mặt hướng về sân trường.

          Lần lượt chủ tịch xã, giám đốc lâm trường, vài trưởng bản lên có lời căn dặn học trò. Thầy Toàn sau vài lời cảm ơn đáp lễ, bất ngờ tuyên bố:

- Tôi xin giới thiệu: Cô Phin là giáo viên mới của trường, vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm Thái Nguyên, là học sinh cũ của trường ta, là con gái anh chị Ngoạt ở bản Nhùng đây. Cô Phin được phân công chủ nhiệm lớp 9 đầu tiên của trường lên phát biểu cảm tưởng.

          - Ơ, - Phin ngõ ngàng nhưng rồi cô cũng mạnh dạn bước lên bục. Sau vài câu “thủ tục”, Phin tươi rói trong nắng ban mai.

          -…Mục tiêu của tỉnh ta không chỉ dừng ở chỗ phổ cập tiểu học, xóa mù chữ mà còn làm sao để xã ta có nhiều học sinh giỏi, sau này thành kĩ sư, bác sĩ…hơn ông bà, cha mẹ mình…

          - Đúng, đúng! Hoan hô! - Đốp, đốp…tiếng vỗ tay. Mặt Phin hồng rực như trái bưởi đào.

          Thầy Vinh trở về trường vào buổi xế chiều, trên chiếc Min khơ. Mảnh vải đen bằng cái chứng minh thư gài trên ngực áo. Mặt thầy tọp đi, buồn rượi. Mọi người xúm đến hỏi thăm.

- Vâng, mẹ tôi mất. Xa xôi cách trở, không báo vào trong này được…Sốt ruột quá. Việc đã thế…Giờ ta bắt tay vào năm học mới.

          Phin bẽn lẽn đứng vòng ngoài, cố nhìn vào thầy. Có lẽ thầy không nhận ra. Thầy xách chiếc va li cũ kĩ có từ ngày ở nhà Phin và cặp cán bộ đi về phía nhà tập thể, nơi người ta bố trí cho thầy một gian.

          Tối hôm ấy, bố Phin và nhiều người trong bản biết tin đã đèn đuốc đến thăm thầy.

- Vào đây! Chào các bác, anh Ngoạt…Chật quá, ngồi cả lên giường được mà! Trời, cô Phin! - Thầy nhận ra Phin đang đứng đằng sau bố- Được biết cô Phin ra trường về dạy tại đây, nhưng lâu không gặp, có gặp ở thị xã chắc là chịu, không nhận ra. Hôm nay mà không bám sau lưng bố thì tôi cũng chịu đấy! - Vô tình ánh mắt họ chạm nhau.

          Lão Phộc và cô Mai vào sau. Căn phòng đầy thêm. Lão Phộc thường ngày ít nói, hôm nay nghe mạnh dạn ra:

- Ơ, thầy Vinh về lại trong này, cánh tôi mừng quá! Mấy năm vắng thầy nhớ đáo để. Chết, sao tôi vô duyên thế, chưa kịp hỏi về chuyện bà cụ…

          Cô Mai không nói câu nào nhưng đôi mắt dán trân trân vào thầy, chừng như mừng nhiều mà còn có cái gì ân hận…

- Thầy chưa vợ nhỉ? - Lão Phộc lại buột miệng- Chết cha cái miệng.

          - Thôi, bố con tôi về nhá! Hôm nào mời thầy lại nhà chơi! - Bố Phin chào rồi lùi ra. Phin theo sau, lí nhí:

          - Em chào thầy Vinh!

          - Cô này, chào cô! Giờ chúng ta là đồng nghiệp rồi đấy nhé! - Vinh đáp lời.

          Cô Mai liếc xéo cả hai người.

          Bẵng đi mấy năm về ngoài thị xã, thầy Vinh trẻ hẳn ra. Mấy ngày đầu mới vào thầy có xọm đi, vài tuần sau hồi lại, vẫn rất Vinh măng với khuôn mặt thanh tú, đầu rẽ ngôi chững chạc. Công việc cuốn hút hầu hết thời gian. Vào đầu năm học, cái gì cũng phải lưu ý, gì cũng đến tay hiệu trưởng, từ chi tiêu, giao dịch đến lí lịch cá nhân, hiệu trưởng cũng phải nắm. Như lão Phộc chẳng hạn. Hóa ra cái tên Phộc rất buồn cười ấy là cả câu chuyện dài về anh chàng đội trưởng lâm trường tên Phúc, bộ đội phục viên, vợ con ở xuôi, hoàn cảnh trớ trêu, lão thành mì chính cánh trong đám phụ nữ cô đơn lỡ lứa lỡ thì. Lão mắc khuyết điểm với gần chục cô…Công bằng mà nói, cũng chẳng hẳn tại lão, nhưng cái tiếng “dê cụ” cột lấy lão. Cái tên Phúc đẹp đẽ bỗng trở thành lão…Phốc. Lão xin về trường làm chân bảo vệ, kiêm hành chính, chủ yếu đánh trống ghi tên. Học sinh đồng bào trong bản gọi ngọng là lão Phộc, lâu ngày hóa quen…

          Thầy Vinh như con thoi, vẫn có giờ đạo đúc công dân và dự giờ…Thế lại khuây khỏa. Chỉ khi về khuya, trở lại với căn phòng tập thể đơn độc, cái buồn quay trở về. Văng vẳng bên tai tiếng ò e í e đám hiếu mẹ hôm nào, rồi chuyện chuẩn bị bốn chín ngày mẹ, chuyện nhà không có ai trông nom phải nhờ hàng xóm…Thầy Vinh chưa đi được đến đâu, ngay cả nhà anh Ngoạt, nơi thầy đã ăn nhẵn đũa nhẵn bát. Buồn cô đơn, vô tình có đêm trong mơ được cầm tay con gái, chẳng rõ tay ai, lúc như tay cô Mai, tối nọ lại như cầm thước kẻ từ tay Phin, cầm cả bàn tay mềm mại kéo về mình…

- Cọc! Cọc! - Tiếng gõ cửa giữa đêm khuya vẻ sợ hãi.

          - Ai đấy? Có gì đợi tôi một tí!

          - Em, Mai ạ!

          - Có gì đột xuất thế cô Mai?

          - Dạ…Không ạ…Em…

          Cửa mở toang. Mai thu mình như thể phải lách qua.

          Dạ. Tháng Chín, lập thu rồi mà sao trời oi như sắp giông…- Mai ấp úng.

- Có thể. Có gì đêm khuya đột xuất phải nói, cô Mai? Tiếng gà gáy xa gần ngắt ngang lời thầy, chúng đã vừa phành phạch vỗ cánh vừa oang oang cả tiếng đồng hồ tới giờ.

          - Bên nhà nữ 5 gian, 5 cô giáo- Mai bắt đầu- 3 cô chồng về, một cô đi chơi nhà học sinh, còn có mình em- Giọng Mai lặng xuống, thủ thỉ.

          - Tôi cũng có ngủ được đâu. Nhưng có ma miếc gì đâu mà sợ.

          - Anh vào lại trong này em mừng quá, không tưởng tượng nổi. – Mai chậm dãi, buồn buồn- Người ta ra chả được…

          - Trên phân công, vả lại mình cũng thấy quen thung thổ. Trong này còn có các cô, giờ thêm cô Phin nữa. Mà thôi, khuya rồi, mai ta nói tiếp nhé.

          - Có anh vào, em mừng quá! - Mai thở dài thượt, miễn cưỡng đứng lên, bước ào qua bậu cửa, không chào thầy, vụt chéo qua sân về phía nhà tập thể nữ.

          Vinh lặng người, ái ngại nhìn bóng đen khuất dần. Bất ngờ, anh còn nhận ra một bóng đen khác quay về trường…Là lão Phộc chăng?

          Cánh cửa khép lại. Vinh vào nằm tiếp nhưng không thể nào chợp được mắt cho tới khi nghe tiếng loa phóng thanh bên lâm trường rộn rã khúc nhạc Giải phóng Điện Biên.

          Một chiều thứ bảy. Thầy Vinh không về thị xã mà cùng Phin về thăm lại nhà cô. Đã lâu lắm hôm ấy thầy trò lại cùng đi trên đoạn đường xưa. Chỗ cây cầu tre cũ, giờ đã có cầu treo. Hầu như cả đoạn đường đi chẳng ai nói gì. Phin giờ đâu còn là Phin ngày nào đầu hôi xì đầy quả ké và chạt trứng chấy. Thầy nhớ một buổi, mưa giông, nước dâng nhanh hai bên bờ sông. Hai thầy trò từ trường về. Qua cây cầu tre, ở cuối bờ nơi cành lá sung lòa xòa áp đất, không may Phin trượt chân nhào ngã. Con nước kéo nhanh Phin ra xa. Thầy chỉ kịp quẳng cặp sách lên phía bờ, lao theo. Túm được tóc Phin, thầy gắng hết mình đeo bám vào vạt cây rạp đổ theo dòng nước, đưa Phin lên bờ. Phin sợ quá, người nhũn tàu dưa. Thầy vội cõng Phin chạy một mạch trở lại phía cầu tre, băng nhanh qua về phía trạm xá xã. Máu đỏ thấm vạt lưng áo trắng của thầy. Bà y sĩ xã đỡ vội Phin, bảo thầy đứng chờ bên ngoài phên liếp, đưa cô bé vào lau mặt lau người và xoa dầu…Thầy Vinh hốt hoảng:

- Xem con bé va phải cây cối gì mà máu vễ vãi?

          - Hề hề…Chả làm sao đâu, sợ tí thôi! - Bà y sĩ buông mấy câu qua vách nứa.

          - Chả sao, thôi, đưa nhau về đi. Con gái…bắt đầu mới lớn ấy mà.

  Thầy đón và đưa Phin về. Sau lưng là tiếng cười khanh khách của bà y sĩ ngắm theo lưng áo loang lổ máu của thầy.

-Thầy nhỉ, hồi ấy giá chả có thầy vớt em ở đoạn sông này hôm lũ quét, có mà em chết lâu rồi. - Phin nói với thầy sau hồi lâu im lặng. Phin cũng đang nhớ lại những vết chân xưa. Hai người trở về câu chuyện thường ngày. Thầy Vinh say sưa giải thích cho Phin thế nào là chủ trương của tỉnh “một hội đồng hai nhiệm vụ” ở trường. Phin thỉnh thoảng tham gia đôi câu, phàn nàn phải dạy chay, thiếu nhiều giáo cụ học tập quá…

          Phin lớn phổng lên sau cái ngày ngã sông ấy. Mấy chốc Phin học hết cấp một. Hết chỗ học. Thấy Phin học khá, thông minh, thầy Vinh bàn với bố mẹ em xin cho em đi học Trường thanh niên dân tộc ngoài huyện, nơi có lớp 5 đến hết cấp ba, có thể thi vào đại học. Thầy làm thủ tục nhập học cho Phin dịp hè. Năm đó Phin vào tuổi mười lăm. Khi thầy vào dạy năm sau, Phin đã tựu trường. Vài tháng sau thầy Vinh rời nhà Phin ra nhà tập thể giáo viên ở trường. Rồi thầy được điều về thị xã. Hôm về tỉnh, thầy qua nhà anh chị Ngoạt chào từ biệt. Anh Ngoạt chỉ vào gian buồng thầy ở trước, vui vẻ nói:

- Đấy, ảnh con Phin mới gửi về. Lớn tướng rồi thầy ạ. Khéo phải bảo nó bỏ học về mà lấy chồng thôi.

          Thầy Vinh giãy nảy: - Đừng anh chị ơi!  Cứ cho nó học nhé! Cứ cho em nó học. Xin anh chị đấy!

          Thấm thoát thế mà đã gần chục năm trời. Phin học xong cấp ba, thi được vào đại học sư phạm. Học bốn năm trở về dạy học ngay chính quê mình…Trước mắt thầy bây giờ là cô giáo Phin rất nét, lọn tóc phủ dày cái cổ trắng ngần chảy dài qua bờ vai. Đôi mắt mở to trong sáng, nhưng có vẻ không vô tư nữa. Cặp môi mọng đỏ, má hồng rân rân…

- Sao thầy không lấy vợ? Em tưởng ra trường tìm đến thăm thầy phải mang theo kẹo bi ron ron mới đủ chia cho các cháu…Hóa ra thầy với cô Mai chả thành đôi. Thầy kén thế!

          - Cái cô này! Lấy vợ lấy chồng là cái duyên cái số. Sao bảo cậu Phòn cuối bản đem lễ dạm hỏi, bố mẹ Phin gật đầu sái cổ mà cô không chịu. Cô làm cao thế!

          Hôm ấy, họ cùng ngồi ăn cơm tối ở chỗ quen thuộc trong nhà Phin. Điện sáng lung linh thay cây đèn tù mù năm nao, soi rõ nhưng khuôn mặt mọi người hôm nay đã bớt đi nhiều lam lũ. Vẫn hũ rượu sành cũ nhưng không nút lá chuối khô mà bịt bằng miếng ni lon, nịt chun mấy lượt. Miệng hũ được mở dưới bàn tay thô kệch của chủ nhà. Mùi thơm ngầy ngậy cay cay của rượu nếp cái hoa vàng để lâu ùa ra hòa quyện mùi thịt gà nấu với rau sắn ngâm chua làm cho Phin tươi hẳn.

- Chưa vợ? Thầy vẫn chưa vợ nhỉ? Gan thế! - Anh Ngoạt nói vu vơ sau li rượu.

          - Bố này, buồn cười thật- Phin nói- Em mời thầy!

          Bữa cơm chưa tan, xung quanh nhà đã rộn rịch tiếng người đến chơi khi nghe tin thầy Vinh về bản. Có giọng ai đó chát chúa bằng tiếng địa phương “tua lúc nạy pây theo hấn mất” (con ấy nó sẽ theo thằng cha ấy thôi), xói vào tai Vinh. Phin liếc nhanh khuôn mặt bỗng chùng xuống và chén rượu sánh ra những ngón tay hơi run của thầy Vinh, cau có nhận ra giọng thằng Phòn và biết thầy Vinh đã hiểu tiếng quê mình.

          Nửa học kì trôi nhanh. Kết quả rất đáng mừng. Đoàn cán bộ Sở Giáo dục tỉnh và Phòng Giáo dục huyện đã đánh giá, nhận xét tốt nhà trường và cá nhân thầy Vinh. Thật suôn sẻ…nếu không có cái thư nặc danh gửi tới Sở và Đoàn kiểm tra: “…Thưa cấp trên! Thầy Vinh đã không công bằng với cấp dưới, thiên vị nhất với cô giáo Phin…Cặp kè đi đến nhà nhiều học sinh, có hôm khuya mới đóm đuốc về…”.

          Đoàn kiểm tra mời một số người tham khảo ý kiến, trước tiên là lão Phộc. Mặt lão tái đi vì bực tức, lúc sau lão phán xanh rờn:

- Cái cô Mai chứ ai! Chữ thì có vẻ khang khác, cơ mà văn là của cô ấy rồi. Tôi khờ quá, dù có biết cô ấy mết ông Vinh, không được xoay ra bơm kích cô Phin với nhiều người, nhưng thư nặc danh lên cấp trên tôi không ngờ đấy.

          Cô Mai được mời lên. Không khảo mà xưng. Mới hỏi thăm mà mặt đã biến sắc. Cô tu tu khóc, giãi bày trong nước mắt: - Em xin thầy, anh Vinh ơi! Vinh chỉ còn biết lặng người ngắm nhìn gương mặt xương xương với những chấm đồi mồi xàm xạm trên gò má của Mai…

          Đoàn kiểm tra nhanh chóng khẳng định kết quả đánh giá về nhà trường. Chuyện cái thư nặc danh coi như xí xóa, để thầy Vinh xử lí nội bộ. Khi chia tay đoàn kiểm tra, bất ngờ, ông trưởng đoàn cười, bảo:

- Này các cậu, tớ thấy anh chàng Vinh với cô Phin kể cũng đẹp đôi đấy chứ! Làm mâm cỗ ‘tạ’ cô Mai, mời lão Phộc chủ xị, xong béng đấy nhá. Hà…hà…

          - Phải, phải, tôi gần anh Vinh mà tối dạ quá! - Ông Toàn hiệu phó thêm vào. Hà…hà…hà…

          Phin từ xa chạy tới, hớn hở khi thấy mọi người cười vang. Có lẽ Phin không biết chuyện gì xảy ra, toe toét gọi cô Mai đang đứng cuối sân trường: - Chị Mai ơi! Lại đây chia tay với các bác trên tỉnh.

          Họ dàn hàng ngang đi trên sân trường. Mấy cánh rừng xanh sẫm nối dài tới dãy núi mờ sương vây quanh ngôi trường mới như dập dềnh theo bước chân. Gió đông lạnh ào ào thổi. Họ khoác tay nhau cùng hướng ra phía đường nơi đoàn xe đỗ đợi. Lũ học sinh ùa theo sau. Lão Phộc ra sau cùng, vội vã chạy tới. Đám người xô đẩy thế nào mà khi giơ tay vẫy chào đoàn, Vinh nhận thấy bàn tay trăng trắng huơ huơ sát bên mình là bàn tay Phin.

 

                                                        L.K

 9-8-201819-579901461-w680-6002-1533808400

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét