“Từ đuôi mắt Chư Yang” – vọng vang sau biên vực
Vanvn– Trần Nguyệt Ánh giữ trong mình hồn cốt của dãy núi Chư Yang Sin xanh thẳm mà đầy phóng khoáng, tẩm trong lòng tay từng lớp nắng, lớp gió từ vùng đất đỏ màu mỡ chất chứa nỗi lòng tha hương của những con người tứ phương.
“Thơ giải tỏa ẩn ức sống, kinh nghiệm sống. Thơ chia sẻ và cứu rỗi cô đơn hay tuyệt vọng của con người”. Trong quá trình đọc tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang” của nhà thơ nữ Trần Nguyệt Ánh làm tôi nhớ đến quan niệm trên của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Với góc độ là một người đọc, công việc cảm nhận tác phẩm có lẽ là một thách thức, tôi tìm đích đến của mỗi bài thơ, nhưng cái đích ấy không phải là điểm xác lập vị thế của một người thơ mà là hành trình tác giả nhóm đuốc, rọi soi qua từng nốt lặng trong hổn hển hơi thở của mình.
Ở đó là những âm rền cuốc sống; là bao mồi dẫn về khoảng trời quá khứ; muôn vàn chấm sáng của tình yêu, thiên nhiên, con người, quê hương xứ sở. Lấy điểm nhìn từ Cao Nguyên, Trần Nguyệt Ánh mở tạo một không gian ẩn nén cảm xúc, tâm trạng, những khoảnh khắc nhớ đã hợp chuẩn nhiều ý tưởng để xây dựng nên một dòng chảy thơ giàu tình yêu thương, đồng thời thể hiện rõ một cá tính thơ riêng khác thông qua tư duy thơ và cách diễn đạt.
Trần Nguyệt Ánh khao khát một hạnh phúc chín lựng… lặng lẽ, âm thầm. Những cơn nhớ, cơn thương quyện chung nhịp với tần số của nhà thơ, đó như là nguyên cớ để nhà thơ mở khai được chiều liên tưởng, chiều ý nghĩ qua sự sóng đôi của không gian – thời gian. Đây là cái gốc rễ dẫn đến một trường thơ vững chắc, một ý tưởng thú vị, cho nên cảm giác thơ đã sở hữu được sức sống mạnh mẽ, song hành cùng năm tháng lao động chữ nghĩa của chị. Trần Nguyệt Ánh giữ trong mình hồn cốt của dãy núi Chư Yang Sin xanh thẳm mà đầy phóng khoáng, tẩm trong lòng tay từng lớp nắng, lớp gió từ vùng đất đỏ màu mỡ chất chứa nỗi lòng tha hương của những con người tứ phương. Và chị cũng chẳng tiếc gì mà dành tặng cho người đọc một bản tình ca vượt thoát khỏi những u thẫm xưa xa qua thức điệu chậm rãi, mơ màng bằng giãi bày, tâm sự, sự đối thoại vô thức.
Từ đó, cái tôi cá nhân đã được nhà thơ mã hóa thành cái tâm trạng chung của nhiều người có câu chuyện tương tự mà không thể nói ra bằng cách nói thông thường. Có lẽ đó là sự bao dung cũng như chia sớt, phân tán từng ẩn ức, khao khát, mộng mơ của một người thơ, đặc biệt là một người thơ nữ. Có lẽ vì những kín sâu này mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định rằng thơ viết ra không chỉ riêng mình mà như “Mặt trời không tỏa sáng cho cá nhân nó, gió không thổi cho chính nó, bông hoa tỏa hương không phải để nó cảm nhận, cái cây không ra quả để nó ăn…”.
Tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang” đã khoét sâu vào các hình tượng, thi ảnh, chất liệu. Tôi hòa nhịp được với sự nhịp nhàng, mềm mại của Trần Nguyệt Ánh. Nói dễ thì thật dễ, mà khó cũng thật khó… Thơ chị có nét mờ của đương đại, có phút chạm của hậu hiện đại, làm xuất hiện những tâm thức mới, dụng ngôn lạ. Tôi hiểu rằng, đó là một cuộc làm khác, khai phóng, sáng tạo của một người làm thơ. Và Trần Nguyệt Ánh là người quan tâm đến sự thay đổi trước sự chững của văn học hiện nay. Do đó, chị mới có thể tiệm cận được cảm giác, tâm trạng của người khác, của cảnh quan, của sự biến đổi hệ sinh thái. Đặc biệt, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tâm giác của chị rất mạnh mới cấu triển được dòng chảy thơ vững cả về nội trạng lẫn hình thức.
Dù chỉ một chút còm cõi cõi người, một ít đăm chiêu của thân phận, một khắc bơ vơ của tâm hồn không còn trẻ, một hơi ấm, một cặn bụi, đã làm cho người ta rung động, để rồi người ta miên man và nhớ về thơ, nhớ về mạch sống của một con người chỉ mãi hoài ngược nhoài ký ức “Từ đuôi mắt Chư Yang”. Gói gọi trong 59 bài thơ, Trần Nguyệt Ánh găm gửi tình cảm, tâm trạng đến những thức đoạn tình yêu, những trở trăn về mẹ, về con, về quê hương, qua mạch hồi ức, đặc biệt chị đã vẽ lên được khoảng không gian văn hóa Tây Nguyên, nơi mà chị sinh sống, làm việc. Từ con chim kơ – tia đến những chiếc gùi nặng lưng thiếu phụ hay dòng sông, dãy đồi,… với thật nhiều hình ảnh đậm chất vùng miền, Trần Nguyệt Ánh đã tạo nên một không khí tràn đầy bản sắc.
Chúng ta đang nhỏ nhoi giữa cuộc sống hỗn mang này, biết đâu những gì chúng ta đang làm lại đi ngược cái đẹp, cái đáng trân quý. Tham vọng, khát khao ai cũng đều có nhưng có lẽ đến một giây phút nào đó hãy lặng mình, dừng lại một chút để làm bản thân tự đúng đắn. Trần Nguyệt Ánh đã cho thấy khoảng lặng qua tập thơ mới này… Tôi nghe được nhịp đập, hơi thở quá khứ của chị trên những dòng thơ, tôi thấy được một thế giới ngồn ngộn giữa sáng tối đã được gieo trồng và vẫn hoài sóng đôi cùng chị ở cả tập thơ. Từ những thanh âm vang vọng, từ những ngôn từ bình dị, từ những cái nhìn suy tư,… đã cấu nên nhịp tâm hồn, nhịp cảm xúc, nhịp trí tuệ của Trần Nguyệt Ánh.
Tập thơ “Từ đuôi mắt Chư Yang”, tôi tin sẽ gửi đến được bạn đọc những đồng cảm nhất định. Ở tập thơ này tôi bắt gặp một Trần Nguyệt Ánh ngỡ khô khan nhưng lại dịu dàng, ấm áp, ngỡ già mà rất trẻ, ngỡ trẻ nhưng đầy đa đoan giữa đời. Tôi nghĩ rằng chị đã hạnh phúc với một chặng đời thơ như thế, bởi chị sở hữu được cách quan sát thiên nhiên, con người, tâm hồn chi tiết, chị giàu tưởng tượng, mô tả chân xác. Đặc tính của thơ cần người thơ phải nắm chắc những yếu tố đó. Với ý đồ mở rộng chiều kích suy tưởng của một tác phẩm, thì đây là một thủ pháp vô cùng quan trọng. Sự quan sát bằng mắt thường, cao hơn nữa là tư duy, liên tưởng, nhằm bắt kịp đối tượng ở một nơi nào đó trong giây lát. Khi qua đi khoảnh khắc đó, sự hụt hẫng, sự buồn như mất mát khiến bài thơ trở nên nặng ký và giá trị hơn rất nhiều.
Là một người làm thơ, tôi cho rằng “Từ đuôi mắt Chư Yang” đã phần nào đem đến cho tôi cảm hứng và năng lượng. Đương nhiên, không thể toàn diện được tất cả, tập thơ vẫn còn ít điểm tôi chưa hài lòng. Tôi vẫn mong chờ hơn ở Trần Nguyệt Ánh vào những gì sau này, vì tôi nhận ra chị có bản thể của người làm thơ. Đó cũng là một số cảm nhận của cá nhân tôi với tập thơ này của Trần Nguyệt Ánh. Và có lẽ quí bạn đọc cầm trên tay tập thơ, đọc nó, cảm nhận nó sẽ mở ra nhiều điều suy ngẫm và nhận về cho mình những đồng cảm đầy nhân văn và đẹp đẽ, lắng nghe được vọng vang sau biên vực của nhà thơ nữ đầy nhiệt huyết này.
NGUYÊN NHƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét