Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Vẻ đẹp tâm hồn NGA


Vẻ đẹp tâm hồn Nga

                        Nguyễn Thị Lan

Chưa một lần đến nước Nga nhưng tôi biết và hình dung rõ nét một nước Nga với không gian sinh tồn mênh mông hào phóng, với những miền đất trải dài bất tận vắt từ Châu Âu sang Châu Á.

Và tôi biết, tôi thấm thía một nước Nga với nền văn hóa có chiều sâu, có vóc dáng vạm vỡ khiến bao dân tộc, bao người khắp thế giới phải ngưỡng mộ.
Nhưng nói văn hóa phải nói đến con người, chủ thể của văn hóa. Văn hóa Nga vĩ đại vì đã có những con người Nga tuyệt vời sản sinh ra nó, con người Nga với “tâm hồn Nga”.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Kim Ngọc, một từ rất nổi tiếng và thiêng liêng trong tiếng Nga là “dusha” - "душа", có nghĩa là “tâm hồn”. Đây là từ được coi là trung tâm trong hành vi hàng ngày của người Nga và cũng thể hiện rất đặc trưng bản sắc Nga.
Tâm hồn Nga mang vẻ đẹp sâu thẳm và bí ẩn, một tâm hồn rộng mở, phóng khoáng với tính vô giới hạn như địa lý tự nhiên nước Nga vậy !
Ít có dân tộc nào trên thế giới có tâm hồn đôn hậu (đến trong vắt), cởi mở, bao dung, nồng ấm tình yêu, vị tha cao thượng, giàu đức hy sinh và hào phóng như người Nga. Người Nga giàu lòng trắc ẩn. Họ coi lòng trắc ẩn, sự cảm thông là quà tặng của Thượng đế cho dân tộc Nga, là vũ khí chiến thắng cái ác.
Người Nga bộc trực, thẳng thắn, thành thực cả trong suy nghĩ, lời nói, việc làm. Ngây thơ, chất phác đến khó tin - đó là một bí ẩn của tâm hồn Nga chăng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã có nhiều năm học tập, sinh sống ở nước Nga, đã nhận xét: “…nụ cười của các giáo sư Xô-viết là nụ cười của bà mụ dạy hay nụ cười ở nước thiên đàng, nghĩa là nụ cười ở xứ sở trong vắt, không thể tìm đâu trên  mảnh đất bụi bặm”.
Con người Nga giàu lòng yêu nước. Trong lịch sử người Nga đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng đội quân xâm lược Napoleon hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ (1812); từng làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười “rung chuyển thế giới” (1917); từng chiến đấu và hy sinh hơn 20 triệu quân, dân để cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít (1941 - 1945)
Sông Volga

Sông Volga

Trong văn học thì nước Nga là tình yêu lớn nhất của các văn sĩ, thi sĩ. Trong tùy bút “Lòng yêu nước”, nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Liên Xô trước đây - Ilia Erenbua (1891 - 1967) - đã viết về lòng yêu nước ấy: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào trường giang Volga, con sông Volga đổ ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đó là một định nghĩa giản dị mà sâu xa về lòng yêu Tổ Quốc. Ở chỗ khác, nhà văn đã khẳng định: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?”
Nhà thơ Xécgây Exênhin (1895 - 1925) - “ông hoàng của thi ca Nga” - từng yêu mến “nước Nga bằng gỗ” của mình:
 “Ôi nếu thiên thần lên tiếng gọi:
“Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường”
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy
Cho tôi xin cùng Tổ quốc yêu thương”.

Thiên đường của nhà thơ nông thôn này chính là nước Nga.
Cánh đồng Nga

Cánh đồng Nga

Yêu nước và quyết chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc là một phẩm chất cao quý của tâm hồn Nga. Ônga Bécgôn (1910 - 1975) - nữ thi sĩ, người con gái quả cảm đã từng đến Đài phát thanh và phát những trang tin cổ vũ ái quốc trong 900 ngày đêm Lêningrát bị phátxít Đức bao vây.
Cũng với lòng yêu nước nhiệt thành, hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Liên Xô mà đa phần là nhà văn Nga đã ra mặt trận, trong đó một nửa được tặng Huân chương và Huy chương, 270 nhà văn đã hi sinh vì Tổ quốc.
Không chỉ yêu nước, người Nga còn sẵn sàng hi sinh cá nhân cho cộng đồng, quyết tâm tìm kiếm chân lý phổ quát và những giá trị vĩnh hằng, hướng tới những điều cao thượng, đẹp đẽ. Trong tác phẩm của các nhà văn hào, thi hào Nga như A.Puskin, N.Gôgôn, L.Tônxtôi, I.Tuốcghênhép, M. Lécmôntốp, X.Exênhin, M. Gorki, M. Sôlôkhốp… ta đã gặp những nhân vật trữ tình, những hình tượng nhân vật với phẩm chất tâm hồn như vậy.
Trên cánh đồng hoa nước Nga

Trên cánh đồng hoa nước Nga

Người Nga nhân hậu đến mức kinh ngạc. A. Puskin (1799- 1837) - “mặt trời của thi ca Nga”, nhà thơ của tình yêu – viết nên những bài thơ tình Đẹp và Thánh thiện. Mặc dù thi hào trải qua những mối tình đơn phương vô vọng nhưng thơ ông bao giờ cũng vị tha, cao thượng, bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách con người nhân hậu. Dù “Tình yêu không thể đáp đền cho anh”, nhưng người tình Puskin vẫn mong “Trẻ trung hồn lại đẹp xinh/Mai em được thấy bao tình mến thương”, và “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”. Những vần thơ ấy thấm nhuần tinh thần nhân đạo, đánh thức những tình cảm tốt đẹp của con người.
Nhà văn F. Đôxtôiépxki (1821 - 1881) trong truyện vừa “Những đêm trắng” lại kể cho ta nghe về một người Nga nhân hậu. Gặp gỡ tình cờ, bốn đêm trò chuyện để rồi cô gái đi lấy chồng, anh chàng tiếp tục sống cô đơn với mối tình vừa bùng cháy trong lòng nay chỉ để lại cho anh những hoài niệm. Với anh: “Thế là hết! Hết tất cả”. Nhưng tác phẩm không dừng ở đó. Kết thúc tác phẩm, ta thấy bất ngờ, sửng sốt trước tâm hồn cao quý của anh, ta rung động với chất thơ tình cảm trong mộng ước của anh, cái chất thơ tuyệt đối xa lạ với thói vụ lợi, ích kỷ, sự hằn học khi mục đích không thành. Cảm xúc của anh trong sáng biết bao, tình người ở anh ấm áp biết bao khi anh viết cho cô: “….Mong sao bầu trời của em sáng trong, mong sao nụ cười của em tươi tắn và thanh thản, cầu trời ban phước lành cho em vì một phút hoan lạc và hạnh phúc mà em đã ban cho một trái tim khác, trái tim cô đơn và biết ơn”. Một lời cầu chúc và một lời cảm ơn của một trái tim nhân hậu. Tâm hồn Nga là vậy.
Trong tác phẩm “Số phận con người” của nhà văn Xôviết lỗi lạc M. Sôlôkhốp (1905-1984) ta lại gặp một người Nga như thế. Trở về sau chiến tranh vệ quốc, anh lính Xôcôlốp - nhân vật chính của truyện - hầu như mất hết vợ con, nhà cửa…Trong cô đơn, anh gặp chú bé Vania côi cút, tứ cố vô thân, anh đã quyết định đem tình thương ấp ủ cho bé. Và hai trái tim cô đơn giá lạnh ấy bất chợt ấm lên vì được bên nhau. Ở đây, chính tình thương đã chữa lành vết thương trong trái tim.
Giữa bao nét đẹp, nét quý ấy của tâm hồn Nga có lẽ ấn tượng sâu đậm với những ai yêu nước Nga, văn hóa Nga và con người Nga là “nỗi buồn Nga” - một nỗi sầu không lời và vô duyên cớ, nỗi buồn của một tâm hồn đa cảm, tinh tế. Nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần đã nói: “Nỗi buồn Nga, thực đáng gọi là thầy”.
Người ta thường nói đến sự thiếu hụt tính cách nam, tâm hồn đầy nữ tính của người Nga trong con mắt của nhân gian. Đó là bản sắc của người Nga không trộn lẫn. “Tính nữ” trước hết bộc lộ trong “nỗi buồn Nga”. Nỗi buồn ấy thấm đẫm trong văn học nghệ thuật Nga.
Trước hết là trong văn chương - một trong hai thứ đặc sản làm nên hồn cốt nước Nga (tôi nghĩ là bánh mì đen và văn chương)
Thiếu nữ Nga

Thiếu nữ Nga

Ở thơ ca, ta đọc được nỗi buồn sâu kín của Puskin khi ông viết cho người bạn gái đã chia tay:
“Chuyện tàn có thể anh quên
Tình yêu không thể đáp đền cho anh”
(Hết rồi tình đã vỡ tan)
Ta thấy vết thương lòng trong “anh” khó lành dù thời gian qua đi.
Ở Exênhin thì tình yêu quê hương thấm nhuần toàn bộ sáng tác của nhà thơ, nó trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Âm hưởng chủ đạo trong những bài thơ da diết của thi sĩ đã thể hiện “nỗi buồn vô tận của ruộng đồng” (M. Gorki) và tình yêu thương với vùng quê nghèo “dải đất đầy cay đắng”. Đã bao lần thi sĩ phải buồn bã thốt lên:
“Ôi quê ta heo hút
Ôi quê ta bãi hoang”
“Ôi vùng đất mưa dầm thời tiết xấu”
Cái vùng đất khiến nhà thơ: “… yêu đến sướng vui và đau khổ/Nỗi sầu thương, hồ nước trải mênh mang”.
Và tình yêu tuổi trẻ nhiều đắm say và cũng lắm đắng cay ta gặp trong thơ Ônga Bécgôn (1910-1975) - bà là nữ nhà văn, nhà thơ Xôviết nổi tiếng với những sáng tác trong thời kỳ Lêningrat bị bao vây:
“Em nhớ lại một chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ
Ngôi sao cháy bùng trên sông Nêva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà”
                                                             (Không đề)
Những dòng thơ viết về tình yêu dang dở ấy đã làm thổn thức trái tim bao người đọc.
F. Đôxtôiépxki được coi là “con người Nga và nhà văn Nga đến tận cùng sâu thẳm”, qua ông có thể giải đoán được tâm hồn Nga, bản tính Nga, tinh thần Nga. F. Đôxtôiépxki thường viết về những con người “bé nhỏ” trong xã hội. Truyện “Những đêm trắng” của ông được coi là “bài ca” về nỗi đau khổ của người. Trong truyện này, sau khi người yêu của Natxenka đến và đưa cô đi, nhân vật “tôi” như thấy “ngôi sao băng đã vút qua bầu trời”. Cái kết của câu chuyện đượm buồn. Sáng hôm sau, “người mơ mộng” lại tiếp tục cuộc đời cũ nhưng ảm đạm và rầu rĩ biết bao nhiêu. Với anh “Thế là hết ! hết tất cả !”. Người đọc không thể không chia xẻ nỗi đau của con người bất hạnh ấy.
Rồi nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn thời hậu chiến của người Nga được thể hiện một cách chân thực cảm động trong truyện “Số phận con người” của M. Sôlôkhốp. Số phận của Xôcôlốp trong tác phẩm là số phận của những con người bị chiến tranh tước đoạt mất những gì quý báu nhất. Nhưng cái đau khổ nhất của con người sau chiến tranh không phải chỉ là ở những cái gì mất đi mãi mãi mà còn là những gì vẫn còn lại trong kí ức như một gánh nặng hiện tại của tâm hồn, đã trở thành cái bộ phận nhức nhối nhất trong tâm hồn hiện tại. Trước khi gặp bé Vania, sự tuyệt vọng cô đơn của Xôcôlốp đã lên đến điểm đỉnh.
Một khúc Volga

Một khúc Volga

Trong lĩnh vực âm nhạc Nga, Traicốpxki (1840-1893) là một nhạc sĩ thiên tài với những tác phẩm bất hủ. Âm nhạc của ông đồng nghĩa với nước Nga về “nỗi buồn tê buốt” của nó. Ông là một trong những biểu tượng rực rỡ nhất của nước Nga, của tâm hồn Nga mang nặng “nữ tính”.
Rồi những bài hát của xứ sở Bạch Dương có ca từ đẹp, lời buồn da diết, âm điệu dịu dàng, man mác buồn mang đến cho người nghe bao cảm xúc như: Chiều Mátxcơva, Cây bạch dương, Chiều hải cảng, Triệu bông hồng, Kachiusa, Chiếc khăn xanh...
Trong lĩnh vực hội họa, những kiệt tác của danh họa Lêvitan (1860-1900) như “Mùa thu vàng”, “Mùa xuân con nước”, “Sự tĩnh lặng đời đời”... là những bức tranh phong cảnh mê hồn, quyến rũ mà mỗi lần xem tranh lòng ta quặn thắt vì vẻ “đẹp và buồn” của chúng. Những bức danh họa ấy lưu lại cho đời một vẻ đẹp và buồn xa vắng.
Tâm hồn Nga đầy ắp nỗi buồn dịu dàng thiết tha, phải chăng trước hết vì đất nước Nga mênh mông, hùng vĩ, tươi đẹp – một vẻ đẹp sâu lắng mang nỗi buồn xa xăm trắc ẩn, vì mùa Đông nước Nga dài ảm đạm với “tuyết trắng và rừng bao la”, vì mùa Thu nước Nga vàng, vì thiên nhiên Nga xanh, vì nước Nga đất rộng người thưa ... ?  “Nỗi buồn Nga” phải chăng còn xuất phát từ tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, từ lòng trắc ẩn, từ trái tim đau với nỗi đau của đồng loại của những con người ở xứ sở Bạch Dương? Chỉ biết rằng những “Nỗi buồn Nga” ấy đã vỗ về an ủi con người, nâng đỡ con người, làm trong lại hồn người. Nó chan chứa tinh thần nhân văn cao cả.
Năm 1991, Liên bang Xôviết tan rã, Nhà nước Xôviết chấm dứt sự tồn tại của nó về mặt lịch sử.
Nhưng dù lịch sử lắm khúc quanh co, dù thời cuộc gặp nhiều biến cố, với những bão tố chông gai, nhưng những giá trị Nga vẫn nguyên vẹn vóc dáng qua thời gian. Tâm hồn Nga vẫn nguyên vẻ đẹp không bao giờ mất đi, vẫn luôn có sức lay động và thẩm thấu lớn đến người Việt Nam. Những người yêu nước Nga luôn luôn yêu và ngưỡng mộ vẻ đẹp của tâm hồn Nga. Đó là vẻ đẹp trường tồn chịu được sự va đập của thế sự. Đến nay, vẻ đẹp ấy vẫn luôn lung linh như thế.
                                                                                             TP Hải Dương, tháng 10-2018
                                                                                                     NGUYỄN THỊ LAN
Chép lại từ tạp chí Bạch Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét