Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

KÍ ỨC LỜI RU





KÝ ỨC LỜI RU

                  Tản văn của Tâm Dung
            

             Ngày còn bé, tôi cứ quẩn quanh với một suy nghĩ rất buồn cười.Tôi rất hay tự hỏi:
- Có phải là các bà mẹ sinh ra em bé chỉ mục đích là được ru nó ngủ không nhỉ?
Vì thấy rằng bà tôi, bác tôi, mẹ tôi, chị tôi và cả cô Bình, thím Thư hàng xóm đều thích bế em nằm võng mà hát ru. Đó là lúc họ thư thái nhất, sau giờ lao động, sau khi cơm nước, giặt dũ xong xuôi. Nghe lời hát khoan nhặt, dịu dàng, tha thiết, hình như không phải chỉ hát cho em bé nghe, dỗ em nín và dìu em vào giấc ngủ mà còn là tâm sự, nỗi niềm, khát vọng gửi gắm từ lòng mẹ vào đó. Hình ảnh những con người, những con vật bình dị gần gũi, những cỏ cây hoa trái xứ sở...mà suốt cả cuộc đời họ gắn bó máu thịt thân thương đã tự nhiên gom lại để làm thành lời ca.
            Hát ru em ở đâu cũng có, mỗi vùng miền có một cách thể hiện nội dung và hình thức khác nhau. Không phải ai cũng hát giống ai. Có khi cùng một không gian, một bài hát, nhưng sự thể hiện phụ thuộc vào gia phong, vốn sống cũng như trình độ và khả năng thiên bẩm...của từng người.
Nhưng cái chung nhất của hát ru vẫn là trải lòng mình bằng câu hát yêu thương để đưa đứa trẻ vào giấc ngủ...


                                                        Tác giả Tâm Dung

             Cho tới bây giờ, đầu tôi hai thứ tóc, cuộc mưu sinh khiến tôi phải xa quê đã lâu, trời cũng cho tôi làm mẹ, làm bà. Tôi đã lần lượt hạnh phúc ôm những núm ruột yêu thương, bé bỏng của mình trong vòng tay mà phổ lòng mình vào lời ca ...
Có cả những buổi cao hứng trong lúc đọc thơ, một đôi lần tôi cũng ru vận đôi câu lục bát. Và khi ấy, niềm yêu thương từ thẳm sâu của người đàn bà vẫn cứ thổn thức, thao thiết vô cùng. Và cũng thú thực, dù giọng hát ru của tôi không được hay, không trong trẻo như ngày xưa nữa, nhưng mà tôi cảm thấy không gian khi ấy đường như ...lắng lại , những ánh mắt nhìn tôi trìu mến, thật gần gũi, thân thương...
           Nhưng tôi chưa thấy ai hát ru thần tình như thím tôi.
           Tôi còn nhớ những trưa hè, trời nóng như đổ lửa, bọn trẻ con chúng tôi vạ vật dưới bóng cây na dại. Bọn con gái lấy những lá màu vàng làm "công chúa". Bọn con trai tuốt nõn tre câu những con công cống làm..."lợn con", hay kẻ sợi tơ chuối câu cá cờ.
Dù say mê " công việc" nhưng tôi vẫn để tai nghe rành rẽ từng lời thím tôi ru em. Và nhất là những đêm khuya, bầu trời trăng xanh rười rượi, tiếng côn trùng rả rích ngoài vườn, con mèo vàng nhởn nhơ vồ bóng mình dưới trăng, chú tôi ngồi ken nốt mấy nan đăng để sớm mai còn thay cầu đón mùa cá vượt cạn.Tôi nằm trong lòng bà yên lặng, mơ màng, cốt để nghe thím ru em.
                Thím vốn là con gái cụ đồ, ngày còn son, thím được cụ cho học hành ít nhiều. Thím rất thông tuệ. Tuy cũng lam lũ ruộng đồng, vườn tược nhưng lúc nào trông thím cũng rất tươm tất. Vành khăn vấn rất tròn và lọn tóc đuôi gà duyên dáng buông lơi. Khi nằm võng ru em, lọn tóc đó cứ vắt vẻo như đánh nhịp cho tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt. Thím cất giọng à...ơi...bồng bềnh, dịu ngọt, thương đến nao lòng đã dẫn dụ tôi lạc về tận nơi đẩu, nơi đâu...Nhưng cũng đã nhiều lần, nghe thím tôi ru mà tôi... thầm khóc!
Tôi thường nhẩm và thuộc lầu lời ru . Những là con bống, con tôm, cái cò, cây cà, cây cải, rau răm, cô yếm thắm...
Tôi còn biết tường tận những con bống nết na biết " đi chợ Cầu Nôm". Phần lớn chúng đều hiền dịu, xinh xẻo và chăm ngoan. Cũng có những chị bống có tính tham ăn :
"Con ăn một thì mẹ ăn hai
Con đi bốc muối thì khoai chẳng còn
"
Và lại có cả những cô nàng bống đáo để, đành hanh ra vẻ ta đây "cũng đòi dương vây "...
Rồi nào cò, nào vạc, nào nông, nào "sáo sang sông"...
Nhưng mà tôi thì tôi mê nhất là hình ảnh con cò.
Tôi say những lời ru nâng cánh cho "con cò bay bổng bay cao", để con trai , con gái cùng hát lên cho những giọt mồ hôi biến thành hạt ngọc thực:
" Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam bên nữ ta cùng hát lên
"
Con cò vốn là con vật hiền lành, chăm chỉ, gần gũi với người lao động. Lời ru vì thế mà thương lắm!
Ơi! những " thân cò" " lặn lội bờ sông
gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
"
Ơi! Những thân cò phải bỏ con ở lại tổ nghèo mà " đi đón cơn mưa",
" đi ăn đêm" những mong cố kiếm được chút cá dại mà đem về cho đàn con đang dài cổ há mỏ ngóng chờ...
Viết đến đây, lòng tôi như nghẹn lại.Tôi nhớ mẹ tôi những đêm giá lạnh ngày ấy, người bỏ chúng tôi lại nơi ổ rơm với bà, lặng lẽ đi tận chợ Mèn xa lắm, mua cất cá tôm và chạy bộ mấy chục cây về trước khi trời sáng để kịp bán cho tươi.
"Đêm mưa lạnh con nao nao thương nhớ
Con đường trơn lầy lội giữa mùa đông
Cầu tre gầy nối hai sườn xóm nhỏ
Bóng mẹ liêu xiêu mồ hôi đẫm lưng còng
"...
Tôi lại xin được trở về với mạch lời ru. Về những thân cò, vì thương con liều thân để rồi mắc nạn.Thôi thì đành phận nghèo, số vắn, nhưng lòng dạ vẫn mong:
"Có xáo thì xáo nước trong ... Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”.


Con vật nhỏ bé, quanh năm lam lũ mà nhập vào lời ru thật kín đáo, tế nhị, khôn ngoan và đáng yêu, đáng nể biết bao!
           Lời ru còn còn mách chúng ta rằng có cả những anh chàng cò mất nết " hay đánh vợ " ( Con cò là con cò quăm/ Mày hay đánh vợ mày nằm với ai). Và có những nàng cò  kì “ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô” rất hay ăn quà khi đi chợ ( Con cò là con cò kì/ Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô/ Đêm nằm thì ngáy o o/ Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà)... Có khi  mượn chuyện cò để nói chuyện người như ông chú lười lao động nhưng lại mơ người đẹp là cô gái yếm đào.  Chú ta hiện ra với toàn những điều hay này, hay nọ nhưng là những thứ “hay” tiêu cực. Tóm lại, anh chàng là người hay ăn, làm biếng:

              Con cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa

Ngày thì ước những ngày mưa

               Đêm thì ước những đêm thừa trống canh

              Lời ru của thím đã mở lối cho chúng tôi vào tận "vườn hồng "để mà chiêm ngưỡng những ai đó tương tư; để mà biết đào mận, thuyền bến phải lòng nhau; để mà tiếc cho cây bưởi, nụ tầm xuân, miếng trầu ngày ấy sao mà... ít duyên ...!
Lời ru nhủ ta ơn sâu, nghĩa nặng mẹ cha, nhắc ta bạn bè thủy chung, tình làng nghĩa xóm, kinh nghiệm cấy cày sản xuất ...
Và lời ru như an ủi, xót xa, cảm thông , chia sẻ với bao kiếp người trên bể khổ trần gian...
"Gánh cực mà đổ lên non
Co chân mà chạy cực còn chạy theo
"...
Dù tôi đã thuộc lòng phần lời và cả những lề luật à ơi...luyến láy, nhưng ngày nào tôi cũng...nghiền lời thím tôi ru.Tôi chìm vào giấc ngủ trong tay bà và lả la cùng cánh cò, hay đi chợ Cầu Nôm cùng cái tôm , cái tép...
Cứ thế... cứ thế... lời ru ngấm dần trong chúng tôi như nước mưa dầm thấm đất.Và chắc chắn, cánh võng này là nơi khởi nguồn cho những đứa trẻ chúng tôi đến với thi ca...Và lớn thành người.
Bây giờ, cuộc đời đã nếm đủ mùi mặn ngọt, chát chua, tôi mới hiểu lời ru bắt nguồn là thông điệp từ trái tim người mẹ.
Những khi trong lòng thảnh thơi, hạnh phúc lời ru trong trẻo bay bổng luyến láy, xuống trầm điệu đà, đem lại niềm hạnh phúc cho cả hai mẹ con nói riêng và cả làng quê nói chung.
Những là nhớ thương nhắn nhủ:
"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà đầm tương
"
Những là cưng nựng yêu yêu:
"Cái bống là cái bống bang
Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm
"...
Nhưng cũng có khi, người đàn bà bất hạnh gửi vào lời ru con nỗi xót xa ai oán, sự đắng cay, tủi nhục , lòng cam chịu của một thân phận khổ đau, oan nghiệt:
"Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
"...
Hay khi mỏi mệt, người mẹ nghèo như muốn lả đi trong lúc con đói sữa  ngằn ngặt khóc, nhay đầu vú mẹ. Mẹ chẳng thể rút hết được ruột gan để cho bé no lòng. Mẹ cất tiếng ru uể oải, khan đặc, khê nồng để mong yên dạ cho con. Lời ru khi đó, lẫn vào tiếng võng đay cũ nát cót két mắc ngang nhà, trong hơi thở dài cùng với tiếng quạt mo đập muỗi hoa xoan của ai đó, trong chập chờn tỉnh tỉnh, mơ mơ...! Thương lắm!


Tôi thương lắm  những lời ru!

Tôi yêu lắm những hình ảnh đẹp trong  ca từ lời hát ru!
Tôi yêu say mê nền văn hóa ru của ông bà ta truyền lại.
Tôi nghĩ hát ru là loại hình nghệ thuật góp phần sáng tạo, trau chuốt và bảo tồn văn hóa dân gian của chúng ta tích cực nhất.
Khi tôi viết những dòng này là lúc đêm muộn! Tôi ước mình sẽ ngủ một giấc thật say.Và trong mơ, tôi lại được nằm khoanh trong lòng bà mà nghe:
À ơi! Cái bống mày ngủ cho ngoan
Mẹ mày đi cấy đồng quan chưa về ...

Và kia! Mẹ  tôi đã trở về! Bóng mẹ liêu xiêu mồ hôi đẫm lưng còng!
Mẹ ơi!
11h 50/18/10/2018
T.D.
In trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần số 1194 ngày 18/11/2018 với nhan đề LỜI RU, BÓNG MẸ...Đây là bản đầy đủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét