Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Trò chuyện về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng





Trò chuyện về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng



PV - Thưa ông, xin được bắt đầu khám phá tác phẩm bằng nhan đề thơ. Tôi được biết là ban đầu tên của tác phẩm là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó tác giả đã bỏ chữ “nhớ” và tên bài thơ chỉ còn lại là “Tây Tiến”. Ông có thể chia sẻ một chút về sự thay đổi này?



Vũ Nho ( V.N.) -Việc đặt tên cho tác phẩm nhiều khi cũng như đặt tên  cho con. Có cái tên đặt rồi, sau người đặt không ưng lại đặt lại. Đặt tên  lại cho con thì phải có đơn từ, trình báo với công an hộ khẩu. Đặt tên lại cho tác phẩm thì chỉ cần tác giả tự sửa rồi đưa vào tập thơ. Với trường hợp của Quang Dũng, theo tôi biết thì không phải là duy nhất. Hàn Mặc Tử đặt tên đầu tiên cho bài thơ Đây thôn Vĩ GiạỞ đây thôn Vĩ Giạ; Nguyễn Đình Thi viết bài thơ Đất nước lúc đầu  đặt tên là bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, sau đó viết thêm bài Đêm mít tinh và gộp hai bài thơ lại và viết thêm  rồi đổi tên thành bài Đất nước. Quang Dũng viết Nhớ Tây Tiến rồi bỏ chữ “Nhớ” đi chỉ còn lại Tây Tiến. Đành rằng cả bài thơ là một nỗi nhớ lớn về Tây Tiến. Nhưng theo tôi, bỏ chữ “Nhớ” đi , nhan đề gọn hơn. Mặt khác, không chỉ có nỗi nhớ, mà ở đấy còn có sự ngợi ca, sự tôn vinh những chiến sĩ Tây Tiến. Có thêm “Nhớ” hóa ra lại thu hẹp mạch cảm xúc của bài thơ.



PV- Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi. Nhớ về đồng đội là nổi nhớ khá thường trực ở nhiều người chiến sĩ và nhiều nhà thơ đã viết về nó. Như “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Đồng chí” của Chính Hữu. Nhưng, tôi hiếm thấy ai gọi tên đoàn quân của mình tha thiết đến thế, gọi tên được nỗi nhớ của mình thành hình như Quang Dũng: “Nhớ chơi vơi”. Tôi nghĩ điều này hẳn phải xuất phát từ một tình cảm hết sức mãnh liệt của nhà thơ?



V.N. - Chắc chắn là như vậy. Nhưng  chúng ta cũng cần biết thêm rằng Đơn vị Tây Tiến mà Quang Dũng gắn bó không phải trong thời gian dài. Khoảng hơn một năm từ 1947 đến 1948. Thời gian  tuy ngắn, nhưng có lẽ cuộc chiến đấu gian khổ và hi sinh anh dũng của đồng đội đã gây ấn tượng mạnh cho người đại đội trưởng kiêm phó đoàn võ trang tuyên truyền Lào Việt. Chính vì thế mà khi xa, nỗi nhớ trào lên. Nỗi nhớ đơn vị đã thôi thúc Quang Dũng và người đại đội trưởng ấy đã viết “rất nhanh” bài thơ trong khi tham dự Đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh và đọc trước Đại hội, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Nhớ chơi vơi là một đóng góp mới của Quang Dũng bên cạnh những nhớ bổi hổi bồi hồi, nhớ ngẩn ngơ của ca dao ( Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai); nhớ “day dưa”  của thơ hiện đại ( Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa- Tế Hanh).


PV- Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Tôi thấy hiếm có đoạn thơ nào mà nối kết nhau bằng nhiều hình ảnh, điệp trùng hình ảnh và nhạc điệu như đoạn thơ trên.
 Ông có cùng ý kiến với tôi không và ông có thể chia sẻ vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc được tái hiện qua nỗi nhớ của người chiến sĩ Tây Tiến?


                Nhà thơ Quang Dũng


V.N. - Tôi hoàn toàn đồng ý với cảm nhận của bạn. Nhưng cũng xin góp thêm một đôi điều  thú vị về từ ngữ dùng rất táo bạo: sương lấp. Thường thì người ta nói sương che, sương phủ, sương ướt. Nhưng sương lấp là sương rất  nhiều, rất dày, sương rất mạnh, lấp cả đoàn quân. Rồi cái đêm hơi ở Mường Lát cũng thật lạ. Tôi có may mắn đến Mường Lát của Thanh Hóa trong một chuyến công tác. Cũng cố tò mò hình dung “đêm hơi” là đêm như thế nào? Đêm sương chăng? Đêm sương loãng chăng? Đêm sương khói chăng? Đêm  mịt mờ hơi nước chăng? Tôi không cảm nhận được, nhưng đêm hơi là cái đêm riêng trong thơ Quang Dũng rất ấn tượng.

          Hình ảnh dốc núi thì thật  hùng vĩ và độc đáo:

          Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Từ khúc khuỷu đặt giữa câu thơ cho ta  cảm nhận cái quanh co hiểm trở của dốc. Mà dốc cao lắm cho nên mới thăm thẳm. Câu thơ bảy chữ thì đã có 5 chữ vần trắc như cái sự  ngoằn ngoèo gập ghềnh của con dốc.

          Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Câu thơ cho người đọc hình dung độ cao chót vót đến mức cồn mây mây heo hút, xa vắng, đơn độc. Đến độ cao ấy thì súng có thể chạm trời, có thể ngửi thấy mùi trời. Với độ cao ngàn thước lên và xuống như vậy, cho nên khi xuống hết ngàn thước thì  câu thơ toàn vần bằng như một khoảng mở, như một sự sung sướng thở dài khoan khoái  sau khi vượt dốc:

          Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Câu thơ vang ngân  đọc thật thích mà nghe càng thích!

         

PV - Còn rất nhiều những hình ảnh thơ đẹp về thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ? Ông có thể lẩy ra một vài hình ảnh và bình luận về nó? Ông có nhận xét gì về tâm hồn người lính Tây Tiến – Quang Dũng qua việc cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc?



V.N.- Đúng như bạn nhận xét. Những hình ảnh thơ đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc còn thể hiện ở những câu thơ khác. Chẳng hạn:

          Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

          Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Có đường nét, có hình ảnh cơm lên khói; có mùi thơm xôi nếp, có hình ảnh  người em gái Mai Châu nấu xôi cho chiến sĩ. Xin nói thêm, mùi xôi nếp Tây Bắc vô cùng ấn tượng. Chả thế mà Chế Lan Viên cũng viết : Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch/ Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương ( Tiếng hát con tàu).

          Hoặc hình ảnh này:

          Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

          Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

          Có nhớ dáng người trên độc mộc

          Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Sương, lau, độc mộc, nước lũ là những hình ảnh thân quen đặc biệt Tây Bắc, rất Tây Bắc đẹp và thơ.

          Người lính Tây Tiến Quang Dũng, người đại đội trưởng Tây Tiến Quang Dũng  tài hoa và mơ mộng đã đưa vào thơ những vẻ đẹp rất Tây Bắc. Cũng như  nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong khung cảnh  đèo dốc núi:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài in đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo

Lên Tây Bắc

Sau này, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc rất đặc sắc trong bài thơ Việt Bắc.



PV - Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến không chỉ được Quang Dũng miêu tả gián tiếp qua vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc, mà còn được ông mô tả một cách trực tiếp: Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Tôi nghĩ ở đây có một cách mô tả, một cách nhìn về người lính khá đặc biệt. Ông có thể nói về cách mô tả này của nhà thơ Quang Dũng không? (So sánh với hình ảnh người lính trong “Nhớ” của nhà thơ Hồng Nguyên và “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu)



V.N.- Bạn nhận xét rất đúng. Ở đây chúng ta nói đến  cách mô tả, cách nhìn người lính đặc biệt. Nhưng cần phải nhấn mạnh sự đặc biệt này xuất phát từ ở cả hai phía : Đối tượng được mô tả và người mô tả.

          Trong bài Nhớ của Hồng Nguyên, các chiến sĩ hầu hết là nông dân, chưa biết chữ:

          Lũ chúng tôi

          Bọn người tứ xứ

          Gặp nhau hồi chưa biết chữ

          …

          Áo vải chân không

          Trong bài Đồng chí của Chính Hữu, chiến sĩ cũng là nông dân:

          Quê hương anh nước mặn đồng chua

          Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Trong khi đó, đơn vị Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, trí thức như Quang Dũng.

          Như thế đối tượng mô tả của Quang Dũng  trong Tây Tiến cũng khác với đối tượng của bài Nhớ và bài Đồng chí.

Mặt khác, Quang Dũng là một thanh niên trí thức  đi kháng chiến với ảnh hưởng  sách vở, của hào khí lãng mạn. Quang Dũng kể rằng khi đi Tây Tiến, ông vẫn mang cuốn Ta rat Bun ba của Gô gôn theo và rất ngưỡng mộ những chiến binh Cô dắc dũng cảm, yêu tự do, sống phóng khoáng. Có lẽ vì thế mà hình ảnh chiến sĩ Tây Tiến đã được miêu tả với bút pháp lãng mạn, hào hùng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Những chàng trai trong bài Nhớ của Hồng Nguyên hoặc còn chờ độc lập mới lấy vợ, hoặc nhớ người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya. Còn trong bài Đồng chí  của Chính Hữu thì họ nhớ cô thôn nữ bên “ giếng  nước, gốc đa” của làng quê. Các chàng trai Tây Tiến thì mơ mộng thiếu nữ Hà Nội “ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

          Sự hi sinh của chiến sĩ Tây Tiến cũng  thật thanh thản  và  can trường như bóng dáng các chinh phu xưa trong thơ ca cổ điển:

          Rải rác biên cương mồ viễn xứ

          Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

          Áo bào thay chiếu anh về đất

          Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Người anh hùng xưa  “giã nhà đeo bức chiến bào” và ngã xuống sa trường lấy da ngựa bọc thây, hoặc  về đất với chiến bào. Chiến sĩ Tây Tiến không có chiến bào thì thay bằng chiếu. Cái chết vì tổ quốc thật thiêng liêng và bi tráng.Cái chết làm cảm động cả thiên nhiên, đất trời, sông núi. Cho nên đưa tiễn anh là dòng sông Mã “gầm lên khúc độc hành”.

          Quang Dũng đã miêu tả vừa hiện thực, vừa lãng mạn sự chiến đấu  hi sinh hào hùng của các chiến sĩ Tây Tiến.





                                                               Vũ Nho - Chủ trang

PV - Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. Đọc bài thơ Tây Tiến, nhất là những câu thơ cuối này, tôi có cảm giác mình đang sống trong không khí  Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn của Kinh Kha xưa? Ông có cảm giác giống tôi không? Và ông có bình luận gì về hai câu cuối của bài thơ?



V.N. - Tôi nghĩ đó là một cảm giác tinh tế, một so sánh thích hợp. Tôi  không liên tưởng xa đến thế. Vì dẫu sao thì Kinh Kha cũng là một thích khách Trung Hoa đơn độc. Tôi thì tôi thấy các chiến sĩ Tây Tiến này gần hơn với hình ảnh  li khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm:

          Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Họ cũng gần gũi với người anh em trong Đồng chí :

          Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Quyết tâm của họ ra đi là chỉ có hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có chiến thắng, chỉ đến đích là tiến về phía Tây, đến Sầm Nứa của nước bạn Lào, chứ không  thể quay về xuôi, không rút lui về lại nơi xuất phát.





PV- Vâng! Thưa quý vị và các bạn, để hiểu hơn vẻ đẹp của bài thơ cũng như vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Quang Dũng xin mời Tiến sĩ Vũ Nho cùng quý vị khán giả xem một phóng sự ngắn của chúng tôi.



PV - Vâng! Xin được quay trở về với bài thơ “Tây Tiến” và đi sâu vào phần nghệ thuật của tác phẩm. Tôi nhận thấy, trong bài thơ, từ “nhớ” được lặp đi lặp lại nhiều lần với các biến thái như “Nhớ về”, “Nhớ chơi vơi”, “nhớ ôi!” rồi “Có nhớ”. Theo ông, điều này mang lại hiệu quả thẩm mỹ gì cho bài thơ?

         

V.N.- Như đã nói ở phần đầu, bài thơ được viết trong nỗi nhớ Tây Tiến. Trong bài,  có nhiều từ “ nhớ” là điều tất nhiên. Những biến thái  “Nhớ về”,  “nhớ chơi vơi”, “nhớ ôi”, “có nhớ” như những nốt nhấn trong một hợp âm, như điệp khúc nhớ  trong bản nhạc thể hiện cao trào tình cảm tha thiết của tác giả với đơn vị Tây Tiến của mình. Những nỗi nhớ khác nhau hợp thành nỗi nhớ lớn, như suối nhỏ chảy thành sông dài khiến cho tính chất hoài niệm trở thành dòng cảm xúc chủ đạo của toàn bài.



PV- Có người cho rằng ở bài thơ “Tây Tiến” Quang Dũng đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp lãng mạn và bút pháp hiện thực, ông có chia sẻ gì về ý kiến này?



V.N.- Đó là ý kiến khá thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu. Chính Quang Dũng  trong câu chuyện của mình cũng khẳng định những yếu tố hiện thực như  “mở rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “ Heo hút cồn mây súng ngửi trời” những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “ Mường Hịch cọp trêu người”; rồi  rải rác dọc biên cương những nấm “mồ viễn xứ”… tôi mô tả trong bài thơ Tây Tiến là rất thực…” ( Nhớ về Tây Tiến – trong Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, nxb Văn học 1998, trang 155). Những hình ảnh lãng mạn như : Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Hoặc  Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ kìa em xiêm áo tự bao giờ…Đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ vừa oai hùng vừa mộng mơ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Chất hiện thực và lãng mạn đã làm cho bài thơ có gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng cũng tràn đầy niềm lạc quan, khỏe khoắn; giọng thơ vừa chân thành vừa  bi tráng, hào hùng, phản ánh hào khí và chất lãng mạn một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc.



PV - Có thể nói thế này chăng: “Tây Tiến” là một tượng đài bằng thơ để tưởng nhớ những người lính Tây Tiến. Nhờ có “Tây Tiến” của Quang Dũng mà đoàn quân Tây Tiến đã được biết đến, được nhớ đến, được sống mãi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Ông có nhận xét gì về điều này?



V.N.- Tôi tán thành cách nói của bạn. Tự nhiên tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh trong kháng chiến chống Mĩ:

          Không có sách chúng tôi làm ra sách

          Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

Những người lính đã “ ghi lấy cuộc đời mình” từ trong  kháng chiến chống Pháp. Tất nhiên, thơ ca không phải là tất cả, nhưng thơ ca là một chứng tích lịch sử. Nhờ thơ ca mà lịch sử sinh động hơn, cụ thể hơn.  Mới đây nhất, trên báo mạng đưa tin tại Mai Châu, Hòa Bình đã dựng xong đài tưởng niệm Tây Tiến. Mười câu thơ của bài Tây Tiến được khắc vào bia tưởng niệm. Quang Dũng đã góp phần làm cho Tây Tiến sống mãi trong lòng bạn đọc. Đặc biệt là khi bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn 12. Tây Tiến sẽ được lớp lớp bạn trẻ nhắc đến trong những giờ học của mình. Và buổi trò chuyện của chúng ta hôm nay cũng là… quảng bá cho Tây Tiến.



PV - Nếu phải lý giải một cách ngắn gọn nhất vì sao Tây Tiến lại có sức sống lâu, sống bền trong lòng nhiều bạn đọc yêu thơ, ông sẽ nói gì?



V.N.- Thật là một câu hỏi khó. Nhưng cũng nên nhắc lại rằng, một thời gian dài, Tây Tiến bị xem là “còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản” nên  bài thơ ít được nhắc đến. Nhưng nó vẫn sống trong trái tim trí nhớ của những người yêu thơ.  Bây giờ thì Tây Tiến được khắc vào bia, được đưa vào sách giáo khoa. Một  tác phẩm khi đã thành kiệt tác thì chắc chắn sẽ trở thành bất tử.



PV – Xin cám ơn nhà phê bình văn học về buổi trò chuyện này!


  
Không nhớ tên phóng viên của chương trình nào trên TV. Hôm nay 22/11/2018 lục lại tài liệu  làm sách thấy bài này. Đưa lên để lưu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét