NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG
TRONG SÁCH GIÁO KHOA VÀ TRONG TÔI
Vũ Nho
Ngày chúng tôi học cấp 3, tôi được
học truyện ngắn “Một người mẹ Trung Quốc”
của nhà văn Nguyên Hồng trong sách giáo khoa. Tôi bây giờ thậm chí không nhớ rõ
ràng lúc ấy, sách có tên là Văn tuyển,
hay Trích giảng văn học, hoặc là Giảng văn nữa. Nội dung của truyện cũng
không nhớ thật rõ ràng. Nhưng nhớ có thằng bé con của bà mẹ gốc Hoa tên là “Hoảng”. Và cái câu của
người mẹ gọi nó “Hoảng à! Khoai khoai chẩu pa!” ( Hoảng à, đi nhanh lên!”). Bấy
giờ thầy giáo dạy chúng tôi nói rằng Nguyên Hồng là nhà văn xuất thân từ tầng lớp
“tiểu tư sản”. Với một chú bé con bác nông
dân ở làng quê không biết cái “gạt tàn thuốc lá” hình dáng thế nào, và cũng không
biết “cái phất trần” diện mạo ra sao thì
hình ảnh của nhà văn tiểu tư sản chắc phải là một người
dáng thư sinh trắng trẻo, tóc bồng bềnh, mắt sáng và nhất định là phải mặc áo trắng cổ cồn.
Nguyên Hồng trong trí tưởng tượng của tôi là như vậy. Khi học khoa Văn của trường
Đại học Sư phạm Việt Bắc khóa đầu tiên ( 1966 – 1970), chúng tôi được tiếp xúc
với rất nhiều nhà văn nổi tiếng. Đó là các
nhà văn Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình
Thi, Chế Lan Viên,… Và trong số đó có nhà văn Nguyên Hồng. Các nhà văn kể trên,
chúng tôi về học ở Cổ Nhuế và Khoa Văn mời đến gặp gỡ, nói chuyện. Riêng Nguyên
Hồng thì nhà văn gặp chúng tôi ở khu sơ tán
Nà Ri, Đại Từ. Nhà văn Nguyên Hồng khi ấy xuất hiện trong nơi sơ tán khác
xa với sự tưởng tượng của tôi. Sau này khi đọc tác phẩm của ông, tôi thấy mình cũng bất ngờ
không kém Nguyên Hồng bất ngờ trước những đứa con của thi sĩ Thế Lữ (Thế Lữ là
nhà thơ nổi tiếng viết những vần thơ về tiên đồng, ngọc nữ, nhưng Nguyên Hồng sửng
sốt khi thấy con Thế Lữ đầu đầy mụn và vợ của nhà thơ thì bụng mang dạ chửa, chẳng có dáng tiên nữ chút nào).
Vâng, tôi cũng sửng sốt khi gặp Nguyên Hồng. Trước mắt tôi là nhà văn như một lão
nông tôi thường gặp ở làng mình. Bộ quần áo nâu giản dị thay cho sơ mi cổ cồn trắng muốt. Làn da ngăm
đen rắn rỏi thay cho da trắng, và vóc dáng thư sinh được thay bằng vóc dáng có phân hơi lòng khòng đậm nét lam lũ. Cặp kính
của nhà văn cũng rất bình thường, chẳng có nét gì sang trọng.
Nguyên Hồng nói chuyện về sáng tác của mình. Nhà văn treo một tờ giấy khổ
lớn với sơ đồ các nhân vật và dự định viết tiểu thuyết “Cơn bão đã đến” cho bộ tiểu thuyết “ Cửa biển”. Và thật kì lạ là nhà văn rất dễ xúc động. Nói về nhân vật Gái Đen, ông không cầm được nước mắt. ( Sau này
đọc các bài viết về Nguyên Hồng, tôi đều thấy các tác giả như Tô Hoài, Nguyễn Đăng
Mạnh, Lê Lựu,… đều viết về tính dễ mủi lòng, bật khóc của nhà văn).
Lần gặp gỡ Nguyên Hồng trong rừng
ấy là lần gặp gỡ duy nhất của tôi với nhà văn đáng kính. Sau này, tôi chỉ có điều
kiện gặp nhà văn trong các bài báo, trong các giai thoại, trong những bài viết
về tác phẩm của Nguyên Hồng và đặc biệt
là trong những trang sách giáo khoa.
Sách giáo khoa THCS luôn luôn có
mặt đoạn trích nổi tiếng “Trong lòng mẹ”
của nhà văn trích từ tác phẩm hồi kí “Thời
thơ ấu”. Đây là một đoạn trích rất hay, rất xúc động về tình cảm mẹ con. Có
nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em.
Quả thật, với tuổi thơ nhiều biến động và nhạy cảm, nhà văn đã viết về tình mẫu
tử thật cảm động. Đoạn trích này có trong sách giáo khoa THCS chỉnh lí năm 1995. Sau khi có chương trình và
bộ sách giáo khoa mới của nhà xuất bản
Giáo Dục năm 2004, tác phẩm vẫn được bố trí học ở lớp 8 cho đến bây giờ.
Đối với sách giáo khoa Văn học của
cấp THPT, khi có chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách, nhóm tác giả của
Trường Đại học sư phạm Hà Nội I đã chọn truyện ngắn “ Mợ Du” của Nguyên Hồng đưa
vào sách Văn học lớp 11. “Mợ Du” cũng
là truyện nói về số phận bi đát của một người mẹ và tình mẫu tử sâu thẳm, thiêng liêng. Người đàn bà ấy phải
bỏ con, bỏ gia đình đi nơi xa. Nhưng tình cảm với con trai – bé Dũng đã thôi thúc
mợ lén lút trở về, lén lút gặp con. Tỉnh cảm ấy cũng tựa như tình cảm của chú bé
Hồng với mẹ trong “ Thời thơ ấu” của tác giả. Kết thúc truyện, mợ Du đã chết
trong nỗi thương nhớ con, trong sự cô đơn, tàn tạ. Đây là tác phẩm nhà văn viết
khi mới ở độ tuổi ngoài 20, nhưng đã thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo, khẳng
định phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, bênh vực tinh thần dám sống cho tình yêu,
dám chống lại định kiến hẹp hòi của xã hội.
Khi Bộ
Giáo dục và Đào tạo thay đổi chương trình môn Ngữ văn, đoạn trích “Huệ Chi trước lễ cưới” trích từ tiểu thuyết “ Khi đứa con ra đời” trong bộ tiểu thuyết “ Cửa biển” của Nguyên Hồng được đưa vào tài liệu giáo khoa thí điểm lớp 12. Rồi được học
chính thức ở lớp 12. Năm 2000, sách giáo khoa được chỉnh lí và hợp nhất, tác phẩm vẫn có mặt. Nhân vật Huệ Chi cũng
là một nhân vật nữ được nhà văn ưu ái chăm sóc. Và đoạn trích cho thấy tình cảm nhân đạo thống
thiết của Nguyên Hồng khi nhà văn cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh
nhất trong xã hội cũ, đặc biệt là người phụ nữ.
Đối với chương trình Ngữ văn và bộ
sách giáo khoa mới của nhà xuất bản Giáo Dục năm 2008, thay cho đoạn trích tác phẩm
của nhà văn, Nguyên Hồng có mặt trong Ngữ
văn 12 nâng cao tập 1 với bài viết của tác giả, cố Giáo sư
Nguyễn Đăng Mạnh “Thương tiếc nhà văn
Nguyên Hồng”.
Như vậy là lần đầu tiên, tác phẩm
của Nguyên Hồng vắng bóng trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học phổ thông. Lần
đầu tiên, Nguyên Hồng có mặt trong một bài viết đánh giá sự nghiệp, nhưng chỉ là
một bài đọc thêm, và chỉ có trong bộ
sách nâng cao, chứ không phải trong cả hai bộ sách. Mặc dù Nguyên Hồng được tác
giả gạo cội của sách giáo khoa đánh giá rất cao “Đối với lịch sử văn học nước ta năm mươi năm qua, Nguyên Hồng có một vị
trí chắc chắn lắm, bền vững lắm” và “ Nguyên
Hồng không có những kiệt tác hoàn chỉnh, nhưng có những trang viết đáng gọi là
kiệt tác”, nhưng những trang kiệt tác ấy không có mặt trong sách giáo khoa
Ngữ văn Trung học phổ thông là điều đáng xem xét.
Nguyên Hồng là nhà văn được hầu
như tất cả bạn viết nể trọng, yêu mến. Việc bỏ Hà Nội về ấp Cầu Đen, xã Quang
Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang là một việc làm cho thấy tính thẳng thắn, dứt
khoát của Nguyên Hồng. Với các cương vị công tác Chủ tịch Hội văn nghệ Hảỉ Phòng, tham gia Ban phụ trách Trường bồi dưỡng lực lượng viết
văn trẻ ( anh em yêu mến gọi đùa là ông đốc Hồng), Ban văn học công nhân, Nguyên
Hồng có nhiều đóng góp cho phong trào. Cũng hiếm có nhà văn như Nguyên Hồng mà
cuộc đời và giai thoại là cả một cuốn sách dầy trên 200 trang.
Với riêng tôi, tôi vô cùng ấn tượng
về một nhà văn sớm thành danh, suốt đời lao động văn chương bền bỉ, sống giản dị,
ăn vận xuềnh xòang. Và đặc biệt, vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ sự tinh tế và
sâu sắc của Nguyên Hồng, khi nhà văn xuất thần bình giảng bài ca dao quen thuộc
:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
Tác giả Bùi Cường khi nghe nhà văn
Nguyên Hồng “luận” bài ca dao trên đã vô cùng thán phục. Xin ghi lại lời “bình
giảng” của Nguyên Hồng trong đoạn ghi chép của Bùi Cường:
“ Tôi ( Bùi Cường) bảo bà Xa : “ Con gà cục tác lá chanh” thành ca dao rồi
mà bà lại quên? Thiếu lá chanh sao cho ra cái thịt gà?
Ông Nguyên Hồng tủm tỉm:
-
Nói vậy
thôi, thiếu lá chanh, thịt gà vẫn còn là thịt gà, còn ăn đi được! Còn anh thịt
chó ấy, không có riềng thì mới không thể gọi là thịt chó! Từ thằng dồi, thằng
nhựa mận, thằng luộc, thằng chả…dù anh có thay thế bằng húng, bằng ớt, bằng
hành tỏi gì đi nữa thì nó cũng chả ra cái quái gì hết. Nó hôi hôi, nó nhạt nhẽo,
nó vô duyên hết nói.
Cả mấy anh em đều gật gù đồng ý. Nguyên Hồng tợp một ngụm rượu rồi cao
hứng tiếp:
-
Chả thế mà
bài ca dao có 4 câu thì riêng thằng chó đã nuốt tươi hai câu rồi: “Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ
ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!”. Nó khẩn thiết, nó cấp bách, nó giục giã: khóc đứng,
khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ. Anh gà chỉ mới “cục tác”, anh lợn chỉ mới “ủn ỉn” còn
khoan thai chán! Mà thực tế các anh thấy đấy, lợn , gà có nhiều kiểu nấu, xào,
rán , luộc…không có lá chanh, không có hành ăn vẫn rất ngon!
Không phải chỉ riêng tôi mà cả mấy anh
em đều giật mình vì sự tinh tế của Nguyên Hồng. Bài ca dao này ai mà không biết,
nhưng biết đến nơi đến chốn như Nguyên Hồng quả không phải là dễ!”
( Bùi
Cường : “Câu ca dao và cái nậm rượu”,
trong sách Nguyên Hồng con người giai thoại
Lê Hữu Tỉnh- Nguyễn Trọng Hoàn biên soạn, tuyển chọn, NXB Giáo dục 1998, trang
192).
Kỉ niệm 100 năm
sinh của nhà văn Nguyên Hồng, tôi ghi lại
mấy dòng này. Mong rằng tác phẩm của nhà văn sẽ mãi mãi đồng hành cùng các em học
sinh từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông lên đến Đại học. Bởi vì
Nguyên Hồng là nhà văn lớn; là nhà văn của những người lao động, thợ thuyền; là nhà văn
của tình thương, của “chủ nghĩa nhân đạo
thống thiết” trong Văn học Việt Nam!
Hà Nội, 24 tháng 10 năm 2014
In trên Quân Đội nhân dân cuối tuần số 1193 ngày 11/11/2018 với nhan đề " Trăm năm Nguyên Hồng, lại nhớ". Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét