“TRANG TRẠI CÓ MA” TIỂU THUYẾT PHÊ PHÁN CÁI XẤU
Đọc “Trang trại
có ma” của Nguyễn Bảo, nhà xuất bản Quân Đội Nhân dân, 2017
Vũ Nho
Ngay khi mở cuốn sách, bạn đọc bắt
gặp sự trăn trở, đắn đo của tác giả. Nhà văn nhận thức rõ rằng “viết về mặt trái của cuộc sống là để thúc đẩy cái tích
cực, cái hoàn thiện của con người”. Nhưng vẫn cứ băn khoăn, chua xót khi phải
vạch trần cái xấu. Dù là “tiểu thuyết” hư cấu, nhưng vẫn có nguyên mẫu, những câu
chuyện có thực. Thêm nữa bối cảnh, ngôn ngữ lại mang nét riêng xứ Thanh, quê hương
của tác giả. Bởi thế mà người viết dù đã vượt qua sự “đắn đo”, mạnh dạn cho ra
mắt “Trang trại có ma”, nhưng vẫn phải thận trọng rào đón “ Nhân vật, địa danh và cả nội dung câu chuyện
trong tác phẩm có trùng lặp đâu đó ngoài đời thì chỉ là ngẫu nhiên, vô tình,
mong được bạn đọc lượng thứ” ( Lời tác giả). Chính điều đó cũng khơi gợi trí
tò mò của người đọc. Bản thân người viết những dòng này không gần gũi tác giả,
không phải người xứ Thanh, vì vậy không
rõ chuyện bốn anh em nhà Thoán, Thiêm, Tuấn, Hoa ở làng Kinh Thủy kia có nguyên
mẫu nào không, nhưng có ngờ ngợ như biết
Vũ, biết Thái Nghĩa. Song đó lại là những nhân vật tử tế, tích cực. Nghĩ cho tường tận, việc rào đón thận trọng là
cần thiết.
18 chương sách đều tập trung vào
khắc họa cuộc đời của Hà Tuấn, một người con của làng Kinh Thủy, từng được du học
ở Liên Xô, từng sang lại đó làm nghiên cứu sinh, rồi về sống ở Hà Nội với một
khát vọng mãnh liệt là xây dựng một trang trại. Một trang trại rộng lớn, ngay ở
Thủ đô với tổng trị giá hàng mấy trăm tỉ. Tuấn đã thực hiện được mơ ước to lớn ấy.
Và đã thực hiện nó “bằng mọi giá”. Anh cắt đứt mối liên hệ với các ông anh nhà
quê vì chán sự tham lam, “bòn của”. Anh cắt đứt với người vợ cả và người con trai vì nghi ngờ vợ không chung
thủy. Anh coi người vợ thứ hai như một nô lệ tình dục và luôn tỏ ra gia trưởng.
Anh lừa và phản bội những bạn bè từng giúp
đỡ mình… Đây chính là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, nhân vật hội tụ tất cả
những thói xấu, tham lam, lừa lọc, nhẫn tâm,… Tuy nhiên ba điều mà nhà văn tập
trung phê phán, mổ xẻ không chỉ có ở nhân vật Tuấn.
Thái độ gia trưởng, tham lam, chỉ
tìm cách bòn rút làm lợi cho mình, bất chấp tình anh em, ruột thịt thể hiện
trong nhân vật cả Thoán. Anh ta gây sự, cà khịa không chỉ với người có của là
Tuấn, mà còn chèn ép Thiêm. Giành lấy việc nuôi mẹ là để lợi dụng mẹ hòng moi của
nả của chú út đi Liên Xô. Rồi khai man chuyện bốc mộ để “moi tiền”. Rồi bày vẽ
ra chuyện xây lăng mộ để hòng kiếm chác, gỡ gạc. Ông anh cả đã coi của hơn người, ngày em chết kiên quyết
không đến đám tang. Cả Thoán cũng là sự kết đọng của một thói xấu mà nhà văn muốn phê phán. Bên cạnh
cả Thoán, nhân vật Đình, anh ruột của Đắng tuy chi xuất hiện thấp thoáng nhưng
cũng cho thấy sự ham của, bất chấp đạo nghĩa anh em. Đình vin vào cái giấy bán
nhà giả vờ của Tuấn hòng trốn tránh việc chia tài sản khi li hôn, định cướp không
ngôi nhà.
Thói tật thứ hai là sự phản bội bạn bè. Tuấn râu đã bán đất cho Thắng, một
người bạn. Rồi vì mảnh đất bỗng vọt tăng giá lên tám chín lần. Thế là Tuấn tìm
cách trả lại tiền cho bạn, rồi bán cho người khác. Khi bị bạn tố cáo trên mặt báo,
Tuấn nhờ Vũ can thiệp nhằm tìm cách hoãn binh. Để rồi sau đó xóa mọi dấu vết làm
cho bạn không còn cơ sở để kiện cáo. Tuấn giới thiệu Khanh để Vũ làm quen nhằm
chuyển vợ con ra thành phố. Nhưng Khanh lại thông đồng với một bọn lưu manh trấn
toàn bộ số gia sản Vũ tích cóp được. Lại “mượn” luôn cả chiếc xe máy của Vũ. Tất
nhiên, sự mất mát này cũng có lỗi của Vũ là cả tin, không lường được mánh khóe
lừa đảo tinh vi. Nhưng vấn đề ở chỗ Tuấn coi mình như người đứng ngoài, coi như
vô can.
Sự phản bội, rình rập chơi xấu
nhau còn bộc lộ giữa Tuấn với Đại, với những đàn em của Đại ở Liên Xô khi cả
hai phía đều rình mò, lật tẩy nhau.
Điều mà nhà văn muốn phê phán mạnh mẽ là việc ham tiền
của, ham làm giàu, bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp những điều kiêng kị mà một
người bình thường lương thiện không bao giờ làm.
Tuấn, một học sinh nổi đình nổi đám
ở trường cấp ba, một sinh viên xuất sắc trên đất bạn, một đàng viên, bí thư chi
bộ. Anh ta được đánh giá cao : “Tuấn là
ngươì mẫu mực về đạo đức, cách sống, hăng say
trong lao động, có trách nhiệm cao trong công việc chung…”. Thế mà
khi về nước, tủi hổ với việc không kiếm được tiền, anh ta trở thành người khát
giàu, khát tiền và thành một người hoàn toàn
đổi khác.
Việc lấy Thắm rồi đưa cô lên trường
là một “thủ đoạn” để Tuấn lấy lòng Hiệu trưởng và nhằm vào suất đi nghiên cứu
sinh. Cùng với những mánh khóe xu nịnh,
mua chuộc bằng vật chất, Tuấn đã đạt được mục đích. Đi nghiên cứu sinh, nhưng Tuấn dành thời gian
để buôn bán, kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền. “Anh vào loại lọc lõi, buôn xuyên quốc gia, lấy đêm làm ngày, ẩn hiện
như ma”. Nhiều tiền, bị kỉ luật, về
nước anh “mua” một chỗ làm ở một Bộ để “vớt vát danh dự”. Và Tuấn lao vào kế hoạch
làm giàu. Anh kiếm tiền “Đụng đến tiền là y như rằng phát điên phát rồ.
Mà đã phát điên phát rồ là chả tha một ai”. Tuấn dùng tiền theo cách tính
toán khôn ngoan và mưu mô của người có học : “Đất là đất công, dúi cho xã ít tiền thành của mình tắp lự. Xã đang cần
tiền xây trụ sở, xây trường học. Ông bí thư, ông chủ tịch đang cần tiền cho con
đi học nước ngoài. Tiền của anh biết nhằm trúng đích. Tiền của anh biết sinh
sôi, biết chạy tới người đang dài cổ ngong ngóng. Cái cơ chế này ư? Đang là cơ
chế của anh đấy. Luật pháp ư? Thiếu gì những khe hở để luồn lách” ( tr.96).
Việc li hôn với Thắm và chia của ở
tòa án. Việc dẫn gái làm tiền về căn hộ riêng bị công an lập biên bản. Rồi nhận
hụt con trai ở bên Nga. Lao vào mê tín cầu cúng gọi vong ở quê. Dửng dưng với
thằng Tiếp, con trai mình, thậm chí cầm dao đuổi chém. Mong muốn cho cháu đích
tôn được thừa kế trang trại,… Tất cả nói lên bản chất phức tạp của chàng Tiến sĩ,
kĩ sư Hà Tuấn khát trang trại, khát làm
giàu,…
Kết cục là Tuấn chết cô độc trong
cái trang trại “có ma” không anh em, không vợ con, họ hàng thân thích.
Có thể có người không tin lắm vào
một Tiến sĩ ở Nga như Tuấn, một người đầy triển vọng chính trị lại ăn nói kiểu
du côn, thô lỗ “dùi đục chấm mắm cáy” với vợ con. Và làm sao một người như thế
lại có thể lắm thói tật xấu từ lừa lọc, phản bạn, đĩ điếm, ruồng rẫy vợ con, mưu
mô mở rộng trang trại bằng mọi giá, tự mình sống khổ sở và đầy đọa cả vợ con, rồi
mê tín dị đoan cầu cúng, gọi hồn? Có thể không có một Hà Tuấn cụ thể làm nguyên
mẫu. Nhưng thiết nghĩ, tác giả không nhằm phê phán một con người cụ thể. Nhân vật
Tuấn hay Khanh, cả Thoán hay Thắm, hay Đắng,… họ gặp gỡ, quan hệ với nhau để tác
giả phê phán cái xấu của con người trong cơ chế thị trường mở cửa. Và cái đích ấy,
tác giả đã đạt được khi thể hiện Hà Tuấn và các nhân vật khác trong “Trang trại có ma”.
Khi viết “Trang trại có ma”, Nguyễn Bảo đã là tác giả của nhiều tập truyện ngắn,
và đặc biệt là các tiểu thuyết Người ở thượng nguồn, Giám định của đất, Những
cuộc tình đã đi qua, Khoảng sáng không mất, Thượng Đức, Đỉnh máu. Tiểu thuyết đầu tay Người ở thượng nguồn và Đỉnh
máu được in lại một lần. Các tiểu
thuyết còn lại đều được in lại tới hai, ba lần. Có thể nói tay nghề của người
viết đã ở vào độ thành thục. Với “Trang
trại có ma”, ngôn ngữ xứ Thanh khá đậm nét, nhưng người đọc vẫn không bị trở
ngại, bởi cách chọn lọc và tiết chế của tác giả. Nhiều trang miêu tả sinh động,
phân tích tâm lí thấu đáo, tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm. Sức lôi cuốn của tác
phẩm, nói gì thì nói vẫn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành công.
Trong lời mở đầu tập tiểu thuyết,
tác giả viết: “Nếu cuốn sách góp được phần
nào hạn chế, đẩy lùi “cái xấu”, xây dựng niềm tin cho “cái tốt” lan tỏa, thì đó
là hạnh phúc vô bờ bến của tác giả và những người làm nên cuốn sách này” (
Lời tác giả). Không nghi ngờ gì, “Trang
trại có ma” đã phê phán, lên án mạnh mẽ cái xấu và như vậy là góp phần ngăn
chặn, đẩy lùi nó trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Hà
Nội, tháng 4 /2018
In trên Nhà Văn Và Tác Phẩm số 31 tháng 9-10 năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét