Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Nghĩ ngợi về "Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học"





Nghĩ ngợi về
"Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học"
                                      Tham luận của  Vũ Nho
1.     Lăn tăn chữ nghĩa
Tôi nhận được thư mời tham gia Hội thảo và cứ băn khoăn nghĩ ngợi về hai chữ “phẩm chất”. Nâng cao “phẩm chất” hay nâng cao “chất lượng”?  Chất lượng là chất lượng sáng tác về đề tài Hà Nội chứ không thể  là “chất lượng Hà Nội”. Chất lượng của tác phẩm thì dễ cân đong đo đếm. Bởi vì chất lượng ấy nó chứa trong chất lượng nội dung và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Chất lượng nội dung và nghệ thuật đều có thể lượng hóa ra và bắc lên cân, đo xem nặng nhẹ, cao thấp thế nào. Nhưng rõ ràng nói nâng cao chất lượng nhiều quá, e nhàm chăng? Bởi vậy mà chúng ta tập trung để nâng cao “phẩm chất” Hà Nội cho mới mẻ, sáng tạo? Vấn đề khó cho mọi người ở chỗ “phẩm chất” Hà Nội là gì? phẩm chất đó khu trú ở chỗ nào?   Liệu có văn bản nào của Thành ủy, UBND hoặc Sở Văn hóa, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thủ đô nêu lên khái quát hoặc chi tiết phẩm chất đó không?  Hiện nay đã có ai đo “phẩm chất” đó chưa? Đo rồi và kết luận “phẩm chất” đó chưa cao hoặc còn đương rất thấp, chưa xứng tầm với Hà Nội, Thủ đô, trái tim của cả nước? Nếu chưa có định nghĩa hay quy định “phẩm chất Hà Nội” thì tôi hiểu, nhà văn Hà Nội phải trước tiên tự lần mò tìm kiếm xem “phẩm chất” đó là gì, khi nắm được “phẩm chất Hà Nội” rồi, thì mới bắt tay vào việc nâng cao nó trong các sáng tác của mình.
         Phẩm chất theo nghĩa giảng trong Từ điển là “cái làm nên giá trị của người hay vật”. Vậy cái làm nên giá trị của Hà Nội là gì? Đó là lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long chăng? Đó là  cách cư xử thanh lịch của người Thủ Đô chăng? (Xin mở ngoặc một chút, câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/  Dẫu không lịch sự cũng  người Tràng An” theo tôi biết thì Tràng An là  tên một kinh đô bên Tàu, nhưng Tràng An cũng chính là cách đọc khác của Trường Yên thuộc tỉnh Ninh Bình, nơi đóng đô của hai triều nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Hà Nội chưa bao giờ mang tên Tràng An cả, sao nhiều người cứ gán Tràng An cho Hà Nội nhỉ? Đến khi đọc bài Cảnh Hà Nội của cụ Nguyễn Công Trứ thì tôi mới vỡ lẽ:  Tuy Hà Nội chưa bao giờ có tên là Tràng An, nhưng ở Việt Nam, Tràng An được dùng như một danh từ chung chỉ chỗ đế đô). Đó là 36 phố phường của Thủ đô chăng? Đó là hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện cổ tích về Lê Lợi và cuộc kháng chiến chống quân Minh? Đó là những “con hồ” ( chữ dùng của Nguyễn Tuân) như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy mẫu, hồ Ba mẫu, hồ Thiền Quang… vừa là lá phổi vừa làm nên vẻ đẹp độc đáo của Thủ đô chăng? Đó là quảng trường Ba Đình, nơi ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chăng?  Rồi những chiếc cầu như “Cầu Long Biên” chứng nhân Lịch sử, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân làm nên vẻ duyên dáng riêng của thành phố bên sông Hồng  chăng? Đó còn là những Bảo tàng nổi tiếng là Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Quân Đội, Bảo tàng Mĩ Thuật,… nơi lưu giữ các hiện vật quý của hà Nội và cả nước? Tóm lại, cái làm nên giá trị của Hà Nội là Lịch sử, Địa lí, Kiến trúc, Con người Hà Nội, trong đó có cả một phần là văn chương viết về Hà Nội. Nếu hiểu như vậy thì “phẩm chất Hà Nội” là phẩm chất mà Hà Nội đã có từ bao đời. Ông, bà nhà văn đang sống ở Hà Nội, là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội  chúng ta có tài thánh cũng không thể làm ra nó, không thể “nâng cao” nó trong sáng tạo văn học của mình được.
          Cứ theo thiển ý của tôi thì nhà văn Hà Nội chỉ có thể  tìm hiểu chất Hà Nội, làm rõ chất Hà Nội,  tô đậm màu sắc Hà Nội trong sáng tác của mình!
                                                      Vũ Nho, Chủ trang

         Như vậy là tôi đã đi lạc ra khỏi chủ đề mà Ban tổ chức nêu ra. Có thể tôi hiểu chưa đúng ý mà cuộc Hội thảo này nhằm tới. Nhưng cái mục tiêu lớn nhất thì không thể chệch, đó là làm thế nào để sáng tác của Hội viên chúng ta đậm màu sắc Hà Nội, xúc động sâu sắc về Hà Nội, góp vào lịch sử những sáng tác chất lượng nhất,  hay nhất về Hà Nội trong thời kì mới, thời kì Cách mạng  khoa học kĩ thuật lần thứ 4 mà người ta gọi tắt là “ Thời kì  cách mạng bốn chấm không (4.0)”. Chả hiểu tôi nghĩ như thế có đúng hay không? Đúng thì xin được hoan nghênh, sai thì cũng xin được  hai chữ “đại xá”!
          b) Ngoái nhìn Lịch sử
Hơn 1000 năm kể từ khi  Hà Nội trở thành kinh đô của nhà Lí và kinh đô của nhiều triều đại và thành Thủ đô của nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bây giờ, đã có bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho chúng ta vô cùng tự hào.  Mở đầu có lẽ là bài “ Chiếu dời đô” nổi tiếng của vua Lí Công Uẩn. Cách đây 10 thế kỉ, nhà vua sáng suốt và anh minh đã ca ngợi  đất Thăng Long thật tuyệt vời:
          Ở vào một nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rấ mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
          Chỉ bấy nhiêu dòng thôi mà cái màu sắc Thăng Long, màu sắc Hà Nội lấp lánh sáng chói!
Rồi chúng ta có những  bài phú, bài thơ  của  Nguyên Huy Lượng ( Tụng Tây Hồ phú), của  Nguyễn Du ( Thăng Long , Long Thành cầm giả ca), Nguyễn Công Trứ ( Cảnh Hà Nội,  Hồ Tây), Bà huyện Thanh Quan ( Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Chơi đài khán xuân Trấn Võ), Nguyễn Văn Siêu ( Du Tây hồ, Nhị Hà đối nguyệt)… Biết bao tác phẩm đã viết về Thăng Long- Hà Nội đậm  màu sắc Hà Nội còn lưu trong các tuyển tập thời kì văn học, trong các tuyển tập tác gia, tuyển tập thể loại,…
          c) Nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai
Sau Cách mạng tháng Tám , chúng ta tự hào về âm nhạc có  Tiến về Hà Nội của Văn Cao,  Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Nhớ mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Hoa sữa của Hồng Đăng, Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường, Hương ngọc lan của Dương Thụ, Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp, Trời Hà Nội xanh của Văn Kí, Hà Nội ngày ấy của Trần Tiến, Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang, Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh. Hội họa có  những  bức  tranh phố của  Bùi  Xuân Phái. Đặc biệt là có “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, ý tưởng của nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, với sự tham gia  của 28 người nước ta và nước ngoài  là họa sĩ, nhà thơ, nhà điêu khắc, nghệ nhân gốm,…trong số đó có tên tuổi các Hội viên Hội nhà văn Hà Nội như Bằng Việt, Hà Huy Hiệp.
Về  văn, thơ   Sống mãi với Thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài,  Hà Nội –mùa đông năm 46” của Hoàng Nhuận Cầm, “ Ngã tư” của Trọng Hứa, “ Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi” của Nguyễn Tuân,... Gần đây nhất có “Quê Nành (tập thơ) của Nguyễn Ngọc Căn “Hà Nội mùa thổ phách”, “Hà Nội mùa mộc phách”, “Hà Nội mùa kim phách    của Từ Hồng Sơn, “Những ngôi sao hình quang gánh” của Nguyễn Phan Quế Mai, Còn ai hát về Hà Nội (Nguyễn Trương Quý), Hà Nội thì không có tuyết, Ngồi lê đôi mách với Hà Nội,Ngẫm ngợi phố phường, Đi chơi bờ hồ, Bâng quơ một thời hà Nội, Chảy qua bóng tối,… (Đỗ Phấn), 100 gờ ram hạnh phúc (Thụy Anh), Người cha buôn hàng chuyến (Phạm Ngọc Tiến), Dưới cột đèn rót một ấm trà (Nguyễn Trương Quý)... Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu (Nguyễn Việt Hà), Chân trần (Thùy Dương), Hồn Trèm I, Hồn Trèm II, Dâng khúc Trèm hương của Đường Văn, Những hòn sỏi thời chơi ô ăn quan ( Trần Thủy Thạch), Những mùa phố gieo tôi ( Chử Thu Hằng)... Ngắn gọn chỉ một bài thì có  Ngày  về” của  Nguyễn Đình Thi, “Ngõ hẹp” của Nguyễn Linh Khiếu”, “Lại ở giữa lòng Hà Nội” của J.Fossenbell, “Hà Nội quê tôi” của Lê Mai, “Ba mét cách mặt đường” của Nguyễn Hoàng Sơn, “Le le bay qua hồ Thiền Quang” của Trương Trung Phát…
Về tác phẩm của Đỗ Phấn, một người “sinh cách bờ Hồ 15 mét”, một người nặng lòng với Hà Nội, nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá: “tha thiết yêu Hà Nội, Đỗ Phấn chỉ viết về cái đẹp Hà Nội xưa, ông vẽ ra những cái đẹp để chúng ta thêm yêu mà giữ lại những nét đẹp ấy. Trong khi đó, bạn đọc đánh giá hầu hết tác phẩm của Đỗ Phấn, từ tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đều hiển hiện một Hà Nội đăm đắm tình yêu xưa, đều như tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay xấu xí của sự vật, con người Hà Nội nay, mà chẳng thể ngăn chặn, chẳng thể can thiệp và đau đớn nhất là chẳng thể bỏ đi, rời xa nơi chốn chôn nhau cắt rốn của mình.” ( theo Trung Kiên- Thời báo Ngân Hàng).
Còn với Từ Hồng Sơn, tôi đã bình luận : “Mùa nào thì tác giả cũng nói về Hà Nội, như anh đã từng viết trong tập thơ đầu :
          La bàn trái tim chỉ kim về Hà Nội

          Dù xoay hướng nào cũng không hề thay đổi

          Cột mốc lòng sơn mỗi số 0 ( không) thôi

                             Hà Nội mốc sấu số không

Bây giờ có thể hiểu Thổ phách, Mộc phách, Kim phách,… như là nhịp phách của Hà Nội, là nhịp phách  trong âm nhạc, nhưng cũng là nhịp sống của đời thường. Nhưng phách cũng có thể là hồn phách ( dân gian nói hồn xiêu, phách lạc - chứng tỏ phách gắn với hồn). Đó là hồn vía của Hà Nội, những giá trị tinh thần độc đáo riêng biệt của thành phố hơn ngàn năm tuổi. Từ Hồng Sơn muốn lưu giữ nhịp sống, lưu giữ những giá trị tinh thần của Hà Nội”. ( Trả lời phỏng vấn Truyền Hình Quân Đội 13/11/2016).

Tôi nghĩ rằng nhà văn Hà Nội cần có những tác phẩm phản ánh đậm nét màu sắc Hà Nội. Màu sắc Hà Nội ở đâu? Đấy chính là những địa danh Hà Nội, những con phố Hà Nội, những con người Hà Nội, là  những phong tục Hà Nội, những món ngon Hà Nội, những hàng hóa sản xuất từ Hà Nội. Không phải hễ cứ nói đến Hà Nội là có màu sắc Hà Nội. Có được màu sắc Hà Nội trong tác phẩm, đòi hỏi người viết phải quan sát, phải suy ngẫm, phải xúc động và phải viết bằng tất cả tấm lòng và tài năng của mình. Có lẽ Hội  Nhà văn Hà Nội nên tổ chức hội thảo về những tác giả đã viết thành công về Hà Nội, tiếp sau cuộc hội thảo này để nhìn lại những thành tựu và hướng tới tương lai. Khi nhà xuất bản Trẻ ở mãi tận Sài Gòn còn có chủ trương lập tủ sách về Hà Nội (“ Hà Nội trong mắt một người”) thì không lẽ gì, Hội nhà Văn Hà Nội lại không có một danh sách những  tác phẩm hay về Hà Nội của các Hội viên từ xa xưa cho đến sau khi có Hội thảo này.
Chúc Hội thảo thành công và chúng ta sẽ có những tác phẩm  xuất sắc về Hà Nội, nơi các nhà văn của Hội ta  một đời gắn bó.
                                                 Hà Nội, 31/10/2018

1 nhận xét: