Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

NGƯỜI “RUNG NGÂN KIẾP LÁ HỒN MÌNH”





NGƯỜI “RUNG NGÂN KIẾP LÁ HỒN MÌNH
           Cảm nhận tập thơ “ Gọi mơ” của Trần Trung, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
                                     Vũ Nho
Nhà giáo, nhà phê bình văn học Trần Trung từng in tập thơ “ Chân dung đêm” vào năm 1999. Anh còn công bố nhiều bài thơ trên mạng xã hội, trong đó có một số bài viết theo điệu Haiku Nhật Bản. Mãi đến năm 2018, anh mới lại công bố tập thơ thứ hai với nhan đề “ Gọi mơ” với tổng số 95 bài thơ. Hầu như đều là thơ ngắn bốn câu. Có những bài gồm  5 hay 6 dòng, thực chất vẫn là việc tách chữ từ bài thơ 4 câu  lục bát hay thất ngôn bát cú, hoặc  thơ tự do. Không có một bài theo điệu “Haiku” nào cả. Có lẽ tác giả viết chỉ là “thử nghiệm”  chứ chưa có bài nào tâm đắc?
Nhà giáo thành Nam vốn là một người lãng mạn. Chất lãng mạn đó thể hiện đậm đặc trong tập thơ “ Chân dung đêm”. Và giờ đây vẫn vẹn nguyên trong “ Gọi mơ”. Mơ là mơ mộng, mơ là khác biệt với tỉnh thức hay mơ là mơ ước? Có lẽ khó mà phân biệt. Gọi mơ là “đánh thức” mộng mơ, hay “tìm kiếm” mộng mơ đã lạc mất nẻo về? Cũng khó mà rạch ròi. Nhưng có một điều khẳng định ấy là những bài thơ ngắn này ít thấy những chuyện thế sự, ít có bóng dáng những vang động của thời cuộc, những bức xúc, những bon chen của cuộc sống lắm nhiễu nhương, nhiều cạm bẫy, bất an. Phải chăng, những điều đó đã quá nhiều, đã đầy ứ trong đời ngột ngạt, nên tác giả muốn tìm đến một cõi khác, “cõi mơ” để tâm hồn và lòng mình dịu lại.  Có thể như thế lắm. Vì mỗi người có một điệu tâm hồn, một cách cảm nhận và một cách ứng xử với cuộc đời.  Chẳng nên đòi hỏi người này phải như người nọ. Nhất là với người viết không định thành danh nhà thơ như nhà giáo Trần Trung.

                          Tác giả Trần Trung

 
Tác giả đã tự đánh giá về  đời mình, thơ mình  so với người đời: “ Người ta lăn lóc, kiếm tiền/ Còn ta nênh nổi Con - Thuyền- Tình…Thơ” ( Thơ ta). Một người vốn “nòi tình” thì không thể không mộng mơ. Bởi vậy mà sẽ bắt gặp những “nhớ vu vơ”,  những “ngẩn ngơ” hay “giật mình bất chợt”. Thi sĩ “ Ngẩn ngơ say nhớ môi ai bây giờ” (Đa tình). Rồi nhớ và ước “ tà tím thanh tân lướt…Gót hồng nhẹ bước trong tiếng ve” ( Giá mà). Nhớ “ Thon gót chân hồng/ Nhòa phía sương sa” (Khúc mưa thu). Rồi “ phải lòng Cái-Yếm-Xinh/ Làn môi ánh mắt nét quê mình” ( Phải lòng).  Không cần e dè hay dấu diếm, người thơ thú nhận từng chết đuối “ Ta chết đuối cũng từ đôi mắt/ Rỡ ràng sóng sánh mặt hồ thu” ( Mắt xưa). So với cái thời lãng mạn của nhà thơ Lưu Trọng Lư “ Mắt em là một dòng sông/ Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em” thì người thơ thời nay đã đi một bước xa.  Cái lãng mạn và đa tình thể hiện rõ rệt nhất ở trong “Mê” : “ Ngực nây đầy nhung nhớ/Xuân đầy lên chơi vơi/ Búp non xanh cành lá/ Tuyết lê hồn mê lơi”. Con người và cây cỏ thiên nhiên mùa Xuân đã làm nên sự quyến rũ “mê lơi” chàng thi sĩ gọi mơ.
Thường thì người thi sĩ hay tìm đến rượu như là một nguồn kích thích cảm hứng, cũng là nguồn giải buồn, hóa giải những cô đơn.  Người thơ Trần Trung cũng vậy, nhất là có những năm tháng anh lẻ bóng một mình. Đây là một mùa xuân của tác giả:
Tết đến cận kề như hơi thở
Nghe xôn xao trời đất giao hòa
Mưa giăng tơ-tình ấm lại
Xuân mơ hồ…
Môi bén Rượu – Hoa.
Không ít lần tác giả nhắc đến rượu trong các bài : Đa tình, Tình gần – Thương xa, Tìm say.  Đây là phút say thi sĩ :
  Một phút Ta say...cập Bến mơ
   Bên nhau là thực đến không ngờ
   Hôn lên môi đượm cùng sương khói
   Ta có Em rồi hay có Thơ !?
                   ( Thơ trên trang vunhonb.blogspot.com)

Thậm chí là  “khuyên say” khi hoàn toàn tỉnh táo:
          Còn say thì cứ say đi
          Chớ mong đo đếm những gì…Giời cho
          Thoáng đời hai cõi Thực – Mơ
          Say đi với Thực
                                 đừng chờ Mơ xa
                                   (Say đi)
Một tình cảm quan trọng  nhà thơ dành cho quê hương thành Nam, dành cho mẹ, cho những bạn bè. Anh cũng nhớ đến em bé đánh giầy, cô bác sĩ tình nguyện, nhớ đến Đức thánh Trần, đến Tú Xương,  Nguyễn Bính, Văn Cao, những người đồng hương thành Nam quê anh. Và tình cảm anh dành cho cả những ni cô “ tha thướt môi hường từ bi”, những “lưng ong thắt đáy”, đến những người dân lụt “ Thương Quảng Ninh nước tơi bời/ Thương ai má phấn rụng rời môi xinh” ( Thương), thương  con cháu Tiên Rồng”. Đó là những số phận con dân nước Việt. Hay một người phụ nữ mà anh không muốn nói đến tên không hiếm trong đời sống hôm nay:
          Giờ này khách đã về chưa?
          Em lo toan thế cũng vừa sang canh
          Thương ai
                         Bóng lẻ
                                    một mình
          Nuôi con…
                          nuôi cái giật mình
                                                          đêm đêm
                                  ( Thương ai)
Còn nhớ bài thơ tác giả viết về bầu bạn vớ được nhau say nghiêng quán. Ở đây cũng vậy. Có một chút gì xót xa với cảnh những “bạn già” : “ Thương nhau …vội vã..lào phào/ Ngước lên mây trắng nghẹn  ngào buồn vui” ( Ngước lên). Và “ Năm may gặp bạn một lần/Ồn ào chợt tắt-  nhớ gần, thương xa/Ân tình được mấy giấc hoa/Phút giây gặp gỡ ngỡ là chiêm bao” (Ngỡ là). Điều này cho biết vì sao tác giả có nhiều bạn dạy, bạn viết và viết nhiều về bạn.
          Tôi thật ấn tượng với bài thơ “ Kiếp lá” của tác giả. Khiêm nhường đấy, nhưng cũng đầy tự trọng, tự tin :
          Có một sớm chợt nhìn lá rụng
          Chạnh lòng cho kiếp lá mong manh
          Đến đại thụ
                            cũng về với đất
          Thì cứ rung ngân kiếp lá hồn mình
Gọi mơ” chính là một cách rung ngân  tâm hồn của nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình, nhà thơ lãng mạn Trần Trung!
                                              Hà Nội, 10 tháng 7 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét