Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

TÔI ĐI XÓA MÙ MÙ CANG CHẢI





TÔI ĐI XÓA MÙ MÙ CANG CHẢI
                                 Ghi chép của Vũ Nho
Thời còn công tác, tôi đã nhiều lần lên Yên Bái, cũng đã vài ba lần vào Nghĩa Lộ một cách ngẫu nhiên chứ không phải vì bài hát tha thiết “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không” phổ thơ của cô giáo Hoàng Thị Hạnh. Yên Bái, tôi có những bạn văn, bạn viết như Ngọc Bái, Hoàng Thế Sinh, Hà Lâm Kì, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Việt Quân,  Dương Hiền Nga, Nguyễn Thị Bảy,…Tôi đã từng làm thơ : “Thác Bà mang theo”,  bình thơ “Đêm hội xòe ở Mường Lò”;  từng đứng dưới gốc chè Suối Giàng trăm tuổi;  từng trao đổi với anh chị em giáo viên Văn trong dịp tập huấn của Sở giáo dục. Và dĩ nhiên không thể thiếu những bữa tiệc rượu men lá vui say cùng đồng nghiệp.
          Gặp nhà thơ Chử Thu Hằng ở buổi sinh hoạt của Hội Nhà văn Hà Nội  ngày 10 tháng 9, nhà thơ rủ lên Nghĩa Lộ ( tôi  thích chữ “rủ” dân dã, thân tình hơn là chữ mời có tính lịch sự, quan phương), tôi  nhận lời liền. Chỉ biết là  lên Nghĩa Lộ để giao lưu thơ với Câu lạc bộ thơ Facebook Yên Bái và chào mừng đứa con tinh thần đầu tiên “Yên Bái bốn mùa yêu” từ trang mạng hiện hình trên sách giấy do nhà xuất bản Hội nhà Văn Việt Nam cấp phép. Và việc thứ hai với tôi và không ít người là “xóa mù” Mù Cang Chải. Đến nơi đây để biết cốm Tú Lệ, biết điểm bay dù lượn  đèo Khau Phạ xã Cao Phạ, và biết ruộng bậc thang nổi tiếng là thắng cảnh quốc gia  làm say lòng bao người qua hình ảnh đẹp như tranh.
                                                               Vũ Nho chủ trang
          Khi nhận được kế hoạch đi Yên Bái qua tin nhắn thì đúng là lúc cơn siêu bão “Mangkhut” vượt qua Philippin vào Hồng Kông. Cơn siêu bão đe dọa sẽ có mưa lớn. Yên Bái là một điểm  được cảnh báo đề phòng lũ và sạt lở đất. Thật là hồi hộp và lo lắng. Kế hoạch này có trước khi cơn siêu bão hình thành. Bao công phu chuẩn bị, chẳng lẽ vì gió mưa mà phải hoãn. Nhưng  đi,  nhỡ  ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa to, lũ quét,  sạt lở đất, tắc đường ,…thì  sẽ ra sao?
 
          Quả thật chưa khi nào đi đâu xa mà trước khi xuất hành lại băn khoăn, lo lắng đến thế!
          Ơn giời! 9 giờ sáng 17 tháng Chín,  Hà Nội thời tiết tốt. Cả đoàn tập trung  đông đủ ở bến xe Kim Mã với tiếng thở phào nhẹ nhõm vui vẻ. Lên ô tô 24 chỗ thẳng tiến miền Tây. Xe qua cầu Trung Hà, qua Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn rồi đến luôn Nghĩa Lộ, không qua Thành phố Yên Bái. Nhà thơ Chử Thu Hằng giới thiệu những người tham gia chuyến đi “qua mặt siêu bão Mangkhut”. Tôi không nhớ hết được vì nhiều bạn mới gặp lần đầu. Có  nhà thơ hơn 80 Thang Ngọc Pho tóc trắng cước, có nhà báo Kim Quốc Hoa tuổi 75 vẫn còn tráng kiện, có các anh Vũ Do,  Vũ Duy Hưởng, Vũ Ngọc Cầm trên dưới 70, có anh Nguyễn Đình Chiến từ Séc về. Chử Thu Hằng đi cùng phu quân, các bạn viết Cao Thâm, Đỗ Chiến Thắng, Thẩm Bình, Thu Hà, Thanh Bảo Nguyên, Trần Khánh Toàn, Hoàng Văn Năm,  Nguyễn An, Bích Thi… Trên xe lập tức vui như hội. Thơ vui, thơ tình, tiếu lâm nổ ran ran. Chả mấy chốc đã đến Thu Cúc. Mọi người nghỉ ngơi, dùng bữa trưa rồi một mạch hướng về Nghĩa Lộ. Vẫn râm ran rộn rã tiếng cười, tiếng nói, tiếng đọc thơ, kể chuyện. Khi đến Nghĩa Lộ, trời quang, mây tạnh. Chúng tôi nhìn rõ hình ảnh chiếc cầu  Thia sập trong trận lũ quét lịch sử tháng 10 năm 2017. Nhà báo quê Ninh Bình đang tác nghiệp trên cầu bị lũ cuốn trôi. Thật kinh khủng lũ quét vùng cao.
1.     Giao lưu ở  Tông Poọng
          Xe đến Tông Poọng, nơi diễn ra sự kiện khoảng hơn 4 giờ chiều. Cờ hoa tưng bừng như hội. Mà quả thật buổi giao lưu, kỉ niệm một năm Câu lạc bộ thơ Facebook Yên Bái và ra mắt tập thơ “Yên Bái 4 mùa yêu” đúng là một ngày Hội. Chủ tịch CLB thơ FB Việt Nam Ngô Thái và các thi hữu đến từ Phú Thọ. Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Yên Bái Nguyễn Đình Thi và các nhà thơ đến từ thành phố Yên Bái.  Đoàn chúng tôi đến từ Hà Nội. Các đại biểu gặp nhau, tay bắt mặt mừng, trò chuyện cởi mở, tíu tít như những người bạn thân!

          Tôi và nhà báo Vũ Ngọc Cầm cùng  anh Trần Văn Đức, Phó Ban tổ chức sự kiện, cũng là một thành viên Câu lạc bộ thơ FB, đi xe của nhà thơ mạng Vũ Thị Lợi về  home stay Hồng Chung cùng với mọi người nghỉ ngơi. Anh Vũ Ngọc Cầm lại là người “được”  anh Đức phỏng vấn về ấn tượng Nghĩa Lộ. Anh Cầm nói ấn tượng nhất là sự mến khách! Quả thật từ lúc gặp gỡ, cho đến khi  kết thúc buổi giao lưu, và cả ngày hôm sau đi Mù Cang Chải, những vị khách đều được trải nghiệm ấn tượng này.
          Bữa cơm chiều tại Home stay Tông Poọng là một bữa ăn ngon và lạ miệng với các vị khách Hà Nội. Có những món ăn đặc sản Tây Bắc như câu thơ Vũ Thị Lợi giới thiệu:
           Mời anh chén rượu đất Mường
          Nếp thơm cơm mới men hương lá rừng
          Thịt trâu sấy bếp thơm lừng
          “ Khẩu nua” “Phỉnh tộp” rau rừng, ngọn ban
                                  (Tình em gái Thái)
Rượu trắng và rượu cần. Các món ăn bình dân nhưng là đặc sản. Đặc biệt có món nhộng ong với châu chấu rang tẩm mật  ong mà anh bạn Hoàng Việt Quân của Hội văn nghệ giới thiệu là đã đoạt giải Ba trong cuộc thi Ẩm thực toàn quốc.
          Sau  bữa tối là sự kiện câu lạc bộ thơ FB tròn một tuổi và ra mắt tập thơ “ Yên Bái bốn mùa yêu”. Các điệu múa, các bài hát, bài thơ ngâm được chuẩn bị công phu và biểu diễn rất chuyên nghiệp. Phông cảnh chính là hình ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp lung linh trong ánh đèn màu.
          Anh Trần Văn Đức, Phó trưởng ban tổ chức sự kiện đọc lời khai mạc và giới thiệu đại biểu. Đến dự có các ông  Nguyễn Văn Lịch- Trưởng Ban Nội chính tỉnh Yên Bái; Họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái; ông Mã Đình Hoàn- Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch Yên Bái; ông Hà Văn Năm- Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ; ông  Đặng Duy Hiển, Phó  Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn. Chi tiết cho thấy các lãnh đạo địa phương rất quan tâm phong trào văn hóa nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng.
 Chị An Thị Nhu đọc báo cáo một năm hoạt động của câu lạc bộ từ nhóm gần chục người đã phát triển tới 700. Chị Phạm Thị Thành nói về  việc chuẩn bị tập thơ “Yên Bái bốn mùa yêu”. Vũ Nho  phát biểu về Ấn tượng Nghĩa Lộ, Yên Bái qua tập thơ của 13 cây bút. Nhà thơ Chử thu Hằng  trình bày một bài viết sâu về thơ của các tác giả. Một số bài thơ được đọc, được ngâm  nói lên tình yêu quê hương Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Ấn tượng nhất có lẽ là lão thi sĩ Lê Công Cước 83 tuổi. Bác Cước đã từng học ở Liên xô, từng làm việc với chuyên gia Liên xô trên công trường xây dựng thủy điện Thác Bà. Và bác trình bày một bài hát về Thác Bà thật xúc động với chất giọng nam trung cường tráng!
Một số đại biểu tặng quà cho Ánh Bình Minh, một vầng trăng khuyết trong số 13 cây bút FB trong tập thơ “ Yên Bái bốn mùa yêu”. Ánh Bình Minh còn có một tập thơ in riêng “Tình và đời” ở nhà xuất bản Văn Học năm 2018.
Kết thúc buổi giao lưu là múa xòe quanh đống lửa và nhảy sạp. Mọi người cùng nắm tay  với nhịp xòe. Lại nhớ những câu thơ “Đêm hội xòe Mường Lò” của nhà thơ Ngọc Bái :
          Đêm xuống ngà ngà như rượu rót
          Ngà ngà làng bản nhịp xòe dâng
Đêm xòe ở Tông Poọng cũng chính là một nhánh của Hội xòe Mường Lò, vì chúng tôi đang ở trên cánh đồng Mường Lò  ửng vàng màu lúa chín…
2.     Xóa mù Mù Cang Chải
          Sớm 18, chúng tôi ăn sáng rồi  cùng các bạn thơ của câu lạc bộ Yên Bái vào thăm khu di tích  lịch  sử  quốc  gia “ Căng - Đồn Nghĩa Lộ”. Trời mưa nhỏ. Cả đoàn lên thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ.  Một số anh chị em tranh thủ chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ.

          Rồi xe đưa đoàn lên điểm bay dù lượn Khau Phạ. Trời ngớt mưa nhưng vẫn có những  dải  sương mờ tỏ làm cho khung cảnh thêm thơ mộng. Từ độ cao nhìn xuống thung lũng, nơi những người chơi dù lượn bay xuống thật tuyệt vời. Đúng là phong cảnh như tranh. Ở độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, đèo Khau Phạ là một đèo dài nhất, đẹp nhất, là nơi được chọn thực hiện môn thể thao mạo hiểm dù lượn và được giới phi công đánh giá là 1 trong 4 điểm bay đẹp trên cả nước và là điểm bay đẹp nhất trong 10 điểm bay của thế giới. Năm 2017 ở đây đã diễn ra Fectival “ bay trên mùa vàng” của hơn 100 phi công dù lượn trong nước và  một số nước ngoài như Pháp, Singapore, Malaisia, Thái Lan. Chắc chắn nhiều bạn thơ sẽ có những vần thơ mới về một nơi tuyệt vời như thế.
Xe tiếp tục lăn bánh tới nơi được coi là “Danh thắng quốc gia” - Những thửa ruộng bậc thang của xã La Pán Tẩn. Ruộng bậc thang La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được mệnh danh là một trong những nơi đẹp nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 10 các địa danh với vẻ đẹp tự nhiên đẹp nhất trên thế giới.

          Tuyệt vời nhất là khi xe đến địa điểm “Đồi mâm xôi” thì trời tạnh và có nắng rất đẹp. Các chàng trai người Mông với những chiếc xe máy đủ loại vui vẻ chở các cô, các chú lên “Đồi mâm xôi”. Các chú , các cô lên đó, thuê trang phục Mông để chụp ảnh. Nhiều cô gái Mông tuyệt vời xinh đẹp đã in hình của mình lên những thửa ruộng bậc thang vàng sắc lúa. Quả thực trang phục Mông, nhất là của phụ nữ tôn vẻ đẹp của chị em lên rất nhiều. Đúng là đẹp “long lanh” những cô gái Mông – Hà Nội và các cô gái Yên Bái!
          Buổi trưa cả đoàn ăn cơm với cá suối rán, rau cải nương và gà ác của người Mông. Sau đó xe xuôi về Tú Lệ! Tú Lệ nổi tiếng với nếp thơm và đặc biệt là cốm. Đang mùa cốm. Ven đường có những quán có biển đề Cốm Tú Lệ. Xe chúng tôi dừng ở nhà hàng có cả cối dậm chân để giã cốm. Một trăm ngàn một cân. Ai cũng mua về Hà Nội làm quà.  Một vài người còn mua gạo nếp Tú Lệ, cũng là đặc sản của vùng nức tiếng dẻo thơm. Chia tay các bạn  thơ Yên Bái, chúng tôi chia tay Mù Cang Chải. Chính xác hơn là tạm xa đất Mù Cang Chải, nhưng chúng tôi đã mang Mù Cang Chải về Thủ đô. Bởi những bức ảnh, những bài thơ, những hạt cốm thơm Tú Lệ  và tình cảm người Yên Bái đã theo mọi người về Hà Nội. Một chuyến đi rất vui, rất thơ và vô cùng ấm áp tình người.
          Trên đường về, một vài anh chị đã đọc những vần thơ mới về Mù Cang Chải, về Mường Lò,  Nghĩa Lộ. Tôi tin rằng sẽ có nhiều bức ảnh đẹp, nhiều bài thơ hay, nhiều bài kí cảm động  xuất hiện trên các trang báo mạng, báo in từ một chuyến đi đáng nhớ!
                                                     Hà Nội, 20 tháng 9 năm 2018

In trên Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam tháng 11/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét