CẢM NHẬN CUỐN SÁCH “ Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều so sánh và bình luận” của Vũ Nho
Phạm Tâm Dung
Cháu gái tôi viết thư nhờ bà giúp đỡ để cháu có bài thuyết trình với đề tài :
“Một số bạn trong lớp than phiền về việc truyện Kiều dài, đọc mất thì giờ, lại có nhiều điển tích, điển cố, từ ngữ cổ, đọc khó hiểu, cho nên không thích đọc và thưởng thức”.
Học Truyện Kiều ở phổ thông và Đại học đã lâu, đi làm chuyên môn về công việc khác, tôi không có nhu cầu và điều kiện tìm hiểu kĩ Truyện Kiều. Thành ra yêu cầu của cháu là một thử thách khó vượt của tôi.
Đang bí rì thì tôi bỗng nhớ ra, trong nhóm “ Chúng tôi yêu nghệ thuật”, PGS.TS Vũ Nho có tặng mỗi người một cuốn “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều, so sánh và bình luận” do anh viết in năm 2016. Thế là tôi có cẩm nang để gỡ bí cho chính mình, trước khi giúp cháu. Tôi đã đọc miệt mài và thu được mấy ý để gợi cho cháu như dưới đây.
Quả thật, nhiều người cũng chỉ thích nghe thầy giáo, giảng Kiều. Qua bài giảng thì thấy rất hay. Nhưng tự mình đọc thì không thấy hấp dẫn mấy, thậm chí không thích bởi rào cản của những từ cổ, những điển tích, điển cố. Mấy ví dụ:
Sinh rằng : “lân lí ra vào
Gần đây nào phải người nào xa xôi”
Các bạn có biết đấy là lời nói của ai với ai? Trong hoàn cảnh nào không?
Đó là Kim Trọng nói với Kiều, sau khi Kim Trọng dọn đến ở bên cạnh nhà Thúy Kiều và chàng nhặt được cành kim thoa của nàng, chàng trả lại.
Tại sao Kim Trọng lại được gọi là SINH? Khó hiểu đúng không. Trước đó chàng Kim cũng được gọi là Sinh:
Sinh đà có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.
Nếu đọc đoạn Thúc Sinh gặp Kiều ở lầu xanh, mê mẩn nàng, ta cũng sẽ gặp một chàng Sinh:
Sinh càng một tỉnh mười mê
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân
Hóa ra SINH có lúc là Kim Trọng, có lúc lại là Thúc Sinh.
Nguyễn Du không muốn gọi tên chàng Kim Trọng để viết là Kim rằng, hoặc Trọng rằng . Cũng không muốn viết thẳng là Thúc càng … Vì dùng chữ Sinh có nghĩa là học trò, là người như trong các tên gọi Thúc Sinh ( anh học trò họ Thúc), Mã Giám Sinh ( anh Giám sinh họ Mã). Như chúng ta ngày nay không gọi thẳng tên Hoa, Nụ, Hồng,… mà nói Bạn ấy…
Phạm Tâm Dung
Tất nhiên, có nhiều điển tích , điển cố mà chúng ta cứ phải xem chú giải mới hiểu ý nghĩa của cả câu thơ. Song nếu chúng ta không sốt ruột, không muốn đọc nhoáng cho xong, thì đọc điển tích, điển cố cũng là một điều thú vị. Mỗi điển tích là cả một câu chuyện của người xưa.
Một hai nghiêng nước, nghiêng thành
Ta đọc chỉ thấy thoáng là nói Thúy Kiều đẹp. Nhưng nếu xem chú thích : Bài ca của Lý Duyên Niên : Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc Ngoảnh lại một cái xiêu thành, ngoảnh lại cái nữa đổ nước, nghĩa là tả cái vẻ đẹp tuyệt thế của người đàn bà làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành, mất nước. Như vậy đọc chú thích ta biết thêm được thành ngữ nghiêng nước nghiêng thành, đồng thời cũng biết luôn biện pháp tu từ ngoa dụ ( nói quá) trong nghệ thuật thi ca.
Nguyễn Du đã dựa vào câu chuyện “ Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc cuối đời Minh, đầu dời Thanh để viết nên cuốn Truyện Kiều. Tuy dựa vào truyện Trung Quốc, nhưng Nguyễn Du đã có những sáng tạo làm thay đổi nội dung và ý nghĩa của câu chuyện.
Tác giả Vũ Nho đã viết tóm tắt về sự sáng tạo:
- Nguyễn Du chỉ dựa vào các sự kiện chính, lược bỏ nhiều nội dung . Cụ Nguyễn Du đã loại bỏ 142 trang trên tống số 214 trang của Kim Vân Kiều Truyện. 72 trang đó được viết thành 1313 câu thơ trên tổng số 3254 câu của Truyện Kiều.
- Nguyễn Du đã loại bỏ nhiều chi tiết không quan trọng. Loại bỏ chi tiết nhưng câu chuyện vẫn liền mạch.
- Nguyễn Du không thêm nhân vật nào, nhưng ông đã bỏ đi 30 nhân vật như Tô Nương, Bộ Tân, Vệ Hoa Dương,…Bỏ nhân vật đi nhưng mạch truyện vẫn thống nhất.
- Các nhân vật Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà,… Nguyễn Du đều có những thay đổi làm cho nhân vật đầy đặn, sắc nét hơn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
- Nguyễn Du đã đưa thêm ba vấn đề quan trọng mà Kim Vân Kiều Truyện không có là: Vấn đề số phận phụ nữ, vấn đề tiền bạc, vấn đề triết lí.
Điều đó chứng tỏ tài năng của Nguyễn Du.
Xin các bạn thưởng thức bức tranh bốn mùa của Nguyễn Du:
Mùa Xuân:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Mùa Hạ:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
Mùa Thu :
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Mùa Đông:
Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân
Mấy câu triết lí khái quát sức mạnh của đồng tiền:
- Trong tay sẵn có đồng tiền
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì
- Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
- Mụ càng chuốt lục tô hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê
Nguyễn Du đã dựa vào một tác phẩm bình thường của Trung Quốc, viết thành tác phẩm Truyện Kiều được cả thế giới công nhận là kiệt tác, xếp bên cạnh các tên tuổi lớn của nhân loại như A. Pushkin ( Nga), Gớt ( Đức),…
Một người Việt là Mộng Liên Đường chủ nhân sống vào thời Minh Mệnh đã viết lời tựa cho bản in Truyện Kiều có đoạn:
“ Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”
Truyện Kiều là tác phẩm xuất sắc của văn chương nước Việt, niềm tự hào của người Việt. Không phải dân tộc nào, nước nào cũng có nhà văn được UNESCO vinh danh. Thưởng thức cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều chính là để bồi đắp tình yêu đất nước, quê hương, bồi đắp lòng tự hào dân tộc của mỗi người.
Trên đây là những gì tôi thu hoạch được từ cuốn sách để thành chất liệu gợi ý cho cháu.
Với riêng mình, tôi đặc biệt chú ý đến những so sánh giữa nhân vật trong Kim Vân Kiều với nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phân tích nhân vật Thúc Sinh, tác giả đã dẫn lời đánh giá rất sâu của Thiền sư Nhất Hạnh : “Chúng ta có một Thúc Sinh ở trong lòng. Không nhiều thì ít trong mỗi chúng ta đều có chất liệu đam mê và nhu nhược” ( trang 158). Điều mà tôi chưa thấy nhà nghiên cứu nào khẳng định chính là ở chỗ anh Vũ Nho nói có cơ sở khoa học rằng “ Nguyễn Du cũng có một chàng Thúc ở trong lòng. Chính vì thế mà nhà thơ cảm thông, thương mến và làm cho hình ảnh chàng Thúc có phần đáng trách, nhiều phần đáng thương. Có thể nói rằng Thúc Sinh cùng với ba nhân vật khác là Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng đều là nhân vật kí thác tâm sự, tấm lòng của Nguyễn Du, tuy mức độ có khác nhau” ( trang 169).
Phân tích so sánh nhân vật Từ Hải, tác giả đã chỉ ra 6 điều Nguyễn Du làm khác biệt. Những điều đó làm tăng thêm vẻ đẹp của Từ Hải. Tôi chú ý chi tiết tác giả bình về việc miêu tả của tác giả “Kim Vân Kiều truyện” “Không có việc tả chiều cao, không nói chiều rộng của vai. “Đầu đội mũ tam sơn”, dù cái mũ có sang trọng, uy nghi đến mấy thì cũng không sánh được cái tầm vóc vũ trụ của Từ Hải trong Truyện Kiều:
Đội trời đạp đất ở đời
( trang 125)
So sánh nhân vật Thúy Kiều, tác giả cho rằng Thúy Kiều trong “Kim Vân Kiều truyện” nói nhiều, tỏ ra rất dứt khoát, quyết liệt trong giải quyết công việc bán mình. Còn “Nguyễn Du đã bỏ hết các chi tiết này để cho nàng Kiều của mình chỉ là một người con gái hiếu thảo, thương cha mẹ, các em và quên mình hi sinh mối tình chớm nở” ( trang 134).
Đối với vấn đề triết lí, tác giả Vũ Nho có hai điểm gây chú ý. Một là khẳng định tác phẩm “ Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc không có triết lí (trang 294). Hai là tác giả thừa nhận trong Truyện Kiều có triết lí các đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão, nhưng không xuất sáo. Tác giả nhấn mạnh :
“ Nếu Nguyễn Du có xuất sắc thì cùng lắm cũng chỉ là minh họa cho những tư tưởng, những triết lí của Ấn Độ hay Trung Hoa. Vậy thì có gì đặc biệt đâu? Giỏi thì có giỏi song cũng chỉ là giỏi đi học người ta mà thôi. Vậy thì những điều đó cũng không phải là quyết định làm nên sự vĩ đại của Truyện Kiều. Chúng tôi cho rằng những triết lí mà Nguyễn Du bằng trí tuệ của một bậc đại trí, tiếp thu cả những giáo lí hàn lâm lẫn những kinh nghiệm dân gian; và cái chính là bằng tấm lòng của một bậc đại nhân, bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ, ông đã tự tạo ra, tự khái quát lên mới là điều đáng nói, đáng bàn kĩ hơn, sâu hơn” (trang 311). Sai đúng đến đâu còn phải kiểm chứng, như tôi thấy tác giả đã mạnh dạn nói khác những người đi trước. Một thái độ dũng cảm đáng trân trọng.
Có thể nói là tác giả đã làm việc nghiêm túc, khoa học, công phu. Giữa khi người ta đã viết quá nhiều bài báo, in kha khá các cuốn sách về Truyện Kiều mà tác giả vẫn dùng hình thức văn học so sánh để viết cả một cuốn sách gần 400 trang về Truyện Kiều thì quả là một thành công đáng ghi nhận.
Hà Nội mùa chống dịch Covid
TD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét