Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

NGẮN GỌN VỀ VĂN HÓA GIAO TIẾP





NGẮN GỌN VỀ VĂN HÓA GIAO TIẾP

                     Vũ Nho

          Trong cuộc sống, mỗi con người không thể không giao tiếp với những người thân trong gia đình, những người cùng cơ quan, cùng chỗ làm việc, cùng làng xã,  cùng chung cư, cùng ngõ phố,…

Việc chào hỏi người quen, người hơn tuổi, việc giữ trên môi nụ cười thân thiện, việc ăn nói đúng mực, không “nói tục chửi bậy”, việc có thái độ thân thiện giúp đỡ phụ nữ, người già, việc nhường chỗ cho người cao tuổi trên các phương tiện giao thông công cộng,… thể hiện văn hóa giao tiếp của mỗi người. Ngay cả việc nghe điện thoại cũng thể hiện người có văn hóa, khi nhấc máy và : Alo, tôi xin nghe, hoặc Alo, tôi nghe đây ạ! Xin làm ơn cho biết ai đang gọi được không?

Việc vào trang Facebook của người khác để nhận xét và bình luận cũng vậy. Thái độ nhận xét cần thân thiện, xây dựng và lịch sự. Nếu không hài lòng, có thể lặng lẽ rời trang, chứ không để lại những nhận xét khiếm nhã, miệt thị, hay coi thường chủ trang.

          Giọng nói, nụ cười rất dễ  chiếm được cảm tình, yêu mến của người gặp gỡ. Người xưa đã tổng kết về giọng nói:

-         Chim khôn tiếng kêu rảnh rang

          Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe

-         Anh đà có vợ hay chưa

Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào

Hoặc về nụ cười:

-         Chẳng tham nhà ngói rung rinh

          Tham vì một nỗi anh xinh miệng  cười

-         Chẳng tham nhà ngói em đâu

Chỉ tham cái nết em mau miệng cười

Người ta thương nhớ nhau cũng bắt đầu từ sự thương nhớ nụ cười đó:

           Mình về có nhớ ta chăng

          Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

Vì vậy trong giao tiếp nên có khuôn mặt tươi tắn, nụ cười thân thiện. Đồng thời cần nói năng dịu dàng, lịch s, nhỏ nhẹ.


                                                             Vũ Nho



          Xưng hô trong giao tiếp cũng là một chuyện cần bàn. Người Việt có quá nhiều từ để xưng hô vì những từ ngữ trong  quan hệ gia đình, họ tộc, làng xóm hay cộng đồng cũng được dùng trong xưng hô. Khác hẳn tiếng Anh và một số thứ tiếng châu Âu chỉ có ngôi I, You, He (She), We,  You, They. Người Việt có thể căn cứ vào tuổi tác, quan hệ thân sơ, địa vị xã hội mà xưng hô: tôi, em, con, cháu, ta, mỗ, … đối với anh, chị, các anh,  chị;  ông , bà, các ông bà; chú, cô, các cô chú;  bác , bá, các bác bá; em, các em;  mày, chúng mày; thủ trưởng, các thủ trưởng; quý ông, quý bà, các quý ông quý bà…

          Việc xưng hô lại càng phức tạp, nhất là theo vai vế họ hàng trong làng.  “Bé con ông bác, lớn xác con ông chú”. Thành ra có ông râu dài phải gọi chú bé con là ông trẻ, có khi là cụ trẻ!

          Trong văn học dân gian, người ta thoải mái xưng hô mày tao :

         - Giã ơn cái cối cái chày

          Nửa đêm gà gáy có mày có tao

        - Con kiến mày kiện củ khoai

          Mày chê tao đói lấy ai cho giàu

Nhưng trong văn học viết, rất hiếm khi gặp xưng hô “mày tao”. Về điều này, chúng tôi đã khảo sát việc xưng hô “mày tao” của nhà thơ Trần Đặng Khoa trong bài viết “Hành trình của một kiểu xưng hô”.

          Chào hỏi là một nghi thức bộc lộ tình cảm. Người ít tuổi chào người cao tuổi, người ở vai vế xã hội thấp chào người có vị trí xã hội cao là chuyện bình thường. Người Việt dạy trẻ em chào hỏi bằng cách khoanh tay, cúi đầu, thể hiện sự lễ phép, tôn kính. Đồng thời các nghi thức chào hỏi đơn giản như các câu hỏi nhưng không nhằm mục đích hỏi, mà mục đích là chào:

-         Bác đi đâu đấy ạ?

-         Bác khỏe không ạ?

-         Lâu lắm mới gặp bác!

-         Bác mới sang chơi?

 Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã viết rất hay về lời chào để nhắc các em nhỏ  (và cả một số người lớn chúng ta nữa!) chào hỏi:

          Lời chào đi trước

          Lời chào dẫn bước

          Chẳng sợ lạc nhà

          Lời chào kết bạn

          Con đường bớt xa

          Lời chào là hoa

          Nở từ lòng tốt

          Là cơn gió mát

          Buổi sáng đầu ngày

          Như một bàn tay

          Chân tình cởi mở

                      (Lời chào đi trước)

Trong giao tiếp, việc tôn trọng chữ tín, tôn trng cuộc hẹn là vô cùng quan trọng. Nó thể hiện một thái độ văn hóa trân trọng đối tác, đối tượng. Người ta chê người sai hẹn, chê người không giữ lời hứa:

          Nói lời thì giữ lấy lời

          Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

Cô gái trong thơ Nguyễn Bính trách người thương là trách cái việc sai hẹn của anh chàng trong đêm Hội chèo:

          Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

          Để cả mùa xuân cũng  nhỡ nhàng

                             (Mưa xuân)

 Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Lê Thị Mây đều viết về sự hò hẹn rất hay. Sự lỡ hẹn đem đến bao nhiêu là tiếc nuối,  khó xử:

          Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

          Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi!

                      (Hoàng Nhuận Cầm – Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)

Những điều bình thường, tưởng là nhỏ nhặt nhưng rất quan trong trong giao tiếp. Chúng thể hiện văn hóa giao tiếp. Những người có văn hóa cao trong giao tiếp sẽ dễ dàng thành công khi đi phỏng vấn xin việc, và cũng dễ thành công trong công việc của mình.

                                       Hà Nội, 18/4/2020

Trích từ cuốn sách "Văn hóa dân tộc thời hội nhập" hoàn thành trong những ngày chống Covid 19.





         

2 nhận xét: