Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

CÔ TÌNH NHÂN Y HỌC VÀ NGƯỜI THẦY THUỐC


  


 CÔ TÌNH NHÂN Y HỌC VÀ NGƯỜI THẦY THUỐC

LỜI THƯA VỚI BẠN ĐỌC
Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984), Danh nhân y học, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội dưới Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáo sư đã được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học kỹ thuật, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ngoài các công trình khoa học, Giáo sư còn để lại nhiều bài viết hàm súc, có tính triết lý sâu sắc và ý nghĩa nhân văn cao cả, với văn phong sang trọng đầy sức truyền cảm. Một trong những tác phẩm đó là bài “Vinh và lụy của ngành Y” (diễn văn khai mạc Hội nghi Y tế toàn quốc năm 1949). Hơn 70 năm đã trôi qua, bài diễn văn vẫn tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc. Chúng ta hãy hình dung cảm xúc của các Đại biểu dự Hội nghị tại Chiến khu Việt Bắc mạnh mẽ biết nhường nào, khi được trực tiếp nghe Giáo sư Hồ Đắc Di trình bày. Vinh và lụy của ngành Y” đã vượt xa một bài diễn văn thông thường, để có thể làm cho trái tim sục sôi và tâm hồn rung động!
Sau nhiều lần đọc “Vinh và lụy của ngành Y”, tôi đã mạo muội trích biên (trích nguyên văn CHỮ của Giáo sư Hồ Đắc Di và biên tập) thành hai bài: “Cô tình nhân Y học” và “Người thầy thuốc”. Nếu hai bài đó có được “dáng dấp” hai bài thơ thì chính là nhờ chất thơ của bài diễn văn mang lại.
                                                                          Đinh Y Văn


* “Bà nội tôi là Công nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Có lẽ vì thế mà tôi có mang trong mình một chút tẻo teo dòng máu thơ ca” - Trích lời Giáo sư Hồ Đắc Di nói với nhà báo Hàm Châu.
* “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” (Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thời Tiền Hán phải thua/Thơ như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thời Thịnh Đường còn kém. Lê Xuân Giáo dịch)  - Hai câu thơ của vua Tự Đức.



CÔ TÌNH NHÂN Y HỌC

Y học
đồng niên với Loài Người
ra đời lúc ban mai lịch sử
trong những khu rừng nguyên thủy
nơi cất tiếng kêu la của cái Đói, cái Sợ và Tình yêu
trong cái giày vò của nỗi đau
cầu xin thần linh
tin ở linh hồn, ma quỷ…

Y học
sau một quá trình tiến hóa
đã trở nên thần diệu và tôn nghiêm
không dung hòa sự khô cằn của trái tim
tránh xa những chỗ thấp hèn
ở đó cái xấu xa của bản năng nổi lên
tham vọng vươn tới những đỉnh cao
ở đó luồng gió tinh thần lồng lộng thổi…


Y học
là một cô tình nhân khó tính và tàn nhẫn
chỉ dành ân huệ cho những ai
biết yêu thương say đắm
và phục vụ nàng hết mình.

Đinh Y Văn  trích biên CHỮ của Giáo sư Hồ Đắc Di
trong  tác phẩm “Vinh và lụy của ngành Y”




NGƯỜI THẦY THUỐC

Người thầy thuốc
lấy việc xoa dịu nỗi đau của mọi người làm mục đích
làm sống lại những gì sắp trở thành bất động:
những đôi mắt đã dại đi, những cặp môi đã kiệt máu…

Có nghề nào lại mang nặng trách nhiệm đến thế
không một phút rảnh rang
ban đêm thường thức giấc
bữa ăn cũng vội hay không kịp ăn
cuộc sống thì báo động bất kể giờ nào, thời tiết nào !

Người thầy thuốc hiểu rằng
trước mắt họ không phải là một cỗ máy mà là một con người
biết giữ nét mặt trầm tĩnh
biết giữ giọng nói ôn tồn
biết lựa lời nói với bệnh nhân và người thân của họ.

Ai là người trong chúng ta
mỗi buổi sớm mai bước vào bệnh viện
lại không cảm thấy một nguồn vui sâu sắc
trước những bộ mặt bất lực bỗng bừng sáng lên,
những thân hình quằn quại bỗng hết căng thẳng…

Đời người thầy thuốc
là một khoảng đất bằng mờ ảo
nổi lên lòng tận tụy và những hành động quên mình
có may mắn được thực hiện mong muốn riêng
mà mang lại hạnh phúc cho người khác.

Đinh Y Văn  trích biên CHỮ  của Giáo sư Hồ Đắc Di
trong  tác phẩm “Vinh và lụy của ngành Y”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét