VĂN HÓA THỜI TRANG
Vũ Nho
Kể từ khi con người biết lấy vỏ cây
để che thân, rồi dệt xơ cây tầm ma để làm nên quần áo đến ngày nay có cả một
ngành công nghiệp thời trang, có những trung tâm thời trang của thế giới để hướng
dẫn gu ăn mặc thế nào cho đẹp, cho sang trọng, cho văn hóa,… nhân loại đã tiến
một bước khổng lồ về chuyện thời trang.
Ở Việt Nam cũng vậy, khi biết lấy vỏ
cây sui để làm khố, rồi sau trồng bông, chăn tằm dệt vải làm nên quần áo mặc để đi làm hàng ngày, mặc trong
lễ hội, áo tứ thân mớ bảy mớ ba. Rồi người ta bàn đến vẻ đẹp áo dài phụ nữ Việt
Nam, vẻ đẹp của quốc phục. Các nhà thiết kế
thời trang đã đưa ra nhiều bộ sưu
tập quần áo theo các mùa.
Mỗi
một quốc gia trên thế giới đều sở hữu một nền văn hóa
riêng, không nước nào giống với nước nào, vì thế phong cách ăn mặc của các quốc
gia cũng khác nhau. Tuy rằng ảnh hưởng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa hay giao
lưu, du nhập văn hóa khiến phong cách
thời trang đã thay đổi nhiều, có sự pha trộn, lai tạp. Tuy
vậy, trang phục mỗi nền văn hóa, đất nước khác nhau vẫn có những nét đặc thù
riêng. Đặc biệt là trong các bộ trang phục truyền thống, thường được gọi là
quốc phục của từng quốc gia.
Tìm hiểu về
văn hóa thời trang, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về tương lai của thời trang
toàn cầu. Thời trang không phải là một yếu tố riêng biệt của quần áo hay phụ
kiện nhưng nó được kết nối với cuộc sống của chúng ta trong mọi khía cạnh và
trong số đó văn hóa là quan trọng nhất. Thời trang phản ánh mong muốn của chúng
ta đối với cuộc sống của chính mình. Thời trang ảnh hưởng đến lối sống của
chúng ta.
Tìm hiểu
văn hóa thời trang của dân tộc là rất cần thiết để có một cái nhìn đúng đắn.
Gần đây, một số ngôi sao nghệ thuật và một số ít người mẫu đưa ra những kiểu ăn
mặc táo bạo, phản cảm, bị dư luận phản ứng mạnh. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu
biết về văn hóa thời trang.
Ăn mặc quần áo thể hiện văn hóa và đẳng cấp trong xã hội.
Người ta đã tổng kết:
Hơn nhau tấm áo manh quần
Thả ra bóc trần, ai cũng như ai
Và quần áo lịch sự làm
cho người tiếp xúc phải nể vì, trọng thị:
Người lạ nể áo, người quen nể lòng
“Y phục xứng kì đức” là nói cách ăn mặc quần áo tương
xứng, phù hợp với đức hạnh và vị trí xã hội của mỗi con người. Nguyễn Du khi
nói về vẻ đẹp của chàng Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, đã tả
chàng mặc áo rất đẹp, rất lịch sự:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
(Truyện Kiều)
Về thời trang, có thể
nói đến quần áo ( quần áo lót, quần áo ngoài), váy, kèm với quần áo váy là khăn, nón, mũ, túi
xách, dày, dép.
Chúng tôi chỉ giới hạn xem xét áo quần mặc thường nhật và trong hội hè, yếm, nón, khăn mà thôi.
Khi mà vải ít, lao động vất vả nên quần áo chóng rách, thì
khó mà bàn đến chuyện mặc đẹp. Áo vá là chuyện thường thấy. Nhưng:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Lại có chuyện :
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Đề cao sự khéo tay của người phụ nữ : “Khéo vá vai, tài vá nách”.
Và cái váy vá nhiều mụn thì được người ta hài
hước ví von:
Tiền lĩnh váy chị không bằng tiền chỉ váy tôi!
Chính vì vậy mà người
Việt Nam coi trọng đạo đức và những phẩm chất hơn là sự ăn mặc đẹp, hình thức bề
ngoài:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!
Cái nết đánh chết cái đẹp!
Một nước nông nghiệp thường
bị thiên tai, thiếu đói cho nên người Việt coi trọng “ăn chắc, mặc bền” , “ăn
no mặc ấm” trước khi lo đến “ăn ngon mặc đẹp”!
Phổ biến nhất là tấm áo
mặc để lao động, mặc trong dịp lễ tết, hội hè.
“Chiếc áo tứ thân ra đời do kỹ thuật dệt vải ngày xưa còn thô
sơ nên hàng vải dệt ra có khổ hẹp, chừng 40 cm, muốn may thành áo phải ráp bốn
mảnh thân lại với nhau. Chiếc áo tứ thân còn gọi là áo Giao Lãnh xưa – tức là
loại áo khi mặc hai thân trước giao nhau mà không buộc lại, sau vì phải làm
việc đồng áng, buôn bán… nên các mẹ, các chị “cải biên” lại thành áo tứ thân
cho tiện lợi.
Có nhiều loại áo tứ thân, nhưng thường người ta hay bắt gặp
loại áo tứ thân buông tà hay thắt vạt trên đồng, trên nương hay họp chợ…, còn
loại áo mớ ba, mớ bảy thường được chị em ưu ái chọn để làm duyên trong các dịp
hội hè, đình đám. Áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan và
tình cảm con người, với bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai tà
trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, khắng khít
bên nhau” (Nguồn : Trang phục Việt Nam - tinh hoa hơn 4000 năm lịch sử, trang
Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi)
Chiếc áo là cái cớ để nam nữ
tỏ tình:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Anh con trai khác tỏ
tình:
Áo đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đậm, cho tình anh thương.
Chia tay nhau, người ta
lưu luyến nhớ tấm áo:
Áo đen năm nút viền bâu
Bậu về xứ bậu biết nơi đâu mà tìm
Anh chị hát quan họ cởi
áo tặng nhau:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà cha mẹ hỏi, qua cầu gió bay!
Cái áo của người thương
xiết bao là thương quý. Áo để nhớ người:
Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Chiếc ào dài của phụ nữ
Việt Nam là một nét đẹp độc đáo, tôn vẻ đẹp của chị em.
Theo
các nhà nghiên cứu, chiếc áo dài có tuổi đời rất lâu năm, ngay trên mặt trống
đồng và hiện vật Đông Sơn người ta đã tìm thấy hình ảnh của chiếc áo dài tha
thướt. Truyền thuyết kể lại rằng khi cưỡi voi xông trận, Hai Bà Trưng đã mặc áo
dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng. Do tôn kính hai bà, phụ nữ Việt xưa tránh
mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân.
Đến
thế kỷ 19,20, áo dài bắt đầu trở thành thứ trang phục không thể thiếu trong đời
sống xã hội Việt, từ các bà hoàng, công chúa trong hoàng cung với các kiểu áo
dài được may trang trọng, quý phái bằng chất liệu gấm, thêu chỉ vàng… đến các
bà, các cô vận áo dài đến trường, đến công sở, ra chợ, dạo phố. Một thời gian
dài trong thế kỷ 19-20, áo dài đã trở thành một loại thường phục được nam phụ
lão ấu trên đất Việt yêu chuộng. Trải qua nhiều biến động lịch sử, cùng với sự
du nhập của khuynh hướng thời trang phương Tây, áo dài đã có nhiều cải tiến
theo từng trào lưu nhất định. áo dài vẫn chứng tỏ khả năng bất biến mà không
phải loại trang phục nào cũng làm được: đó là tôn lên vóc dáng và nét đẹp quyến
rũ dịu dàng cho người phụ nữ. Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã có nhưng bộ
sưu tập áo dài trên nhiều chất liệu vải khác nhau rất đẹp và quyến rũ. Ngày nay, chiếc áo dài Việt Nam được may
cách tân với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau, độ dài ngắn cũng khác nhau.
Một vật không thể thiếu
trong thời trang của người phụ nữ Việt là chiếc yếm. Yếm là trang phục phổ biến
và được chị em sáng tạo nhiều kiểu cổ yếm.
“Mặc
dù yếm đào đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng đến thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, chiếc
yếm mới trở thành một trong những loại “quốc phục” được cả dân tộc nâng niu,
trân trọng. Chiếc yếm chính là hiện thân đầy quyến rũ, gợi cảm của nét đẹp phụ
nữ Việt Nam. Có nhiều loại yếm như yếm cô viên cổ tròn, yếm cổ xẻ hình chữ V,
yếm cổ cánh nhạn, yếm cổ xây… Đặc biệt là loại yếm “đeo bùa” là một “vũ khí lợi
hại” mang đến nhiều vấn vương cho người đối diện bởi mùi xạ hương thoang thoảng
được giấu bên trong yếm. Vào những ngày lễ tết, chiếc yếm màu sắc giản dị nâu
non, trắng… được thay bằng các màu sắc rực rỡ, tươi sáng như yếm điều màu đỏ, yếm
đào, yếm thắm”. (Nguồn : Trang phục Việt
Nam - đã dẫn)
Hình ảnh chiếc yếm đào, yếm thắm từng đi vào
truyện Cổ tích Tấm cám và trong tục ngữ, ca dao.
Con cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng
Trong mười điều duyên
dáng cũng là mười điều đáng thương yêu của
người phụ nữ có nhắc đến cái yếm:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nháng hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Cô gái táo bạo thì dùng
yếm làm cầu cho người thương qua chơi:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi.
Cái yếm cũng là vật để
nam thanh nữ tú hát ví, trêu đùa nhau, tỏ tình với nhau và thử tài ứng đối thấp
cao:
-
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm cho anh!
-
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm
em em mặc, yếm gì anh anh đòi!
Với người phụ nữ thì
cùng với quần áo, yếm là khăn. Vuông khăn cũng là vật làm đẹp.
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em sắc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Người phụ nữ chít khăn mỏ quạ, vấn tóc
đuôi gà là một hình ảnh đẹp nền nã.
“Để vấn khăn mỏ quạ đẹp cần phải có
sự khéo léo và khiếu thẩm mỹ cao. Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa và hợp với
khuôn mặt, bởi nếu chít cao quá thì khuôn mặt trông có vẻ điêu ngoa, còn để mỏ
quạ thấp quá làm khuôn mặt tối tăm. Khăn mỏ quạ chít khéo sẽ khum khum và ôm
lấy khuôn mặt người con gái, làm cho khuôn mặt trắng hồng nổi bật trên nền đen
của khuôn khăn, giống như một búp sen hồng làm ngây ngất lòng người khác phái”. ( Nguồn : Trang phục Việt
Nam – đã dẫn)
Hình ảnh cô gái vấn khăn mỏ quạ khéo tạo nên “khuôn mặt búp sen” đã vào trong
thơ của thi sĩ Hoàng Cầm:
Ai
về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng
khuôn mặt búp sen
Những cô hàng
xén răng đen
Cười như mùa
thu tỏa nắng
( Bên kia sông Đuống)
Khăn
là vật tặng nhau làm tin. Khi trách
nhau, chàng trai kì kèo:
Khăn anh nàng lấy vá vai
Bây giờ nàng đã nghe ai dỗ dành
Chẳng nên ra, tháo chỉ, lấy mụn trả anh
Để anh đem bán lấy hai trăm vàng
Kim
Trọng khi gặp Thúy Kiều để tặng vật đính ước, chàng cũng nghĩ đến chiếc khăn:
Vội về thêm lấy của nhà
Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một
vuông.
Khăn
trở thành đối tượng để người con gái tâm tình. Và bài ca dao về khăn được nhà
phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá là
một trong những câu ca dao hay nhất của Việt Nam ( Hoàng tiến Tựu - Bình giảng ca dao, Nxb Giáo dục, trang 127) :
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi chưa yên mọi bề.
Cùng với quần áo
thì “cái nón”, nón ba tầm, nón
thúng quai thao, nón ba Đồn, Nón Chuông,
nón Huế là những vật bất li thân. Chiếc nón là vật che nắng, che mưa, có thể ngả
ra ngồi, có thể dùng làm quạt. Nhưng nón cũng là vật làm đẹp cho phụ nữ :
Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
Chiếc nón đi vào câu hát ví von để tỏ tình:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Cô gái lấy cớ mượn nón
để ngỏ lời với chàng trai :
Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước xa làng xa dân
Chàng cho em mượn cái nón làm ăn
Nhà em xa lắm có gần đâu ai
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượn chàng nón, mượn ai bây giờ […]
Mất một em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả đền ta cho mình
Các nhà thơ khi nhớ về
mẹ mình, bao giờ cũng nhắc tới cái nón như một vật biểu trưng cho sợ tần tảo,
lam lũ, hi sinh:
Thúng cắp nách, nón đội đầu
Mẹ tôi đi chợ môi trầu đỏ tươi
( Phạm Công Trứ)
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
( Nguyễn Trọng Tạo)
Mẹ tôi nón lá bước lên
Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu
( Hữu Thỉnh)
Khách du lịch nước
ngoài khi rời Việt Nam, một vật họ hay tìm mua là chiếc nón. Nón là biểu tượng
cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt.
Áo quần, yếm, khăn,
nón làm đẹp cho con người.
Giới trẻ có một số người
luôn chạy theo mốt. Hết quần ống loe, sang quần ông tuýp, rồi đến quần ngáp ( hở
rốn), rồi quàn bò mới nhưng để rách đầu gối, rách để hở bắp chân, bắp đùi. Cứ ngỡ đó là đẹp
nhưng chỉ lạ chứ không đẹp! Một vài người mẫu ăn mặc áo dài, không quần lót, hoặc
áo mỏng để lộ nội y rồi chụp ảnh khoe trên mạng. Đó chỉ thể hiện sự ấu trĩ,
không có văn hóa thời trang. Một số bạn nữ trẻ mặc áo cổ trễ, mặc váy quá ngắn
đến nơi thờ tự cũng là việc làm phản cảm.
Ăn mặc đẹp, hợp thời trang, phù hợp
với công việc nơi ruộng đồng, chốn trường học, nơi công sở, bệnh viện là nhu cầu
của mọi người. Thể hiện nét văn hóa trong thời trang là mong muốn của mọi tầng
lớp trong xã hội.
Hà Nội, tuần thứ ba cách li xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét