Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

TÌNH THƠ KHAO KHÁT NHIỀU ĐỒNG VỌNG




TÌNH THƠ KHAO KHÁT NHIỀU ĐỒNG VỌNG
Đọc “Đồng vọng ban mai xanh” của Lê Văn Lộc, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020.
                               Vũ Nho
Nhà giáo nhà thơ Lê Văn Lộc rất bền bỉ và chung thủy với thơ. Kể từ khi in tập đầu tiên ( viết chung) năm 1997, đến thời điểm này, tác giả đã công bố 14 tập thơ và trường ca. Tập ĐỒNG VỌNG BAN MAI XANH là tập thơ thứ 15. Các lí do cho sự bền bỉ thì có thể có nhiều, nhưng  có lẽ khát vọng được sẻ chia, được giãi bày, được tìm thấy sự “đồng vọng” chính là động lực mạnh nhất thôi thúc người viết.
          Sau những năm tháng tuổi trẻ giàu khao khát, giàu hoài bão và mộng mơ đã kết tụ lại trong các tập thơ trước, tập thơ này, tác giả “Có thêm sâu lắng mùa màng// Có thêm ầm ào ghềnh thác// Có thêm những điều trăn trở” ( Hành trang xanh). Và do đó muốn được tâm sự, muốn được sẻ chia, trước hết là với chính mình, với người thân, bạn bè gần gũi và với bạn đọc gần xa.
          Tập thơ được chia ba phần với những câu thơ như lời đề tựa. Phần thứ nhất có thể coi là những cảm xúc, những chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời. Phần thứ hai dành cho quê hương và phần thứ ba là về gia đình, tế bào quan trọng của xã hội.Tất nhiên, sự phân chia này cũng chỉ là mang tính quy ước, tương đối.
          Dễ nhận thấy người viết thường có tâm trạng hoài vọng những gì của quá khứ, của những phút giây hiện tại và cả của những dự cảm  lấp ló tương lai. Chắt chiu, gom góp dù ít ỏi thôi, nhưng luôn luôn là cần thiết.“ Một chút se se// Một chút hanh xưa// Một chút mơ bay// Chút chờ xa lơ/ Chút còn nhơ nhớ” ( Thu đưa ta về). Từng trải hơn, do đó mà cũng chiêm nghiệm và hiểu biết hơn. Những cái biết chỉ để cho  chắc chắn hơn, trầm tĩnh hơn khi nhìn đời, nhìn người : “Biết rơm rớm đã bắc cầu xuân xa// Biết chênh chếch bóng làm quà ngồng dưa// Biết thăm thẳm vực, thác mưa ngóng đò// Biết chênh chao võng ru chờ tháng năm// Biết tròn vành vạnh qua rằm khuyết đơn” (Cứ ngỡ chưa qua). Hiểu biết thêm, chiêm nghiệm thêm, nên thêm bâng khuâng, thêm băn khoăn, nghi vấn thường thấy ở người cao tuổi:
                   Bồi hồi riêng của ban mai
                   Vầng dương lối hẹn thêm ai cuối ngày?
                   Vui buồn thêm rộng vòng tay
                   Liệu còn thao thức canh chày đợi nhau?
                                      (Cảm thức)


                                                               Vũ Nho
 
“Tri thiên mệnh” (Biết mệnh trời) rồi, lắm khi như là “lão giả an chi” ( Người già   yên thôi), chỉ mong một chữ an, một chữ nhàn:
                   Trăng thanh
                   Ánh vàng thau sóng bạc
                   Thơ thẩn
                   Lạc trong mình
                   Bờ bãi
                   Chơi vơi…
                             (Thanh tĩnh)
Là người nhạy cảm, nên người viết dễ tổn thương, dễ suy tư dù chỉ là một chút đổi thay nho nhỏ:
                   Hàng cau ai ngả đi rồi
                   Bỗng dưng rỗng cả khoảng trời bình yên
                             (Giọt xưa)
Hàng cau là bóng dáng của làng quê, cùng với bóng tre, cây đa, mái đình. Và  không  thể  thiếu  là vị cơm quê “Rưng rung bát cơm quê thơm nghĩa cả hồn làng” (Từ làng).
          Thế nên dù thân nhàn mà tâm không nhàn. Hay muốn an mà vẫn bất an khi mà trong xã hội còn nhiều điều ngang trái, trớ trêu:
                   Bao nhiêu dự ánh bỏ không
                   Bao nhiêu vật giống, cây trồng bỏ đi
                   Cao su rừng héo, đồi khê
                   Bà con điêu đứng, ê chề long đong
                                      (Một lời xin lỗi)
Sông biết phận sông, thuyền biết phận thuyền, biển biết phận biển ( Phận), nhưng thật khó yên với phận người, nhát là người tử tế, khi mà vàng thau lẫn lộn, thật giả khôn lường:
                   Thôi thì hạ giọng ậm ừ
                   Giả ngây giả điếc, miễn trừ lời trao
                   Thôi thì ngậm miệng làm cao
                   Biết đâu miệng thế ồn ào nhỏ to
                   Giả nghèo nẫu ruột âu lo […]
                   Thói đời thật giả phân thân
                   Nuốt tham bạc tỉ, nhận phần tịnh chay
                   Lấp điều giở, giả điều hay
                   Hàng giả thuốc giả…giả ngày bình yên
                                      (Giả)
Không riết róng tố cáo hay lên án, nhưng những câu thơ trĩu nặng tâm tư luôn tìm được sự đồng tình, đồng vọng nơi bạn đọc.
          Một phần quan trọng của tập thơ, tác giả dành cho quê hương, nơi sinh thành ở Yên Bái và cội nguồn ở Hà Nam. Con người nhà giáo nhà thơ ấy mang nặng nghĩa tình vóc làng dáng quê. Sắc hương quê là một điều cao quý, thiêng liêng mà thiên đường  dễ  gì đã có?
           Một “rặng tre làng thấp thoáng mảnh trăng”, một kỉ niệm ruộng đồng
Ngực áo cồn cào vết bùn non/ Bùn thấu phận bùn/ Hương sen bồn chồn cánh đồng khao khát/ Ngấu chút bùn hoai chậm chiều nắng nhạt/ Tấm áo nhuộm bùn bát ngát đồng xanh” ( Khúc giao mùa). Làng quê là nơi chốn đi về, là đối tượng để thi sĩ ngợi ca:
                   Người quê đã thắm nụ cười
                   Mồ hôi đã thấm bao đời đất quê
                                      (Võng quê)
Những trai quê  khỏe mạnh , hiền lành, hồn nhiên:
                   Năm tháng lo toan ân nghĩa từ làng
                   Thêm những chàng trai xếp hàng ra lính
                   Thêm những cuộc đời gian lao kháng chiến
                   Cốt giữ xóm làng năm tháng bình yên
                                      (Sinh ra từ làng)
Những gái quê mộc mạc, chất phác với vẻ đẹp khỏe mạnh, đầy sức sống:
                    Người con gái tóc dài nhuộm thắm ban mai
                   Đánh thức cánh đồng ngô khoai trở giấc
                   Những vạt nắng đậu mềm cài lên mái tóc
                   Người đó ánh lên một nét diệu huyền
                                      (Gái đồng quê)
Sinh ra từ làng” là một bài thơ dài ca ngợi làng, đơn vị hành chính cũng là đơn vị tình cảm của những người sinh ra và trưởng thành ở nông thôn.
          Văn Yên  mảnh đất nghĩa tình không chỉ được nhắc đến  một lần trong
Thời khắc Văn Yên”, “Những cánh chim xanh”. Văn Yên là “Mảnh đất sản sinh nghĩa tình, huyền tích”, là nơi “Khấp khởi chiêm bao ngày về” đề cảm nhận, để  thấm sâu và mang đi những đặc sắc văn hóa, để hòa nhập:
                   Mang theo điệu Khắp sơn khê
                    Mang theo ánh lửa đêm xòe vùng cao
                   Hòa vào chuông nhịp bản Dao
                   Sênh tiền Vũ nhạc chênh chao khèn bè
Văn Yên, cùng với  Yên Bái sông”, hồ Thác Bà, các địa danh khác của Yên Bái, làm thành niềm mến yêu, tự hào để thốt lên “Yên Bái ta”, “Yên Bái mình” thiết tha, kiêu hãnh. Mảnh đất Yên Bái đã nên tình nên nghĩa, nên nơi hò hẹn, nên chốn đi về của người viết. Ở nơi đó không thể thiếu những người bạn từ thuở thiếu thời, thuở tráng niên đã góp mồ hôi, công sức xây dựng  và khi  tuổi cao:
                   Ung dung lên bậc ông bà
                   Vui buồn tụ tập khề khà sớm khuya
                                      ( Bạn già)
Tác giả dành phần cuối của tập với nhan đề Tổ ấm tìm về để bày tỏ tình cảm gia đình với cha mẹ, anh chị em và những người thân thiết. Có 13 bài thơ dành cho chủ đề này. Tất cả đều thể hiện sự kính trọng các bậc sinh thành, sự gắn bó với những người thân, những người đã nâng đỡ vật chất và tinh thần cho người viết. Và người đọc được chứng kiến tình cảm sâu nặng, mộc mạc của một người con dành cho người cha liệt sĩ, thân sinh ra người bạn đời của tác giả trong ngày giỗ của người:
                   Bảy mươi tuổi đời bao vất vả lo toan
                   Chỉ mong xứng với vẹn toàn : con Liệt sĩ
                   Chỉ mong đẹp mộ phần nơi cha yên nghỉ
                   Thơm bát cơm quê, nhẹ bước cha về
                   (Ngày giỗ cha)
                                                  + + +                
                   Chín đợi hay mười trông
                   Cứ âm thầm bõ công khó nhọc
                    Cứ đinh ninh đất không phụ công cấy cày chăm  sóc
                                                (Đồng vọng ban mai xanh)
Đó cũng có thể coi là niềm tâm sự của riêng người thơ Lê Văn Lộc  trên cánh đồng chữ nghĩa thơ ca. Anh đã âm thầm lặng lẽ gieo trồng và đã thu hoạch 14 mùa Thơ. Đây là mùa thu hoạch thứ mười lăm. Như niềm mong ước “chín đợi mười trông” của anh, kết quả của mùa gieo trồng này chính là tập thơ “ĐỒNG VỌNG BAN MAI XANH”. Hi vọng “ĐỒNG VỌNG BAN MAI XANH” sẽ nhận được nhiều đồng tình, đồng vọng từ bạn đọc.
                                               Hà Nội – Sài Gòn đầu tháng 11 năm 2019

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét