Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

TỪ “ÁO CÀI KHUY BẤM” ĐẾN “ÁO CHẼN QUẦN BÒ”




TỪ “ÁO CÀI KHUY BẤM” ĐẾN “ÁO CHẼN QUẦN BÒ”
                                         Vũ Nho
Vấn đề ăn mặc là một vấn đề quan trọng của đời sống. Từ khi con người biết làm ra vải, làm ra những chiếc khố, rồi chiếc quần, chiếc váy đơn giản che thân dần dần tới chỗ làm ra những bộ trang phục nhiều màu sắc, trang phục của nam giới, trang phục của phụ nữ càng ngày càng phát triển, càng đẹp thêm. Bây giờ có cả một ngành công nghiệp thời trang để phục vụ việc ăn mặc của mọi người đã là một bước tiến khổng lồ của nhân loại.
Ở Việt Nam  chắc có một thời trang phục của nam giới chỉ đơn giản là cái khố mà thôi. Vì vậy mới có câu đố về cây tre và cây măng “Con đóng khố, bố cởi trần”.  Có thành ngữ "khố rách áo ôm" để chỉ người nghèo. Còn có dấu vết trong truyện cổ tích “Chử Đồng Tử” khi hai cha con chỉ chung nhau một chiếc khố. Chàng trai thương cha đem chiếc khố duy nhất mai táng cho ông. Vì thế mới có chuyện chàng vùi thân trong cát và gặp được Tiên Dung.
Phụ nữ của ta một thời mặc váy. Cái váy ấy cũng  đã in dấu vết trong tục ngữ, ca dao. “Chê âm điệu xấu của người  hay cau có khi nói là “dấm dẳng như váy ba bức” (Theo Cù Đình Tú – Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb KHXH, 1983, tr.61).
Thành ngữ “Dạy đĩ vén váy” chắc đã tồn tại từ lâu.
Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
"Quần không đáy" chính là cách gọi khác của cái váy.
Dấu ấn ăn mặc của phụ nữ đầu thế kỉ XX còn in đậm trong thơ của thi sĩ Nguyễn Bính trong bài “Chân quê”. Nhà thơ tiếc nuối kiểu ăn mặc chân quê nền nã:
          Nào đâu cái yếm lụa sồi
          Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
          Nào đâu cái áo tứ thân
          Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen


                                                                  Vũ Nho - Chủ trang

Như vậy cho đến lúc ấy, phụ nữ  thành Nam vẫn mặc yếm chứ chưa biết đến cái áo nịt ngực. Họ vẫn dùng  thắt lưng. Cô gái này dùng dây lưng bằng vải đũi, một loại  vải dệt bằng tơ tằm thô. (Trong bài thơ “Mùa xuân xanh”, Nguyễn Bính có nhắc đến cái thắt lưng này: Tôi đợi người yêu đến tự tình/ Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh).  Chiếc khăn vẫn là khăn vuông,  trùm đầu tạo thành hình mỏ quạ. Cách  trùm khăn ấy tạo cho gương mặt người phụ nữ như hình búp sen mà thi sĩ Hoàng Cầm đã viết “Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen”. Và  cái váy có từ xưa, giờ đã thay bằng quần may bằng vải nái, một loại vải dệt từ tơ tằm,  nhuộm đen.
          Nhưng cô gái trong thơ đi tỉnh, đã thay đổi trang phục khiến nhà thơ đau khổ.
          Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
          Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Khăn mỏ quạ đã thay bằng khăn nhung. Quân nái đen đã thay bằng quần lĩnh, loại vải dệt bằng tơ nõn, bóng mịn. Và không mặc yếm, mà thay bằng cổ áo cài “khuy bấm”, một  thứ “tân thời” lúc bấy giờ. (Nhà thơ Vũ Quần Phương sau này khi viết về Nguyễn Bính đã cười thân ái nhà thơ đồng hương : “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”/ Phéc mơ tuya đầy người hẳn ông chết ngất!).
          Nhà thơ Nguyễn Bính “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”. Nhưng van cũng không được. Đó là xu thế thời trang của cả xã hội.
          Rồi đến một lúc những thứ “tân thời” ấy thành ra cũ, thành ra lạc mốt. Cô gái trong thơ Phạm Công Trứ ăn mặc khác hẳn:
          Về quê ăn tết vừa rồi
          Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
                       (Lời thề cỏ may)
Áo cài khuy bấm đã bị các loại áo cổ đợi chờ, cổ lá sen, cổ trái tim bỏ qua. Rồi lại được thay bằng áo chẽn. Và con gái bên cạnh việc mặc váy, còn mặc váy ngắn, váy bò, và cả quần bò ( quần Jean), vốn là trang phục  may bằng vải  rất dày.  Trước quần bò đã từng có quần ống loe, quần ống tuýp. Thế  rồi  “áo chẽn” cũng bị  bỏ lại. Các cô nàng ăn chơi sành điệu có thể mặc quần áo bò cả bộ, hoặc  mặc áo ba lỗ rất ngầu trong thơ Nguyễn Việt Bắc : “Con gái/ Môi mọng chín. Mắt xanh đánh võng/ Áo ba lỗ/ Soóc bò/ Phóng Dream cong kim cây số”.
          Ăn mặc đẹp, hợp mốt thời trang là một nhu cầu của xã hội. Khi  hoàn cảnh kinh tế không cho phép, mỗi người dân một năm được tiêu chuẩn mua 4 mét vải bán theo phiếu thì quần  “pich kê” mông, đầu gối chả ai coi là xấu. Còn bây giờ thị trường vải vóc bạt ngàn lại khá rẻ so với túi tiền người dân thì “quần là áo lượt” là chuyện đương nhiên. Người ta đã nghĩ đến “quốc phục”, nghĩ đến thời trang công sở,… nhưng vẫn tôn trọng mọi gu ăn mặc khác nhau của mọi người, miễn là không “hở hang” thái quá và không phản cảm. Ăn mặc khi đi làm, khi đi chợ, khi  đến các nơi thờ tự, khi đi dự tiệc, khi đi du lịch, khi tắm biển,… hoàn toàn không thể dùng “nhất bộ” giống nhau.
          Đời sống vật chất càng không ngừng nâng cao thì ăn mặc của mọi người, nhất là giới trẻ cũng thay đổi không ngừng. Đó là một quy luật. Nhưng dù thay đổi thế nào thì vẫn phải lấy tiêu chuẩn là tiện lợi, thoải mái và đẹp là những tiêu chuẩn hàng đầu.      
                                                           Hà Nội, 24 tháng Tư năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét