Câu đối – một thể loại văn học, một thú chơi tao nhã
Vanvn- Chúng ta, từ người bình dân đến những học giả đều lấy câu đối dể thể hiện tình cảm, tâm chí mình, ca ngợi công đức tổ tiên, những anh hùng dân tộc, những vị tổ nghề, có công với cộng đồng; đồng thời coi đây là một thú chơi tao nhã khi cao đàm khoát luận, khi chén tạc, chén thù…
Xuất phát của câu đối, của cách nói đối xứng, trước hết là do quan sát và phát hiện tính hai mặt, tính song song của tự nhiên mang tính triết học (nhất âm nhất dương) và do đặc thù của ngôn ngữ đơn âm tiết của Trung Hoa và Việt Nam.
Chúng ta rất dễ nhận thấy, như GS Phan Ngọc từng chỉ ra, trong dân gian, người Việt thường hay dùng cách nói đối xứng, ví như: Khôn nhà dại chợ, Giỏ nhà ai, quai nhà nấy, Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng…Còn việc khắc treo câu đối bằng đá, gỗ, viết lên cột thì cũng do tín ngưỡng và điều kiện tự nhiên mang tính thuần Việt. Chúng tôi không nghĩ rằng, xuất xứ của nó theo truyền thuyết Trung Hoa là từ việc dân gian treo bùa bằng gỗ đào vẽ hổ và hình hai anh em ông Thần Trà, Uất Luỹ để xua đuổi tà ma, có ma quỷ ác đến thì ném cho hổ ăn thịt, gọi là Đào phù. Trong cuộc sống, cái gì cần thì người ta sáng tạo ra; còn cái na ná thì chỉ để tham khảo mà thôi.
Tuy nhiên, Trung Hoa là một nước có truyền thống lâu đời về câu đối. Một số sách nghiên cứu ở Trung Quốc khẳng định, câu đối sớm nhất ở nước họ là một câu đối Tết của Mạnh Sưởng (đời Hậu Thục chúa) năm 964: Tân niên nạp dư khánh; Giai tiết hiệu trường xuân.
Trong dân gian lưu truyền nhiều câu đối xuân gọi là xuân liên, ví như Nhất nguyên phục thủy; Vạn tượng canh tân (Sau một năm lại trở lại từ đầu; Vạn vật đều đổi mới) hoặc Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ; Xuân mãn càn khôn, phúc mãn môn (đường) nghĩa là Trời thêm năm tháng, người thêm thọ; Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà. Hoặc: Nhân thọ, niên phong, gia gia lạc; Quốc thái, dân an, xứ xứ xuân (Người thọ, năm được mùa, nhà nhà vui; Nước ổn, dân yên, xứ xứ xuân).
Tôi đi nhiều nơi, thấy câu đối Tết, câu đối thờ hay được người Việt Nam đem treo ngày nay là Tổ công tông đức thiên niên thịnh; Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương thể hiện nét tâm lý phổ biến là nhớ ơn tiên tổ và mong muốn con cháu thảo hiền, coi đó là nguyên nhân chính để cuộc sống muôn đời được tốt đẹp. Chữ hiếu, chữ phúc vốn được nhân dân ta coi trọng, nên Tết đến, không gì vui bằng cha mẹ song toàn, con cháu đầy nhà. Nên câu đối viết: Đào lý mãn viên tân phú quý; Xuân huyên lưỡng thụ cựu xuân thu.
Khi báo Tết trở thành một ấn phẩm văn hoá đặc biệt, thì các câu đối Tết cũng rộng mở nội dung từ gia đình đến xã hội. Cần cổ vũ sản xuất, mơ ước no đủ, có câu rằng: Vẽ bức tranh Xuân: lợn béo, gà to ưng ý vợ; Đề câu đối Tết: khoai sai lúa tốt đẹp tình chồng. Đó là sự chất phác nông dân. Còn có những câu ý tứ rộng lớn, đầy chất thơ, chẳng hạn
Bài hát Kết đoàn, Bác bắt nhịp núi sông cùng hát;
Câu thơ chúc tết, Người gieo vần đất nước càng thơ.
Những câu đối dán, treo, khắc chạm vào cột được gọi là doanh liên. Câu đối mừng hôn thú gọi là hôn liên…
Có nhiều câu đối hay được lưu truyền. Chẳng hạn, câu đối treo ở Thư viện Đông Lâm, Trung Quốc:
Phong thanh, vũ thanh, độc thư thanh, thanh thanh nhập nhĩ;
Gia sự, quốc sự, thiên hạ sự, sự sự quan tâm.
(Tiếng gió, tiếng mưa, tiếng đọc sách, tiếng tiếng đều nghe;
Việc nhà, việc nước, việc thiên hạ, việc nào cũng quan tâm).
Có lẽ đó là đôi câu đối có ý nhắc nhở bổn phận của kẻ sĩ. Sau này, Hồ Diệu Bang có sửa lại câu này cho khí chất mạnh mẽ hơn như sau:
Phong thanh, lôi thanh, bi thán thanh, đô thử nhất sinh;
Hiểm sự, nan sự, thiên hạ sự, tranh đương dũng sĩ.
(Tiếng gió, tiếng sấm, tiếng bi thương, đều là tiếng một cuộc đời này;
Việc nguy, việc khó, việc thiên hạ, đua nhau để làm dũng sĩ).
Mao Trạch Đông có câu đối viếng thầy hay được nhắc đến:
Tưởng kiến âm dung không hữu ảnh;
Dục văn giáo hối hưởng vô thanh.
(Tưởng thấy bóng thầy từ không bóng
Còn nghe lời dạy chốn vô thanh).
Vương Hy Chi là nhà thư pháp nổi tiếng, dĩ nhiên là chữ nghĩa khó ai sánh bằng, thế mà viết câu đối dán cửa, ba năm liền đều bị người đi đường bóc đi. Đến khi viết hai câu thành ngữ Phúc vô song chí; Hoạ bất đơn hành vẫn bị bóc. Đến năm sau, ông nghĩ thêm được mấy chữ, trở nên đôi câu đối tuyệt hay:
Phúc vô song chí, kim nhật chí;
Hoạ bất đơn hành, tạc dạ hành.
(Phúc không hai lần đến, hôm nay đến;
Họa không một mình đi, đêm qua đã rời).
Có những câu đối chỉ có thể đối như thế, không thể đối khác, người ta gọi là tuyệt cú. Đó là trường hợp câu:
Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như;
Nguỵ Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ Vô Kỵ, thử diệc Vô Kỵ.
Ở Trung Hoa cũng có những vế đối không đối được như: Du Tây Hồ, đề tích hồ, tích hồ tiêu Tây Hồ, tích hồ, tích hồ!
Tích hồ là cái bình thiếc, tích hồ cũng là lời than tiếc thay. Tạm dịch là: Chơi Tây Hồ, xách bình thiếc, bình thiếc rơi mất vào Tây Hồ, tiếc thay bình thiếc!
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình nào khảo cứu một cách công phu về câu đối xứng tầm với nó, ngoại trừ cuốn Thú chơi câu đối của Nguyễn Văn Ngọc. Trong cuốn sách này, chủ yếu là sưu tầm. Người Việt Nam làm câu đối có cái đặc sắc, thi vị riêng vì có đối Nôm, đối Hán, lại có đối cả Nôm lẫn Hán trong từng vế có dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao.
Chúng tôi cũng chưa từng được biết có cuốn sách nào quy định về luật lệ của câu đối mà chỉ chủ yếu dựa trên những cặp đối ngẫu trong thơ Đường luật. Ông Nguyễn Văn Ngọc có bài viết về Phép làm câu đối. Ông viết: “Đối tức là ngẫu mà ngẫu nghĩa là đôi. Vậy đối tức là một đôi; tiếng đôi nôm na như ta nói: đôi đũa, tốt đôi, vốn gốc ở chữ đối mà ra”. Và ông cũng phân ra các dạng gồm tiểu đối (dưới ba chữ); câu đối thơ (từ bốn đến bảy chữ), chín chữ trở lên gồm hai vế, tức song quan, cách cú thì gọi là câu đối phú. Những câu dài sáu, bảy mươi chữ cũng gọi là câu đối phú. Những câu đối phú chia làm nhiều đoạn, thì những chữ cuối cả bao nhiêu đoạn trên mà bằng thì chữ cuối đoạn dưới cùng phải trắc; trái lại những chữ cuối cả bao nhiêu đoạn trên trắc thì chữ cuối đoạn dưới cùng phải bằng.
Câu đối là một thể loại có quy định ngặt nghèo nhưng cũng như mọi thể loại khác, đều chấp nhận sự phá cách và sáng tạo, kể cả thất luật, đọc không xuôi tai (khổ độc) nghĩa là không tuân thủ luật bằng trắc một cách máy móc như câu đối khuyết danh: Lúa tám, gặt chín tháng một; Nồi tư, mua năm quan sáu hay Mười mấy khoa còn gì, nhờ trời có phúc, có phận; Năm mươi tuổi thành tài, mừng ông càng dẻo, càng dai.
Có khi cũng không nhất thiết phải đối từ loại với từ loại, thí dụ câu đối sau tương truyền là của Nguyễn Khuyến: Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại; Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi. Chữ đổ dồn là một động từ, còn chữ chỉ có là từ chỉ trạng thái. Như mọi tác phẩm khác, tính sáng tạo, tinh thần, ý tứ, mạch văn là điều quan trọng nhất, câu đối cũng không nên quá câu nệ vào luật lệ, vào từng chữ một mà phá hỏng ý tứ, thành ra ngô nghê kiểu Thần Nông giáo dân… thì phải đối sát chữ là Thánh sâu gươm vua…
Như ta thường thấy, không chỉ ngày tết, cưới hỏi, ma chay, ông cha ta mới làm câu đối. Ca ngợi anh hùng, giễu kẻ tiểu nhân, đối đáp sứ quan, trai gái chuyện trò, bạn bè thù tạc, tức cảnh sinh tình…đều có thể làm câu đối. Và kho tàng câu đối Việt Nam đã để lại những tác phẩm bất hủ, năm tháng càng đi qua, càng trở nên lấp lánh.
Đó là câu Cao Bá Quát viết về Thánh Gióng: Cự địch đãn hiềm tam tuế vãn; Đằng vân do hận cửu thiên đê (Phá giặc hãy hiềm ba tuổi muộn; Cưỡi mây giận thấp chín tầng xanh). Nhiều sách vở chép đằng vân nhưng tại đền Thánh Gióng xã Phù Đổng thì chép là đằng không. Câu đối ở Miếu Trung Liệt (Gò Đống Đa, Hà Nội) tưởng nhớ Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và các anh hùng nghĩa liệt:
Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa;
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên.
(Đó thành quách, đó giang sơn, trăm trận phong trần còn thước đất;
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh).
Những câu đối treo ở di tích, có lẽ hay nhất là câu ở Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), thờ Hưng Đạo Vương: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục đầu vô thuỷ bất thu thanh (Vạn Kiếp núi non hơi kiếm toả; Lục Đầu sông nước tiếng thu reo). Cũng gắn với di tích, khi trùng tu Đền Cổ Loa, dân địa phương có thi câu đối, một cụ ra vế đối: Thuý Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim, lòng đã trọng. Sau rất nhiều ngày, một du khách tới mới đối được: Trọng Thủy nhòm vào nước, thoáng nhìn nàng Mỵ, mắt rơi châu.
Câu đối ca ngợi lãnh tụ, phải kể đến câu ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất;
Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song!
Sinh thời, Bác Hồ cũng mê câu đối và có nhiều câu đối hay, chẳng hạn câu đối mừng Tết Độc lập đầu tiên năm 1945 sang năm 1946:
Rượu Cộng hoà, hoa bình đẳng, mừng Xuân Độc lập;
Bánh Tự do, giò Bác ái, ăn Tết Dân quyền.
Dưới thời tạm chiếm, ở miền nam có người kín đáo thờ Bác Hồ bằng đôi câu đối:
Cổ nguyệt chiếu sơn hà;
Sĩ tâm quang nhật nguyệt.
Nghĩa đen là: Trăng xưa soi sông núi; Lòng kẻ sĩ sáng vầng nhật nguyệt. Nếu chiết tự theo chữ Hán thì cổ ghép với nguyệt là Hồ; sĩ ghép với tâm là Chí; nhật ghép với nguyệt là Minh – Hồ Chí Minh! Thật tài tình và dũng cảm lòng dân ta yêu nước, kính yêu lãnh tụ!
Câu đối này có thể xếp vào hàng kiệt tác, vì ý khí mạnh, niêm luật chặt chẽ, lại có tên Chí Minh. Sự đánh giá về Bác Hồ thế cũng là tột bậc, làm cho chúng ta càng tự hào về Bác: Chí khí cường tráng núi sông, anh hùng xưa nay chỉ có một; Sao sáng chiếu soi vũ trụ, hào kiệt á -Âu không thể có hai! Tới đềnh làng Diêm (Bắc Ninh) và một số đền thờ Bắc cũng nói các câu này.
Về câu đối đối đáp khi đi sứ hoặc đối đáp với sứ giả nước ngoài không chỉ tỏ rõ thông minh tài trí mà còn thể hiện khí phách dân tộc. Người ta thường nhắc đến câu đối của Mạc Đĩnh Chi: Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quỏ quan; Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Qua cửa ải muộn, cửa đóng, thách ông đi qua; Ra câu đối dễ, đối lại mới khó, thách ông đối trước); của Giang Văn Minh đem Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa đến nay vẫn loang hồng máu giặc) đối với Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng Mã Viện nay đã xanh rêu).
“Trạng đối” Mạc Đĩnh Chi còn để lại nhiều câu đối hay, trong đó có câu đề chốn lầu xanh:
Thốn thổ thị lương điền, canh giá bất câu xuân hạ nhật;
Tứ hoang giai ngã thác, thân tình hề dụng bắc nam nhân.
(Tấc đất làm ruộng tốt, cấy cày không kể hạ hay xuân;
Tay rộng mở bốn bề, thân tình không kể kẻ bắc nam).
Xứng đáng với danh hiệu Trạng đối nữa là Nguyễn Khuyến. Những câu đối hay nhất của ông là câu đối Nôm. Làm hộ vợ thợ rèn khóc chồng:
Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp;
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Làm hộ vợ thợ nhuộm khóc chồng:
Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc hồi đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ;
Chàng dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh!
Trạng Quỳnh, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương… đều là những cây đối cự phách. Nguyễn Công Trứ có một câu đối Tết thường được nhắc đến là: Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra khỏi cửa; Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà. Câu này còn có dị bản là nợ réo tí mùi tức là nợ réo đòi từ năm tí đến năm mùi; rượu tràn quý tị say bất biết thời gian, ngọng líu can – chi, kể cũng hay!
Nhưng ông có câu đối tự nói về mình, mà có lẽ không có nghiên cứu nào về sau đánh giá đúng ông hơn:
Cũng may thay, công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên: quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ, nào quạt, nào mão, nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình mà trong hội kiếm cung, khắp trời nam biển bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ;
Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục: hầu gái một vài cô, hầu trai dăm bảy cậu, này cờ, này kiệu, này rượu, này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược đã ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn!
Câu đối không chỉ dành cho các danh sĩ, mà nhân dân lao động thông minh cũng có nhiều tuyệt tác. Câu chuyện sau đây về Cao Bá Quát cho thấy điều đó.
Ông Quát được coi là Thánh chữ, thế mà còn bị chê dốt. Lúc bố Cao mất, có ông già đến than thở ngậm ngùi rồi hỏi nhà có ai học hành gì không, Cao đáp có, ông già sai lấy giấy bút ra chép hộ câu đối viếng. Ông đọc “Chi”. Cao lúng túng, không biết là chữ “chi” nào liền bị chê là anh này có học hành mà chữ “chi” có vài nét cũng không biết. Đoạn nhúng ngón tay vào chén nước viết chữ “chi “lên mặt bàn. Cao viết xong chữ “chi “, liền được khen” Chữ anh này cũng khá”. Cao vốn kiêu ngạo, sửa được cả chữ của vua Tự Đức, nay bị ông già thảo dân khen khá, trong bụng rất bực bội nhưng là bậc cha chú đến viếng bố, đành nhịn. Ông già lại đọc tiếp chữ “chi”. Cao lại cắm bút! Chữ Hán có bao nhiêu chữ “chi”, viết chữ “chi” nào đây? Ông già điên chăng? Thấy Cao đực mặt, ông già bực bội:” Cái anh này quả là dốt, chữ “chi” vừa bày cho viết xong đã quên ngay. Thôi, đưa bút đây”! Ông viết liền một mạch:
Chi chi ngũ bách niên tiền, lục thuỷ, lam sơn hà xứ tại;
Tại tại tam thiên lý ngoại, đào hoa, lưu thuỷ cánh hà chi!
Từ bực bội, Cao Bá Quát ngây người, bị hút hồn trước câu thần đối. Cái tình sâu xa, lời văn siêu thoát. Người viếng, người mất đều như Tiên. Cả đời theo đòi bút nghiên của Cao bị chê dốt cũng không có gì ân hận. Xin tạm dịch:
Này này năm trước năm trăm, nước biếc non xanh đâu tá nhỉ;
Đó đó ngoài ba nghìn dặm, hoa trôi nước chảy lại về đâu!
Một ông đồ Nghệ, không đỗ đạt gì, nhưng cũng để lại một câu đối khóc vợ thật thống thiết:
Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao đặng;
Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng!
Lại có anh học trò sắp đi thi nên phải trốn phu. Quan bắt vợ đi thay. Học trò thương vợ, chạy đuổi theo, chẳng may vấp ngã. Quan nọc lại tra hỏi, anh đành khai hết sự tình. Quan bảo, nếu ngươi là học trò, ta ra vế đối này, đối được thì ta tha, nhược bằng không đối được, sẽ tăng thêm tội. Quan đọc:
– Phu là chồng, phụ là vợ, vì chồng vợ phải đi phu.
Anh học trò gãi đầu, gãi tai… Quan cho là nói dối, vụt ngay một hèo.
– Dạ bẩm quan, không phải con không đối được, nhưng đối được thì quan có tha cho không ạ? Quan làm già: Đối được ta tha cho cả hai vợ chồng nhà anh! Được lời, anh học trò đọc luôn một mạch:
– Ngã là ta, nhĩ là mày, vì mày nên ta hóa ngã.
Vế đối quá sát và hay, tuy hơi xược, nhưng trước mặt dân làng, quan đành giữ lời tha cho anh học trò.
Nói chuyện về câu đối, không bao giờ cạn. Nó có thể thú vị với người này, không thú vị với người kia. Có thể tôi đã làm mất khá nhiều thì giờ của bạn đọc trong ngày xuân quý. Nhưng cha ông ta cũng làm mất thì giờ và làm “đau đầu” hậu thế bởi vô vàn vế thách đối không thể đối được kiểu: Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử hay Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi bên cửa sổ song song.
Rồi Tên tôi là Lễ, con nhà Thi Thư, gặp đời Xuân thu thì phải Dịch; Cô Lan bán giấy cửa đông, Kẻ nam người bắc chưa bằng lòng cô; Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá thu về, chợ hãy còn đông; Hai vợ chồng anh Ba, con đầu cụ Bốn, năm nay cấy sáu sào bảy lúa tám, chín giưã tháng mười…
Ngày nay, cũng có nhiều câu đối đáng nhớ. Câu thanh hay mà câu tục cũng thú. Sẽ giới thiệu vào một dịp khác. Ca dao có câu: Em như cột gỗ xoan đào, Anh như câu đối, dán vào được chăng?
Câu đối xem ra không phải chỉ là thú chơi mà còn là chuyện duyên tình, đáng mê, đáng quý lắm thay!
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét