Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

KHÔNG PHẢI CAO BÁ QUÁT “BÁI MAI HOA”!

 KHÔNG PHẢI CAO BÁ QUÁT “BÁI MAI HOA”!

                   PGS.TS. Vũ Nho

v_nho_tc_bch_kim

VŨ NHO - ẢNH HOÀNG XUÂN TUYỀN

Thưa bạn đọc!

Nhân vào trang vanhocsaigon, chúng tôi đọc được bài viết của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan (Tạp chí Cửa Việt số 329).

Việc  các cụ túc nho Hoa Bằng và Tảo Trang công bố  hai câu  đối:

                         Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

                    Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

 không phải của Cao Bá Quát, mà của Ngải Tuấn Mỹ ( Trung Quốc) chép tặng phó sứ Nguyễn Tư Giản là một việc khoa học, nghiêm túc. 

Các cụ còn dẫn cả các câu mà Ngải Tuấn Mỹ  chép tặng chánh sứ Lê Tuấn, phó sứ Hoàng Tịnh.

Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan tỏ ra thận trọng khi phủ nhận công bố của cụ Hoa Bằng và cụ Tảo Trang. Tuy vậy chính cụ Hoa Bằng công bố rồi cụ CẢI CHÍNH, điều đó cho thấy cụ Hoa Bằng không tin vào cụ Đỗ Mộng Khương và Đoàn Như Khuê. Vì sao cụ không tin? Vì cụ Hoa Bằng đã tìm thấy câu đối đó trong Yên Thiều bút lục! Các cụ vốn rất cẩn trọng! Phải nói có sách, mách có chứng. Cụ Hoa Bằng không tin cụ Đỗ Mộng Khương và Đoàn Như Khuê, tôi ĐOAN CHẮC rằng cụ Đỗ và cụ Đoàn không có SÁCH, mà chỉ NHỚ rồi đọc cho cụ Hoa Bằng!


Việc không tin vào sách "Yên Thiều bút lục" của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng không mấy thuyết phục! Đành rằng khi sao lục, thường xảy ra chuyện TAM SAO THẤT BẢN, nhưng không có chứng cứ khẳng định "Yên Thiều bút lục" chép SAI! "Nghe nói bản gốc nhiều tờ đã rách nát không đọc được. Hồi đó chưa có kỹ thuật photocopy và microfilm nên các bản sao đều phải chép tay". Thật đáng tiếc là NGHE NÓI mà hoài nghi có đáng tin không? Chưa kể khi trích dẫn, cụ Hoa Bằng không nói gì về sự KHÔNG ĐÁNG TIN sách "Yên Thiều bút lục" !
 Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan đối chiếu 3 câu đối với ba người được tặng, cho thấy có vẻ chẳng khớp gì với từng thành viên! Điều đó chính xác! "Với khoảng cách thời gian và không gian diệu vợi đó, làm sao một ông tri phủ người Hoa ở Hán Dương lại nắm rõ mồn một lý lịch và hành trạng của cả ba nhân vật trong sứ bộ của một nước mà cho đến lúc ấy, họ vẫn còn cho là “man di”, lại vừa ở xa đến và làm thơ tặng mỗi người một bài như thể họ là bạn tri kỷ từ muôn kiếp trước?". Điều này thì chính xác! Rất chính xác! Chỉ có điều đây là 3 câu đối được chép, chứ không phải "làm thơ tặng mỗi người một bài như thể họ là bạn tri kỷ từ muôn kiếp trước".  Sao lại lầm lẫn câu đối với thơ như thế? Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan quên rằng việc chép tặng này chỉ mang tính XÃ GIAO, chứ đâu cần ĐÚNG với hành trạng của ba vị!
Những điều đó cho thấy tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan không thuyết phục. Việc cố xem xét thơ của Cao Bá Quát với KIẾM, với HOA MAI chỉ là cố gắng...vô vọng!
        

 Hoàn toàn không thể tìm thấy  chứng cứ Cao Bá Quát đã viết 2 câu trên.

          Bản thân chúng tôi rất quan tâm đến tư liệu này.

Trong tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất”, nhà văn Lê Hoài Nam đã để cho cụ Nguyên Tư Giản nói thẳng rằng “sách của tôi ( Yên Thiều bút lục – VN chú) không  viết như vậy” ( trang 263. Cuộc đời xa khuất, nxb Hội Nhà văn, 2021). Chúng tôi đã bác  chi tiết này của nhà văn Lê Hoài Nam và nói rằng chúng tôi tin vào các cụ Hoa Bằng, Tảo Trang hơn là tin nhà văn Lê Hoài Nam. ( xem bài “Cuộc đời xa khuất – cách tiếp cận mới về đề tài Lịch Sử https://clbvanchuong.coml/gioi-thieu-tieu-thuyet-cuoc-doi-xa-khuat-bid848.htm). Chúng tôi cũng đề nghị nhà văn cần thận trọng, mặc dù đấy là ”tiểu thuyết” chứ không phải là sách khảo cứu!

          Vì theo dõi 2 câu này nên chúng tôi may mắn đọc được thông tin của nhà thơ Nguyễn Khôi.

“Theo nhà thơ Nguyễn Khôi,   trong cuốn " Rong chơi cùng U Mộng Ảnh" của Trương Trào (1650-1707) do Huỳnh Ngọc Chiến dịch, Nxb Hồng Đức 2020, thì đôi câu đối này là của Danh sĩ đời Thanh là Trương Chi Hạc, tự Văn Giai  có khác mấy chữ, như vậy là Ngải Tuấn Mỹ nhớ nhầm hoặc cố ý chép khác : 

                           Tứ hải luận giao cầu cổ kiếm

                            Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa

                          (Bốn biển luận giao tìm kiếm cổ

                             Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa)”

(Cuộc đời xa khuất – cách tiếp cận mới về đề tài Lịch Sử, bài đã dẫn).

 

Vậy là đã rõ. Người “bái mai hoa” là danh sĩ Trương Chi Hạc đời nhà Thanh. Người chép lại tặng cụ Nguyễn Tư Giản là ông Ngải Tuấn Mỹ! Vậy thôi!

          Sách vở rõ ràng như thế, không  còn gì để hoài nghi!

                                          Hà Nội, 1/5//2024

hoa_sung_1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét