Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

 


TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN "HỒNG TRẦN MẤY KIẾP RONG CHƠI"

 

Đọc bài viết trong thư chuyển tiếp dưới đây của tác giả Ngọc Hằng tôi lại nhớ tới ba câu chuyện tôi đã được chứng kiến tại một viện dưỡng lão (nursing home) ở miền Nam California, nơi mẹ tôi đã tạm dừng chân ở đó một thời gian cho những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.  Viện dưỡng lão này tuy không thuộc loại de luxe, nhưng ngược lại có cái hay là họ chia khu người gốc Việt, gốc Đại Hàn, gốc Xì (Hispanic), gốc Mỹ riêng biệt. Mỗi khu có nhân viên y tế biết tiếng của người bệnh nên việc giao dịch với bệnh nhân không gặp trở ngại. Nhà bếp cũng cố gắng làm thức ăn Việt, Hàn, Xì, Mỹ riêng biệt cho hợp khẩu vị của người bệnh trong mỗi khu.

 

Chuyện thứ nhất

 

Chia phòng trong viện dưỡng lão với mẹ tôi là một cựu giáo sư trường Trưng Vương. Tôi không nhớ tên bà ấy là gì nhưng trông bà ấy còn trẻ và khỏe mạnh hơn mẹ tôi nhiều, chắc khoảng lục tuần chi đó. Khi bà mới nhập viện, bà còn tỉnh táo lắm. Bà kể lai lịch, tung tích của bà cho người cùng phòng nghe. Điều làm tôi ngạc nhiên là chẳng có ai đến thăm hỏi bà ấy cả. Gia đình không đến, họ hàng con cháu cũng không.  Ngay cả các cựu nữ sinh Trưng Vương vùng Nam California tôi nghĩ có nhiều người mà tôi cũng không thấy có ai ghé thăm bà cả.

Một điều nữa tôi để ý là bà rất biếng ăn, ăn được vài muỗng nhiều khi bà lại nôn thốc, nôn tháo. Lúc đầu các y tá ở đó còn chịu khó thay mặt thân nhân nài ép bà ấy ăn, nhưng sau này họ bận chăm lo cho các bệnh nhân khác nên họ cũng đành chịu. Y công mang khay thức ăn mang tới nơi để cạnh giường bà nằm, tới giờ thì y công lại đến mang khay thức ăn còn nguyên vẹn đi. Bà nằm thiêm thiếp nhưng lúc y tá đến cho thuốc hoặc thay quần áo, lau chùi người cho bà thì bà bắt đầu nói chuyện. Bà kể là ở đây bà đã được gặp lại nhiều học trò cũ ngày xưa. Có học trò đến thăm hỏi bà vui lắm. Cô y tá cũng phụ họa, hỏi han thêm về các học trò cũ của bà. Thấy tôi nhướng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên, cô y tá xua tay, ý nói cứ để bà kể chuyện. Xong việc, cô y tá  bước sang nơi mẹ tôi nằm và ghé tai tôi thì thầm "Con biết bà ấy có ai đến thăm đâu. Bà ấy bắt đầu bị ảo giác, bà bắt đầu hoang tưởng đó. Nhưng con để bà ấy nói cho bà vui. Bà đâu còn nhiều ngày đâu."  Quả như thế, bà xuống dốc thật mau.  Chừng một tuần sau, một buổi sáng tôi đến thăm mẹ tôi, tôi thấy giường bà trống trơn. Hỏi người chung quanh, tôi được biết bà mất tối ngày hôm trước. Người ta đã đưa bà sang nhà quàn rồi. Bà ra đi lặng lẽ, không kèn không trống. Cũng may lúc cuối đời bà còn nhận được một món quà nhỏ. Đó là ảo giác đã tự tặng cho bà vài giây phút hạnh phúc, êm đềm với những học trò  cũ trong ký ức ngày xưa của bà.

 

Chuyện thứ hai:  

 

Đối diện với phòng mẹ tôi là một phòng cho các nam bệnh nhân, trong đó có một ông người Bắc. Tôi không biết trước kia ông làm gì nhưng ông rất hãnh diện về thành quả ông đạt được với những người con của ông. Ông lại có giọng nói to nên dù tôi ngồi phòng đối diện tôi cũng nghe được vanh vách những điều ông kể. Ông nói ông có 9 đứa con, đứa nào đứa nấy đều rất thành công trong xã hội Mỹ, ai cũng bằng cấp cao đầy mình cả. Đứa thì dược sĩ, đứa bác sĩ, đứa tiến sĩ. Ông kể đi, kể lại về những đứa con của ông, không cần biết người cùng phòng có muốn nghe hay không. Nghe mãi chắc cũng chán tai nên một người trong phòng đó bèn kê nhẹ một câu: "Ừ, ông nuôi dạy con ông hay thật. Đứa nào cũng thành tài, giỏi giang hơn thiên hạ.  Không dược sĩ, bác sĩ, kỹ sư thì cũng tiến sĩ. Thật ông có phúc không ai bằng. Nhưng tôi hỏi ông một điều, ông nhiều con như thế mà sao lâu nay tôi không thấy đứa nào đến thăm ông vậy ?"  Cả phòng bỗng dưng im bặt. Nguyên một dãy phòng trong hành lang cũng nín thở cố lắng nghe xem ông kia phản ứng ra sao. Một hồi lâu, không ai thấy ông kia lên tiếng cả. Từ đó trở đi, tôi không thấy ông Bắc kỳ nói về con cái ông ấy nữa. Mà quả là con cái ông ấy không một đứa nào  đến thăm ông ta cả. Một lần tôi đẩy xe lăn đưa mẹ tôi xuống công viên trong khuôn viên viện dưỡng lão, tôi gặp cô y tá phụ trách phòng mẹ tôi. Đây là giờ nghỉ hay giờ ăn trưa của cô y tá thì phải. Tôi gật đầu chào cô y tá, cô ấy cũng nhoẻn miệng cười lại. Lúc đó mẹ tôi đang nhắm nghiền mắt, dường như không hay biết gì hết. Bỗng dưng một phụ nữ trung niên từ ngoài trờ tới, đưa một túi ny-lông qua hàng rào sắt cho cô y tá, và nhờ cô ấy giao lại cho người bệnh trên lầu. Giao đồ xong, người phụ nữ hối hả quay bước đi thẳng.  Cô y tá nhận gói thức ăn mà vẻ mặt không lấy làm vui. Thấy tôi nhìn với ánh mắt dò hỏi, cô y tá lắc đầu, chép miệng: "Đó, bác thấy đó, cô này là dược sĩ, con của ông người Bắc trên lầu đó. Cô ấy nói cô không dám lên lầu thăm bố cô ấy vì cô ấy sợ bị ... nhiễm trùng! Mấy anh em cô ấy cũng vậy. Bộ họ nghĩ tụi tôi không biết giữ vệ sinh cho bệnh nhân hay cho chính mình hay sao ? Thiệt là ..."   Cô y tá bỏ lửng, không nói tiếp. Tôi cũng xin không nói tiếp để quý anh chị và các bạn tự đi đến kết luận nhé.

 

 Chuyện thứ ba:

 

Tôi bắt đầu thư này với câu chuyện thứ nhất về một cựu giáo sư trường Trưng Vương. Tôi xin kết luận với câu chuyện thứ ba về một cựu nữ sinh Trưng Vương mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ ở Viện Dưỡng Lão. Nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi còn nhớ rõ ràng tên cô này. Cô ấy tên là K.A. Cô có nét mặt phúc hậu, trạc tuổi tôi hoặc lớn tuổi hơn tôi một chút đỉnh. Tôi tình cờ gặp cô ấy vì cô ta làm công tác thiện nguyện ở Viện Dưỡng Lão. Thỉnh thoảng dăm ba ngày cô ấy lại ghé Viện Dưỡng Lão thăm hỏi các người bệnh gốc Việt ở đây, trong đó có mẹ tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi cảm ơn cô mỗi lần cô đến gặp mẹ tôi. Mẹ tôi ngủ nhiều hơn tỉnh nên thay mặt mẹ tôi, tôi tiếp chuyện với cô ấy. Hầu chuyện lân la, tôi nói một câu vô thưởng vô phạt nhưng rất thực tình "Cô trông phúc hậu quá, mà hẳn bản tính cô cũng là người phúc hậu nên cô mới bỏ thì giờ đi làm mấy việc thiện nguyện này." Không ngờ câu nói vô thưởng vô phạt ấy lại có tác động mạnh. Một thoáng giao động lướt qua nét mặt cô ấy. Cô cười buồn, chua chát: "Anh tưởng vậy nhưng thật ra không phải vậy đâu." Cô ta cho biết sau tai biến năm 75, trải qua nhiều cam go vợ chồng cô ấy mới tới được đất Mỹ. Mong ước vợ chồng cùng nhau xây dựng lại cuộc đời chẳng bao lâu tan tành theo mây khói. Cô ấy bị chồng bỏ, không biết vì lý do gì. Bao nhiêu năm trời đằng đẵng, cô ấy một mình vất vả nuôi nấng, dạy dỗ đứa con trai duy nhất của cô cho tới khi nó thành tài. Con cô ra trường làm bác sĩ. Cô những tưởng cuộc đời cô từ đây sẽ thảnh thơi hơn, nhưng ông trời oái ăm đã dành cho cô một phận khác. Chẳng bao lâu sau khi ra trường, con trai cô lấy vợ.  Vợ của con trai cô cũng là bác sĩ . Bạn bè, họ hàng đều suýt xoa khen cô có phúc nên con trai, con dâu của cô đều có địa vị trong xã hội, được mọi người trọng vọng. Ấy thế nhưng mối liên hệ mẹ con trước kia thắm thiết bao nhiêu thì càng ngày càng lỏng lẻo, xa vời hơn bấy nhiêu. Tôi ngại ngùng, không biết nói sao. Đón ý tôi, cô xua tay: "Anh đừng buồn cho tôi, tôi không ở được với con thì bây giờ tôi về với Phật. Tôi đi chùa và làm việc thiện nguyện, một phần là tự mua vui cho mình đó thôi." Sau vài lần thăm hỏi mẹ tôi và biết là mẹ tôi không còn tỉnh táo, minh mẫn nữa, cô ấy xin kiếu vì thấy sự có mặt của cô ấy không mang lại ích lợi gì cho người bệnh. Từ đó tôi không còn gặp cô ấy nữa. Không gặp mặt nhưng tôi vẫn biết ơn về công việc làm của cô ấy. Và thỉnh thoảng khi tôi nghĩ tới cô ấy, tôi lại tự hỏi không hiểu cuộc đời của cô ấy bây giờ ra sao. Tôi mong rằng cuối đời cô ấy được thanh thản, bình an trong tâm hồn.   

 

 

     


From: Chim Di


Truyện ngắn:  Hồng Trần Mấy Kiếp Rong Chơi  -  Ngọc Hằng

 

Ở trường học, việc được gặp những nhân vật cấp cao, gặp giám đốc của trường hay là ngay cả gặp trưởng khoa cũng là điều hiếm thấy. Vậy mà trong viện dưỡng lão cao cấp này, những nhân vật nổi tiếng ấy lại vô tình trở thành bệnh nhân của con. Ngoài ra còn có cả những cựu thị trưởng hay cựu tổng giám đốc của các tập đoàn lớn. Thật không thể nào tin được giờ những người ấy về hưu sống ở đây, bệnh tật triền miên, mất trí, trầm cảm cùng những loại bệnh khác của vô thường kéo đến làm cho họ trông thật thảm thương, tội nghiệp. Vì thế mỗi khi khám bệnh, trả lời, lấy máu hay chẩn đoán họ xong, con cũng hốt hoảng khi được giới thiệu về lịch sử của họ.
 
Những người nổi tiếng, sang trọng, quyền uy tột bực ngày xưa giờ lại là như thế này sao? Mấy mươi năm về trước có bao giờ họ nghĩ đến lúc mình như thế này không? Giờ họ ở đây dù giữa môt viện dưỡng lão hiện đại, sang trọng, nhưng vẫn sống một mình giữa những ngôi nhà lớn. Họ đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn muốn cố gắng sống một mình, tự làm mọi việc, cần lắm họ mới thuê người và tự lo cho cuộc sống của bản thân mình. Tuy nhiên, một số người phải chuyển đến nơi cần có y bác sĩ chăm sóc nếu họ không thể tự mình làm hoặc nếu tâm trí của họ có vấn đề. Nhìn cảnh những người sống ở đây dù là tự lập hay có sự giúp đỡ đều thầy ảm đạm, thương cảm làm sao ấy.
 
Đi ngang qua phòng ăn trong giờ trưa, những cụ ông cụ bà thiểu não ráng nhai từng muỗng cơm rất tội nghiệp. Đôi khi họ vừa ăn vừa ngủ và chỉ tỉnh dậy ăn tiếp nếu ai nhắc nhở họ. Xung quanh những chiếc ghế sang trọng là một số cụ già đang nằm thất thểu, một số mất trí cuồng loạn nói liên hồi và một số chẳng buồn cử động chẳng thấy một sức sống nào. Cả một màu ủ rũ, ảm đạm bao phủ trên những con người một thời vĩ đại giữa bao nhiêu của cải vật chất, tiện nghi hiện đại thuộc quyền sở hữu của họ nhưng chẳng ai còn có thể biết mình đang tận hưởng và làm gì cả.
 
Tự nhiên, con lại thấy thương và buồn cười với sự ngược đời. Con người ta phải khổ đau lặn ngụp suốt ngày, hành hạ thân xác của mình để kiếm tìm cho được những thứ ngũ dục thế gian, những vật chất bên ngoài trang hoàng lên cho bản thân mình, để mua vui thoáng chốc với tâm hơn thua và để thỏa mãn chút ham muốn của tâm. Để rồi giờ đây ở những giờ phút cuối đời, bên những tiện nghi ấy cũng vẫn chẳng ham đua, sao mà lại khổ đến vậy.
 
Những cụ ông cụ bà trong viện dưỡng lão này đã sắp đến ngày lần lượt về bên kia thế giới. Chỉ một làn gió làn sương vô tình cũng có thể đưa thân trở về cát bụi. Kiếp người thật mong manh nhẹ thoảng bay ngang. Tất cả như một vở tuồng biến chuyển đủ thứ vai, hết vở lại xuống. Còn chăng là những hơi ấm tình thương lan tỏa trên khắp các nẻo đường và giữ tâm mình bất động giữa khổ đau của dòng đời. Một kiếp sống nhẹ tựa lông hồng sa chân biết đến chừng nào mới có thể mong trở lại làm người. Thiên nhiên đẹp như thế nhưng chẳng ai lo chăm giữ vui chơi. Tâm mình đẹp trong thuần khiết với bổn tâm thanh tịnh nhưng chẳng ai muốn giữ lấy chỉ mãi chạy theo ngã trần. Bình yên thanh tịnh sao khó giữa mình giữa chốn trần gian đầy cám dỗ này quá đi thôi.
 
Nhìn cảnh tượng buồn thương ấy con chỉ biết niệm Phật rồi nhanh chóng mở cửa thoát ra ngoài. Thế giới bên ngoài giữa thiên nhiên cỏ cây mới là nơi con muốn đến. Đường rộng thênh thang, gió thổi qua những rặng cây thêm âm thanh vi vu vui thích. Con ngồi xuống trên băng ghế kế bên vệ đường khuất tầm nhìn ngắm cây xanh và nghe chim hót. Không biết bao nhiêu tiếng chim hót, ve kêu tạo nên một bản hòa nhạc của núi rừng. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” Không, đây là tiếng chim hót giữa rừng cây ở viện dưỡng lão làm tăng thêm chút sinh khí buồn ảm ở đây. Cảnh quá đẹp và hữu tình nhưng chẳng ai dạo bước chỉ mỗi mình con. Thỉnh thoảng lắm mới có một hai người giúp việc hay một ông cụ nào đó đi xe đạp chạy qua cũng ngoái cổ ngước nhìn con một thân đi dạo khi đang mặc trên mình chiếc áo blouse trắng của thầy thuốc. Khung cảnh thật bình an làm tâm con không hề nổi sóng.
 
Lâu lắm rồi con mới thấy dễ chịu, sảng khoái và thích được ở mãi giữa thiên nhiên như vậy. Dưới chân là hoa nở, cỏ xanh trải thảm ngút ngàn còn trên đầu là cây xanh hòa điệu với biết bao nhiêu tiếng chim hót liên hồi. Chỉ cách nhau một vài con đường và một cánh rừng thì bên ngoài kia là cả một cuộc sống tấp nập, bon chen, ồn ào, mỏi mệt mà đôi khi con cũng dừng lại tự hỏi mình đang chạy đi đâu. Chỉ cách một cánh cửa nhưng bên trong là một sự ảm đạm của những con người một thời quyền uy lỗi lạc. Con ước ao ngày nào mình cũng được sống và đi dạo trong khung cảnh như thế này thì làm sao còn biết đếm tham sân si.
 
Tiếng chuông từ đâu điểm canh kéo con về với thực tại. Đã đến giờ con phải trở vào tiếp tục vật lộn với bệnh tật, mang lại những gì có thể cho sức khỏe, bình an của bệnh nhân mình. Người sung sướng giàu sang hay nghèo khổ khi thân bệnh đến đều như nhau, đều đau khổ cả. Bao nhiêu năm con đã nhờ thân này bước đi trả nghiệp liệu còn được bao nhiêu lâu nữa thì sẽ được thoát ly lưới trần này. Nghiệp duyên bao phủ hằng sa chỉ mong tịnh tâm để bớt đi phiền muộn và không phải tạo thêm ác nghiệp. Mong cho tâm mình ngày nào cũng được thanh thản bình yên như cuộc dạo chơi giữa hồng trần nơi bên ngoài viện dưỡng lão hôm nay.
 
“Xin cho bốn mùa
Đất trời lặng gió
Đường trần con đi
Hoa vàng mấy độ.”

                                                    

 

Ngọc Hằng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét