Một thời không quên với Báo Văn nghệ
Cho đến giờ, tôi không thể nào quên được kỷ niệm cách đây hơn ba chục năm, khi chùm thơ đầu tiên của tôi gồm 3 bài: "Mưa phố vào tranh"; "Giã từ điệu nhảy"; "Những viên đá lát" in trên Báo Văn nghệ trong cuộc thi thơ toàn quốc của báo Văn nghệ năm 1989-1990.
Tuy tôi làm thơ từ hồi còn là học sinh lớp chuyên văn cấp III Trường Chu Văn An, Hà Nội (khóa học 1967- 1970), và có thơ in báo Trung ương từ năm học lớp 9, nhưng hai chục năm sau, chưa bao giờ tôi được in một chùm thơ ba bài trên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn như lần ấy. Niềm vui ấy trở nên đặc biệt khi chỉ một tháng sau, Báo Văn nghệ lại in tiếp thêm chùm thơ ba bài của tôi gồm 3 bài: "Cỏ"; "Bụi và tiếng chim"; "Gió" trong giai đoạn cuối của cuộc thi thơ 1989-1990.
Trong vòng một tháng được Báo Văn nghệ in liền 2 chùm thơ, tổng cộng tới 6 bài thì quả là một giấc mơ đối với người cầm bút lúc bấy giờ. Tôi nhớ, trong cuộc thi thơ toàn quốc của Báo Văn nghệ năm ấy, một người bạn thân của tôi là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khích lệ: "Ông gửi luôn mấy kilôgam thơ gồm trường ca, đoản ca, tiểu ca… viết trong suốt những năm chiến tranh và hòa bình cho cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ đi nhé. Ông phải nhớ đây là cuộc thi thơ thời đổi mới nên cứ hăng hái gửi tất cả các loại thơ tồn kho chưa in được trong nhiều năm trước đây của ông, kể cả mấy cái trường ca viết về chiến tranh đọc nghe muốn phát ho lao sặc sụa mùi thuốc lào, khói đạn trận mạc, nghe chưa!". Và, trong cuộc thi thơ ấy, tôi đã gửi cả mấy kilôgam thơ tới tòa soạn. Cũng không ngờ, chùm thơ in báo đầu tiên của tôi sau này được trao giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1989-1990.
Thật tình cờ, hôm ghé qua tòa soạn Báo Văn nghệ lấy nhuận bút, tôi gặp nhà thơ Bế Kiến Quốc. Anh em ngồi với nhau trong phòng khách, anh Quốc cho biết, nhiều bài thơ gửi dự thi của tôi nằm trong số bài lai cảo cuối cùng của cuộc thi, Ban sơ khảo giao cho anh mang về nhà đọc. Tối hôm đó, Quốc thức tới tận khuya, hút gần hết bao thuốc lá để đọc đống bản thảo thơ sau cùng này. Và, thật tình cờ như có duyên thơ, trong số bản thảo ấy, Bế Kiến Quốc đã phát hiện ra hai chùm thơ của Nguyễn Việt Chiến và Đỗ Trọng Khơi cùng được trao giải sau này.
Quốc cho tôi biết thêm thông tin, cuộc thi diễn ra trong 2 năm đã nhận được hơn 16.000 bài thơ của gần 5.000 tác giả (trong đó có nhiều tập thơ, nhiều trường ca); Ban sơ khảo cuộc thi gồm các nhà thơ: Hoàng Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ, Võ Thanh An, Bế Kiến Quốc đều đánh giá khá cao chùm thơ dự thi của tôi và nhận xét rằng, tuy là một tên tuổi mới nhưng chắc chắn tôi đã có nhiều năm sáng tác thơ. Sau đó, Ban chung khảo cuộc thi gồm các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Hoàng Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Vũ Cao đã họp phiên quyết định trao giải thưởng cho 29 nhà thơ. Thời gian sau, Quốc giới thiệu tôi với ông bạn tri kỷ của anh là họa sĩ Thành Chương và chúng tôi trở thành những người bạn chí cốt cho đến bây giờ.
Ngày ấy, bạn bè thơ văn chúng tôi thường tụ bạ, đàm đạo với nhau ở mấy quán rượu, quán bia vỉa hè, thường có Chu Hoạch, Hoàng Nhuận Cầm, Tấn Phong, Trần Quốc Thực, cùng mấy bạn thơ nữa và tôi. Hôm Báo Văn nghệ in kết quả cuộc thi thơ 1989-1990, sáng sớm Hoàng Nhuận Cầm đã mò tới nhà in báo, lấy được trang báo in kết quả, vội đạp xe cuống cuồng chạy về báo tin cho tôi. Lúc anh trao trang báo mới in cho tôi, nhìn xuống chân thấy ngón cái đỏ rợp máu, móng chân đã bay mất lúc anh hấp tấp nhảy từ xe xuống vỉa hè. Thương Cầm quá, tôi vội lấy rượu rửa qua vết thương cho bạn rồi lấy băng gạc cuốn lại. Sớm ấy, chúng tôi uống gần hết chai rượu trắng với lạc rang. Cầm mở cuốn sổ chép thơ của tôi, anh hý hoáy ký họa chân dung tôi rồi viết tặng mấy câu thơ ngẫu hứng:
"Tôi tựa cửa chờ chính tôi/ Tuổi thơ đi không trở lại/ Đành ngồi tái mặt bên đường/ Với một thằng cha hóa dại".
Mấy câu thơ này, Cầm bảo nhớ tới thời học sinh cấp 3 làm thơ, chúng tôi chơi với nhau, còn câu thơ "đành ngồi tái mặt bên đường" là chuyện Cầm bay mất chiếc móng chân, và câu thơ "với một thằng cha hóa dại" chính là tôi vừa được giải thưởng thơ Văn nghệ… Giờ ngồi nhớ lại, bạn bè thi ca thuở ấy, đã nhiều người đi về miền mây trắng, nhưng họ vẫn còn mãi trong ta, những kỷ niệm không thể nào quên.
Khi tôi được trao giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990, một thời gian sau, nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương mời tôi về cùng làm tờ Văn nghệ đặc san (bộ mới ra hàng tháng). Tôi được hai anh phân công đi viết phóng sự và các bài về thời sự văn hóa-văn nghệ. Đấy là thời gian chúng tôi được ngao du nhiều nơi với anh em văn nghệ các tỉnh, thành.
Chuyện đáng nhớ nhất trong thời gian làm tờ Văn nghệ đặc san là việc chúng tôi cho ra mắt "Công ty hài hước Trương Cuốc Triến" lấy tên của ba người: Thành Chương, Bế Kiến Quốc và Nguyễn Việt Chiến. Tên được gọi chệch đi: Chương thành Trương; Quốc thành Cuốc; Chiến thành Triến. Đọc cái tên Trương Cuốc Triến nghe đến vẹo cả mồm mà chúng tôi vẫn sung sướng cười đến hả hê. Các tiểu mục của trang hài hước này đều có sự tham gia của ba người, nhất là các bài thơ hài.
Số đầu tiên ra mắt trang hài hước vui vui, chúng tôi mở đầu bằng một tràng "tuyên ngôn" quảng cáo nghe như súng liên thanh: "Nụ cười gì mà đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con đều cần đến như vậy? Đó là nụ cười được sản xuất, lưu thông, phân phối bởi công ty hài hước trách nhiệm vô hạn mang tên Trương Cuốc Triến. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, công nghệ tiên tiến kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống dân tộc, đảm bảo hài lòng mọi đối tượng, kể cả những người bị bệnh xơ cứng hai mép kinh niên. Nụ cười Trương Cuốc Triến: sự lựa chọn sáng suốt nhất của bạn! Trương Cuốc Triến liên tục phát triển".
Nghe nhà thơ Bế Kiến Quốc cười tủm tỉm đọc đoạn quảng cáo nói trên như đọc diễn từ đoạt Giải Nobel hài hước, họa sĩ Thành Chương cười phe phé: "Viết tiếp đi, viết vào chủ đề chính phê phán chuyện dạy thêm, học thêm hôm nay đi nào!". Ngay sau đó, nhà thơ Bế Kiến Quốc, họa sĩ Thành Chương và tôi hào hứng soạn tiếp phần sau: "Các phương tiện thông tin đại chúng đã quảng cáo cho công ty hài hước trách nhiệm vô hạn Trương Cuốc Triến từ lâu, nhưng cho tới văn nghệ đặc san kỳ này, Công ty mới chính thức ra mắt. Chậm trễ như vậy là bởi sau khi nhận chức giám đốc công ty, Mr. Trương Cuốc Triến đã đọc một diễn từ quan trọng trước toàn bộ nhân viên: Ngày nay làm việc gì cũng phải đi học thêm! Từ đứa trẻ đang học mẫu giáo, cho tới các thí sinh đội tuyển đi thi toán, lý ở nước ngoài, tất tần tật, chẳng ai không nhờ học thêm mà có đủ kiến thức cần thiết. Nghề hài hước của chúng ta cũng vậy. Tôi yêu cầu tất cả phải đi học thêm, kể cả tôi. Học phí do công ty thanh toán".
Nghe diễn từ đến đoạn này, họa sĩ Thành Chương tròn mắt hỏi vui: "Thế ông Trương Cuốc Triến còn phải đi học ai rồi đòi dạy ai, hử?". Nhà thơ Bế Kiến Quốc châm thêm điếu thuốc rồi nhẩn nha cười, có ngay: "Nghề hài hước có rất nhiều thầy: Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… và giám đốc Trương Cuốc Triến quyết định: Mặt hàng đầu tiên của công ty là những nụ cười quanh việc dạy thêm, học thêm hiện nay! Ngoài ra, trong nội dung quảng cáo của công ty, cần đưa thêm một điểm: Nhận dạy nghề hài hước các chương trình A, B, C, D, Đ,E, H… ngắn hạn và dài hạn (không cấp bằng); thu phí cao với những đối tượng thường cười nói ầm ĩ và vô duyên giữa chỗ đông người. Trương Cuốc Triến liên tục phát triển! Luôn đi… ngang thời đại".
Và bài thơ đầu tiên của Trương Cuốc Triến có tựa đề "Luyện thi" như sau:
“Mẫu giáo vừa tốt nghiệp xong/ Nghe tin con bác vào vòng luyện thi/ Trường chuyên lớp một dễ gì!/ Con tôi cũng vội bủa đi tìm thầy/ Con đường thi cử khó thay!/ Học thêm không chịu-có ngày toi cơm!/ Cá không ăn muối cá ươn/ Trò không ăn chữ, cô lườm thầy chê/ (Cả năm có một vụ hè/ Dại gì mà bỏ cái nghề luyện thi!)/ I tờ là tờ i ti/ Vừa rời tí mẹ, đã đi tìm thầy”.
Tôi nói với Bế Kiến Quốc và Thành Chương: "Em đề nghị chúng ta nên có bài thơ hài hước cười giễu chính chúng ta và một số anh em cầm bút, xuất phát từ câu thơ của Thành Chương: "Nhà thơ phải khác người ta/ Nếu mà chăm tắm hóa ra người thường", nói về việc ông Bế Kiến Quốc rất lười tắm vì hình như cứ mỗi lần tắm kỹ là hôm sau lại bị ốm, nên Quốc cứ xuống nhà Chương chơi hôm nào là Chương lại đun nước bắt tắm. Và, ngay số báo sau, Công ty hài hước Trương Cuốc Chiến có bài thơ hài với tựa đề "Đừng lấy làm chơi" như sau:
“Tài năng chỉ mới nửa gang/ Ông đã chè rượu lang thang la cà/ Thiên tài phải khác người ta/ Nếu mà chăm tắm-hóa ra… người thường?/ Tính tình dở dở ương ương/ Bởi ông còn bận văn chương "để đời"/ "-Viết cho quần chúng- xưa rồi/ Thơ hay, chỉ một hai người biết hay/ (Ông vung chân, ông múa tay)/ Mấy thằng cổ điển phen này phải chôn!"/ Thi nhân thì lắm tâm hồn/ Ông yêu vung vãi để còn… làm thơ/ Nhắc ông lời dạy từ xưa:/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Thưa rằng đừng lấy làm chơi!”...
Khi số Báo Văn nghệ đặc san in ra, khá nhiều người thích bài thơ này và nhóm Trương Cuốc Triến chúng tôi còn tiếp tục "chiến đấu" hơn một năm nữa trước khi tôi chuyển công tác về Báo Thanh niên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét