Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

XE TĂNG 377 VÀ NHỮNG ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH

 XE TĂNG 377

VÀ NHỮNG ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH
 Ký sự  của BÙI QUANG THANH

bui_quang_thanh

Nhà thơ nhà báo BÙI QUANG THANH


Kỳ 1
TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng - Chính uỷ Quân
đoàn 3 - trước khi rời Tây Nguyên ra Bắc nhận
chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đãi tôi một
chuyến xe đi quanh chiến địa cũ Kon Tum, nơi tôi đã để
lại một phần máu thịt, tuổi xuân và mang theo suốt cuộc
đời những kỷ niệm vui buồn của thời oanh liệt. Anh dặn
tôi nhớ lên tận Đăk Tô thăm tượng đài Chiến thắng, khi
quay về anh sẽ trao đổi. Từ thành phố Pleiku đi Kon Tum,
sau khi vào thăm Bộ Chỉ huy Sư đoàn 10, viếng hơn 1
vạn đồng đội đã ngã xuống chiến trường Tây Nguyên nay
được lưu danh tại Nhà tưởng niệm của Sư đoàn, chúng tôi
ngược lên Đăk Tô - Tân Cảnh.


Đường lên chiến địa cũ, bên trái là dòng Pô Kô hiền
lành uốn lượn. Bấy giờ đã cuối mùa mưa, nước sông
xanh trong, lòng sông khá hẹp, những rẫy màu, rẫy cà
phê, rừng cao su xanh mát làm dịu cả một mảng đồi núi

đang rực rỡ nắng chiều. Lác đác những đám hoa dã quỳ
nở sớm đong đưa trong gió. Con đường 14 trải dài, thênh
thang và vắng vẻ. Tôi được người lái xe của Trung tướng
Tuấn Dũng giới thiệu những doanh trại khang trang của
các đơn vị thuộc Sư 10 nằm dọc quốc lộ như ngầm báo
rằng đã rất lâu họ vẫn bám trụ nơi đây và sẽ còn bám
trụ lâu dài để góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống
thanh bình trên cao nguyên này. Tôi rạo rực, bâng khuâng
nghe, nhẩm từng cái tên thân thiết một thời: Trung đoàn
66, Trung đoàn 28, Trung đoàn 24... Tôi mỏi mắt tìm mãi
trong trí nhớ mới hình dung ra đâu là thôn Diên Bình, ấp
Võ Định, thị trấn Tân Cảnh, Đồi 41, 42... nơi mà ngày ấy,
tháng 4.1972 chúng tôi đã cùng đại quân tiến công đập
nát tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum của Mỹ - ngụy, góp
phần giải phóng một miền đất rộng lớn làm hậu thuẫn
cho đà tiến công của cách mạng Tây Nguyên.
Hồi ức về chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh
Dừng trước tượng đài Chiến thắng Đăk Tô ngay phía
tây thị trấn huyện, tôi lặng người trước tượng đài với cụm
điêu khắc chiến sĩ Quân Giải phóng và những người dân
buôn làng Tây Nguyên sát cánh bên nhau xông tới; mái
nhà rông mềm mại cao vút bên rặng cây xanh tôn thêm vẻ
hùng vĩ của bức phù điêu trên tượng đài. Tây Nguyên ơi!
Tha thiết một thời hạt muối chia hai, quả bí bắp ngô của
đồng bào cưu mang chiến sĩ. Hồi đó, chúng tôi luôn được
đồng bào sát cánh chia ngọt sẻ bùi. Buôn làng các dân tộc
thiểu số ở núi rừng biên giới là mái ấm của chúng tôi; một
rẫy sắn, một giàn bí đao, một cái rẫy bỏ hoang hay một
khoảng đất trống của căn nhà vừa dời đi nơi khác... đều
cho chúng tôi lương thực, rau dưa. Sung sướng làm sao
khi lần mò theo con đường giao liên xuyên rừng thẳm,

dõi theo những cành lá rấp hoặc mũi dao vạch lên thân
cây làm dấu chỉ đường, chúng tôi sẽ gặp những nương
sắn cách mạng (được mệnh danh là “cây sắn tiến công”)
hoặc những quả bí đao tươi xanh nằm trên giàn trong nhà
rẫy chờ bộ đội. Cả rau tàu bay, cây môn thục cũng đợi
chúng tôi nơi đồng bào đã di dời sang rừng khác, nơi đất
đá cháy khô vừa bị bom Mỹ xới đào. Chính trong chiến
dịch Đăk Tô - Tân Cảnh mùa xuân 1972, đường ô tô không
sử dụng được nhiều vì địa hình, vì máy bay Mỹ, vì bí mật
chiến trường, chúng tôi phải giấu xe vào hầm ếch xuyên
sườn núi, còn người thì nào gùi, nào thồ bằng xe đạp, nào
vác gạo, cõng đạn ra mặt trận. Ghé vai cùng bộ đội là già
trẻ gái trai người Êđê, M’nông, Gia Rai... với mảnh khố
ngắn cũn, chiếc váy tuềnh toàng, cái bụng lép kẹp vì thiếu
muối đói cơm mà cõng đạn chuyến sau nặng hơn chuyến
trước. Có cô gái còn gùi hàng trăm ki lô hàng mỗi chuyến.
Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô thể hiện mối tình đoàn kết
quân dân son sắt ấy, cũng chính là một sự ghi ơn đóng
góp cho cách mạng của đồng bào.
Hai bên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô là hai cỗ xe
tăng được sơn xanh rất đẹp, tất cả bóng loáng, sạch tinh
bụi đất như luôn luôn được bàn tay người chăm chút vuốt
ve. Cỗ tăng T54 mang số hiệu 377 ghếch nòng đại bác với
góc 45 độ trong tư thế chồm về phía trước hết sức hùng
dũng. Một cảm giác là lạ chen về, sống mũi tôi chợt cay
cay. Tôi nhớ về một trong những người chỉ huy Tiểu đoàn
xe tăng duy nhất từng tham chiến ở Tây Nguyên mùa
xuân 1972 ấy. Đó là người chú họ của tôi, Thiếu tá Bùi
Quang Đấng vừa ngã bệnh mất cách đây không lâu. Ngày
15 tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn tăng mang số hiệu 297
của ông - trong đó có chiếc T54 dũng liệt bây giờ sừng
sững bên tượng đài này - đang chốt giữ gần bờ bắc Bến

Hải được lệnh hành quân vào Tây Nguyên với tinh thần
và quyết tâm “Đi sâu, ở lâu, đánh thắng”. Tiểu đoàn tăng
297 hành tiến cùng đại đội xe vận tải của chúng tôi vừa
từ Trường Trung cấp Kỹ thuật xe ở Sơn Tây vào (sau này
trở thành Tiểu đoàn xe vận tải 827 của Binh đoàn Tây
Nguyên). Những ngày cuối năm 1971 trời mưa đẫm rừng
đẫm núi, đường Trường Sơn có nơi công binh vừa mở,
có nơi núi sạt đá lăn, nhiều nơi bị bom đạn đào xới (dấu
ấn mới nguyên của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vừa
khép lại) trở thành bùn lầy, trơn như đổ mỡ. Dưới tầm
hỏa lực của máy bay C130, B52, phản lực... được chỉ dẫn
bởi máy bay trinh sát điện tử OV10, L19, của những con
mắt thần từ “Cây nhiệt đới” bọn Mỹ thả lẫn với cỏ cây,
cả những toán biệt kích giả dạng quân ta ẩn nấp trong
rừng do thám... những chiếc tăng nặng nề của Tiểu đoàn
297 và những chiếc “Zin” 3 cầu, “Gat” 2 cầu, “Vọt tiến”
công trình xa… của chúng tôi vẫn hướng về Nam xốc tới.
Ngót 2 tháng vượt bao gian khó hiểm nguy, đoàn xe vận
tải và đoàn tăng tập kết tại ngã ba biên giới rồi ngoặt trái
theo hướng đông nam vào B3 chuẩn bị tham gia chiến
dịch. Những ngày này, đơn vị tôi phải giấu xe đi phục vụ
hậu cần, tôi được điều ra kho K13 làm nhiệm vụ cho Ban
xăng xe mặt trận, có lúc tôi cấp phát nhiên liệu cho đoàn
tăng của chú Đấng tôi. Tiểu đoàn tăng này còn có một
số bạn sinh viên cùng trường Giao thông vận tải với tôi,
cùng nhập ngũ và huấn luyện trong Tiểu đoàn 2B thuộc
Sư 304B chuyển về. Chúng tôi vẫn sang tìm nhau thăm
hỏi, động viên nhau vượt qua thử thách, nhường nhau
từng bánh lương khô và vật dụng cá nhân.
Ngày 02 tháng 4 năm 1972, chiến dịch Tây Nguyên mở
màn bằng loạt trận đánh của Sư đoàn 320 vào các tuyến
phòng thủ phía tây sông Pô Kô. Với sự có mặt của bộ đội

tăng thiết giáp và các đơn vị bộ binh khét tiếng trên các
chiến trường hội tụ về như tôi từng “tả” trong một ghi
chép bằng “thơ”: “… Đây Đoàn Plây Me bao năm trong đạn
lửa dạn dày/ ngực đỏ chói chiến công của Ngọc Rinh Rua, của
Đăk Tô thuở trước/ Đoàn Ba Đình mang trái tim đất nước/
Đoàn Bạch Đằng nhắc tên tuổi cha ông? Đoàn Duy Xuyên,
Đoàn Lộc Ninh của đất lửa thành đồng/ Đoàn Cam Lộ từ triền
sông Cửa Việt/ Tụ về đây để hóa thành bão thép/ Tụ về đây trả
mối thù muôn kiếp/ Tụ về đây làm sấm sét hôm nay…”. Đó là
mật danh các đơn vị quân chủ lực ta trước khi vào chiến
dịch: Sư đoàn 320 từ Trị Thiên vào mang mật danh Cam
Lộ; Sư đoàn 2 của Tướng Nguyễn Chơn từ Quảng Nam
lên mang mật danh Duy Xuyên; Trung đoàn 66 (Hai râu)
có tên truyền thống là Đoàn bộ binh Plây Me - để ghi nhớ
chiến công diệt quân Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền
Nam (1965) tại Plây Me - Ia Đrăng… Chủ lực ta tập trung
về đây quyết tâm tiêu diệt tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum
mà Mỹ - ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang
Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào các
chiến trường. Với chiến trường B3, đây là lần đầu xe tăng
hạng nặng của ta tham chiến. Ngoài hỏa lực đại bác và
súng máy trên tháp pháo, bánh xích và tiếng gầm rú của
động cơ, sức cơ động cũng như khối thép di động làm công
sự che chắn cho bộ binh hiệp đồng xung trận; chỉ riêng
việc xe tăng hạng nặng của ta xuất hiện trên chiến trường
Tây Nguyên cũng làm bọn giặc khiếp sợ, nao núng tinh
thần. Sau những trận tập kích, mật tập, cường tập tiêu hao
sinh lực địch và bóc gỡ các tiền đồn vòng ngoài, chủ lực
ta được các mũi khoan thép là tăng - thiết giáp làm xung
kích tiến công tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh. Trong cuộc tấn
công vào trung tâm phòng ngự của tuyến phòng thủ này,
chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 do Trung đội trưởng

Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã lập chiến công hiển hách
và đi vào huyền thoại của lịch sử bộ đội xe tăng.
Trận đấu tăng “Một chọi mười”
Trong đội hình Đại đội 7 của Tiểu đoàn 297 được giao
nhiệm vụ phối hợp cùng Trung đoàn 66 tiêu diệt căn cứ 42
(Đăk Tô - Tân Cảnh), đêm 23.4.1972 xe tăng 377 xuất kích
vượt ngầm Tân Cảnh, lướt qua chi khu Đăk Tô, thị trấn
Tân Cảnh và các mục tiêu vòng ngoài, áp sát phía tây bắc
căn cứ địch. Đúng 4 giờ 30 ngày 24.4, xe tăng dẫn bộ binh
diệt các hỏa điểm ở cửa mở rồi yểm trợ nhau càn phá hàng
rào, diệt hỏa điểm cho bộ binh xung phong. Ngay từ loạt
đạn đầu, xe 377 và xe 352 đã bắn sập khu tháp nước và đài
quan sát rồi xông vào dùng đại liên và xích sắt quần nát
các công sự phòng ngự của chúng. Địch đang bàng hoàng,
hoảng loạn thì tăng 377 như một mũi tên thép xuyên qua
các chiến hào, chà nát các vật cản và các ụ đề kháng, đánh
thẳng vào sở chỉ huy Trung đoàn 42 Ngụy. Thừa thế, bộ
binh ào ạt xung phong.
Chỉ sau 3 giờ đồng hồ dũng mãnh tấn công, Đại đội
tăng 7 với 9 cỗ T54 đã cùng Trung đoàn 66 anh hùng tiêu
diệt hoàn toàn cứ điểm Tân Cảnh, giết hàng ngàn tên địch
trong đó có tên đại tá cố vấn Mỹ và Đại tá Lê Đức Đạt; bắt
sống tên Đại tá Vi Văn Bình cùng nhiều binh lính.
Chưa kịp nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho xe, pháo sau trận
đánh, Trung đội xe tăng 3 thuộc C7 do Thiếu úy Nguyễn
Nhân Triển chỉ huy nhận lệnh xuất kích tấn công căn cứ
Đăk Tô 2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Vừa
hành tiến, vừa quan sát đường vừa liên lạc với bộ binh;
băng trong tầm hỏa lực pháo binh và máy bay địch, tăng
377 dẫn 2 xe 354 và 369 mở hết tốc lực lao về cứ điểm địch.
Vì nhiều chướng ngại vật trên đường, 2 xe tăng bạn tụt lại

khá xa, một mình tăng 377 xông lên đánh địch. Bọn địch
thấy 377 đơn thương độc mã liền tung 10 xe tăng M41
chia làm 2 mũi bao vây chiếc T54 của ta. Cuộc đấu tăng
một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh,
linh hoạt và chính xác đến tuyệt vời, Nguyễn Nhân Triển
chỉ huy lái xe Cao Trần Vịnh quần thảo, tiến lui tránh tầm
hỏa lực địch cho pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức
Toàn (thực ra là Hạ sĩ Hoàng Văn Ái, xem phần sau sẽ
rõ) điểm hỏa, diệt liên tiếp 7 xe tăng địch làm đội hình
chúng rối loạn. Hai tăng 354 và 369 biết xe 377 lâm trận
đã mở hết tốc lực xông lên ứng cứu, vừa đi vừa đánh địch
mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu.
Nhưng họ chưa kịp hội quân cùng đồng đội thì một chiếc
M41 ở phía nam sân bay Đăk Tô 2 đã bắn trúng chiếc xe
tăng 377, lửa khói trùm kín chiếc chiến xa quả cảm ấy, cả
bốn dũng sĩ trên xe 377 hy sinh. Cùng lúc, xe tăng và bộ
binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ
Đăk Tô 2.
Sau Đăk Tô - Tân Cảnh, rất nhiều căn cứ, sinh lực địch
bị tiêu diệt. Vùng giải phóng Tây Nguyên mở rộng từ
đông sang tây, ngã ba biên giới được khai thông cho đại
quân tiến vào làm chủ phần lớn cao nguyên, thọc sâu về
Đông Nam Bộ; xuống vùng duyên hải miền Trung... và
một hậu phương bao la mở ra cho cách mạng miền Nam
để tiến tới trận đánh Buôn Ma Thuột 10.3.1975 và tổng
tiến công đại thắng Mùa xuân 1975. Chiến công và sự hy
sinh anh dũng của Nguyễn Nhân Triển và đồng đội đã để
lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng quân và dân
Tây Nguyên cũng như đồng đội các anh ở Binh chủng
tăng - thiết giáp. Tinh thần tiến công ấy theo mãi cùng
những người lính Tây Nguyên trong Chiến dịch Buôn Ma
Thuột và nâng những bánh xích của xe tăng Lữ đoàn 273,

Lữ đoàn 203 tiến về giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ,
giải phóng Sài Gòn. Chính vì vậy không phải không có
căn cứ khi dựng Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô, người
ta lại chọn xe tăng 377 làm thần tượng chiến thắng và tên
của 4 người Dũng sĩ xe tăng đã hy sinh oanh liệt ngày 24
tháng 4 năm 1972 được khắc ghi bên cạnh tượng đài.
Lịch sử “Lữ đoàn xe tăng 273” xuất bản 01.1988 ghi:
“Tập thể xe của đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã nêu một kỷ
lục về hiệu suất chiến đấu cao: diệt liền một lúc 7 xe tăng địch
trong một trận đánh. Nguyễn Nhân Triển và tập thể xe 377
đã nêu một tấm gương sáng, điển hình về tinh thần kiên quyết
tiến công tiêu diệt địch, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng
trong chiến đấu.”
36 năm kể từ mùa xuân lịch sử ấy, xe tăng 377 cùng 4
dũng sĩ vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Tây Nguyên. Đồng
đội các anh nhiều người vẫn khôn nguôi nhớ về những
kỷ niệm cũ. Tiểu đoàn xe tăng 297 đã phát triển thành Lữ
đoàn 273, chiến đấu và trưởng thành trong đội hình Binh
đoàn Tây Nguyên, đã 2 lần được tuyên dương “Đơn vị
Anh hùng Lực lượng vũ trang”, nhiều cá nhân trong đơn
vị các anh cũng được tôn vinh danh hiệu cao quý này.
Tuy nhiên, tập thể xe tăng 377 cho đến nay vẫn chưa được
vinh quang đó(?).
Câu chuyện về chiếc xe tăng T54 và 4 Liệt sĩ - Dũng
sĩ, chúng tôi được biết ngay sau chiến thắng Đăk Tô - Tân
Cảnh. Sau này ông Bùi Quang Đấng (một thời là Quyền
Lữ trưởng Lữ đoàn 273, về hưu năm 1985 do thương tật
và sức khoẻ) vẫn nhắc lại với chúng tôi mỗi lần anh em
đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên có
dịp hội ngộ, hàn huyên. Qua câu chuyện của ông, tôi biết
thêm Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển là người Quế Võ (Hà

Bắc), lái xe Cao Trần Vịnh quê ở Đất Tổ Phong Châu...
Ông cũng cho chúng tôi biết rằng, chiếc xe bị cháy rụi,
thiêu thành tro tất cả thành viên trong xe, vì vậy hài cốt
của họ không thể phân biệt được. Ánh mắt ngậm ngùi
thương xót của người chiến binh già mỗi khi nhắc về bạn
bè đã nằm lại chiến trường làm chúng tôi ai cũng rưng lệ.
Mà chẳng riêng gì tôi, người Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ
Quân đoàn 3, cả Bộ Tư lệnh Thiết giáp, cả các tướng lĩnh
từng chiến đấu ở mặt trận Trung Bộ hoặc bất cứ ai có dịp
đi qua Quốc lộ 14 ở Kon Tum... đều biết chiến công của
tập thể xe tăng 377 và người chỉ huy dũng cảm Nguyễn
Nhân Triển. Vì lý do gì mà họ chưa được truy phong
Anh hùng?
Sau chuyến thăm Tượng đài chiến thắng Đăk Tô về,
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng bảo tôi rằng: anh vào
nhận công tác ở Binh đoàn mấy năm, hiểu được nỗi day
dứt của bộ đội và nhân dân Tây Nguyên về việc tập thể
xe tăng 377 chưa được phong danh hiệu Anh hùng, Bộ
Tư lệnh Quân đoàn đã giao cho các đơn vị có trách nhiệm
làm hồ sơ đề nghị. Anh cũng mong báo chí phản ánh về
gương chiến đấu của họ để tác động thêm. Thượng tá Đỗ
Văn Ngọc - Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 (sau này
Lữ tăng 273 chuyển thành Trung đoàn trực thuộc Quân
đoàn 3) cũng cho biết: Trung đoàn đã hoàn tất hồ sơ đề
nghị phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho
cá nhân đồng chí Nguyễn Nhân Triển và cho tập thể xe
tăng 377, đã gửi lên cấp trên khá lâu rồi nhưng cho đến
nay (ngày 10.6.2008) chúng tôi vẫn chưa có hồi âm. Báo
Quân đội nhân dân số ra ngày 7.6.2007 cũng cho biết, từ
năm 2001 đến 2007, cả nước đã có 93 đơn vị và cá nhân
được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, vậy
mà những Dũng sĩ xe tăng của Tây Nguyên vẫn bị bỏ sót?

Vậy hồ sơ đề nghị truy phong cho các anh đang ách tắc
ở đâu? Nhiều, rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở
Tây Nguyên ngày ấy khi về lại chiến trường xưa đều trăn
trở trước sự chậm trễ đến thiếu trách nhiệm này.
Trận chiến ấy đã qua đi gần 40 năm, dù muộn, dù đã
rất muộn, Đảng - Nhà nước - Nhân dân ta hãy tôn vinh
các Dũng sĩ xe tăng 377 bởi chính họ thực sự là những
Anh hùng!
Kon Tum - Đà Nẵng, 6.2008

                        ( Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét