v
Nhà văn Lục Hường người chuyển thư từ quá khứ
Nhà văn trẻ Lục Hường vẫn theo đuổi đề tài lịch sử về triều Mạc vừa cho ra mắt tập tiểu thuyết mới “Tri kỉ vượt thời gian” dày 532 trang với 32 chương. Đây là một cố gắng vượt bậc và là một thành tựu mới rất đáng khích lệ.
Cố gắng vượt bậc vì người trẻ đọc Sử thường đã ngại, lại viết về Lịch sử cách xa chúng ta hàng mấy trăm năm với rất ít tư liệu thì không chỉ ngại mà còn phải vượt qua trùng trùng thách thức. Có lẽ dư vang thành công của cuốn sách “ Nguyên khí ngàn đời” là một trong những động lực thúc đầy nhà văn trẻ viết tiếp cuốn tiểu thuyết mới. Dù sao thì một cuốn sách lớn cũng đòi hỏi nhiều công phu, nhiều say mê và một bút lực sung mãn.
Nếu trong tiểu thuyết trước, nhà văn viết về cuộc đời TS. Triều Mạc Phạm Thọ Khảo trong mối liên quan đến Vua Mạc, công chúa Dạ Vũ, đến Vương gia và hậu duệ của ngài là Phạm Thọ Quang trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, thì ở tiểu thuyết này, nhà văn chỉ tập trung nói về tình bạn, trình tri kỉ vượt thời gian giữa nhân vật Phạm Thọ Khảo và một người bạn thân là Đỗ công tử ( khi hai người cùng đi thi) và Đỗ đại nhân, khi đã đỗ đạt.
Mở đầu tiểu thuyết, Phạm Thọ Khảo đã rời khỏi cõi tạm và chưa xác định đang ở không gian nào. Nhưng nhân vật đã cảm nhận được cảnh tra khảo dã man người bạn của mình với âm mưu hãm hại:
– Nếu tên này không khai thì tên Phạm Thọ Khảo vẫn sẽ yên lành.
– Phải làm cho tên này khai đến cùng, không thể để phủ của tên Phạm Thọ Khảo yên ổn thế được.
Đây là suy nghĩ của nhân vật :
“Vậy là ta hiểu rồi, vì có lệnh của Vua nên không được phép lục soát phủ của ta, chúng kiếm cớ để hành hạ bạn ta, chắc vu cho bạn ta tội nào đó mà khai ra ta thì chúng sẽ lục soát và xóa bỏ tất cả”.
Bạn đọc sẽ rất hồi hộp khi người bạn kiên cường gần một tháng bị khảo tra đó đã nhận lời sẽ khai báo. Người bạn ấy khai những gì, và những kẻ âm mưu tàn độc kia có đạt được mục đích hay không?
Bất ngờ là Vua xuất hiện và người bạn được cứu thoát.
Trong các chương sách tiếp theo, người kể vẫn là nhân vật Phạm Thọ Khảo, nhưng chủ yếu là thời kì chưa đỗ đạt, chưa làm quan. Tất cả đều xoay quanh chuyện ở trọ trong nhà bà lão để ôn thi, tiếp xúc với những kẻ áo đen của Vương gia, khám phá những bí ẩn của chữ cổ, đấu lí và và đấu trí với Vương gia, chế thuốc giải độc cho công chúa, lấy máu của Vương gia để làm thuốc giải, vì Vương gia đã trộn máu của mình vào thuốc độc,… Các sự việc đều được Phạm Thọ Khảo và người bạn tâm đầu ý hợp, Đỗ đại nhân cùng nhau thực hiện. Họ là bạn bè. Họ là tri kỉ. Họ có thể đọc được ý nghĩ của nhau, nối kết với nhau để nhận định, đánh giá và quyết định phương thức hành động. Để rảnh tay giúp đỡ bạn mình làm việc lớn và đối phó với Vương gia, Đỗ đại nhân đã chấp nhận tội lấy trộm đồ quý, bị cách tuột mọi chức vụ và mang tiếng xấu một thời gian dài. Đây là suy nghĩ của nhân vật Phạm Thọ Khảo về bạn mình:
“Việc ta tìm được Đỗ đại nhân khiến cho những công việc ta đang làm cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Có người để sẻ chia
Có người để gánh vác
Có người để thấu hiểu”
(tr. 203).
Một chi tiết khi Đỗ công tử bị bạn xấu – công tử nhà giàu đẩy ngã xuống vực sâu. Phạm công tử xé vải ở tay áo, ở ống quần nối dây để kéo bạn lên. Bất chấp hiểm nguy, Đỗ công tử vẫn gắng ghi nhớ những dòng chữ cổ ghi trên vách đá rồi mới chịu để cho bạn kéo lên. (tr. 251.- 254).
Một số nhân vật trong tiểu thuyết “ Nguyên Khí ngàn đời” vẫn có mặt trong tiểu thuyết này, nhưng chỉ được nhắc tới với vai trò kết nối 3 nhân vật chính là công tử Phạm Thọ Khảo, Đỗ công tử, và Vương gia. Phạm Thọ Khảo và Đỗ đại nhân cùng hợp sức chống lại Vương gia. Còn Vương gia “luôn như thế, tham lam và đầy độc ác, không tin tưởng vào ai ngoài bản thân mình” ( tr. 106). Giữa hai phe là các nhân vật Vũ Túc, Công chúa, nhà Vua. Có thêm một vài nhân vật phụ mới xuất hiện như Bà lão chủ nhà trọ, cô cháu gái, người con trai của bà là Đang Ba, “vị công tử huênh hoang” ở trường thi, người phụ nữ áo đen của thương hội.
Tác giả tiểu thuyết đã hình dung riêng ra trường thi thời nhà Mạc, nơi có thầy dạy, có tủ sách quý, có những người thầy thông thái tận tâm vì người học. Đồng thời cũng hình dung những gì mà người sĩ tử cần rèn luyện để sau khi thi đỗ, có thể gánh vác công việc trọng đại của quốc gia. Câu chuyện rèn luyện để thi cử đan xen với câu chuyện tìm kiếm chữ cổ, kho vũ khí, tìm kiếm những cây thuốc và đối phó với Vương gia. Có những cảnh tượng lạ lùng như trong truyện cổ tích khi cả hai người gặp Hoàng thượng trong rừng khi đi hái thuốc , được Ngài trao cho hai túi gấm văn thư, rồi Ngài biến mất, mà túi gấm vẫn còn đó…
Những chuyện hư hư thực thực góp phần làm cho câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn. Chương 31 là một chương đấu trí căng thẳng, gay cấn, hấp dẫn giữa Đỗ đại nhân và Vương gia. Đỗ đại nhân phải lấy máu của Vương gia để giải độc cho Công chúa, và cũng giải độc cho chính Vương gia. Không thể dùng kiếm, cũng không thể dùng dao. Thật may mắn có quà tặng là con dao mổ rất nhỏ sắc lẻm do Hoàng thượng gặp trong rừng tặng cho Đỗ đại nhân. Hoàng thượng đã tiên lượng trước tình huống nay. Thật đường hoàng, sòng phẳng khi Vương gia tự nhận “ta vẫn tốt với tất cả mọi người”, thì Đỗ đại nhân nói thẳng:
“Ta biết ai là người đứng đằng sau việc ta bị tra tấn, ta biết ai là người xúi giục để dồn mẫu thân của ta đến đường cùng, ta biết ai là người hại Lễ bộ Thượng thư Tả thị lang, ta cũng biết ai là người âm thầm cấu kết với Lê triều để hành động sau lưng, ta còn biết nhiều việc hơn những gì ta nói” ( tr.513).
Cuối cùng Đỗ đại nhân vẫn đàng hoàng rời phủ Vương gia, kịp đem thuốc giải về cứu Công chúa.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả dành sự kính trọng và yêu mến đặc biệt của Phạm công tử và Đỗ công tử khi nhắc đến vua Mạc Phúc Nguyên. Mặc dù hai vị đó thi đỗ và làm quan ở triều vua Mạc Mậu Hợp. Chính vua Mạc Phúc Nguyên là người đã cho dựng 3 bia đá ở Văn Miếu trong đó có 2 bia ghi tên các vị đỗ đạt thời nhà Lê để tỏ lòng biết ơn các vị hiền tài – nguyên khí của quốc gia.
Điều mới của tập tiểu thuyết này chính là “giọng văn” khác lạ. Vẫn là sự tường thuật từ ngôi “ta” của nhân vật chính Phạm Thọ Khảo, nhưng lời văn chậm rãi, nhiều chỗ như văn biền ngẫu, với những lặp lại kèm điểm nhấn. Đấy không phải là lời nhân vật, mà tựa như một đoạn ngọai đề trữ tình. Chỉ nêu một ví dụ:
“- Đưa ta trở về phủ ngay
Những cơn nóng giận luôn khiến cho con người dễ bị rơi vào bẫy.
Cái bẫy của chính mình đưa ra.
Cái bẫy của lòng tham lam.
Cái bẫy của tham vọng.
Cái bẫy của sự giàu sang phú quý mà không từ trí tuệ của bản thân.
Cái bẫy của sự ngông cuồng.
Cái bẫy của lòng người hiểm độc”
( tr. 512 -513).
Có thể nói mật độ những đoạn văn như thế này khá dày đặc trong cuốn sách. Hiệu ứng mới lạ là khá rõ. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó làm cho sự việc tiến triển chậm, có chỗ sa vào rề rà, không khỏi tạo cảm giác…sốt ruột.
Như tên gọi của tác phẩm “Tri kỉ vượt thời gian”, tiểu thuyết ca ngợi tình bạn trong sáng, đẹp đẽ của Phạm Thọ Khảo với Đỗ đại nhân, hai nhân vật cách xa chúng ta mấy thế kỉ nhưng đều chung mục đích phụng sự quốc gia, triều đại. Họ và thuộc hạ là:
“Những người chưa cần nói đã hiểu.
Những người chưa cần ra lệnh sẽ hành động.
Những người hơn cả người thân, hơn cả anh em cùng chung một khúc ruột, và đó là những con người sẵn sàng vào sinh ra tử, sẵn sàng đồng hành với một tâm niệm duy nhất là lòng biết ơn” (tr. 487).
Tôi chú ý đến cuộc trò chuyện của tác giả Lục Hường với phóng viên “Radar văn hóa”. Đây là suy nghĩ và chia sẻ của nhà văn Lục Hường:
Tri kỷ vượt thời gian nói về sự gắn kết của một người là tri kỷ với Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, cùng tới Thành Thăng Long để ôn thi, cùng thi và đỗ đạt. Đó là Đỗ đại nhân, người cùng làm quan dưới triều có ảnh hưởng tới rất nhiều đóng góp của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo. Cuốn sách này là hành trình tri ân, là sự tìm về với tình bạn, là tiếng nói của những ký ức không bao giờ phai mờ dù lịch sử có phủ lớp bụi dày đến mức nào. Tôi đã tìm được nhiều bài học cho chính mình khi viết Tri kỷ vượt thời gian.[…]
Tri kỷ vượt thời gian kể về trường thi triều Mạc cùng những bài học lớn, bài học cho những người chuẩn bị tâm thế bước vào quan trường, bài học cho những người làm quan, bài học giản dị cho mọi người, tất cả được xây dựng trên một trục là sự biết ơn. Hành trình biết ơn ở đây không phải là sự sáo rỗng, đây là những hành động, và khởi đầu chính là sự biết ơn với triều Mạc, một triều đại đã mở ra nhiều cơ hội, nuôi dưỡng nhân tài. Triều Mạc cũng là triều đại có những người thầy tuyệt vời, tôn trọng quá khứ, gìn giữ giá trị cốt lõi về văn hóa cho dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết còn gửi thông điệp về sự gắn bó, thấu hiểu, hy sinh mà khó có một tình bạn nào có thể vượt qua.
Cùng với các ý kiến khác của Hoa Đỗ, Phạm Văn Sơn, Thư viện VOV, Hùng Phong Lê, Hà Hương trên trang https://www.facebook.com/groups/961139687311960/ – “Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ Bộ Thượng Thư Tả Thị Lang Đại Phu”, cho thấy tác giả Lục Hường đã thành công trong tiểu thuyết mới của mình. Nhà văn được bạn đọc yêu mến đặt cho cái tên “Người chuyển thư từ quá khứ”!
Hà Nội, 16.4.2024
VŨ NHO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét