Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

“ĐẶC SẢN” TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ PHÙNG VĂN KHAI

 “ĐẶC SẢN”

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ PHÙNG VĂN KHAI

NGUYỄN THỊ THIỆN

anh_nha_giao_-_nha_van_nguyen_thi_thien

Nhà giáo nhà văn Nguyễn Thị Thiện


Trong dòng cảy văn học đương đại, nhà văn quân đội - thượng tá Phùng Văn
Khai (1973 – Hưng Yên) là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào vào
loại hàng đầu hiện nay. Anh viết hầu khắp các thể loại: thơ, truyện ngắn, ký, chân
dung văn học. Riêng về tiểu thuyết lịch sử đã có 7 bộ gồm: Phùng Vương (2015)
hai tập ; Ngô Vương (2018); Nam đế Vạn Xuân (2020); Triệu Vương phục
quốc (2020); Lý Đào Lang Vương (2021) và Lý Phật Tử định quốc (2021); “Trưng
Nữ Vương” (2023) - hai tập. Không ít tác phẩm của anh được nhận giải thưởng
danh giá của Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng. Tên tuổi Phùng Văn Khai nổi lên
như một hiện tượng trên văn đàn, chiếm được tình cảm đặc biệt của bạn đọc. Qua
các tác phẩm đã đọc, chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai giàu
giá trị thẩm mỹ, mang dấu ấn riêng.

Duyên phận với tiểu thuyết lịch sử
Tiểu thuyết lịch sử là tiểu loại trong tiểu thuyết ở đó nhà văn mô phỏng
hiện thực, giải mã lịch sử của cộng đồng người làm nhiệm vụ chính cho câu
chuyện được kể. Vốn yêu và tự hào sâu sắc lịch sử của dân tộc, thấy rõ lịch sử là
“nền tảng vô cùng quyết định đến vận mệnh dân tộc” nên nhà văn đã chọn hướng
đi cho ngòi bút của mình. Anh tâm sự: “Tôi đến với tiểu thuyết lịch sử như một cái
duyên, hoàn toàn mang tính tình cờ và như là duyên phận”. “Tôi lên thư viện, nhà
truyền thống đơn vị để đọc sách và tìm hiểu lịch sử dân tộc. Càng đọc càng ngấm
và thôi thúc phải cầm bút viết ra một cái gì đó”. Sự học là biển lớn cần phải liên
thực hiện không ngừng. Nhà văn liên tục nghiên cứu sách vở, tìm hiểu lịch sử qua
việc gặp gỡ với nhiều chuyên gia, các cụ cao niên với liên tiếp những chuyến điền
dã đến các đình đền, thành “người đi khắp đình chùa các nơi để viết văn”.
Cần phân biệt hai khái niệm chung nội hàm: lịch sử và dã sử. Tác phẩm lịch
sử là các sáng tác dựa vào chính sử, viết theo diễn tiến thời gian với góc nhìn và
quan điểm của nhà văn. Tác phẩm dã sử là tái tạo lại lịch sử theo quan niệm dân

gian. Nhà văn Phùng Văn Khai đã chọn lối viết có sự hòa trộn cả chính sử và dã
sử.
“Đặc sản” tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
Nói đến đặc sản là để chỉ những vật phẩm mang tính đặc thù hoặc có những
điểm đặc biệt, thường trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở đây chúng tôi muốn nói đến
nét độc đáo trong tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai như một phong cách, lối
viết, thương hiệu riêng không lẫn với những cây bút khác.
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai được kể theo chương hồi rất nhuần nhị.
Cuốn Phùng Vương gồm 32 hồi, Ngô Vương 18 hồi; Triệu Vương phục quốc 15
hồi; Trưng nữ Vương 28 hồi… Trong mỗi tác phẩm, nội dung câu chuyện được thể
hiện qua lời kể, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật, ít miêu tả
chi tiết về tâm lí, tính cách. Mỗi hồi có ý nghĩa tương đối độc lập, tiến trình câu
chuyện phát triển qua những sự kiện, tình tiết có xung đột. Mở đầu mỗi hồi là hai
câu thơ đối ngẫu, liên kết với tác phẩm về ý nghĩa. Phần tự sự, ngoài câu chuyện
có khi có thơ tỏ rõ cảm thán của người viết. Có một số ít hồi, nhà văn còn hướng
người đọc tới không gian của vương triều phương Bắc, giúp người đọc có cái nhìn
toàn diện.
Giọng điệu và ngôn ngữ kể chuyện trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai mang
đậm dấu ấn cổ xưa. Trong mỗi tác phẩm, các lớp ngôn ngữ được sử dụng đa dạng,
uyển chuyển, sinh động, phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền nói riêng, lĩnh
vực văn hóa của người Việt cổ ở mỗi giai đoạn lịch sử nói chung: văn hóa nông
nghiệp, văn hóa quân sự, văn hóa tâm linh…
Tiểu thuyết của nhà văn hướng người đọc nhận diện đúng nhất lịch sử, hiểu
con người và giai đoạn lịch sử dân tộc mà tác phẩm phản ánh. Nhà văn hào hứng
tái hiện số phận, cuộc đời của những đấng quân vương, liệt nữ, những dũng tướng
với võ công hiển hách lưu danh thiên cổ. Tên các tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn
Khai đã nói lên một phần điều đó. Công nhận nhà văn là người táo bạo khi lựa
chọn viết về các vương triều ở giai đoạn phục quốc, đấu tranh giành quyền độc lập,
tự chủ chống lại chế độ phong kiến Bắc thuộc với độ lùi lịch sử mấy trăm năm,
thậm chí đến gần hai nghìn năm. Tư liệu đó đến nay còn quá ít ỏi, chỉ một vài trang
hoặc mấy dòng khắc trên các thần tích. Điều ấy thuận lợi là có một khoảng trống

để nhà văn thỏa sức sáng tạo. Nhưng khó khăn vô cùng lớn. Để phục dựng lại sự
kiện, con người lịch sử qua những trang văn sao cho có sức thuyết phục người đọc
cao nhất, nhà văn đã dày công tra cứu thông tin ở nhiều nguồn: Việt sử, Bắc sử, dã
sử…Ngoài ra, còn tìm hiểu, nghiên cứu nhiều lĩnh vực liên quan: địa lý, văn hóa,
tôn giáo, phong tục, tập quán vùng miền để đảm bảo độ tin cậy của những sự kiện,
chi tiết được tái hiện.
Cảm hứng sử thi, không khí chiến trận xuyên suốt mỗi tác phẩm lịch sử của
Phùng Văn Khai. Đây là điểm cộng, là ưu thế nổi bật làm nên thương hiệu riêng
cho tiểu thuyết lịch sử của nhà văn. Tác phẩm mang cảm hứng sử thi luôn đề cập
đến những vấn đề có ý nghĩa trọng đại trong đời sống dân tộc, mang tính toàn dân.
Những cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập, tự chủ trong các tiểu thuyết trên đều
là những cuộc tập hợp, liên kết được sức mạnh dân chúng và thủ lĩnh giữa các
vùng. Đó thực sự là những cuộc kháng chiến toàn dân với đúng nghĩa xả thân tự
nguyện đánh đuổi quân cướp nước. 
Đến với tác phẩm của Phùng Văn Khai, người đọc được đắm trong không
gian những những chuyến săn thú rừng, những đợt luyện quân với khí thế quyết
tâm của các hào trưởng, tướng lĩnh và gia binh. Có khi người đọc vô cùng thú vị
được hòa mình vao các lễ hội trong tác phẩm: hội chọi trâu, lễ hội ra quân, lễ hội
mừng chiến thắng, hội thi tài kén rể. Trong tiểu thuyết Trưng Nữ vương, Trưng
Định huyện lệnh và Man thị song sinh cặp tú nữ tài sắc tuyệt vời, mỗi người mỗi
vẻ. Hào trưởng Dương Công có trưởng nam Dương Thi Sách - “chàng trai khôi
ngô tuấn tú” đã thầm yêu và muốn kết duyên với cô chị Trưng Nhi, đã phải trải qua
màn thi tài được miêu tả rất hấp dẫn, giàu kịch tính: họa câu đối, đánh cờ, bắn
cung, nhổ cọc lim. Thi Sach thắng cuộc, Cổ Lôi sơn trang mở hội mừng suốt nửa
tuần trăng.
Đặc biệt, người đọc thích thú và tự hào vô cùng khi đọc đoạn nhà văn tả trận
chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra trong nhiều ngày trước đó ở các khâu tìm hiểu
con nước thủy triều lên xuống và luồng sóng, cảnh chuyên chở gỗ và đóng cọc.
Hào sảng nhất là cao trào của trận huyết chiến: “Khi đám lính reo mừng bẩm báo
đã sắp thoát ra khỏi cửa sông bỗng chiến thuyền phía trước đột ngột bị dựng đứng
cả lên. Những tiếng kêu ục oặc, răng rắc dưới lòng sông lúc này đã tối thẫm lại.
Giao vương cả kinh, cho người đi thảm sát chỉ thấy các chiến thuyền trên nhau

dồn ứ lại. Phía trước ba bốn chục chiếc bị những cục gỗ nhọn đội thủng đáy, dựng
ngược lên. Có những chiếc đà lao quá mạnh, trúng phải hai ba cọc gỗ, khiến chiến
thuyền vật nghiêng xuống vỡ toang hoác, nước tràn vào ông ộc khiến đám lính kêu
thét vang trời, nhiều tên hoàng quá nhảy cả xuống dòng nước lạnh” (Ngô Vương).
Mỗi trận chiến trong tiểu thuyết được thuật lại gắn với nhiều địa danh, chiến tích,
vùng miền cụ thể chứ không hề phiếm chỉ. Nhà văn tái hiện lại lịch sử mang tính
quá trình gắn với thời đại. Còn đây là cuộc chiến trên sông giữa quân dân Vạn
Xuân và quân Trần Bá Tiên: “Chiến thuyền Vạn Xuân bất chấp làn đạn đá vẫn vun
vút lao thẳng vào phía trong nơi ẩn hiện chiếc soái thuyền. Giữa hai làn đạn đá ầm
ầm quật xuống, máu thịt binh tướng hai bên bật tung lên trời rơi lõm bõm khắp
mặt biển” (Triệu Vương phục quốc). Qua từng tác phẩm, lịch sử hiện lên vô cùng
sống động, hấp dẫn, từng trang, từng hồi tạo nên sức lôi cuốn của tác phẩm. Người
đọc như được xem những thước phim sống động, hiểu và nhớ lịch sử rất lâu.
Lịch sử không thể thay đổi nhưng giá trị của lịch sử ra sao luôn phụ thuộc
vào góc nhìn của mỗi người. Lịch sử dân tộc luôn ăm ắp các bài học quý báu nếu
mỗi người biết nhìn nhận đúng. Những bài học được rút ra không chỉ từ sự thành
công mà còn đến từ sự thất bại. Việc tiếp nhận, hiểu về lịch sử để càng thêm yêu và
tự hào về dân tộc thông qua tiểu thuyết là phương thức thiết thực và bổ ích để lịch
sử đến với mỗi người không chỉ bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc qua ngôn ngữ
giàu hình tượng của văn chương. Nhà văn Phùng Văn Khai đã làm được điều đó,
có nhiều đóng góp tích cực vào việc làm sáng tỏ dần những trang sử hào hùng và
cả bi thương của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất./.

Hà Nội 7/ 2024 N.T.T.
NGUYỄN THỊ THIỆN R6 A - Royal Cyti 72 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

ĐT: 0915 224 011; Số TK: 221 421 500 6312

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét