Triệu Đà và nhà Triệu - coi chừng tiêu chuẩn kép
1. THÂN THẾ TRIỆU ĐÀ
Triệu Đà tên gì?
Sử ký - Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “南越王尉佗者真定人也姓赵氏 - Nam Việt vương Úy Đà giả, Chân Định nhân dã, tính Triệu thị”.
Chữ “Đà - 佗” có hai âm đọc: Đà và Tha. Sách Sử ký Tác ẩn của Tư Mã Trinh chú âm: “Đồ hà phản”, như vậy âm đọc là Đà.
Triệu Đà họ gì?
Có người nói người này tên Đà, họ Úy. Rất tiếc không phải. Sử ký chép rõ người ấy họ Triệu. Về sau lại chép rằng Nhâm Ngao cho Đà “hành Nam Hải úy sự”. Như vậy sau khi Ngao chết, Đà thay chức, nên chức quan mà Đà nhận của Trung Quốc là Nam Hải úy. Úy là chức quan, không phải họ Úy.
Quê Triệu Đà ở đâu?
Sử ký chép Triệu Đà là người Chân Định. Sử ký Tác ẩn chú: “[Chân Định] là tên quận, sau đổi thành huyện, tại Thường Sơn”
Thường Sơn là tên quận được đặt từ đời Tần, thuộc Hà Bắc, vốn tên là Hằng Sơn quận, tới thời Hán Văn đế Lưu Hằng, tỵ húy nên đổi gọi là Thường Sơn. Thời Lữ hậu chấp chính, đổi Hằng Sơn quận thành Hằng Sơn quốc, sau Hằng Sơn vương Lưu Triều bị giết, quốc bị phế thành quận. Thời Hán Vũ đế, tách quận Chân Định và bốn huyện phụ cận lập thành Chân Định quốc.
Chức Úy là gì?
Sử ký Tác ẩn chú: “Úy là tên chức quan,... sách Thập tam châu ký [còn gọi là Thập tam châu chí, do Khám Nhân đời Bắc Ngụy soạn] viết: ‘quận lớn gọi là Thú, quận nhỏ gọi là Úy’.
Sử ký lại chép: “即被佗书行南海尉事 - Tức bị Đà thư, hành Nam Hải úy sự”
Sử ký Tập giải chú: “Bị chi dĩ thư”, như vậy câu này không có chuyện làm chiếu giả, mà phải dịch là “liền cấp văn thư cho Đà, cho coi việc Nam Hải úy”. Nếu giả chiếu chỉ thì chức Úy là ngụy tạo, không có chuyện Sử ký chép là Úy Đà, mà phải dùng chức Long Xuyên lệnh trước đó của Đà mà gọi.
Nam Hải là quận, như vậy Nam Hải úy là chức quan coi việc binh của quận, phù hợp với Thập tam châu ký chép.
Tại sao Sử ký lại chép là Úy Đà?
Đây là hàm nghĩa coi thường, mặc dù vẫn chẻ phù làm tin khi phong vương (do trước đó Triệu Đà tự lập làm vương). Với triều đình Trung Quốc, Đà chỉ là viên Quận úy mà nhà Tần phong.
2. TÍNH CHÍNH THỐNG CỦA NHÀ TRIỆU
Sử ký chép Triều Đà tự xưng là Nam Việt Vũ vương, mà cháu là Hồ khi mất mới đặt thụy là Văn vương. Toàn thư không chép Đà tự xưng là Vũ vương, mà cả hai hiệu Vũ vương, Văn vương đều là thụy hiệu.
Tranh luận Triệu Đà có phải chính thống nước Việt hay không đã được khởi xướng từ vài trăm năm trước và hầu như sẽ chẳng bao giờ có được sự đồng thuận của đa số. Bản thân chính sử nước nhà cũng không thống nhất quan điểm về việc này, tỷ như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên xếp nhà Triệu làm một kỷ ngang với các triều đại chính thống khác, Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ thì coi là thời kỳ “Thuộc Triệu”, hoàn toàn nhìn nhận Triệu Đà là quân xâm lược chiếm đóng, Khâm định Việt sử thông giám cương mục với thể cương mục không chia các đời thành kỷ, nhưng dùng Triệu để chỉ triều đại thì hẳn cũng coi nhà Triệu là chính thống.
Người đọc sử ngày nay cũng chia làm hai quan điểm đối lập: Nhà Triệu hay Thuộc Triệu. Lập luận của “phe Thuộc Triệu” là Triệu Đà người Bắc quốc sang xâm lược Âu Lạc, chiếm đất gộp thành nước Nam Việt, không thể coi là chính thống của nước Việt. Trộm nghĩ lập luận ấy rất nguy hiểm, dễ sa vào tiêu chuẩn kép.
Đúng là Triệu Đà quê Chân Định bên Trung Quốc, ông không phải người Việt. Nhưng nếu ta giở lịch sử thế giới tra thì sẽ thấy một ông người nước nọ sang làm vua nước kia là chuyện quá phổ biến. Người Norman xâm lược nước Anh và trở thành một triều đại. Người Trung Quốc công nhận nhà Nguyên và Thanh là hai triều đại chính thống của nước mình. Không những vậy, ngay cả nước ta cũng có sự đồng thuận tuyệt đối khi công nhận một người ngoại quốc làm vua. Đó là An Dương vương.
Phải nói là sử thần các đời đã gặp phải một khó khăn không nhỏ trong vấn đề của An Dương vương[1]. Đại Việt sử ký toàn thư viết “Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”. Tiền biên chua “Sử cũ [chỉ Toàn thư] chép họ Thục là không đúng”. Cương mục cẩn án: “Nước Thục, từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh vương nhà Chu đã bị nhà Tân diệt rồi, làm gì còn có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiêm Mang, cách nhau hàng hai, ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang? sử cũ đã chép ‘cháu Thục vương là Phán’, lại chép ‘An Dương vương họ Thục, húy Phán, người đất Ba Thục’, hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà sử cũ liền nhận là Thục vương chăng? Chứ nếu bảo Thục vương đây lại là người ở Ba Thục thì không phải.”
Bản thân các sử thần ba triều đều cực kỳ lúng túng trong việc xử lý gốc gác của Thục Phán. Đại Việt sử ký toàn thư viết kiểu mập mờ nhập nhằng giữa họ và tên nước, Tiền biên bác bỏ Thục là họ và chỉ coi gốc gác là Ba Thục, và khẳng định “An Dương vương dấy lên từ đất Ba Thục, bờ cõi khác với nước Việt”. Nhưng Đại Việt sử ký tiền biên vẫn khẳng định An Dương vương là chính thống nước ta với câu “Từ khi An Dương vương mất, nền quốc thống bị gián đoạn”[2]. Trong khi đó, Khâm định Việt sử thông giám cương mục kiên quyết kéo An Dương vương về gần hơn với giả thuyết “ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà sử cũ liền nhận là Thục vương chăng?”
Bất kể thế nào thì ba bộ sử đều hội chung tại một điểm: An Dương vương không phải người Văn Lang, ông ta từ xứ khác đem quân sang chiếm nước Văn Lang, lập nên nước Âu Lạc[3]. Thế thì An Dương vương và Triệu Đà, cùng có gốc gác bên ngoài (thậm chí cùng là người Bắc quốc), đều chiếm nước và đổi quốc hiệu (Văn Lang - Âu Lạc; Âu Lạc - Nam Việt), tại sao lại dùng tiêu chuẩn kép về gốc gác để coi An Dương vương là chính thống mà Triệu Đà là Ngoại thuộc? Trộm nghĩ vậy là tự bắn vào chân mình mất rồi. Chính sử gia Lê Văn Hưu đã bác bỏ việc phân chia nguồn gốc: “Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ, đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là lão phu, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi,thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.”[4]
Muốn phân định rạch ròi Triệu Đà không phải chính thống, thì nên dùng lý lẽ như Ngô Thì Sĩ đã bàn, An Dương vương kế thừa nước của Hùng vương, đóng đô ở nước Việt, trong khi Triệu Đà gộp chung Âu Lạc vào đất Nam Hải để thành Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung. Chẳng những vậy, triều đình của Triệu Đà lại không thống trị toàn cõi Việt ta. Năm 198 TTL “Vua sai hai sứ coi giữ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân”[5], năm 181 TTL “Vua nhân thế dùng binh uy và của cải để chiêu vỗ Mân Việt và Âu Lạc ở phía tây [Tây Âu Lạc] (tức là Giao Chỉ và Cửu Chân), các nơi ấy đều theo về, từ đông sang tây rộng hơn vạn dặm”[6]. Cương mục chua rằng “Tây Âu lệ thuộc phục dịch: Theo lời chú giải của Nhan sư cổ, Tây Âu tức là Lạc Việt. Tây Âu là một bộ phận trong Lạc Việt. Ý nói lệ thuộc và phục dịch nước Nam Việt.” Bản thân quân chủ hai nước Mân Việt và Âu Lạc đều xưng vương cả. Hán thư chép thư của Triệu Đà gửi Hán Văn đế: “Vả đất phương nam trũng thấp ẩm ướt, trong đám man di, phía tây có Tây Âu, dân chúng một nửa là yếu ớt, mà cũng ngoảnh mặt về phía nam xưng vương, phía đông có Mân Việt, dân chỉ ngàn người cũng xưng vương”[7]. Nghĩa là hai xứ Giao Chỉ và Cửu Chân chỉ thần phục Nam Việt trên danh nghĩa mà thôi, một dạng kimi hoặc phiên quốc.
Một ông vua đóng đô ở ngoài nước, không thực sự cai trị toàn lãnh thổ, thì cũng có thể không coi làm chính thống của nước Việt ta lắm chứ. Nhưng muốn phủ định thì đừng nên dùng gốc gác phương bắc của ông ta, kẻo lại trảm nhầm luôn cả cụ An Dương vương mất.
3. TRIỆU ĐÀ LÀ NGƯỜI VIỆT CỔ?
Đầu tiên có thể khẳng định là không có bất kỳ thư tịch cổ nào ghi chép như vậy. Thuyết này chủ yếu dựa trên việc Việt Nam từng có huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), ở đó có đền thờ Triệu Vũ đế (Triệu Đà). Quả thực ở Chân Định có rất nhiều đền thờ Triệu Đà có từ thời Nguyễn hoặc trước đó. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn viết: “Đền Triệu Vũ vương và Trình hậu: ở xã Đường Xâm, huyện Chân Định. Hậu người xã này, là sinh mẫu của Trọrig Thuỷ, trong huyện Chân Định có 10 nơi thờ.”
Tuy nhiên, nhà Nguyễn cách thời đại của Triệu Đà tới hai ngàn năm, không thể dựa vào đền thờ ở thời Nguyễn mà cho rằng nó đã tồn tại ở thời Triệu được. Và điểm cốt yếu là cái tên “Chân Định” đó hoàn toàn không tồn tại ở thời Triệu Đà. Huyện Chân Định vốn tên là huyện Chân Lợi. Sách Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng thời Minh ghi chép về địa lý nước Việt thời Minh thuộc cho biết: “Kiến Xương phủ: lĩnh 1 châu, 6 huyện: Khoái châu; Kiến Xương huyện; Bố huyện; Chân Lợi huyện; Đông Kết huyện; Phù Dung huyện; Vĩnh Cố huyện.”[8] Đến thời nhà Lê, vì chữ Lợi là kỵ húy của vua Lê Thái tổ nên Chân Lợi đổi thành Chân Định, thông tin này được ghi nhận trên chính website của UBND tỉnh Thái Bình: “Đến thời Lê, kiêng húy Lê Lợi nên đổi tên huyện Chân Lợi thành Chân Định, sau lại kiêng húy vua Lê Chân tông nên đổi Chân Định thành Trực Định.”[9]
Trong bức thư của Triệu Vũ đế gửi Hán Văn đế bên Trung Quốc, ông có nói: “Lại nghe đồn rằng, phần mộ của cha mẹ lão phu bị [nhà Hán] đập phá, anh em họ hàng đều bị giết.” Nếu Chân Định ở đất Việt thì làm sao nhà Hán từ tận bên Trung Quốc có thể cho người đập phá mồ mả, giết hại anh em họ hàng Triệu Đà được?
Như vậy, có thể kết luận rằng, Chân Định (tên huyện ở nước Việt) là cái tên ra đời rất muộn, trước thời Lê sơ, huyện không mang tên đó nên hoàn toàn không liên quan tới Triệu Đà. Nhân vì thời Lê trở về sau có huyện Chân Định trùng tên với huyện Chân Định ở Hà Bắc, Trung Quốc - quê hương của Triệu Đà - nên người ta mới dựng đền thờ ông mà thôi. Dùng yếu tố này để kết luận Triệu Đà là người Việt là điều phi logic, đi ngược lịch sử.
Tô Như | Báo Văn Nghệ
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả. Không nhất thiết là quan điểm của Văn Nghệ. Mọi ý kiến đóng góp và bài vở cho chuyên mục LĂNG KÍNH VĂN NGHỆ vui lòng gửi về: baovannghe.vn@gmail.com |
[1] Ở đây chúng ta sẽ không tranh luận về chuyện An Dương vương là huyền thoại hay nhân vật có thật trong lịch sử. Chúng ta chỉ nói về tính chính thống mà các bộ sử đặt cho ông và triều đại của ông mà thôi.
[2] Tiền biên - Ngoại kỷ quyển 2.
[3] Toàn thư chép “Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.”
[4] Toàn thư - Ngoại kỷ - quyển 2.
[5] Toàn thư - Ngoại kỷ - quyển 2.
[6] Toàn thư - Ngoại kỷ - quyển 2. Trong nguyên văn có cụm “tức Giao Chỉ Cửu Chân”, không phải tự thêm vào.
[7] Hán thư - Nam Việt truyện.
[8] Việt kiệu thư - quyển 1.
[9] https://kienxuong.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-van-hoa-xa-hoi/kien-xuong-van-vat-va-cach-mang.html
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét