Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

LÊ ANH PHONG VIẾT VỀ TẬP CHỨNG TÍCH THỜI GIAN

 ĐƯỜNG XA NHÌN LẠI

(Đọc “Chứng tích thời gian”, tập thơ chọn

của nhà thơ Trương Ngọc Lan, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

                        LÊ ANH PHONG



Cách đây 13 năm, năm 2011, lần đầu tôi gặp nhà thơ Trương Ngọc Lan ở Tràng

An Thơ, 88 Hàng Buồm. Lúc ấy, tôi chỉ được đọc 2 tập thơ của chị. Bẵng đi một

thời gian khá dài, gặp lại nhà thơ và trên tay là “Chứng tích thời gian”, một tập thơ

chọn. 289 bài được lựa chọn từ 12 thi tập, đã mang đến cho tôi cái nhìn đầy đủ hơn

về con đường thơ của chị.

Từ một người đã từng học và dạy piano, chị đến với thi ca khá sớm. Đây là

những vần thơ chị viết khi 23 tuổi: “Dạ hương năm ấy hương đưa/ Cành thanh

cánh nhỏ tôi chưa có chồng/ Người ta vừa mới tặng xong/ Tôi về ép một nhành

trong giấy màu/ Tưởng rằng từ đó về sau/ Vẫn xanh như thuở ban đầu ngây thơ”.

Và đây là bài thơ của tuổi thất thập: “Những câu chữ tựa nhau/ Nắn nót chân dung

một thuở/ Khuôn nhà dáng cũ hao hao/ Mái dột gió lùa khe cửa/ Trốn đâu một

thời/ Buồn vui lỗ chỗ/ Vá đậy làm sao?”. Còn đây là những câu thơ khác lạ:

“Người với người tìm lối”, “Thời gian im như thóc”… Đó là khoảng cách của năm

tháng. Nhưng đó còn là khoảng cách của chữ nghĩa, của cảm thức và diễn ngôn.

Các trích dẫn trên đây cho thấy sự đa dạng về nội dung, đa thanh về biểu đạt trong

thơ Trương Ngọc Lan. Tình yêu và thế sự. Duy lý và duy cảm. Trữ tình và ý niệm.

Tôi hình dung, con đường thơ Trương Ngọc Lan là hành trình đi tới mình. Bản

ngã và tha nhân. “Mình và họ”. Nhiều bài thơ ngay tên gọi đã thể hiện rõ hành

trình gian nan đó như một niềm tin xác quyết: “Tôi đi tìm tôi”, “Thật là mình”,

“Tôi đứng tên tôi”, “Thêm từng bước về mình”… Có phải vì thế mà trong đêm xa

xứ, dẫu “lệch múi giờ/… chữ cứ quẫy lên/… cháy âm thầm/ khắc họa chân dung”.

Và, thơ còn là câu chuyện của tự tin, của niềm kiêu hãnh: “Thiên hạ tranh nhau

giấu mặt/ Trơ ra hàng dãy tuổi tên/ Trong vườn cây cối rên lên/ Buốt giá trước

thềm đông lạnh/ Như có ai vừa lên tiếng/ Cả đời, tôi đứng tên tôi”.

Đi tới mình là hành trình của cô đơn. Tránh đám đông, nhưng “thảnh thơi một

chút là lo lắng”. Đó là lời “tự thú” của nhà thơ khi chữ nghĩa không yên. “Dăm tập

thơ gói bọc những tâm tình/ Tôi đắm chìm vào đêm tĩnh lặng/ Cởi bỏ cái khác tôi,


tôi còn lại chính mình/ Tự do buồn, tự do mơ mộng…”. Với người cầm bút, “được

sống là mình đâu dễ”. Dám sống, dám “cởi bỏ” những véo von, son phấn. “Tự do

mơ mộng”, ao ước ấy là lẽ đương nhiên. Nhưng “tự do buồn”, có cái gì vừa quen

vừa lạ, có cái gì đắng đót uymua. Một chữ nhưng hiện lên cả một “thời xa vắng”.

Từ cộng sinh, tác giả trở về đối diện với chính mình. Dường như cô đơn và khát

vọng lại mở đường cho thơ chị. Đó cũng là cảm hứng nguồn của thi ca hiện đại.

Theo thói quen trong tiếp cận, không ít lần tôi tự hỏi: Thơ Trương Ngọc Lan

thuộc hệ hình nào? Khi có thời gian đọc kỹ 289 bài của tập thơ chọn, trong đêm,

đôi lúc tôi cũng lúng túng trước câu hỏi này. Nhưng có một điều, người đọc dễ

dàng gặp nhau trong cách nhìn về thơ chị. Đó là, vượt qua vần, đi qua “du dương”

(Tên tập thơ thứ 2), thơ Trương Ngọc Lan hướng về miền ưu tư, khắc khoải hiện

sinh. Về hình thức, tuy không phải là tất cả nhưng nghiêng về lối nói hiện đại trong

biểu đạt. Trong chiều “lá bay”: “Nhặt tan tác một câu/ Nghĩa cổ/ Nằm tưởng lại

con đường mưa nhỏ/ Lay theo ngày xọc xạch buồn vui”. Cái mới luôn dị ứng với

thói quen, với đơn điệu, với cả lộng lẫy nhàm chán. “Vĩnh biệt một ông vua không

ngai” là bài thơ chị viết về Michael Jackson: “Vĩnh biệt một hiện tượng không

thăng bằng/ Vĩnh biệt những cảm xúc thăng hoa trượt qua tì vết”. Khi đọc những

câu thơ này, tôi chợt nhớ đôi giày bí ẩn đã giúp “ông hoàng nhạc pop” tạo ra một

thế đứng phi thường, một phong cách riêng và dấu ấn về bản sắc trong âm nhạc thế

giới.

Hướng đến sự đổi mới, nhưng thơ Trương Ngọc Lan không đứt gãy hẳn với

truyền thống, không có những mảnh vỡ, rất ít giãn cách của tinh thần hậu hiện đại

trong diễn ngôn. Trên văn bản đâu đó có sự giao thoa của các hệ hình trong biểu

đạt. Sự đổi mới trong thơ chị rõ hơn ở phía nội dung. Nhà thơ trăn trở: “Những câu

chữ lộng lẫy cứ trượt đi/… Những bộ áo lộng lẫy rồi cũng lỗi mốt/ Làm sao để nhớ

mãi về em?”. “Dàn đồng ca một bè”, tên một bài thơ mang rất nhiều ẩn dụ, viết

trong ngày đại dịch covid: “Bất kể điều gì cũng có lý do/ Sao chẳng có lý do gì, ta

vẫn buồn mãi thế/ Sao mấy chục năm rồi vẫn tẻ nhạt như thế/ Hát mãi một bài

nghe khê khê/ Những người cũ rủ nhau đi đâu cả/ Nỗi đau này còn ai sẻ chia?”.

Bài thơ có góc nhìn không lẫn vào đám đông, không lẫn vào “hiện thực phải đạo”,

những truy vấn cứ xoáy vào hiện hữu. Trên đường thơ, chất thế sự ngày càng đậm

nét suy tư. Đâu đó thấp thoáng ý vị của thứ thơ mông lung đã từng xuất hiện ở

Trung Quốc. Nhà thơ cứ loay hoay với “nút bòng bong” của thời cuộc. Cha và con

và câu hỏi trước chân trời: “Cha ước được bước sang thế kỷ mới/ Thế mà cha


không tới được/ Với nhiều đổi thay/ Những kinh nghiệm đã thành tâm niệm/ Cuối

đời cha trao lại cho con/ Cha không biết, con cũng không biết/ Bắt đầu từ đâu gỡ

nút bòng bong?”. Một “thế kỷ nháo nhào/… họ lơ đãng nhìn nhau/ lơ đãng nghe

nhau/ luẩn quẩn chạy lòng vòng như bóng”. Trong thế giới thơ nữ, cách nhìn và

cách nói như vậy không nhiều.

Suy cho cùng, thơ vẫn là câu chuyện của cách nhìn, cách nói. Trong thi tập

chọn này, đôi lúc ánh lên diễn ngôn thanh tân. Đây là câu thơ trẻ trung, khát khao

“mong mưa” giữa cuộc đời: “Vùng cúc dăm khuy áo/ Nở trắng những đốm sao”.

“Kỷ niệm” là một đề tài quen thuộc, nhưng lại rất mới và độc đáo trong thơ chị:

“Kỷ niệm hộp nhỏ, hộp to/ Im lìm xâu thành tràng chuỗi/ Bất ngờ xổ lạt tuột dây/

Rơi ra một thời đắm đuối”.

Có thể nói, giữa các đường biên của đời sống, thơ Trương Ngọc Lan nhiều ẩn

ức và nghiệm sinh. Đó là cuộc đối thoại giữa cảm xúc và trí tuệ. Thời thanh xuân,

cảm xúc trở thành âm hưởng chủ đạo. Nhưng càng đi tới mình, tiếng nói của trí tuệ

càng trở nên sâu lắng, thơ chị vì thế hiện lên một diện mạo mới. Bên cạnh dòng

chảy trữ tình, đâu đây mạch ngầm ý niệm. Trong thơ Trương Ngọc Lan, nhiều bài

nhiều câu dành cho đọc chậm. Đây là những câu thơ của duy lý: “Chìa khóa là giọt

mắt”, “Gặp toàn người lạ từng quen”, “Mắt ủ màu lẩn tránh”. Còn đây là diễn

ngôn của duy tình đằm thắm: “Ngại chi vẽ hết đôi mươi/ Vẫn còn nguyên vẹn ở nơi

bắt đầu”, “Phố cổ như thơ cổ/ Trầm lắng đón giao mùa”… Và có cả những câu

thơ cộng hưởng duy tình, duy lý trong cái nhìn nhạy cảm: “Đi ở biển chân trần

sạch sẽ/ Nỗi nhân tình lấm láp y nguyên”. Song hành và đồng hành. Tuyến tính và

phi tuyến tính. Thơ chị vừa có xôn xao của tình tự, vừa có chất vấn và phản tư.

Thậm chí “ngay cả trong mơ/ cũng bị vây chặt”, nhà thơ như muốn thoát khỏi tục

lụy chật hẹp của đời sống, của tình thế con người. Nhiều khi khó xác định đâu là

thơ tình, đâu là thơ thế sự: “Chỉ khi không tình mới nhận ra/ Ảo ảnh chân trời phía

cách xa/ Cười buồn tự nhủ: Còn nguyên đó/ Cho tấm tình thơ có chỗ thờ”. Thơ

Trương Ngọc Lan như một cuộc đi tìm, như con tàu chở nhiều câu hỏi: “Lang

thang mãi không sao tìm được cửa/ Mở ra đâu? / Đóng lại vào đâu?”. Hay đó là

trò chơi của thân phận, của nghệ thuật “sắp đặt”: “Ai đặt ta vào chốn này/ Đến đây

thì ở đấy/ Như chiếc tủ đứng ở góc buồng/ Như chiếc giường phải kê đúng hướng”.

Cô đơn, mong manh trong tình thế của hiện sinh. Mơ hồ giăng mắc. Ngay cả

khoảnh khắc nhà thơ đứng bên cạnh tủ lạnh, trong này hay ngoài kia có cái gì như

đang tan chảy”… Hiện thực trong thơ Trương Ngọc Lan thường là ảnh hình của


mê man, thao thức và “rất nhiều khoảng trống không thể lấp đầy”. Thời gian trong

thơ chị là thời gian của tình thế tâm trạng, của bóng ngày, khi thì như giọt cafe lắng

vào phố cổ, khi thì “Vạt nhung tơ thắm khăn thêu/ Tóc buông má phấn gương trêu

bóng người/ Mịn màng ánh sắc một thời/ Treo lên giá áo hạt rơi âm thầm”.

Có một chút phân vân, nói hay không nói. Xin được thành thực trao đổi cùng

tác giả. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nếu vượt qua chính mình, nếu chọn kỹ,

không phải là 289 bài, tôi tin rằng “Chứng tích thời gian” sẽ hiện lên nét hơn, điển

hình hơn dấu ấn một chân dung thơ nữ Hà Nội, với hành trình của ẩn ức, của bản

lĩnh và khát vọng.

Khi các đường biên cũng chỉ là tương đối, thơ mở ra nhiều ngả đường cho thi

nhân và cho cả phía tiếp nhận của người đọc. Thơ cần sự khác biệt, nhưng thời

gian vừa là chứng nhân, vừa là thử thách lớn cho sáng tạo. Đọc thơ là để gặp

người. Nói như họa sĩ Trịnh Lữ, “vẽ gì cũng là tự họa”.

Bước sang tuổi 80, nhà thơ mang cái tên của một loài hoa quý, vẫn lặng lẽ

“thêm từng bước về mình”. Nhưng tôi có cảm giác, người thơ vừa đi vừa ngoái lại:

“Những chùm hoa trắng cứ vô tư/ Những đám mây trắng không vội vã/ Nhởn nhơ

bay chẳng vướng bận gì/ Sống là ở, sống là đi/ Xa lạ quá sao thay áo kịp/ Mắt

phiêu du mải mê dấu tích/ Phút thả hồn vương nắng vô tư”.

Đường xa nhìn lại, “Chứng tích thời gian” bên khoảng trời dâu bể.

Áo lộng bên mùa

Những áng mây xa…

Đêm đầu thu 2024

LÊ ANH PHONG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét