Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

THẦN ĐỒNG CHĂN KIẾN VÀ MỤC ĐỒNG CHĂN THƠ

 

THẦN ĐỒNG CHĂN KIẾN VÀ MỤC ĐỒNG CHĂN THƠ

PHẠM CÔNG TRỨ



Ấy là Trần Đăng Khoa, người đã là “Thần đồng” ở tuổi U 10. Song, với tôi thì Trần Đăng Khoa là một “mục đồng”, kẻ không chăn trâu mà chăn thơ trên cánh đồng làng. Trước khi chăn thơ bé Khoa đã chăn kiến, vày giun ở góc sân nhà mình. Sau này bàn chân Khoa in dấu khắp nơi, thơ Khoa cũng mở rộng biên độ, chỉnh độ cao thấp, song tôi, và chắc không chỉ riêng tôi, vẫn thấy chỉ ở hai “sân chơi” nói trên mới đích thực là Trần Đăng Khoa.

Khi Ò ó o vang lên

Trần Đăng Khoa khởi đầu đời thơ từ góc sân nhà em. Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, bé Khoa đuổi theo cánh bướm đang rà ngang sân qua vườn ra ngõ. Như trêu chú bé, bướm vàng xà xuống lượn vòng vút lên, bay mất. Hụt rồi. Tiếc nuối, song bù lại, chú vồ được bài thơ đầu tiên “Con bướm vàng/ Con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ Trên bờ cỏ/ Em thích nó/ Em đuổi theo…”. Cũng may, chú vồ hụt nên “con bướm vàng” còn lãng đãng mãi trong ký ức tuổi thơ, chứ nếu không thì (xin lỗi cụ Tố Hữu cùng chú đồng chí “Lượm”): “Một cái xác nhỏ/ Thôi rồi bướm ơi!”. Như vậy, nếu bảo rằng tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà thơ, thì ở tuổi lên tám bé Khoa đã có “đứa con thơ” đầu lòng là con bướm vàng, trình làng văn.

Sau này, cũng cái tứ này, song con bướm vàng hóa thành con cá vàng “Con cá vàng/ bơi nhẹ nhàng/ trong bể nước/ đố ai bơi được/ như con cá vàng”. Bài thơ chẳng rõ tác giả này có cái hay của một câu đố vui, ngắn gọn, dễ thuộc nên trẻ mẫu giáo rất thích. Con bướm vàng chập chờn trên bờ cỏ xanh mướt ở làng quê, còn con cá vàng lãng đãng trong sóng sánh bể cảnh nơi phố thị. Sẽ có nhiều em bé quê thuộc thơ rồi mong đuổi bướm, hái hoa, song chẳng biết có em bé phố nào thử bơi được như con cá vàng không?

Cánh bướm thơ mộng song êm ả, rụt rè quá chưa khiến ai chú ý. Dù làng xóm lúc ấy người ta đã ít nhiều truyền tai nhau về cái thằng con nhà ý mới tí tuổi mà đã nói ra thơ, tức xuất bản bằng “mồm”. Phải đến khi tiếng gà  “Ò… ó… o…/ Ò… ó… o…” dõng dạc cất lên từ góc sân nhà Khoa thì làng Điền Trì mới giật mình, xôn xao cả lên. Cái tiếng gà từng hồi dồn dập, cấp tập, hết giục quả na mở mắt, giục hàng tre đâm măng, rồi giục buông chuối, giục hạt đậu, giục con trâu, giục đàn sao, giục ông trời nó mới tinh khôi, hồn nhiên làm sao. Từ con vật, con người đến đất trời cây cối, ở cái làng ấy đều bừng tỉnh, náo nức, sống động hẳn lên. Sau khi một vài bài thơ Khoa đăng báo trung ương thì làng văn xúm lại, ngơ ngác hỏi nhau: “Trần Đăng Khoa là đứa nào vậy?”.

Thấy lạ, nhà thơ Xuân Diệu về tỉnh, giữa đêm khuya ông tìm về khảo sát cái sân, rồi xách đèn soi vườn nhà Khoa. Sau chuyến thực địa cái “vũ trụ tí hon”, “chỗ đầu nguồn của thơ Khoa”, ông viết bài phát trên đài thì danh tiếng Trần Đăng Khoa vang như sấm rền. Giữa thời bom đạn mà có người ở đẩu đâu hỏi thăm tìm về tận làng, xem cái đất ấy “địa linh” thế nào mà lại xuất “nhân kiệt””. Xem phong thủy, lại còn vào tận nhà tò mò bắt thằng bé xòe tay xem đường chỉ, vạch tóc xem khoáy, vạch áo xem rốn, vạch quần xem… rồi im lặng ra đi, rất bí hiểm. Xem để thấy thằng cu có gì khác lạ không, mà sao lại tài thế.

Hóa ra, cái làng Điền Trì xuất thần đồng ấy là một làng chiêm trũng lam lũ, người dân ở đây cũng xắn quần lội ruộng, chổng mông gặt lúa, chẳng khác gì dân làng mình. Còn thần đồng là thằng cu “bé như cái kẹo” (chữ của Chế Lan Viên), cũng lem luốc, chỉ được cái lém lỉnh, hỏi gì đáp lấy, như trạng tái thế. Lại có người không tin những bài thơ đó do Khoa làm, để nhân tiện vừa thử tài thần đồng, vừa kiểm tra độ thực hư, họ yêu cầu cậu bé phải ứng khẩu thơ ngay tại chỗ, đề tài là do họ ra.

Mười tuổi (1968) Khoa đã có tập thơ “Từ góc sân đến khoảng trời”. Ở nước mình, hình như trước Khoa chưa hề có, sau khoa chẳng biết có hay không. Khoa là độc nhất vô nhị. Chẳng những ở Việt Nam mà còn tầm thế giới. Và cái nghệ danh “thần đồng” thơ, như một con chíp của giời gắn vào Trần Đăng Khoa, định vị đời Khoa từ đấy. Cái tên Trần Đăng Khoa lẫy lừng đến nỗi đã khiến một ông nhà văn xứ Nam, tỉnh Thái, trùng tên chạnh lòng phải đổi thành Khoa Đăng cho khỏi… “chạm húy”!  Dù ông nhà văn này họ Nguyễn và bố mẹ đã đặt tên Đăng Khoa trước thần đồng hàng chục năm.

Sau này, phục tài Khoa có nhà phê bình, một tiến sĩ Tây học khá nổi tiếng, đã dụng công làm hẳn một quyển sách hơn hai trăm trang đặt tên là “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ”. Cuốn sách xuất bản năm 2000 này nghe nói bán chạy, bìa rực một màu hồng bình minh đang lên. Chắc là người thiết kế bìa được gợi ý từ câu thơ “gọi ông trời/ Nhô lên/ Rửa mặt” trong bài “Ò ó o” của thần đồng chăng?

“Thần đồng” chăn kiến, vầy giun trên sân nhà

“Thần Đồng”, đại để theo giải nghĩa của tự điển thì là đứa trẻ thông minh, có năng khiếu khác thường. Còn với dân quê thì thần đồng là người có khả năng làm những việc mà người ở tuổi nhi đồng (nay gọi là “tuổi nhí”) không làm được. Thần Đồng là tài giời, là “con Giời”. Cụ Tố Hữu, vị trưởng lão của làng văn nghệ, người đã phát biểu “tôi không thích chữ này lắm” cũng phải thừa nhận “Tinh hoa văn hóa của dân tộc đã dồn đúc vào một số ít người, trong đó có Khoa. Giời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc…”. Thời ấy, đồng thời và sau Ò ó ó là “Ôi bốn bề/ Bát ngát/ Tiếng gà”. Một số đứa trẻ trạc tuổi Khoa cũng làm thơ đăng báo, song chỉ có Khoa được “chúng khẩu đồng từ” là thần đồng nước Việt. Không thần đồng thì làm sao một đứa trẻ quê ở tuổi còn ngịch đất, bụng chưa có mấy tí chữ, mà đã có cả một sân thơ, một vườn thơ, một ao thơ, rồi sau đó là một cánh đồng thơ dài rộng như vậy.

Với thần đồng, góc sân, mảnh vườn, bờ ao là cả một vương quốc của côn trùng, vật nuôi như bướm, chim, gà, chó, mèo, giun, dế, cá… và cùng với đó là một thế giới của thảo mộc: trầu, na, chuối, mía, dừa... Trong cái vương quốc tí hon ấy, Khoa thỏa sức khám phá cảnh vật, phát hiện chính mình. Như một ông vua không ngai song đầy uy quyền của một phù thủy nhí, bằng vốn ngôn ngữ ít ỏi nhưng lại rất hồn nhiên, sinh động, bé Khoa đã bắt những cây con tầm thường, nhàm chán ấy phải gáy lên, hát lên, múa lên, tấu lên theo cái “điệu tâm hồn” của chú. Cái chất giọng nửa hồn nhiên, ngộ nghĩnh, nửa sâu sắc, hóm hỉnh của Khoa khiến không chỉ các bạn đồng lứa mà cả các bậc “phụ huynh”, các cây đa cây đề làng văn nghệ cũng phải ngạc nhiên theo Khoa, trầm trồ cùng Khoa. “Bàng hoàng”, “xúc động”, “ám ảnh”, “giời cho”, “giời mượn”… là những hình dung từ chỉ sắc thái, những giới từ chỉ mức độ, mà người ta hào phóng tặng cho cậu bé tên Khoa làng Điền Trì.

Chỉ nội một bài Mưa đã bầu Khoa là thần đồng. Trời mưa, đứa trẻ nào thích chí, nghịch ngợm lắm thì chạy ra sân trần truồng tắm rồi reo cười với nhau trong bữa tiệc giao hoan của đất trời, chứ làm sao thấy được mối trẻ bay cao, mối già bay thấp, gà con ẩn nấp, mía múa gươm, kiến hành quân, cỏ gà rung tai, bụi tre gỡ tóc, bưởi bế con, dừa sải tay, mồng tơi nhảy múa, cóc nhảy, chó sủa…. Đó đúng là ngày hội kì vĩ của thiên nhiên, con vật, cây cối và cả đất trời. Mà cái kỳ vĩ ấy lại hiện lên ở ngay tại mảnh sân và góc vườn nhà Khoa, với cái oai phong của “Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận, cái lạ lùng của “Sấm/ Ghé xuống sân/ Khanh khách/ Cười”. Nhưng kỳ vĩ, lạ lùng hơn cả là “Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa”.

Cứ một ánh chớp lóe lên, kèm một tiếng sấm, thì hình ảnh người bố vai vác cày tay vuốt nước mưa lại như một lần tạc thêm vào mắt người con đang lo lắng nhìn ra sân. Ba chữ “đội” nối tiếp nhau có hơi khoa trương, song trong bối cảnh của “một cơn mưa gió nặng nề”, dưới cái nhìn của một đứa trẻ con, thì lại thấy nó hợp lý dù có ít nhiều thần thoại hóa. Chỉ bằng vài chục câu, ngắt nhịp một, nhịp hai, tung tẩy tự do, theo cái tiết tấu của dông lốc, gió mưa, thế mà Mưa có cái dung lượng của một khúc tráng ca về thiên nhiên và con người, vừa hòa hợp vừa vật lộn với nhau trong cái vũ khúc sinh tồn của trời đất lúc sang mùa. Thông thường thơ cổ kim hay nói về mưa buồn, diễn tả nỗi cô quạnh của con người, thì Trần Đăng Khoa góp vào một cái nhìn khác về mưa. Đó là sự giao tranh giữa con người bé nhỏ và thiên nhiên kỳ vĩ. Thiên nhiên đã kỳ vĩ, con người còn kỳ vĩ hơn. Chẳng có lời xưng tụng, biểu dương về tầm vóc của người lao động, lại là bác thợ cày nào mạnh mẽ mà lại kiệm lời hơn thế.

Sau này, Khoa có hẳn trường ca Đánh thần hạn khá hoành tráng, ca ngợi sự đoàn kết cùng tinh thần quyết chiến quyết thắng của người nông dân trước thiên nhiên “Thần nào ta cũng đánh tan/ Vì đầu ta có nhiều lẽ phải/ Vì tim ta không hề sợ hãi/ Vì tay ta lấm láp phù sa”. Hoành tráng, đa nhân vật, giàu suy tư, song dù vậy, “ta” trong đoàn quân chiến đấu với thần hạn, lên tận trời, không gây ấn tượng mạnh bằng “không ta” trong  trận “mưa” có kiến hành quân, cóc nhảy, chó sủa ở ngay trên sân nhà.

Người viết sực nhớ đến vở múa “Hạn Hán và Cơn Mưa” nổi tiếng khắp sân khấu  Âu-Mỹ do nghệ sĩ Ea Sola Nguyễn Thủy (người Việt quốc tịch Pháp) dàn dựng trên nền nhạc chèo. Chẳng biết khi dựng vở này Ea Sola có lấy cảm hứng từ thơ Trần Đăng Khoa hay không, nhưng các bà nông dân Thái Bình “bước thẳng từ ruộng lúa nước lên sân khấu nghệ thuật quốc tế” “nhảy múa tung hoành như thôi miên khán giả trên sân khấu Paris, Amsterdam, London” (lời Nguyễn Duy) nhất định ít nhiều đã từng đọc hoặc nghe nói về Mưa, Hạt gạo làng ta và Đánh thần hạn của Khoa.

Đâu chỉ có Ò ó o, Mưa, bằng cái nhìn tinh tế, bé Khoa còn cảm thấy sự mơ hồ của một cái lá đa rơi nơi đền Côn Sơn (Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng nghe rất mỏng như là rơi nghiêng), chú mục vào một cái vại nước ở sân nhà (Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau), hay lắng thấy (Vườn xanh biếc tiếng chim/ Dơi chiều khua chạng vạng). Nhiều nhiều những câu thơ kiểu thần đồng như vậy. Người ta có thể bảo Khoa ảnh hưởng từ đồng dao, từ cổ tích, thần thoại, từ văn ông này thơ bà kia. Hẳn có thế. Nhưng dù vậy, vẫn phải thừa nhận phần sáng tạo của Khoa là chủ yếu.

Ở độ tuổi vừa qua nhi đồng thì chơi và học, chơi và làm cứ đan bện vào nhau, kể cả thứ trò chơi cao cấp là thơ phú. Không nói ra, song câu “tất cả đều là bạn tôi”, ứng đúng với thơ Khoa, nhất là ở thời đầu. Là bạn của nhau nên đều bình đẳng, dù đó là bạn “hai chân” như con gà, con chim, bạn “bốn chân” như con chó, con trâu, bạn “không chân” như cây trầu, cây na, cây chuối, cây đa, con cá, con giun. Con… người cũng chỉ là một thứ con “đa chân” mà thôi, kể cả chân ảo và ... chân thật. Thì con Nhân sư (sphinx) trong thần thoại Ai Cập cổ đại chẳng có câu đố hắc búa mà đầy thâm thúy, rằng “Con gì mà sáng đi bằng bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân, và khi nó càng đi bằng nhiều chân thì nó càng yếu” đấy thôi!

 Là bạn, nên “tao - mày”, hay “chúng tao - chúng mày” là cách xưng hô tự nhiên và cũng là hợp lý nhất. Hãy nghe Khoa dỗ dành cây trầu “Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ”, hay nói với con Vàng trong tưởng tượng “Mày không bắt tay tao/ Tay tao buồn làm sao”, hoặc an ủi con gà mái mất con vì bom Mỹ “Mày nhìn tao, con mắt lạc hẳn đi/ Trong mắt vằn những tia máu đỏ/ Cái nhìn cháy như hai hòn lửa/ Có phải tại tao đâu!”. Khoa nâng niu, trìu mến bạn mình, nên không lạ gì khi tán thán từ “ơi” cùng với các dấu hỏi, dấu than xuất hiện hơi nhiều “Trăng ơi, từ đâu đến?”,  “Trầu ơi, hãy tỉnh lại/ Mở mắt xanh ra nào!”, “Trâu ơi, ăn cỏ mật/ Hay là ăn cỏ gà”, kể cả “Khoa ơi, thầy giáo của mày đã xa” ...

Dưới mắt của đứa bé vừa qua tuổi nhi đồng thì tất cả mọi vật, mọi loài chẳng những là bạn bè, mà còn như có anh em, họ hàng với nhau, đều như mang tính người, đều có linh hồn, dù mỗi thứ, mỗi loài một “cá tính”. Vậy nên buổi sáng sân nhà em mới hội đủ các gương mặt của một gia đình nhà quê: Ông trời nổi lửa, bà sân vấn khăn hồng, ả mèo rửa mặt, mụ mái cục tác, thằng trống huyên thiên, cái na tỉnh giấc, đàn chuối vỗ tay, chị tre chải tóc, nàng mây soi gương, bác nồi đồng bùng boong, bà chổi loạt quẹt.

Trong vườn thì dun, dế, kiến là những giống nhỏ bé nhất, lành hiền nhất và cũng bị người đời coi thường nhất. “Con sâu, cái kiến”, chấp gì. Chửi “đồ chó” mới chỉ là miệt thị, chứ rủa “đồ giun dế” mới thực là coi khinh. Ấy vậy mà  trong thơ Khoa giun dế, chó mèo chúng cũng ở vai “chú” “bác” bình đẳng với ông trời, bà sân, mụ gà, ả mèo…. Bác thì suốt ngày hì hục đào đất (Bác giun đào đất suốt ngày), chú thì ung dung ngồi vuốt râu (Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu) mặc bốn bề tiếng máy bay rú rít, lẫn tiếng bom, tiếng pháo cao xạ.

“Thế đấy giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ” hai câu thơ của người lính công binh Phạm Tiến Duật ở Seng Phan khiến người đọc nước ngoài ngây ngất thán phục về sự dũng cảm, bình thản xem thường bom đạn của người Việt Nam trong chiến tranh đã đành. Song, người ta cũng sửng sốt không kém khi thấy chú dế mèn ung dung ngồi vuốt râu bên bờ tre ao trường trong thơ của một thiếu nhi mười tuổi. Chưa đến Việt Nam, chỉ bằng hình dung chiến tranh khúc xạ qua thơ dịch, người ta đã nhận định rằng, trong cuộc chiến không cân sức này, Mỹ nhất định sẽ thua!

Bác giun, một người lao động cần cù, tận tâm đã qua đời ở ngay gốc cây sau nhà. Thương bác, bé Khoa đã làm ma cho bác. Đây là một đám ma kỳ lạ nhất trong số các “đám hiếu” trong thi ca: các con nhiều chân đưa đám một con không chân. Trong Đám ma bác giun góp mặt cả họ hàng nhà kiến: kiến già, kiến con, kiến đất, kiến cánh, kiến lửa, kiến kim, mỗi con một diện mạo, một cá tính, giữ một “vai” nhất định: Con đi trước, con đi sau, con cầm hương, con khóc than, con khoác áo tang, con đốt đuốc, con chống gậy, con nặng vai. Đám ma có một không hai này kéo dài từ vườn chuối, vườn khoai qua vườn cà rồi kết ở Kiến đen uống rượu la đà/ Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần.

Không thấy nói đến mộ bác. Bác giun không có mộ. Ngầm hiểu thi hài bác được “táng” ở bụng kiến. Thế giới loài vật là vậy. Con này làm thức ăn cho con khác là theo quy luật sinh tồn của tự nhiên, không có vấn đề thiện-ác ở đây. Được hiến thân cho kẻ khác, nếu sự hy sinh đó có ý nghĩa thì có gì mà buồn. Mẹ đất sản sinh ra bao cỏ cây, hoa lá làm gì nếu không để nuôi dưỡng bao con vật, trong đó có con người. “Người ta là hoa của đất” cơ mà! Thế giới loài người cũng hao hao loài kiến: bụng mỗi người chúng ta nếu tính toán ra thì hỏi đã “táng” biết bao nhiêu cây con? Nói như thế, không phải là hạ thấp, phí báng con người mà thấy rằng con người chúng ta cần khiêm tốn, biết điều. Có biết bao cây con khác, đã vì cuộc sống của con người mà chấp nhận hiến sinh.

Xung quanh Đám ma bác giun đã có nhiều cách hiểu theo góc nhìn khác nhau, cách “tán” khác nhau. Theo chiều nhân văn, nhân bản, mà là của đa số, thì bác giun là người lao động chết vì làm việc quá sức, lũ kiến vì tình làng nghĩa xóm cùng xúm lại làm ma, đâu ra đấy rất chu đáo. Theo chiều phản biện, lên án, có người thấy bác giun chính là thân phận người nông dân nghèo, do hoàn cảnh kiếm sống o ép lao lực quá mà chết. Lũ kiến đưa tang cũng chẳng tử tế gì, đang đói khát, thì đây là một dịp may để được… làm thịt bác. Ở một cái đám tang như đám này, ai khóc cứ khóc, ai buồn cứ buồn, sẽ vẫn có một bọn xem đây là “cơ hội” để được ngồi uống rượu la đà, để rình bay ra chia phần. Cảnh này không chỉ đơn thuần phản ánh hủ tục ở làng xã xưa, mà vẫn sẽ diễn ra ở mọi xã hội.

Cũng cách “bình tán” này có người bảo ở bài Ò ó o, khi “ông trời nhô lên rửa mặt” thì bầy sao phải “chạy trốn”, nghĩa bóng ám chỉ khi cái mới, cái tốt xuất hiện thì cái cũ, cái xấu cái phải tự nhiên rút lui. Tất cả thay đổi bắt đầu từ ba tiếng Ò ó o. Mà Ò ó lại từ miệng Khoa, giời mượn, mà ra! Tinh vi hơn, họ còn tán rằng, sau ba tiếng ấy những cây đa, cây đề của làng văn ta đều chết lặng vì thấy mình sắp bị ông trời con là thần đồng Khoa mới nhô lên làm cho lu mờ đi!

Theo người viết, đây cũng là một ví dụ thú vị, mang tính bí ẩn “ý tại ngôn ngoại” của thơ mà ngay cả người làm ma bác là bé Khoa cũng không ngờ tới. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ nào, thì thiết nghĩ, không có những ngày chăn kiến ở góc sân, vầy giun ở góc vườn, và không nhập được vào cái hồn của ca dao, đồng dao, ngụ ngôn, cổ tích vừa hồn nhiên vừa thâm thúy, nhất là không có chất “ma”, chất “quái” pha trộn cùng chất “người”, thì không có đám ma bác giun. Chỉ bằng 12 câu lục bát bé Khoa viết như chơi, mà lại như gói trọn một kiếp giun trong xã hội loài kiến. Mà ngẫm ra đâu chỉ là chuyện giun, chuyện kiến!

Sống ở làng quê nên ngoài cánh bướm, thơ Khoa còn có nhiều “chim” nhiều “hoa“. Song, hoa cau của gió heo may lúc giao mùa xuân hè nơi góc sân nhà là tinh tế nhất, ấn tượng nhất. Chỉ vẻn vẹn một cặp lục bát “Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau” đã khiến người đọc chẳng những như nhìn thấy cánh hoa trắng li ti ánh lên chất dân dã nơi đáy vại nước, mà còn như cảm thấy mùi hương quê kiểng quanh quất đâu đây.

Trong Góc sân và khoảng trời tràn ngập cái tình với cây (cây na, cây dừa, cây xoan, cây bàng…), với con (con bướm vàng, con chim hay hót, con cò trắng muốt, con gà liếp nhiếp, con trâu đen lông mượt…) nhưng cảm động hơn cả là tình người. Trong số bạn hai chân, gần gũi nhất, đáng yêu nhất là bé Giang “Nhăn nhăn cái mũi hở mười cái răng” mỗi khi bé cười. Chơi với em, “chăn” em, xem ra còn ý vị, tự hào hơn chăn kiến vì cái sự được làm anh. Đưa võng cho em ngủ, Khoa có Tiếng võng kêu. Trong cái kẽo cà kẽo kẹt (không phải Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra…trong cổ tích), đồng hiện lên “Cây na thiu thiu thiu/ Mắt na hé mở/ Nhìn trời trong veo”, cùng với cánh cò “lặn lội bờ sông”, cánh bướm “mênh mông mênh mông”, và dáng mẹ “lom khom trên đồng”, dáng chú pháo thủ “canh trời nắng trong”. Rõ ràng, đó là dáng dấp của làng quê đang bận rộn sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Song hình ảnh đẹp nhất, làm nên trung tâm của “kẽo cà kẽo kẹt” là  em bé đang mơ giấc thần tiên của “Tóc bay phơ phất/ Vương vương nụ cười”.

Dậy em đánh vần, Khoa có Kể cho bé nghe: “Hay nói ầm ĩ là con vịt bầu/ Hay hỏi đâu đâu/ là con chó vện…”. Nó như một khúc đồng dao hiện đại vì cùng với vịt bầu, chó vện, nhện con… là dây điện, trâu sắt, máy bơm, những sản vật của nông thôn thời nay. Cùng chơi với em, Khoa có Đánh tam cúc. Sợ mèo buồn vì thua cuộc, Khoa thay em dỗ mèo “À thôi mày được! Bé Giang dỗ dành/ Mèo thè lưỡi đỏ/ Liếm vào răng nanh”. Lo cho em, Khoa có Dặn em đừng chơi xa để còn ra kịp hầm tránh máy bay, đừng ra ao cá kẻo trượt chân ngã nhào, rồi kết ở “Mẹ cha bận việc ngày đêm/ Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà”.

Khi mẹ vắng nhà, ngoài “chăn” em, Khoa làm tất cả những công việc của một đứa trẻ con nông thôn sớm biết nghĩ, như luộc khoai, giã gạo, thổi cơm, nhổ cỏ, quét sân ngõ. Bài thơ giản dị, chỉ có kể lể, liệt kê qua điệp ngữ “khi mẹ vắng nhà em…”, chẳng có một chút “tu từ” nào, ấy mà lại vẫn rất thơ, rất cảm động. Cảm động bởi nó thực, nó giản dị, nó có cái hiếu thảo của “Áo mẹ mưa bạc màu/ Đầu mẹ nắng cháy tóc/ Mẹ ngày đêm khó nhọc/ Con chưa ngoan chưa ngoan!”.  

Mẹ ốm là bài thơ điển hình cho tình mẫu tử thiêng liêng mà thằng con bé bỏng dành cho mẹ mình. Người con nào cũng yêu kính mẹ, nhưng chẳng phải đứa nào cũng cảm được“Nắng mưa lặn những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”, cũng thấy được “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Đứa con ấy còn làm tất cả những gì, miễn là mẹ vui như “Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca”, kể cả “…diễn kịch giữa nhà/ Một mình con đóng cả ba vai chèo”. Hai câu kết “Rồi ra đọc sách, cấy cày/ Mẹ là đất nước tháng ngày của con” mang tính khái quát ở tầm cao mà lại rất tự nhiên. Những bài thơ Khoa viết về bà, về bố, về anh chị, các chú bộ đội…cũng có những câu thơ cảm động, thấm thía.

Như vậy, không đâu xa, Khoa lấy toàn những cảnh, những sự, những việc diễn ra hàng ngày ở xung quanh làm thi liệu, thi ảnh cho thơ mình. Hơn nữa, những cảnh, những sự, những việc ấy còn được Khoa thể hiện bằng những cảm xúc rất hồn nhiên, giản dị, chân thực. Cái “thi pháp” tạm gọi là kể và tả, cảm và gợi, cùng với nhịp thơ năm chữ hoặc bốn chữ, được thể hiện điển hình ở các bài  Kể cho bé nghe, Em kể chuyện này, Kẽo kà kẽo kẹt mà em nhặt được ở sân nhà. Bút pháp này cũng được Khoa cấu tứ ở nhiều bài khác, như Cánh đồng làng điền trì, Thôn xóm vào mùa”, Cầu Cầm, Hà Nội…

Phát hiện cái khác thường trong cái bình thường, thậm chí là tầm thường cùng với lối kể có duyên, sự tả có hồn, nhất là ở sự “chốt” lại và “thăng hoa” ở những câu kết, kèm với nhạc điệu khúc xạ từ ca dao, đồng dao, đã làm nên nét độc đáo, tài hoa của thơ Khoa. Chúng chẳng những chứa đầy chất thơ, du dương chất nhạc, mà còn ăm ắp chất người. Chứ nếu yếu cảm xúc, non tay nghề, thì chẳng những việc kể sẽ nhàm, sự tả sẽ nhạt, mà những khát quát, nâng tầm cũng sẽ khó thuyết phục. Bẩm sinh đã đành, được rèn dỗ cũng có. Sau này, Khoa có lần phát biểu “Trong con mắt tôi, cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo cũng có niềm vui, nỗi buồn như những con người. Tình cảm ấy, tôi tiếp nhận được từ mẹ”.

Mục đồng chăn thơ trên đồng làng

Tôi cứ nghĩ, các cụm từ có chữ “đồng”, như “nhi đồng”, “mục đồng”, “thần đồng”, “cánh đồng” thì ít nhiều giữa chúng như có mối liên thông qua lại nào đó. Điều này ứng với trường hợp Trần Đăng Khoa. Chẳng biết nhà Khoa có nuôi trâu không, nhưng tôi thấy bé Khoa hao hao có cái dáng mục đồng thời nay, chứ không phải “Mục đồng là trẻ chăn trâu/ Ăn sống ăn xít vật nhau cả ngày” của ca dao xưa. Là con nhà lành, có học, có đọc sách nên “mục tử” họ Trần nhẹ cái phần nghịch ngợm, lăn lóc, mà nặng về nghĩ ngợi, lam làm. Dù rằng cái làm, cái chơi, cái nghịch ở tuổi lên mười vẫn còn như một quán tính.

Trong khi ra sông cùng lũ trẻ đánh dậm, Khoa thấy“Này chị Cua càng giơ tay chào biển lúa/ Này thằng Dói nhớ ai?/ Mà khóc mắt đỏ ngầu như lửa/ Này lão Trê nhảy võ ở đâu? Mà ngã bẹp đầu!”. Đi “chọc ếch” nghe tiếng ộp ộp Râm ran suốt cả trời chiều, Khoa cũng tiện mồm… hát theo một bài như một chú ếch cốm. Trong khi kéo xe chở phân ra ruộng, Khoa vẫn không quên reo lên “Ái chà, con cà cuống/ Bỏ ngay vào ống bơ!”.  Qua Trận địa bỏ không, Khoa thấy mình như con “Dế co càng đạp cỏ xanh/ Cất cao giọng gáy một mình ri ri”. Qua cầu Cầm, cây cầu có biết bao chuyện kể cả chuyện “một máy bay Mỹ rụng”, Khoa thấy “Uống nước hố bom sâu/ Nghé con vênh mặt cười”. Hố bom sâu hút, nham nhở như muốn kéo tụt con người ta xuống, nhưng tiếng cười cùng cái vênh mặt của “chú nghé tên Khoa”, nó cao hơn bom đạn, nó hóa giải cái chết. Nó là của quý trong đời, của hiếm trong thơ.

Như đã nói, góc sân, mảnh vườn, bờ ao, đã cho Khoa những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo mang dáng dấp thần đồng, song dù sao đó cũng là một không gian nhỏ hẹp, một khoảng trời giới hạn. Phải ra Cánh đồng vui reo/ Gió đồng rộng rãi thì Khoa mới có cái chững chạc, khoáng đạt của một thiếu niên bắt đầu từng trải gió nắng.

Cũng là lao động kiếm sống, song nay không phải là“Bác giun đào đất suốt ngày” mà là bác trâu và các bác thợ cày Tiếng trâu và tiếng người/ Vang ruộng dài lõm bõm”. Giọng thơ của Khoa cũng biến đổi, từ trong trẻo hồn nhiên sang nặng dần suy tư. Trong khi thấy“Con cò/ Trắng muốt/ Bay ra đón cơn mưa”, Khoa còn thấy“không ai biết/ Con cò/ Co ro/ Chịu rét trên cành cây”. Vẫn là gió, song không còn là“Cô gió chăn mây trên đồng” mà là bão “Bão đến ầm ầm/ Như đoàn tàu hỏa/ Bão đi thong thả/ Như con bò gầy…Mặt bão thế nào/ Suy ra cũng biết”. Mặt trời bây giờ không hồn nhiên chơi trò “đạp xe qua đỉnh núi” mà là ông trời của “mưa bạc màu”, “nắng cháy tóc”. Vẫn ao, song không còn cái tha thướt của “Chị tre chải tóc bên ao/ Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương” mà là “Bờ ao lở. Gốc cây bàng cũng nghiêng/ Quả bòng chết chẳng chịu chìm/ Ao con mà sóng nổi lên bạc đầu; “Rêu nằm mơ những sấm sét/ Rồi khô trên cọc cầu ao”.

Thơ Khoa còn có “con mắt trời” và “con mắt đất” bí hiểm. Con mắt trời rừng rực “Đêm đêm con mắt ấy/ Cháy bùng trên mặt ao”, con mắt đất hun hút“Đêm đêm con mắt ấy/ Nói điều chi với trời?”. Đấy là những ngôi sao, những chiếc giếng đã được Khoa nhân hóa, thế sự hóa. Nên biết rằng, nông thôn nước ta ở những năm tháng ấy, bên cạnh cái tốt đẹp, hào hùng, cũng đang tích tụ dần những mặt trái của hợp tác hóa kiểu cũ, để rồi vỡ ra Cái đêm hôm ấy đêm gì, như tên một bút ký gây chấn động văn đàn của nhà văn xứ Thanh, Phùng Gia Lộc ở thời cuối bao cấp, đầu Đổi Mới.

Ra đồng, như bao thành viên của làng, Khoa được tắm trong hương đồng gió nội, hòa nhập vào hơi thở của đất đai, mùa màng. Đó là cái hương sực nức hăng nồng của “Mùi bùn đang ngấu/ Mùi phân đang hoai”. Đi trong niềm vui gieo trồng, Khoa như thấy “Thịt da ta cũng/ Tỏa hương ruộng đồng” (Hương đồng). Trong bầu sương khói mờ mịt của đồng chiều vừa cày xong, thêm một lần Khoa cảm nhận “Đất trời cách một gang mây/ Và tôi cùng với luống cày tỏa hương” (Đồng chiều).

Tôi tin rằng, hình tượng bố em đi cày về đội cả trời mưa, sấm chớp, vụt hiện ở sân nhà, song nó đã manh nha từ khi Khoa ra đồng. Hình tượng mẹ em đi cấy giữa trưa tháng sáu Khoa cũng nhặt được ở ngoài đồng. Tôi đã nói về cái kỳ vĩ của bố em đi cày về, trong ba chữ “đội”, ở bài mưa, song phải nói thêm rằng, mấy câu viết về mẹ trong Hạt gạo làng ta cũng kỳ vĩ không kém, mà lại như có phần gần gũi, dân dã hơn. Bởi vì cái “đội” của bố em còn có phần khoa trương, thần thoại hóa, chứ cá cờ, và nhất là hình tượng “cua ngoi”, “mẹ xuống”, thì đích thị là của đồng quê Việt. Bài thơ mẹ ốm viết bên giường mẹ, song cái hồn vía của “nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”, Khoa cũng nhặt được trên cánh đồng làng.

Ra đồng, bạn gần gũi bây giờ là con trâu thay cho con Vàng thân thiết trong sân. Con trâu đen ở đầu tập thơ là con trâu của tập làm văn“Con trâu đen lông mượt/ Cái sừng nó vênh vênh/ Nó cao lớn lênh khênh/ Chân đi như đạp đất”. Con trâu“Ngửi mùi rơm mới/ Cái chân dậm liên hồi” cũng là một phát hiện tinh song vẫn là trâu ở sân kho hợp tác. Chỉ có “Tiếng trâu và tiếng người/ Vang ruộng dài lõm bõm” mới là con trâu thực sự đang lao động trên cánh đồng làng Điền Trì.

Con trâu, người bạn của nhà nông, cũng có lúc được Khoa thi vị hóa. Ấy là cảnh nhòe mờ trong sương sớm của“Trâu quên đôi sừng lấm đất/ Tưởng mình lững thững lên trăng”. Hay cảnh trâu thơ thới trong lúc nông nhàn“Làng quê lúa gặt xong rồi/ Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng/ Chiều lên lặng ngắt bầu không/ Trâu ai no cỏ thả rông bên trời”. Thời Thơ Mới, Đoàn Văn Cừ đã bất tử trâu bằng cái nhìn lãng mạn “Con trâu đen chúi mũi đứng bên đồng/ Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc”, thì thời nay Trần Đăng Khoa, như một nghệ nhân nhí của làng, cũng đóng đinh hình ảnh con trâu vào bức tranh quê “Em nhỏ cưỡi trâu về ngõ/ Tự mình làm nên bức tranh” (Khi mùa thu sang).

Mảnh sân cũng như cánh đồng - những “sân chơi” của các nhân vật trong thơ Khoa, như đều có “dương bản” và “âm bản”. Mảnh sân ban ngày là của ông mặt trời, của chó đâu đâu, gà cục cục, thì vào đêm là của hàng cau, cây chuối, con chim, con sâu đắm chìm trong ánh trăng. Cánh đồng lúc đang mùa, vào vụ, là cày bừa, gieo cấy, tiếng trâu, tiếng người, tiếng liềm hái, thì lúc vãn mùa là của mây hong trên gốc rạ, bạch đàn nỉ non soi bóng trên đầm, luống cày đang sủi tăm, đống hoang nằm thiêm thiếp.

Nếu trăng sáng sân nhà diễn tả tâm trạng một mình với trăng, rợn ngợp cùng trăng, tan chảy vào trăng, thì ở đồng quê Khoa cũng diễn tả cái tâm trạng một mình với cánh đồng, thả hồn vào cánh đồng, đắm mình vào cánh đồng chiều. Chỉ khi“Có con châu chấu phương nào/ Bâng khuâng nhớ lúa đậu vai em” thì thi nhân mới giật mình, bừng tỉnh khỏi tâm trạng phiêu diêu, kỳ thú. Dù cùng là cái nhìn hướng nội, chưng cất tâm hồn mình, song rõ ràng sân trăng nó siêu hơn đồng chiều vì lúc ấy bé Khoa ở tuổi lên 8, còn bây giờ đã là anh Khoa của 16 tuổi (= 2 X 8). 

Có thể nói rằng, nếu xâu chuỗi “bộ ba” hình tượng“Bố em đi cày về…”“Mẹ em xuống cấy” cùng con trâu đang “lõm bõm” trên đồng, thì vô tình bé Khoa đã diễn giải hóa, “Khoa hóa”, cái hồn cốt của câu ca dao xưa“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Khác chăng, là trên đồng làng bây giờ có tiếng máy cày lẫn với tiếng máy bay, tiếng bom đạn thời chiến. Tương tự, trong bài Hạt gạo làng ta, bé Khoa chẳng những diễn tả được cái nghĩa tình sâu nặng của câu ca dao“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, mà còn có tính thời sự nóng hổi của“Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt/ Thơm hào giao thông”.

Là người Việt, ai cũng đã từng trồng lúa, hoặc gần gũi những người trồng lúa, đã múc canh bằng muôi và cơm bằng đũa, nhưng hỏi đã mấy ai thấu hiểu và nhất là diễn ngôn được bằng thơ một cách giản dị mà sâu sắc những tinh chất Việt trong hạt gạo như chú bé Khoa ở tuổi chín mười? Cũng không nghi ngờ gì nữa, “bộ bốn” các bài Cánh đồng làng Điền Trì, Làng xóm vào mùa, Hương đồng, đặc biệt là Hạt gạo làng ta, đã đưa Khoa thành một trong những cây viết sống động nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất (tóm lại là hay nhất), về cánh đồng và hạt gạo một thời.

Hẳn có người sẽ cho rằng, thơ bé Khoa thời đó toàn đề cao cái hay cái tốt, ít thấy những góc tối, mặt khuất vốn có của làng quê. Song, nếu ai sống vào thời “cả nước lên đường”, “xẻ dọc Trường Sơn” thì họ sẽ không lạ. Trước vận mệnh còn mất của dân tộc, vì nghĩa lớn, nên từ tiền tuyết đến hậu phương, con người ta đã tự “lớn” dậy, “tốt” lên không ngờ. Nó hào hùng đến độ mà Tố Hữu phải ngạc nhiên:Đời rạng rỡ, mỗi con người tự sáng”; Chế Lan Viên phải ngây ngất: “Ôi! Ta là ta mà lại cứ mê ta”; Chính Hữu thì hồ hởi:“Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội/ Của những người đi, vô tận, hôm nay”; Phạm Tiến Duật thì náo nức“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Còn có thể dẫn ra nhiều nhiều những câu thơ mang vẻ đẹp lãng mạn cách mạng như thế. chứng nhân của một thời, lài là người trong cuộc, Trần Đăng Khoa cũng đã từng phát biểu đại ý là “mang dấu ấn của một thời, những câu thơ ấy đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó”.

Nhìn chung, cánh đồng và người nông dân trong thơ Khoa có “ngọt bùi đắng cay”, song không quá lam lũ, cơ cực. Đó là cánh đồng hợp tác xã thời chống chiến tranh phá hoại, nằm trong quỹ đạo của đồng bằng Bắc Bộ được bồi đắp bởi phù sa của hệ thống sông Thái Bình, sông Kinh Thầy. Nó là tiền thân của cánh đồng thời “Khoán Mười” sau này, và cánh đồng “Mẫu Lớn” sau này.

Hiện nay, hình bóng con trâu, người thợ cày, thợ cấy gần như nhạt bóng trên đồng và vắng bóng trong thơ. Nên vui hay nên buồn? Vui vì “Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu thay người”. Phải sau 60 năm câu thơ của nhà thơ lãng mạn cách mạng Tố Hữu mới đang dần thành hiện thực. Hạt gạo, hạt vàng, hạt ngọc của làng ta, bản ta, phum sóc ta, đã và đang có mặt trên các kệ hàng khắp từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ. Tâm thế của người nông dân Việt nay đã khác nhiều với thời “cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy” của Trần Đăng Khoa, càng khác xa với thời của “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” trong cái tâm trạng thấp thỏm của “trông trời, trông đất, trông mây” trong ca dao xưa.  

Khác vậy, song ngẫm ra lòng như lại thấy nao nao buồn vì những hình ảnh làng quê Việt ngàn đời, cái làm nên sức sống Việt, lưu giữ tâm hồn Việt, cứ ngày một mất dần. Thậm chí, hiện nay có nơi người ta đã quên gieo trồng, cấy gặt, ruộng đồng bỏ không lâu ngày cỏ dại mọc đầy. Con quái vật đô thị hóa với lòng tham không cùng đang hút vào cái dạ dày không đáy của nó mọi hay dở, vui buồn của kiếp người nông dân xứ ta thời nay. Muốn hay không, đô thị hóa, công nghiệp hóa, số hóa vẫn diễn ra theo quy luật của nó. Dù vậy, thơ Trần Đăng Khoa cùng với thơ của các nhà thơ thuộc “trường thơ Quê” vẫn có ý nghĩa như một bảo tàng lưu giữ ký ức đồng quê. Mỗi khi mệt mỏi, chóng mặt giữa vòng xoay cuộc đời, vòng xoáy đô thị, người ta lại tìm đọc lại họ, như một kiểu về nguồn để thanh lọc tâm thân, với tinh thần ý thơ “mượn” của cụ Tố Hữu “gần đất lòng ta trong sáng hơn”.

Thử lý giải thêm về thần đồng

Nói lý giải “thêm”, vì không ít các nhà nghiên cứu, cùng các bậc thức giả đã dụng công đi tìm sự giải thích, cắt nghĩa theo những cách khác nhau, mà cách nào xem ra cũng có lý, rằng cái gọi  “thần đồng” của Khoa đến từ đâu, do đâu mà có?

Người thì cho rằng Khoa được trời phú cho cái năng lực đặc biệt về nghe, nhìn, cảm, lại biết vận dụng phép “nhân hóa”, “lạ hóa” trong đồng dao, ca dao, cổ tích, thần thoại. Tổng hợp lại, nhân lên, cộng hưởng thành… thần đồng.  Có người giải thích sự cảm nhận thế giới của Khoa bằng cái nhìn “vật ngã đồng nhất" (mọi vật với ta như một), hay “vật ngã nhất như” (sự vật và mình là một) của Lão-Trang. Cái nhìn này cho người ta bầu bạn với hết thảy vạn vật xung quanh, có thể nghe được mọi âm thanh của cây cỏ, trò chuyện được với muôn loài, giao cảm hòa đồng với thiên nhiên.  

Lại có người lý giải bằng cái nhìn tâm linh qua câu chuyện chết đi sống lại đầy chất “bí sử” của chú bé Khoa. Tình tiết thì ly kỳ song tóm lại thì, lên một tuổi Khoa đã bị nhiễm bệnh tả do có dịch xảy ra ở địa phương hồi 1958-1959. Bé Khoa ngừng thở, đã bó chiếu chờ “đến giờ Dậu thì đem ra đồng”, thì bỗng nhiên sống lại một cách thần kỳ sau một mũi thuốc tiêm, một đốt ngón tay củ gì (có lẽ là sâm) cùng những lời cầu khấn. Ngay lúc đó đã có người cười bảo: “Thằng cu này chết đi sống lại thế này là người nhà giời đấy. Sau này nó ắt hơn người”. Sau khi Khoa nổi tiếng, một vị cao tăng đã lý giải thần đồng bằng thuyết “đột biến”: “Việc chết đi sống lại cũng có thể là một cơ duyên để anh tiếp nhận những năng lượng đặc biệt từ vũ trụ để tạo nên một thần đồng thơ lừng lẫy sau này”.

Người viết còn muốn góp thêm một cách diễn giải nữa theo văn hóa Phật giáo, rất gần với cái nhìn Lão-Trang. Theo đó, thì “thần đồng” gần với “thần thông”. Hiểu nôm na thì “thần” là “thần kỳ” và “thông” là “thông đạt, thông hiểu”. Đó là khả năng siêu phàm của người tu luyện (chủ yếu là do công phu thiền định) mà có. Đến cảnh giới đó, tâm con người trở lên tĩnh tại và trong suốt, hòa đồng với tự nhiên với vũ trụ và sẽ đạt được “lục thông”, ứng với Như Lai, đắc chính quả Phật. “Tam thông” ở mức thấp và phổ biến hơn, gồm “thiên nhãn thông”, “thiên nhĩ thông”, “tha tâm thông”. Theo đó, khi đạt được cảnh giới “tam thông”, thì người ấy có thể nhìn thấy mọi vạn vật ở mọi nơi, mọi cõi, có thể nghe được mọi âm thanh của mọi loài, có thể “đọc” được suy nghĩ của vạn vật.

Con người ta bẩm sinh có những năng lực thần thông, nhưng do vật lộn, lặn ngụp giữa cuộc đời phồn tạp, nhiễm tham, sân, si, mạn, nghi (ngũ độc), nên dần dần những thần thông bị “cái tôi” bản ngã to đùng che khuất đi (vô minh). Tu luyện đúng bài bản thì thân tâm sẽ tự khai mở và thần thông sẽ triển hiện. Các cụm từ đi liền với chữ “thơ”, như “trẻ thơ”, “thơ ấu”, “thơ ngây”, “thơ thẩn” đã bao hàm trong nó cái chất thơ bẩm sinh. Thần thoại, cổ tích, đồng thoại, và ngay cả hai trường ca IliadOdyssey của Homer ở xứ Hy Lạp cổ đại, cũng ra đời ở thời ấu thơ của nhân loại, khi con người còn ở chung với thần thánh, nói “những lời có cánh”, nhân danh thần thánh mà nghĩ suy và hành động.

Những đứa trẻ anh nhi, vốn tâm trong, ý sáng (chân tâm) bẩm sinh đã có khả năng thần thông. Trần Đăng Khoa thời “hậu nhi đồng, tiền thiếu niên” cũng ít nhiều có khả năng ấy. Khoa không phải là kỳ nhân, cũng không là siêu nhân. Khoa là thần đồng vì hơn các trẻ em khác cùng lứa tuổi ở bộ nghe, nhìn, cảm của em nhậy hơn và nhất là cái khả năng mở miệng thành thơ, hay “diễn ngôn” thơ, như cách nói bây giờ. Ngoài thứ năng lực bẩm sinh, Khoa còn tiếp thu tình cảm, vốn sống từ lời ru của mẹ, từ chuyện kể của bà, từ kiến thức tổng hợp ở cái tủ sách bé tí mà anh Minh (sau này là nhà thơ tên tuổi Trần Nhuận Minh), một thầy giáo làng, dành cho em mình.

Và, điều quan trọng là không thiếu được lao động thi ca: “lao động, lao động và lao động”, đó là yêu cầu của người thầy lớn Xuân Diệu rỉ vào tai đệ tử nhí của mình. Nghe lời thầy“Tôi đã lao động miệt mài, lao động không mệt mỏi như thế từ bé”, Khoa hồi tưởng lại. Nhà thơ Lê Đạt, người từng nhận mình là “phu chữ”, đã từng bày tỏ Tôi không mê những nhà thơ thần đồng. Tôi ưa những nhà thơ một nắng hai sương, lầm lũi, lực điền trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ". Quan niệm của này của Lê Đạt có hơi cực đoan song cũng không hề mâu thuẫn khi soi vào trường hợp Trần Đăng Khoa. Có điều lao động thơ của Khoa không để lại dấu vết của một “phu chữ”, nằm ở sự kỳ khu đẽo gọt, hay tỉ mẩn bẻ từ, cấy chữ, mà ở việc chọn con chữ sao cho đúng và trúng, nghĩa là đắc địa. Những chữ “đội” trong “đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa” khi nói về bố, hay từ “ngoi” trong “Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy” khi nói về mẹ, là hai ví dụ nhỏ về sự đắc địa của câu chữ, nên cũng “đắc nhân tâm” vậy.

Lại nữa, cũng chính thần đồng đã từng công khai rằng, hồi đó mình đã viết một số câu, số bài mà bây giờ nhớ lại thấy rất dớ dẩn, thậm chí buồn cười. Vậy nên cứ mỗi lần tái bản tác phẩm, tác giả của nó vẫn chi chút căn chỉnh để “góc sân” được vuông vức hơn, và “khoảng trời” được tròn trặn hơn, cũng như “Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa” sau này toàn bích hơn. Ở mấy lời đầu sách viết cho “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca” nhà thơ còn trần tình rằng: “Bi kịch của đời tôi là tôi đã cầm bút từ lúc có 8 tuổi và từ đó, không biết vì cái gì và tại sao, tôi đã buộc phải giã từ thời trẻ con”. Như vậy, hóa ra để được đời gọi là “thần đồng” đâu có dễ. Trời hào phóng, song trời cũng ky bo, kiết cú lắm, có cho không ai cái gì bao giờ!

Cái năng lực đặc biệt của Khoa thể hiện rõ nhất ở các bài Mưa, Đám ma bác giun, trăng sáng sân nhà em… như đã nói trên. Với bé Khoa thuở ấy, thì bất kỳ ai, thứ gì cũng có thể cất lên “tiếng nói” : À uôm, ếch nói ao chuôm/ Rào rào, gió nó cái vườn rộng rênh/ Âu âu, chó nói đêm thanh/ Tẻ... te... gà nói sáng banh ra rồi/  Vi vu, gió nói mây trôi/ Thào thào, trời nói xa vời mặt trăng”. Con đường vẫn đi hằng ngày cũng có lần lên tiếng: “Đường rằng tao nhớ lắm thay/ Khoa ơi thầy giáo của mày đã xa”. Không chỉ thấy“Chim ngoài cửa sổ/ Mổ tiếng võng kêu”, mà đôi khi bé Khoa còn nghe được “Một tiếng gì lạ lắm/ Xôn xao cả đất trời”. Đáng lưu ý là, khi bộ ba “nhìn”, “nghe”, “cảm” kết hợp với nhau, mờ chồng lên nhau, thì thơ Khoa trên cả tuyệt vời. Đó là cái nghe không phải bằng tai, cái nhìn không phải bằng mắt mà bằng trái tim, tức là bằng “tâm”: tâm cảm, thấu cảm.

Cái sân thì ở làng quê nhà nào chả có, có cái còn “bắt mắt” hơn sân nhà Khoa, nhưng chỉ có tác giả Trăng sáng sân nhà em là thấy“Hàng cây cau lặng đứng/ Hàng cây chuối đứng im/ Con chim quên không kêu/ Con sâu quên không kêu/ Chỉ có trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em”. Thực ra thì cây cau, cây chuối vẫn đang “nói” thứ ngôn ngữ tự nhiên của chúng, nghĩa là vẫn phe phẩy, đẩy đưa cái tàu, cái lá của mình, con chim, con sâu vẫn kêu cái ngôn ngữ nghìn đời của tổ tiên chúng. Chủ thể “quên” ở đây là bé Khoa. Như một thiền giả khi đã nhập tĩnh, bé Khoa lúc đó đã bỏ quên “cái tôi” trẻ con bên trong mình và cả cảnh vật bên ngoài, để hòa vào với cái ta, tức là đại ngã của thiên nhiên, vũ trụ. Ấy là người viết nghĩ thế, chứ Khoa ở tuổi ấy chỉ hồn nhiên dãi bày lòng mình với gió, tỏ tình với trăng, chứ đã biết cái “tôi”, cái “ta” là gì!

Vườn, cũng như sân, nhà nào chả có nhưng chỉ Khoa thấy “Lá xanh vẫy gió như là gọi chim” vào ban ngày, “Lá xanh lấp ló như là gọi trăng” vào ban đêm. Rồi nữa, “Nghe hàng chuối vườn em/ Gió trở mình trăn trở/ Chuột chạy giàn bí đỏ/ Loang vỡ ánh trăng vàng” (Nửa đêm tỉnh giấc). Vườn đã thế, ao cũng vậy. Bao đứa trẻ đã buông câu bên bờ ao song chỉ Khoa “đọc” được tính cách của từng con cá, đó là lão cá ngão “Cái mồm to hơn mình/ Mắt đỏ vằn gian giảo”; là cụ cá rô “Đầu đen sạm lầm lì/ Thường nháy phao đột ngột/ Rồi lừ lừ lôi đi”; là cô cá diếc thơ ngây “Hay vơ vẩn rong chơi/ Nhung nhăng khoe áo trắng/ Và nhẩn nha rỉa mồi” (Câu cá).

Rõ ràng là, cái nhìn hòa đồng, thấu cảm, đã cho Khoa những câu thơ thần đồng. Trong văn học xứ ta, ngoài việc hai người có công làm bất tử con trâu như đã nói trên, thì còn có hai người vô tình đã có công làm bất tử con chó, là Nam Cao và Trần Đăng Khoa. “Cậu Vàng” của Lão Hạc, và “bạn Vàng” của bé Khoa - một lão già nông dân đơn cô, và một cậu bé quê lên chín. Về già hóa trẻ con, lão Hạc nhấu nhí, trò chuyện với “cậu Vàng” cũng như bé Khoa bắt tay âu yếm “bạn Vàng” của mình, mỗi khi đi học về. Chỉ có những người sống ở làng, tâm hồn gần với đất đai cây cỏ, thì những con vật nuôi mới được họ nâng niu, trừu mến, trọng vọng như vậy.

Dù gì, sớm hay muộn con người vẫn phải tuân theo quy luật sinh học bất biến, là lớn lên và trưởng thành. Vào tuổi lên mười (1968) Khoa thấy năm nay em lớn lên rồi. Giữa Khoa và cảnh vật thiên nhiên đã bắt đầu có sự giãn cách “Nhìn trời, trời bớt xa xăm/ Nhìn sao, sao cách ngang tầm cánh tay/ Núi xa lúp xúp chân mây/ Bờ sông khép lại (hay gần lại?), hàng cây khép dần” Bước vào tuổi mười bảy (1975), Khoa lên đường nhập ngũ, mở ra trang đời mới: “Em chẳng còn bé bỏng như xưa/ Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật/ Những trang giấy cứ cồn lên trước mặt/ Đường hành quân dẫn đến mọi chân trời”.

Khi Khoa xuất ngoại, ngồi bên cửa sổ máy bay nhìn xuống mặt đất và tưởng tượng cảnh mẹ đang đứng bên dậu cúc tần nhìn lên “thằng con trai của mẹ/ Đang lượn bay trên cao thẳm bầu trời” “con lại cười vang như sóng dưới bầu trời”. Tiếng cười của anh Khoa bên cửa sổ máy bay bây giờ thật sảng khoái và sung mãn, khác hẳn với cái cười của nghé Khoa vênh mặt bên hố bom “cầu Cầm” ngày nào.

Sau Ò ó o thì trong thơ Khoa tiếng gà còn một lần nữa vang lên“Đêm dần khuya cao cao vòi vọi/ Bỗng vút lên/ Chót vót/ Tiếng gà/ Trẻ như thời trời đất mới sinh ra...”. Đây là tiếng gà của cô Bưởi, người du kích anh hùng bên sông Kinh Thầy“Cô Bưởi lắng nghe tiếng gà rừng rực/ Thấy sức triệu người hồi sinh trong lồng ngực/ Và cô đi/ Bên đám cháy/ Chưa tàn”. Tiếng gà vút lên trong cái đêm đen tối của làng quê thời thực dân mất nước cũng sống động, lay động lòng người, song không làm giật mình người ta nữa. Bé Khoa đã vỡ giọng thành anh Khoa. Chú gà trống choai đầy hăm hở, tự tin đang gồng mình lấy hơi để gáy những hồi dài trong trường ca gồm rất nhiều “khúc”, có cái tên chung khá hoành tráng là “Khúc hát người anh hùng”.

Lý tính dần đã thay cho trực giác. Cái khôn, cái khéo đã thay cho cái hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Cái “tôi - tiểu vũ trụ” của Khoa ngày một lớn lên và đòi quyền được khẳng định mình trong cái “ta - đại vũ trụ”. Cái “tôi trữ tình” trong thơ Khoa cần phải được mở rộng biên độ, đào sâu suy tư. Cái nhìn “vật ngã đồng nhất”, những phép “thần thông” đã dần bỏ Khoa mà đi cùng với tiếng cây, tiếng cỏ, tiếng gió, tiếng chim của làng quê, tiếng trăng sao huyền bí của vũ trụ. Khoa cũng sớm nhận ra điều ấy, anh đã như tự thú trong bài “Bến đò”:

Mất một nỗi gì không thể tìm lại được
Ta đi, lòng vẫn ở nơi đây
Ai cũng chỉ có một lần
Cái thuở thơ ngây...

Vâng, ai cũng có một lần cái thuở thơ ngây, song chỉ Trần Đăng Khoa là có một thuở thần đồng! Cái thuở thần đồng “giời cho”, “giời mượn” ấy đủ để tác giả Góc sân và khoảng trời lấy làm vốn liếng, đào bới, chưng cất, ăn theo suốt cả đời mình, mà không có ai đặt điều so bì, ghen tỵ.

            Ấn tượng Trần Đăng Khoa

Tôi gặp Trần Đăng Khoa vào giữa năm 1990, khi anh đang học năm thứ hai ở Viện văn học mang tên M.Gorky ở Moskva. Còn tôi vừa xuống sân bay Sheremetyevo đang trên đường về Đại học Tổng hợp Kiev (CH Ukraina), ghé qua. Lúc ấy còn là Liên-Xô, về các nước cộng hòa thì mặc định phải qua Moskva. Không khí buổi gặp Khoa cùng với các học viên Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thủy, Vũ Xuân Hương, Thùy Linh, Nguyễn Thu Thủy…ở lớp dự bị tiếng Nga ở Trường MГУ nổi tiếng, mà tôi đã có dịp nhắc tới ở bài viết “Nguyễn Đình Chiến - Một con nghiện vô phương cứu chữa”.

Khi ấy Trần Đăng Khoa còn là chàng độc thân ở tuổi “cuối hăm đầu băm”, và cũng là “đầu hâm”, đang cặp kè bạn gái. Bóng dáng “thần đồng” chỉ còn phảng phất ở cái thông minh hóm hỉnh, kiểu chú Tễu của rối nước ao làng. Nhìn chung, đó không phải là sự thông minh lịch lãm của sách vở, dù Khoa đọc nhiều, mà là cái lém lnh, tếu táo, kiểu “nói trạng” xưa. Thì ra thần đồng cũng như mình, mang dáng vẻ của một trai làng có chữ nghĩa. Mình xấu trai, song “con giời” xem ra cũng không đẹp hơn. Mình đã nông dân nhưng hắn như cũng nông dân không kém. Mình đã muộn vợ, thì hắn cũng còn đang săn tìm cái nửa kia. Có thua là thua về cái gọi là “thần đồng thơ”, là “con giời”!

Trần Đăng Khoa là người thực tài, chân tài, chứ không phải là kẻ tài hoa, tài tử. Ngoài thứ anh hoa phát tiết ra tay (khi cầm bút viết thơ, viết văn) và ra mồm (khi đăng đàn giao lưu) thì hình như trời chẳng ban cho Khoa chút hoa tay, tài lẻ, tài vặt nào (hay trời có ban mà Khoa lý tài, không thèm triển hiện ra thì cũng không rõ). Không vẽ vời, không nhạc nhiếc, không bay bướm, điệu đà, cũng không rượu chè, giai gái tùm lum. Toát ra từ con người Khoa là sự giản dị, dân dã, từ ăn mặc đến ăn uống và cả ăn nói.

Mặc với Khoa thời ấy bốn mùa thường là bộ đồ quân đội màu cỏ úa, mũ lưỡi trai. Thứ thức ăn ưa thích của Khoa là cá kho với rau muống luộc chấm tương. Lòng lợn chấm mắm tôm, ở cái thời khốn khó hình như cũng là món khoái khẩu của Khoa. Tôi biết thế vì cả hai lần Khoa cùng bạn gái xuống Kiev chơi, thì đều được bọn đàn em ở đấy thết món dạ dày lợn chấm chanh mắm, mang sang từ Việt Nam. Vừa ăn Khoa vừa lắc lỏm: “Các ông ở U (Ukraina) sướng thật, chỉ vài rúp mà ăn dạ dầy lợn thoải mái”. Ăn nói thì Khoa cứ thủng thẳng, khụng khiệng, nhưng đố ai bắt chước được kiểu khụng khiệng như vậy. Khoa có bộ thần kinh vững. Vừa nằm xuống mấy phút là đã có thể ngáy khò khò. Người thế, nhìn chung là sướng. Chả bù cho hắn, là người dễ nuôi, nhưng khó ngủ.

Tuy không có máu đàn đúm trà rượu nhưng Khoa cũng t mẩn, chẳng hạn như thích sưu tầm các thứ máy ghi hình, thu âm, hay chơi trò bói toán. Dưới mắt “Tây”, người như Khoa, cả bộ dạng lẫn tướng tinh, như ẩn chứa một cái gì rất bí hiểm của kiểu người Á-đông. Bày trò bói toán chẳng để làm gì, chỉ để được cầm tay những nữ sinh Nga mới dậy thì mà đã phổng phao như người lớn, rồi phán mấy lời huyền bí về “đường tình”. Về thơ tình, người tình, Khoa có thể nhường S.Esenin, chứ cái khoản bói tay này thì Khoa hơn đứt “con họa mi của nước Nga”. Không phải là con gái làng Konstantinovo, tỉnh Ryazan, quê hương Esenin, song các em mắt xanh, tóc vàng mặt cũng đỏ lựng lên, rồi cười ngặt ngẽo. Khoa có lần kể với tôi thế.

Sang Tây, Khoa có những “Qua Bôrôdinô”, “Qua Xuzđan” “Uống rượu với người bạn Nga”, “Đến Vác-na nhớ Na-dim Hít-mét”, “Pa-blô Nê-ru-đa”,“Mátxcơva - Mùa đông năm 1990”Những bài thơ ấy đều chứa đựng ý tưởng, đều gói ghém thông điệp, chúng không “lép” so với mặt bằng thơ nói chung. Dù vậy, tôi chỉ thấy Chiều Riazan (với lời đề từ “nhớ Xecgây Esenhin”) là có hồn vía, hồn Nga pha lẫn hồn Việt, trong nhịp thơ năm chữ quen thuộc: “…Thấp thoáng căn nhà gỗ/ Nương hồn nước Nga xưa/ Dòng sông trôi mộng mị/ Chết đuối trong sương mờ...”. Hai câu kết “Lẽ nào Xéc gây còn/ Mà nước Nga lại chết”  nghe hơi “sái”, song vẫn chấp nhận được trong bối cảnh tao loạn, ôi ác của thời nước Nga “hậu Xô-viết”.

Nhớ cái lần cùng ngồi với nhau ở bên xứ Bạch Dương cách nay đã nhiều chục năm, Khoa có để ngỏ tâm sự: “Thơ mình có nhiều nét tương đồng với thơ S.Esenhin”. Tôi biết Khoa yêu quý, say mê đến sùng bái Esenin - “nhà thơ Nga nhất trong số các nhà thơ Nga”. Thơ ông được Du-ma Nga xem “là Kinh Thánh của tâm hồn Nga”. Căn hộ của anh thời ở “phố nhà binh” Lý Nam Đế có treo bức thảm chân dung khá lớn của nhà thơ này, ngay ở phía trên lối cửa vào. Chẳng biết anh mua hay do ai tặng. Tuy nhiên, tôi chỉ  thấy Khoa có nét tương đồng với nhà thơ Nga ở những sáng tác đầu đời. Vào thời ấy, họ đều lấy cánh đồng, mẹ, em, hay con chó, con trâu, con bò, cây bạch dương, cây lúa, tóm lại là đồng quê, người quê, làm cảm hứng cho thơ mình. Xa rời những cái “hương hỏa” ấy, thơ của cả hai đều như kẻ “chân không đến đất, cật không đến trời”, thiếu dần sinh khí.

Thiết tưởng, với hai nhà thơ, một Nga, một Việt, này thì cái sân, mảnh vườn và cánh đồng, nghĩa là cái không gian làng quê, có ý nghĩa như Mẹ Đất với thần Ăng-tê trong thần thoại Hy Lạp. Chàng lực sĩ Ăng-tê chỉ là vị thần vô địch, nếu chân chạm vào đất, nhận sức mạnh từ đất mẹ Gai-a. Khi bị nhấc ra khỏi mặt đất thì chàng sẽ “bất đắc kỳ tử”. Esenhin đã tự treo cổ mình, ngẫm cho cùng thì nguyên nhân chính yếu là do quẳng thân vào giang hồ, ông đã lâm vào bế tắc cả trong tình trường lẫn trong văn trường. Là “thần đồng”, Khoa không “bất đắc kỳ tử” song xa quê hương, ruộng đồng, cây cỏ, giun dế, cua cáy, thì “cái hồn” trong thơ Khoa xem ra có vợi đi. Thêm nữa, Esenin, cái người tuyên bố “Nếu không là nhà thơ/ Tôi sẽ là kẻ cướp”, đã kết thúc đời mình ở tuổi 30 bằng một chiếc cà-vạt cùng với những dòng tuyệt thếTrên đời này, chết là điều chẳng mới/ Nhưng sống, thật tình, cũng chẳng mới gì hơn”, nó cực dữ dội và quyết liệt, cả trong thơ và trong đời. Đời Khoa cả trong chính trường, tình trường cũng như văn trường, nhìn chung, không mấy thăng trầm, mà nếu có thì “thăng” vẫn là chính.

Họ Trần tự lên lão rất sớm, trước cả khi có Blog “Lão Khoa” đình đám. Lên lão sớm song Khoa lại trẻ lâu. Ở tuổi “nhi nhĩ thuận” mà mặt mũi Lão vẫn nhẵn nhụi, tóc vẫn ít muối nhiều tiêu, răng lợi vẫn chửa cãi nhau. Lâu lâu gặp lại, khó nhận ra vết thời gian cày xới trên khuôn mặt, nửa Phật nửa Tễu của Lão. “Thím” hay “các thím” là cụm từ Khoa thường dành cho chị em. “Thím dạo này sao trông nuột thế!”, “các thím làm cho không chỉ đám trai trẻ mà người như Lão đây cũng phải… đi khom”. Đại loại vậy. Thời Khoa chưa vợ, đi đăng đàn, Khoa hay bị hỏi xoáy, hỏi móc về chuyện tình, vì họ cứ tưởng Khoa bí, Khoa “ái”. Nào ngờ Khoa đã không bí, mà còn chủ động tán chuyện tình ái, khiến “đối tác” phải kiềng nể, còn đại chúng thì thích thú rỉ thầm vào tai nhau “đúng là Khoa “cuội”, “kẻ vạch giời rơi xuống!”.

Khoa muộn vợ. Tôi đã muộn, hắn còn muộn hơn. Đã lên “lão” rất lâu Khoa mới cưới vợ, nên vợ đã xinh lại trẻ, còn đảm đang nữa. Hôm cưới hắn không thèm mời tôi. Gặp Khoa tôi trách: “Ông khinh tôi quá. Làm việc đại sự mà không mời lão đây”. Khoa cười cười: “Chuyện vợ con tôi với ông cùng cảnh muộn cả, còn lạ gì nữa. Cho nó xong một việc. Tôi chỉ mời những ai không thể không mời”. Thì ra là vậy! Cho “xong một việc” dù là việc lớn, như người ta bảo. Điều này thì tôi cùng phe và hoàn toàn nhất trí với Lão.

Khoa hay hẹn hay hứa, xong lại quên ngay. Có lẽ biệt danh Trần Đăng “Hứa”, Khoa “Cuội” khởi nguồn từ những cái đại loại như thế. Không coi trọng tiền bạc song là người thực tế, ở thời buổi khó khăn của nước Nga, Khoa đã từng có dạo xách ca-táp theo người ta đi săn thuốc Tây gửi về quê bán kiếm lời, song rồi anh cũng sớm bỏ. Sau này, khi đã “vợ bìu con ríu” căn hộ trở nên chật chội, Khoa săng sái đi tìm thăm mua nhà riêng, và cũng mặc cả, trả giá như ai. Dù là trước đó, tôi có nhắc đến chuyện nhà cửa là Lão gạt phắt đi, giọng rất phũ: “Sau khi chết, Lão đây không có trách nhiệm gì với cái đống bầy nhầy của mình để lại” (!). Chẳng những thế, Lão nắm bắt thời cơ chuyển đổi sang nơi ở mới cho nó “hoành tráng” hơn, rồi còn sắm cả “bốn bánh” nữa. Ngồi ôm bụng “bầu” trong xe, nhường vợ cầm tay lái lụa, dáng dấp Lão chẳng khác nào một bá tước Nga mới lên đời, thời hậu Xô-Viết.

Với Khoa, “thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” “suốt đời, y luôn có ý thức vươn tới loại thơ đó”. Chẳng biết Khoa có đọc Lục Du không, song rõ ràng anh đã thấm cái quan niệm “Công phu thâm xứ thi bình dị” (Thơ hay nhất là thơ bình dị) của nhà thơ lớn thời Nam Tống. Khen thơ Khoa hay ở sự giản dị không có nghĩa là chê thơ cầu kỳ. Thiết tưởng, cái hay của thơ không phải tại cầu kỳ, hay giản dị, mới hay cũ, mà ở chỗ nó có chuyển tại được một “lượng tâm hồn” nào đến bạn đọc không”? Có chia sẻ với ai đó khi họ vui và nhất là có vỗ về, an ủi khi họ mất mát, đau khổ không? Ở đây chỉ muốn nói rằng Trần Đăng Khoa viết về những cái bình thường, thậm chí là tầm thường mà vẫn thơ, vẫn hay. Thế  mới khó, mới tài.

Nhìn chung, thơ Khoa cũng “mộc” như con người Khoa, không vặn vẹo câu chữ, son phấn điệu đà. Nếu phân giới tính thì thơ Khoa thuộc loại “trung tính”, chẳng đậm tính nữ cũng chẳng rõ tính nam. Đọc nhiều, giao tiếp rộng, thụ học với toàn những “cao nhân” bên trời Tây, vậy mà trong văn xuôi của Khoa tôi không thấy anh trích dẫn ông “ốp” ông “ép”, bà “ôi” bà “êy” là cái mốt, và cũng là cái cần, của những người có tem mác. Đọc văn phê bình, chân dung của Khoa không có cái “sướng” được ngợp mình trong biển kiến thức hàn lâm của một học giả, mà là cái “thú” bắt gặp một cây bút thông minh, tưng tửng, có khả năng phát hiện những cái khác thường trong những cái bình thường, cùng một giọng văn trần mộc, hóm hỉnh, thậm chí “hơi ác” (lời giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh - một người cũng thường có những nhận xét “ác” như thế).

Trong đời thường Khoa có “cuội” nhưng lại khá trung thực trong viết lách, cẩn trọng trong câu chữ. Khoa đã tự nhận mình là “nhà thơ khoác áo lính”,   đã có lần tự bạch “Thuở bé, y từng ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp và suốt đời làm thơ về làng quê, cảnh quê, những vui buồn của người dân quê ở nơi xóm mạc..”. Về cái việc viết, Khoa có lần tâm sự trên báo: “Tôi chỉ có thể viết được cái gì tôi đã thực sự thấy bằng mắt, chỉ rung cảm về cái gì thực sự tôi đã trải trong tâm trí mình. Có thể tìm thấy trong thơ tôi những sự việc hoàn toàn có thực của bản thân tôi, gia đình tôi, làng quê tôi... Tôi thực sự biết ơn cái làng quê nhỏ bé của mình đã nuôi dưỡng tôi như vậy”.

Trong lĩnh vực văn chương, tôi thấy nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhiều nét tương đồng với nhà văn Lê Lựu, vì cả trong đời và trong văn hai người đều đậm chất nông dân pha trộn chất lính tráng. Khoa có lần tâm sự trên báo: “Tôi chỉ có thể viết được cái gì tôi đã thực sự thấy bằng mắt, chỉ rung cảm về cái gì thực sự tôi đã trải trong tâm trí mình. Có thể tìm thấy trong thơ tôi những sự việc hoàn toàn có thực của bản thân tôi, gia đình tôi, làng quê tôi... Tôi thực sự biết ơn cái làng quê nhỏ bé của mình đã nuôi dưỡng tôi như vậy”. Cha đẻ “Giang Minh Sài” đã có lần tự bạch, một thứ tự bạch rốt ráo đến nỗi khiến người ta nghi ngờ cái sự nói thật, viết thật của ông: “Tôi là người ít học, ít đọc, vì lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện, “có gì viết nấy”.

Hai “lão thợ cày”, một thơ, một văn xuôi - một tròn trịa nhẵn nhụi, một lởm chởm râu ria, là đồng hương Hải Hưng một thời này mà cặp đôi với nhau trong những buổi giao lưu, nhất là về chủ đề đi Mỹ vào thời đầu đổi mới, hội nhập, thì chỉ có là “bố đời”, “mẹ thiên hạ”. Nếu mục kích cảnh họ “diễn”, và “xướng” thấy còn ly kỳ, lôi cuốn hơn cả chuyện thiên hạ đệ nhất Trạng An-Nam đi sứ nước Tàu xưa. Cái “tài” của họ là biến những chuyện nghiêm chỉnh, tầm cỡ quốc gia, thậm chí quốc tế, trở thành tầm phào, và ngược lại. Tưởng như vô bổ, mà lại được việc. Những người như thế thường không xuất hiện ở chốn trường ốc, theo kiểu khoa cử, hay được tổ chức cơ cấu, mà như sen súng, nhô lên từ bùn đất lam lũ ở chốn làng quê Việt, theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Nếu tổ chức dụng công nuôi trồng, cơ cấu, có khi lại thành ra phản tác dụng.

Sau này, Khoa học lên, đi nhiều, biên độ thơ Khoa cũng mở rộng hơn, suy tư, khái quát, triết luận cũng nhiều hơn, song, với tôi, chỉ những trang viết về làng quê mới sống động, mới thật là Trần Đăng Khoa. Và, cũng chỉ những triết lý hay khái quát nào xuất phát từ trái tim, gắn với “cây đời xanh tươi” thì mới có tính thuyết phục, tỷ dụ như Rồi ra đọc sách, cấy cày/ Mẹ là đất nước tháng ngày của con; Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương… Còn khi Khoa dụng công triết lý, thì nhìn chung là có cái hằn nổi của xương cốt mà thiếu cái tươi mát của da thịt.

Bài Về làng, Khoa viết nhân danh một người thương binh hỏng mắt có những câu cảm động, song lại kết rằng “Thế hệ anh đã sống một thời/ Xứng đáng để thế hệ sau kiêu hãnh/ Vì thế em ơi/ Cuộc đời anh không hẳn là bất hạnh” thì quả thực“mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Hay anh luận về sự vô thường của phận người khi thăm nghĩa trang Văn Điển, rồi lên giọng thống thiết: “Trước mắt ta là hàng hàng bia đá/ Con người ơi hãy thương lấy con người” thì chẳng biết có ai mủi lòng lời kêu gọi của anh mà sống tốt hơn không? Bài Đứng trước chùa giải oan cũng có những câu triết lý tương tự: “Và chùa đứng như một người làm chứng/ Có bao giờ giải được nỗi oan đâu/ Nên chùa vẫn còn đây màu ngói cũ/ Một màu hoang từng xao động lòng người”. Tuy nhiên, mấy câu trong Matxcơva, mùa đông năm 1990Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy/ Trước những mưu mô, toan tính của con người” thì lại nghiệm. Những ngày này “thằng anh”, cậy lớn, đang mang bom đạn dội lên đầu “thằng em”, nhỏ bé vì cái “tội” “chú” cứ nghe lời “ai”, chứ không chịu nghe “anh”. Thế là hỗn. Anh phải thẳng tay dậy bảo chú bằng một… “chiến dịch đặc biệt” (?).

Lại có lần Khoa tâm sự bằng thơ với anh mình - nhà thơ Trần Nhuận Minh “Người bảo bác theo Đỗ/ Em phải học Lý thôi/ Bác đã bay dưới đất/ Em đành đi trên giời”. Tôi thấy thơ Trần Nhuận Minh có phảng phất ít nhiều cái nỗi đau đời của “thi Thánh” Đỗ Phủ khi nói về thân phận dân đen, chứ không thấy cái hào sảng, thích thảng, phóng dật của thi tiên Lý Bạch ở thơ Khoa, dù rằng anh có nói đến trăng, đến gió, kể cả việc “nào ta nâng cốc đi anh...”. Cái “bầu trăng gió” mà khoa “quẩy” nhỏ bé, nhẹ nhàng, nhàn tản quá. Nó chẳng những không có cái hào sảng của “Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai” đã đành, mà nó cũng không có cái cô đơn rợn ngợp của “Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân”. thiển nghĩ, việc gì Khoa cứ phải bóng gió so mình với những thi Tiên, thi Thánh ở tận đẩu đâu, tự thời nào! Thần đồng thơ nước Việt thiếu tự tin chăng?

Bài thơ “Gửi bác Trần Nhuận Minh” hàm chứa nhiều tâm sự về đời và thơ của Trần Đăng Khoa. Cứ theo lẽ thường, khi nhìn lại đời thơ mình thì nhẽ ra người thơ phải biết ơn, cảm tạ những giun dế, kiến vàng, chó đen “Đã khiêng vác em lên”, cho Khoa tột đỉnh vinh quang. Thì giọng thơ ở đây lại ỡm ờ, khụng khiệng như giễu cợt chúng. Còn đâu cái nâng niu, trừu mến, trân trọng, thân ái, đầy chất nhân văn, nhân hậu như trong Đánh thức trầu, Đám ma bác Giun, Sao không về Vàng ơi, hay cái ung dung ngồi vuốt râu của chú Mèn họ nhà Dế dưới bờ tre, bên ao trường. Thiển nghĩ, nếu “đọc” được những dòng này, thì những sinh linh mang kiếp giun dế, kiến đen, chó vàng… sẽ buồn tủi như những cung phi thời xưa một thời được quân vương sủng ái, nay bị bệ hạ bỏ rơi.

Lại nữa,“Giờ thì em đã chán/ Những vinh quang hão huyền”, Khoa khiêm tốn hay tự kiêu? Nhưng, gợn nhất là câu kết “Thung thăng em với bác/ Ta cưỡi thơ ra đồng”. Đây không phải là một thi ảnh đẹp, nó chẳng tương xứng với Trần Đăng Khoa một chút nào. Tôi hình dung con trâu thơ đẹp đẽ, thơ mộng của một thuở thần đồng sẽ phải oằn lưng, nhăn mặt chịu đựng cái thân hình ục ịch của “Lão Khoa” hôm nay. Mục tử chăn thơ hào hoa đã thành lão già cưỡi thơ thô kệch! Trong thơ, Khoa luôn mơ làm thợ cày, ước  mình được cưỡi trâu ra đồng, song tôi thấy trong đời thực thì Khoa chủ yếu là “cày” đường phố, chẳng phố Hà Nội, thì cũng phố Moskva, New York, hay Boston, và nếu không “cưỡi” hai bánh thì cũng là bốn bánh, hay vi vu lưng chừng trời.

Trong thơ, Khoa đã từng “một mình em đóng cả ba vai chèo”, trong đời Khoa cũng sắm nhiều vai, kể cả làm “quan”, dù là “quan văn”. Song, vai thi nhân là đạt nhất, ấn tượng nhất. Trên cánh đồng chữ nghĩa của Khoa có vạt này vạt kia, thì vạt thơ là trĩu trịt nhất, những chùm đầu đời, chín tới và chín sớm, là ngát hương, đậm vị hơn cả. Hành trình gần sáu chục năm thơ Trần Đăng Khoa là một hành trình nhiều chặng, song vẫn nhất quán một giọng thơ, dù ở mỗi chặng thơ có ít nhiều những biến đổi, nhấn nhá. Đó là giọng thơ tưởng quen mà lạ, đơn thanh mà không đơn giản, có duyên mà không làm dáng, sâu sắc trong cái sự hồn nhiên pha trộn giữa hiện thực đời sống với ca dao, đồng dao, kể cả cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại. Cái tôi trữ tình của Khoa là cái tôi trữ tình công dân, chân chất, đằm sâu, dung dị, dạt dào tình người, tình quê hương xứ sở, và mấp mé vươn tới cảm hứng sử thi, ít nhiều mang tính thời đại nhà thơ sống.

Nếu bằng cái nhìn không - thời gian nghệ thuật của các nhà lý luận mà xét, thì hành trình thơ Trần Đăng Khoa nghiêng về cảm quan không gian hơn là thời gian. Trong hành trình ấy, tôi thấy Khoa tung hoành nhất, tự tin nhất, là hành trình từ “sân” ra “vườn”, ra “ao”, rồi ra “đồng”. “Điền Trì”, cái làng chôn rau cắt rốn của Khoa theo nghĩa Hán-Việt là “ruộng và ao”, thì trong thơ Khoa “ao” và “ruộng” cũng lưu nhiều dấu vết hương hỏa. Ở khoảng không-thời gian quen thuộc đó, anh phát huy mọi sở trường, thả sức phô diễn tài năng, vốn sống của mình, như anh đã từng có lần viết về nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong Chân dung và đối thoại:“chân cứ thung thăng bước mà không sợ bị vướng vào câu, tay cứ tự do vung mà không ngại bị va phải chữ”. Sau này ra đảo, sang Tây, làm quan có cái hay, cái được, cái vinh, nhưng thiển nghĩ anh không thể có cáí sướng của “tỏa hương ruộng đồng” cùng “niềm vui gieo trồng” thuở từ sân ra đồng.

Từ sân nhà ra đồng làng gồm nhiều “sân chơi” cùng đồng hiện, thì ở sân nào tôi thấy thơ Khoa đều nổi lên một “nhân vật” trung tâm, sắm vai “chủ trò”, gây ấn tượng mạnh. Ở trong sân là bạn vàng, ở góc vườn là bác giun, ở ngoài ao là cá (lão cá ngão, cụ cá rô, cô cá diếc), ở ngoài đồng là con trâu. Còn về con người, thì có ba nhân vật được khắc họa rõ nét và ấn tượng nhất, là bé Giang, mẹ và bố. Bé giang là thần tiên nhất “phất phơ mái tóc/ Vương vương nụ cười”, mẹ là hy sinh nhất “nằng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”, bố là kỳ vĩ nhất “đội sấm/ đội chớp/ đội cả trời mưa.

Ấy là chưa nói đến những nhân vật có tên không tên, tham gia vào cuộc chơi, là hoa, là chim, là cây, chị mây, cô gió, ông mặt trời, bà mặt trăng…Chính những nhân vật này đã góp phần quan trọng làm nên cái gọi là “không gian làng quê” đặc thù trong thơ Khoa. Nếu để ý, trong thơ Khoa cứ chỗ nào động đến quê, rưng rưng lay động lòng người, kiểu như “bóng cau vẫn ngả ngang vườn/ Lá tre gió vẫn thổi vương ngõ ngoài”. “Anh nghe tơ mảnh tiếng côn trùng/ Gáy rụt rè trong bụi cỏ/ Trâu đủng đỉnh lắc sừng đi qua ngõ/ Hơi sương tan trên rặng cúc tần/ Ánh chiều rơi vào khung cửa sổ rất gần”...

Đọc lại Góc sân và khoảng trời, tôi hụt hẫng trước“Thời gian vẫn đi lạnh lùng khắc nghiệt/ Có kiệt tác hôm nay mai đã bẽ bàng rồi/ Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính/ Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi”, song rồi hồi tâm lại với “Cái còn thì hãy còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan”. Đúng thế. Gia tài thơ Trần Đăng Khoa, cái gì gắn với máu thịt cuộc đời, là tiếng hát của tâm hồn, là rung động của con tim, thì vẫn còn nguyên giá trị lâu bền. Còn những gì mang tính thời cuộc, được người ta công kênh lên, hoặc “gà” cho, hay anh tự túm tóc hòng nhấc mình lên, thì sẽ rơi rụng theo thời cuộc. Trong cuộc chạy marathon thơ, Khoa không giữa đường bỏ cuộc song đã dần đuối sức so với chính mình, như một quy luật nghiệt ngã trong sáng tác của nhiều nhà thơ tên tuổi khác. Thơ Việt phải chăng đang trên ngưỡng cửa của sự đổi chặng, đang dò dẫm bẻ ghi sang một “hệ hình thẩm mĩ khác”, với thế hệ bạn đọc khác và những nhà thẩm thơ khác? Vậy nên, sau này Khoa ít viết thơ chuyển dần sang văn xuôi, phê bình, đăng đàn, làm quản lý… cũng là phải lẽ.

Người ta yêu Khoa, sùng bái thơ Khoa không phải sự cách tân thi pháp, sự kỳ khu trong cấu tứ, sự diệu vợi của tâm trạng, sự hoa mỹ của câu chữ, mà ở cái sự “chân”: chân cảm. Trong văn chương nghệ thuật, “chân” là gốc của “thiện”, của “mi”. Thiếu “chân” thì “thiện” và “mĩ” sẽ chẳng khác nào kẻ “tiên thiên bất túc”. Anh là nhà thơ của nhân dân, của số đông. Bạn đọc tin anh và anh cũng tin ở sự công tâm của bạn đọc. Sức sống thơ Trần Đăng Khoa có thể lượng định được qua tần suất tái bản, có tập đến hơn trăm lần, một kỷ lục thời nay dành cho thơ. Góc sân và khoảng trời cùng với vài trường ca khác, hấp dẫn không chỉ cho trẻ con, mà cho cả người lớn. Ở đó, người quê, nhất là trẻ quê, tìm thấy bóng dáng, vui buồn của mình. Nếu thơ là tiếng lòng, tiếng vang ngân, cộng cảm từ tâm hồn một người đến tâm hồn nhiều người, thì cha đẻ của Góc sân và khoảng trời ở tuồi chín mười đã làm được như vậy. Khoa đã như rỉ vào tai lũ trẻ rằng: thơ chẳng ở đâu xa. Cái hay, cái đẹp tàng ẩn ngay ở mảnh sân, góc vườn, bờ ao nhà chúng, cánh đồng làng chúng. Chỉ cần một bàn tay với lòng trong, tâm sáng, chan chứa tình người chạm đến, là nó sống dậy, ngân lên. Nghe thế, biết thế, nhưng cứ thử đi, đừng có mà tưởng bở, thấy đỏ ngỡ chín nhé!

Vì yêu quý Trần Đăng Khoa, có người đã ước Khoa thế này, thế kia, tỷ như gia tài thơ tình của anh dầy dẫn hơn, giá như làng quê, đồng quê trong thơ anh ngoài cái tươi đẹp, hồn hậu, đáng yêu, còn có cái nỗi sầu muộn, bi mẫn, u hoài muôn thuở, ẩn giấu sau những góc khuất, mặt tối. Giá như anh nên sửa thơ chỗ này mà không nên sửa ở chỗ kia, giá như anh viết tiểu thuyết (mười tuổi Khoa đã thử sức mình ở vài tiểu thuyết mi-ni viết dở) Song, họ sẽ bớt đòi hỏi, nếu họ biết rằng người Pháp có câu, đại ý rằng: nếu mà giá được thì người ta có thể bỏ cả Pa-ri vào một chiếc túi!

Thử mạo muội “xếp chiếu”, thì ở lĩnh vực thơ thiếu nhi, Trần Đăng Khoa ngồi ở “chiếu nhất”. Ở lĩnh vực thơ chống Mỹ anh cũng ở khoảng “chiếu nhì”. Anh còn ngồi chung chiếu với các nhà thơ thuộc “trường thơ Quê” thời Thơ Mới mà không cần sự chiếu cố. Trong số các thi sĩ đương đại, anh là người hạnh phúc nhất. Nổi tiếng dài dài, được cả danh và lợi, mà hình như không bị “đánh đấm”, “lườm nguýt” gì. Nếu có thì đó cũng là cái sự... “yêu thì cho roi cho vọt”, “giơ cao đánh sẽ”!

Trong hình dung của tác giả những dòng lan man, loằng ngoằng này, thì từ một thần đồng chăn kiến vầy giun ở góc sân nhà, đến một mục đồng chăn thơ trên cánh đồng làng, Trần Đăng Khoa đã như “Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ/ Tự mình làm nên bức tranh”. Trong đó, ẩn chứa chân dung của một thi nhân có gương mặt thơ không trộn lẫn với ai, khó lặp lại trong nền thi ca đương đại. Người đó, ở thời đó, đã có một mạch thơ tuôn chảy của tiếng đàn bầu đêm trăng mát trong như suối đầu nguồn” với một giọng thơ chót vót tiếng gà “trẻ như thời trời đất mới sinh ra”. Mạch thơ, giọng thơ đó kết tinh nhiều tinh túy Việt, nhất là:

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi đắng cay

Thế mới là thơ.

Thế mới là Trần Đăng Khoa thần đồng nước Việt!

                                                       Cố viên, Hải Thanh, đầu Đông, 2022

                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét