Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

THẰNG MÒ

 


THẰNG MÒ

                         Truyện ngắn của HỒ BÁ THƯỢC

        Mới tang tảng sáng, ông mặt trời đang còn ngái ngủ trong chiếc màn mây, đằng đông mới le lói vài sợi chỉ hồng. Chưa rõ mặt người, có ai đó ở đầu ngõ, hét toáng lên:

- Thằng Mò đã bị tai nạn xe ngoài đường ô tô kia rồi! Có ai ra cứu nó không? Có ai cứu không? Bớ làng nước ơi…!

Hình như, đó là tiếng con mẹ Hởi đi tập thể dục sáng. Không biết rửng mỡ, hay vì nghe ai nói đi bộ buổi sáng, tốt cho phụ nữ lắm, nhất là với người góa bụa! Thế là con mẹ Hởi, sáng sớm nào cũng vậy, ngủ dậy, chỉ việc dụi mắt xong, không lằng nhằng, vướng víu chồng con lăn ngay xuống giường, đi luôn. Còn hôm nay, vừa mới đi được một lúc đã quay về, ầm ĩ ngoài đầu ngõ.

Ở cái xóm ngoài đê hẻo lánh này, chỉ mươi ngôi nhà, chứ có nhiều nhặn gì đâu mà to tiếng gọi. Bọn đàn ông đi làm ăn xa, còn lại mấy mụ đàn bà, và đám trẻ con lít nhít. Có gọi dậy, cũng không làm gì được. Con mẹ Hởi, chạy sang nhà Mò, thấy im ỉm. Ngó vào trong, hai đứa trẻ đang ngủ. Thằng chồng ở ngoài lều vịt cả đêm rồi. Còn vợ ở nhà sao lại không thấy? Thôi, đành chạy ra xem, Mò có làm sao không, rồi sẽ tính sau.

Tại nơi xảy ra vụ đâm xe, Mò nằm ngang một bên đường, đầu gối lên vỉa hè, hơi ghếch xuống đám ruộng lấp xấp nước. Bình thường, sau khi cho đàn vịt xuống nước, hắn nằm nghỉ ngơi như thế bên vệ đê, hay vệ mương. Cả đời hắn, chỉ biết có đi và… nằm. Còn ngồi ngay ngắn như người ta, chưa thấy bao giờ, vì mông má chẳng ra gì, ngồi làm sao nổi. Với tư thế nằm như vậy, không biết đau quá mà lịm đi, hay đang trông đàn vịt dưới ruộng?

 Người gây tai họa ngồi bên vệ đường, nhưng cách nơi thằng Mò nằm một đoạn. Ông ta lấy điện thoại từ trong túi áo dính đầy vôi vữa, hét liên hồi vào máy. Song ở bên kia máy, hình như không thấy trả lời, hắn bật ra câu chửi thề:

  • Thật khốn nạn quá! Khốn nạn thân tôi quá! Sao xui xẻo thế này không biết?!”

Khoảng một lúc, bỗng từ xa, một người đàn bà chạy đến. Chị ngồi thụp xuống bên cạnh Mò, sờ soạng, nắn, bóp khắp người, rồi ghé vào tai, nói thầm điều gì đó. Chị ngồi thẳng lưng cởi chiếc áo khoác của mình đắp cho người nằm, ngồi lặng im, không nói câu nào.

 Trời sáng hơn một chút, mặt trời đã hé mắt, mảng hồng trên nền trời như đôi má của thiếu nữ đang nấu bếp rơm, ửng lên. Nhìn từ phía sau, cũng đủ nhận ra người đàn bà có thân hình “mình trắm”, đôi vai tròn đầy, hai cánh tay thuôn thuôn trong tiết trời se se lạnh.

     Cạnh đấy một đoạn, là chiếc xe máy nằm chềnh ềnh xoay ngang, cùng hướng với thằng Mò. Không thấy mảnh nhựa xe rơi vỡ xung quanh, chứng tỏ chiếc xe chẳng có mui dè, cốp kiếc gì cả. Bánh trước và bánh sau vênh lên trông trơ trọi, ngứa mắt. Hình như ngoài hai thứ vừa kể, duy nhất còn lại khung và máy xe. Riêng khoản còi, đèn, gương chiếu, và biển số xe, chủ sở hữu khiêm tốn, không muốn chưng diện hay sao ấy, chứ bình thường, tối thiểu cũng phải có. Không thì ngày nào Công an cũng phạt cho, lấy đâu ra tiền nộp?

Thấy người đàn bà mới đến chẳng nói câu gì, hắn mừng rỡ giãi bày, cầu cứu:

 - May quá, chị đi đường làm chứng cho tôi nhé. Tôi không gây tai nạn cho người này đâu. Trời mù quá, chỉ thấy trước mặt một đám màu trắng loang loáng di động trên đường. Bỗng nghe “hực” một cái, tôi ngã lăn xuống, không biết vì sao? Lồm cồm bò dậy, thấy đàn vịt chạy ào ào xuống ruộng. Còn người đàn ông này nằm im từ nãy đến giờ. Thật khốn cho tôi quá, hôm nay ngày đẹp, chủ nhà đổ bê tông, tôi đi làm phu hồ cho họ. Bây giờ vướng vào vụ này, biết tính sao hở chị?

- Phải đền người chứ sao?

 Con mẹ Hởi đã đứng phía sau độp lại.

- Ơ kìa, mẹ Mò ra đây từ bao giờ thế, bố nó có làm sao không?

- Nghe chị hô hoán đầu ngõ, đang nhặt trứng ở lều vịt, em chạy ra đây ngay. Nhà em chỉ đau thôi, nằm nghỉ một lát là khỏe. Thôi chị Hởi ạ, người ta cũng vô tình, với lại trời mù thế này. Hôm nay chạy đồng, nên bố Mò đưa đàn vịt đi tắt đường nhựa cho nhanh, cũng tại nhà mình cả.

Gã chủ xe khốn khổ lắp bắp:

 - Thế ra, chị đây là chồng… Tôi đã sờ khắp người anh ấy, xem có sao không? Ngại nhất ở mông, đang có vấn đề gì đó thì phải?

- Không sao đâu! Ô kìa, chân bác bị thương rồi, máu chảy ra nhiều lắm, tôi băng lại cho nhé!

   Chị quay mặt đi chỗ khác rồi có tiếng soàn soạt như đang xé vải. Phút chốc, một bên ống quần của chị ngắn đi một đoạn và người đàn ông rối rít cảm ơn sau khi được băng bó vết thương. Không biết mừng quá, hay vì đau, mà chân ông ta run lập cập. Đạp khởi động xe liên hồi, máy khừng khực vài cái rồi im bặt. Ông đành phải dắt xe đi. Con mụ Hởi nói vuốt sau lưng:

  • Này bác ơi, sao lại lột trần truồng người ta ra như thế? - Nói xong, mặt mụ đỏ phừng phừng.

***

Tên thật của Mò là Văn Viết Mô. Mới học lớp ba, chữ nghĩa loằng ngoằng, viết tên mình mà dấu mũ của chữ ô với dấu huyền cứ bị lẫn lộn, biến Mô thành Mò. Với lại việc mò cua, bắt ốc thuộc loại “siêu” nên bọn bạn chăn trâu gọi hắn là thằng Mò. Gọi riết thành quen. Sau này lớn lên lấy vợ, làm giấy kết hôn trên xã, hắn khai tên Văn Viết Mò, cứ như cụ kỵ nhà nó, đặt tên từ bao giờ. Còn với hắn, Mô và Mò đều như nhau cả, phận người đi liền với tên. Ông trời thương, đã cho ai thì người ấy được.

Từ ngày có đập thủy điện trên nguồn, nước sông Cái về không nhiều, cánh bãi không bị ngập nữa. Vì đất trũng nên quanh năm đầy nước. Chỗ đất cao, cỏ mọc um tùm, xanh mướt mát, chỗ thấp nước đọng, tôm, cua, ốc, ếch mỗi năm một nhiều. Chẳng biết từ đâu cò, vạc, sếu, sâm cầm, chim muông kéo đến đây nhiều vô kể. Chúng bơi lội, bì bõm, vui chơi, ca hát suốt ngày. Dân trong xóm, ra vùng bãi xẻ thùng đấu lấy đất tôn ruộng, đắp đường thành ra chỗ nông, chỗ sâu. Dân cư chưa canh tác, gieo trồng gì nên bọn trẻ chơi bời, chăn trâu thỏa thích.

 Gia đình nhà Mò ở trong đê, nhưng thấy cánh bãi bỏ hoang nên tính thả mấy con trâu. Vài người trong làng Trầm thấy thế, cũng hùa theo. Cánh bãi vì thế, có đàn trâu kha khá. Lũ trẻ sáng đi học, chiều về lăn mình ra cánh bãi chăn trâu, chơi bời, bắt con cua, con còng, con ếch, đào lươn, tát cá. Trẻ con nông thôn, kiếm thêm thức ăn cho cha mẹ.

Một hôm thằng Mò đang đứng trên lưng trâu nhìn đoàn xà lan chở than ngấp nghé ngoài sông Cái, bỗng thằng Qủi hét lên:

- Con Hồng chết đuối rồi! Chúng mày ơi, cứu nó!

Bọn trẻ đứng trên mỏm đất cao, nhốn nháo chỉ trỏ xuống nơi con Hồng đang vùng vẫy, không đứa nào dám nhảy xuống cứu. Bỗng thấy một cái đầu nhô lên. Đúng là thằng Mò rồi! Con Hồng được đưa lên chỗ khô, mặt tím tái, nước đầy bụng. Hắn xoay người, cầm hai chân lên vai, cõng ngược người đuối nước, rồi chạy vòng quanh. Nước trong bụng ộc ra, nhưng cô bé vẫn chưa tỉnh. Không biết học ở đâu, thằng Mò bắt đầu xoa bóp lồng ngực, lấy hết sức hà hơi vào miệng cho con bé gặp nạn. Làm đi, làm lại mấy lần, có lẽ phải đến dăm phút, mặt Hồng mới đỏ lên rồi tỉnh lại. Bọn chúng reo lên: “Con Hồng sống rồi”.

Sau vụ tai nạn, bố mẹ Hồng sợ quá, bán hết trâu. Thành ra Hồng không còn được đi chăn trâu nữa. Đi học về vẫn ghé ra chơi với bạn, song chỉ thỉnh thoảng thôi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc, cô bé phổng phao, lớn lên trong mắt mọi người, biến thành cô thôn nữ lọ lem, xinh đẹp. Mái tóc đen nhánh, mượt mà dài tận chấm mông. Dáng người cân đối, yểu điệu. Con gái nông thôn, mà làn da như trứng gà bóc. Đôi mắt bồ câu trong veo, ánh lên tựa vì sao.

Trong một lần thách đố thi bơi, thằng Mò không bơi bình thường, hắn trổ tài lặn qua bụng trâu, giống như loài rái cá. Đợi lâu, không thấy thằng Mò ngoi lên mặt nước. Cả đám hoảng loạn kêu ầm ĩ, cho đến lúc kéo trâu lên bờ thì thằng Mò mới lềnh phềnh nổi lên. Sau vụ ấy, nghe nói bố và các anh trai đưa nó đi chữa nhiều nơi nhưng không cứu được chân nó lành lặn như trước. Trâu đè, một bên xương chậu bị vỡ, lâu ngày cứng ngắc không cử động được. Bình thường hắn vẫn đi lại, nhưng khó khăn lắm. Muốn di chuyển, chân bên trái như chiếc gậy đỡ, chân bên phải nhảy lên. Thành ra mỗi lần hắn đi, người cứ nhấp nha nhấp nhô. Do vận động nhiều, mông bên phải phát triển. Ngược lại mông bên trái teo đi, không đủ thịt ở mông để ngồi ngay ngắn, thăng bằng. Anh trai cả mua cho chiếc võng Duy Lợi nửa nằm, nửa ngồi, cu cậu cười tít mắt. Ở nhà, không làm việc gì, hắn nằm trên giường hoặc ngả người trên võng. Ra ngoài cánh bãi, hắn nằm nghiêng trên dốc đê hoặc dốc mương. Lúc đó, cu cậu mắt đăm đăm chiêu chiêu ra chiều đang suy nghĩ đến điều trọng đại.

Tình cờ, có một tay lái trâu đi ngang qua cánh bãi. Ngắm ba con trâu, ông ta buột mồm kêu lên: “Nhà nào nuôi mấy con trâu thế này, không tan cửa cũng nát nhà mất thôi”. Người anh thứ hai hỏi vì sao, khách bảo: “Này nhé: Đầu tang, xoáy tóc, hàm xà/ Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi. Còn con kia có một cục u giữa trán giống như con mắt thứ ba, gọi là Tam trinh, thuộc loại trâu điên”. Nghe vậy, thằng anh sợ hết hồn. Không lẽ, vì mấy con trâu này mà em út nhà mình bị nạn ư, đúng là trâu sát chủ. Hôm sau gọi khách bán luôn.

Mò không muốn đi học nữa, mặc cảm tàn tật, sợ chúng bạn cười. Cu cậu suốt ngày loanh quanh ngoài cánh bãi, chăn trâu, mò cua, bắt ốc. Đến khi bố và anh bán trâu, thằng Mò trở thành “thất nghiệp”. Hắn như người mất hồn, lang thang khắp cánh bãi, thỉnh thoảng mới mò về nhà.

 Không biết ai xui, đứa con tàn tật nài nỉ với bố, mua cho đàn vịt để nuôi. “Cầu được ước thấy”, người bố mua một đàn năm mươi con, loại ba ngày tuổi cho con trai nuôi. Đàn vịt con, như những hòn tơ vàng óng, lăn trên bãi bồi xanh ngắt, trông thật đẹp mắt. Mò chăm chút đàn vịt tựa người cha chăm sóc đàn con thơ. Ngoài thức ăn tinh, cu cậu tích cực đào giun kết hợp cho vịt xuống nước mò tôm, tép ở bãi bồi bổ trợ thêm bữa ăn. Đến nỗi ông bố ra thăm, không nhận ra đàn vịt mình mua trước đó mới hai tuần tuổi. Không biết thằng con chăm sóc thế nào, phút chốc đàn vịt lớn như thổi, đẹp long lanh.

Ông bố trước kia cũng là bộ đội ra quân. Nghe nói là lính công binh đã vào tận Thà Teng Nam Lào. Sau năm 1975 ra quân trở về địa phương xây dựng kinh tế. Ông thấy lợi thế khu đất bãi, lập tức ra lệnh cho hai cậu con trai lớn cấp tốc mua vật liệu dựng một cái lều khá to, chắc chắn. Trong lều có chăn màn, giường ngủ cho con trai út. Ông bố mua lưới B 40 rào lại, quây cót xung quanh đàn vịt. Mò tưởng mình nằm mơ, ngất ngây với cơ ngơi, mà nó chưa từng nghĩ đến. Bây giờ, cu cậu yên tâm ở hẳn ngoài “trại”. Bãi bồi là vương quốc của Mò. Niềm hạnh phúc của Mò lên đến tột đỉnh khi có cơ ngơi riêng, được làm công việc mình yêu thích. Hàng ngày, người mẹ gánh thức ăn cho vịt kèm theo phần ăn cả ngày cho con trai. Trong nháy mắt, thằng Mò lên tiên!

Được mười tuần tuổi, đàn vịt chéo cánh đủ béo, ngon mồm, ông bố cho gọi bọn con buôn đến, bán hết để nuôi lứa khác. Thời gian trôi nhanh, Mò không nhớ đã nuôi được bao nhiêu lứa vịt.

Mò bắt đầu trổ mã, người cao lớn, đẹp trai giống như anh cả. Chỉ tội cho hắn nửa người bên dưới không phát triển bình thường, bước đi xiêu vẹo, lắc lư, ngất ngưởng.

        Mò làm một cây gậy, không phải để chống, có lẽ để chỉ huy đàn vịt chăng? Hắn chọn cây gỗ tốt, thẳng, vót tròn, cao hơn đầu người một chút. Đầu gậy nhọn hoắt, như mũi thương. Bên dưới là chiếc ngù vải đủ màu sắc, gắn thêm một chiếc lục lạc đồng. Mỗi bước chân của ông chủ vịt, cây gậy vung lên, lục lạc đồng kêu leng keng như ngựa phi. Xa xa trông thấy đàn vịt ngỡ tưởng mấy con ngựa trắng, với cây trường thương của Triệu Tử Long, một hổ tướng thời Đông Hán bên Tàu.

Cũng thật lạ, không biết huấn luyện đàn vịt thế nào, mỗi lần Mò dựng cây “trường thương” y như là đàn vịt ngỏng đầu lên nghe ngóng, biết phải di chuyển chỗ ăn, ào ào xô nhau đi. Thằng Mò đi sau, nhảy nhót như đang múa võ. Hắn chọn cho mình một vạt cỏ sạch bên bờ mương, hạ thương rồi nằm nghỉ, ngắm mây bay hối hả, nghe côn trùng gảy đàn sáo? Đàn vịt biết mình đã đến nơi ăn, liền tản ra, thi nhau chổng mông, cắm đầu xuống nước để mò, bắt đầu cho cuộc mưu sinh mới. Sau khi no nê, vài con thong thả bơi lội, mấy con đứng rỉa lông rồi quang quác, ngơ ngẩn ngắm nhìn thế giới bãi bồi, một vài con nằm nghỉ như ông chủ của mình…

        Cái lần ông bố vừa bán đàn vịt hôm trước, hôm sau con trai út biến mất. Cả nhà chia nhau đi tìm. Anh trai cả làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã, trúng Hội đồng nhân dân, đang được đề cử Phó Chủ tịch xã. Nhờ mối quen biết, đặt vấn đề với bên Công an. Ngay lập tức hơn chục người, tìm kiếm khắp cánh bãi, thậm chí qua đò sang cả bên kia sông Cái hỏi thăm. Suốt một ngày tìm kiếm, Mò mất tăm không để lại dấu vết gì.

Sang ngày thứ ba, mọi người chán nản, không buồn tìm kiếm nữa, nhưng bố và hai anh trai không buông đứa em tội nghiệp. Họ ra bờ sông Cái quăng câu, may ra vướng xác thằng Mò chìm đâu đó dưới đáy sông. Mãi đến gần trưa bà mẹ chạy ra bờ sông báo tin: “Thằng Mò đã về”. Nói được có thế, mệt quá bà ngất luôn.

        Đương nhiên, Mò xin lỗi cả nhà, xin lỗi mọi người đã lo lắng, mệt mỏi vì nó. Hắn đưa ra vô số lý do: Nào là vội quá, không nhắn lại cho ai được; Nào là lâu nay khao khát muốn nuôi vịt đẻ trứng thương phẩm, chỉ sợ đề xuất ra mọi người ngăn cản, hỏng việc; Nào là đi học hỏi kinh nghiệm xong, mới về báo cáo; Nào là đến được Chợ Bến mới được một ngày đã nảy ra dự định nuôi các loại giống vịt nổi tiếng như vịt Chiết Giang, vịt Đại Xuyên, vịt trời, nuôi cả vịt đẻ sinh sản, mua lò ấp trứng... Chàng trai trẻ định sẽ liên kết với nhiều cơ sở để phát triển kinh tế. Mò cho biết, chỉ đi có một chuyến, mà không biết bao nhiêu điều phải làm, phải hành động trong thời buổi ai cũng nói tới 4.0. Để làm được điều đó, con người giàu nghị lực này, nói sẽ thầu hết cánh bãi, có khi phải thành lập cả công ty… Thật,“đi một ngày đàng, học một sàng khôn!” là vậy.

       Nghe xong lời giãi bày, không ai còn thèm trách Mò nữa. Thấy con có ý chí làm ăn, vượt qua rào cản bệnh tật, bố mẹ mừng quá, rơi nước mắt. Nhân vụ này anh cả thông báo luôn, Ủy ban Nhân dân xã đang lập phương án giãn dân, thành một xóm mới ngoài cánh bãi, không ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ đê điều của Nhà nước. Gia đình ta có một suất ưu tiên gia đình bộ đội dành riêng cho chú Mò. Ông bố cũng tuyên bố cho con út một nửa số tiền bán trâu và toàn bộ số tiền bán vịt, từ ngày bắt đầu khởi nghiệp, để làm vốn phát triển. Số tiền đó ông đã gửi Ngân hàng. Ông giơ cho mọi người thấy quyển sổ tiết kiệm. Nay mai, có đất cát được chia, nhà cũ phá đi, ông xây cho con trai út ngôi nhà mới khang trang.

  Đứa cháu gái con anh cả đứng bật dậy, khiến cả nhà ngơ ngác:

   - Thế bao giờ chú Mò lấy vợ ạ?

 Một câu hỏi thật nghiêm chỉnh, không ai dám cười, anh thứ hai, cán bộ thủy lợi trên huyện đứng lên đỡ lời cháu:

- Cháu Liên bé như cái kẹo, còn lo cho chú Mò. Chắc chú và mọi người đã nghe cháu hỏi. Nếu cuối năm, chú lấy vợ, vợ chồng anh sẽ tặng chú thím một dàn máy vi tính. Trước mắt, biếu chú chiếc máy điện thoại anh đang dùng.

Mò phản ứng ngay:

 - Thế ra, em xài đồ cũ à?

 - Không đâu, máy xịn, đắt tiền, anh mới mua. Điện thoại này, chỉ ngồi ở nhà để liên hệ, làm việc với các đối tác. Từ nay, em không phải chạy vịt đồng nữa.

Mọi người ồn ào trò chuyện, không ai để ý bên hồi nhà có một cô gái đứng nghe, lòng cảm phục khiến cô rưng rưng ngấn lệ.

Cô gái ấy chính là Hồng bây giờ. Lúc mới gặp, gã xe máy đâm vào Mò, hắn cứ tưởng cô là người đi đường, mong cô đứng ra làm chứng. Cũng thật lạ, bấy giờ cô đã hai con rồi, mà người cứ phây phây như gái chưa chồng? Ra đường thấy cô bán trứng, ai cũng sà đến mua. Khen trứng nhà cô đẹp, ngon hút mắt, quả to, tròn mây mẩy. Hết khen trứng, lại xăm xia nhìn vào bộ ngực căng mẩy của người bán. Những lúc như thế, sống lưng cô như có con gì bò, nổi hết da gà, má ửng lên, thẹn thùng. Vốn hiền lành lại nhút nhát, cô không biết nói sao, chỉ biết giục khách mua nhanh đi, còn về… Đó là lúc cô đã lấy Mò, có hai đứa con đẹp như trong tranh. Gia cảnh chưa bằng ai nhưng vợ chồng thương nhau, chịu khó làm ăn, con cái ngoan ngoãn thật là hạnh phúc quá chừng. Biết người ta hoa đã có chủ, con cái đề huề, vậy mà đi đến đâu, đám đàn ông háu gái, vẫn bâu lấy cô như ruồi với mật.

Thời con gái, còn đi học, biết bao trai làng, các bạn trai cùng lớp cũng như các anh lớp trên theo đuổi Hồng. Nhưng cô gái đẹp này chưa một lần gửi tín hiệu cho họ. Sau hồi Mò cứu Hồng đuối nước, hai đứa chơi với nhau rất thân. Đến khi bố mẹ Hồng bán mất trâu, hai đứa thi thoảng mới gặp. Hôm nghe tin Mò gặp nạn, Hồng chạy đến tận nhà, ôm lấy chân bạn mà khóc tu tu. Tình bạn đó bền chặt theo thời gian năm tháng. Những lúc nói chuyện với Hồng, Mò không còn mặc cảm, tị tư vì tàn tật. Chàng trai thầm cảm ơn cô bạn gái đối xử tốt với mình, khiến anh tin yêu cuộc đời hơn, vượt qua nghịch cảnh của mình. Trong mắt Mò, Hồng là tiên nữ giáng trần, xinh đẹp và tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều lần, ở gần Hồng, chàng trai lại thấy gần ngay trước mắt, nhưng xa tận chân trời.

 Vào năm cuối phổ thông, tự nhiên Hồng trở thành thiếu nữ duyên dáng bội phần. Mặc dù thể chất chưa bằng các chị lớn, nhưng ở cô lại có khuôn mặt khả ái, miệng cười tươi hơn hoa, đôi mắt hút hồn. Giá như ở thành phố, người ta sẽ tưởng cô là tiểu thư con nhà giàu, đài các, kiêu sa. Ở chốn quê mùa, cô gái nổi bật so với các bạn cùng trang lứa. Đám con trai trong trường, thầm thương trộm nhớ Hồng, đến mức mất ngủ, quên ăn, chẳng thiết ngó ngàng đến sách vở. Lúc nào đôi mắt bồ câu đen lay láy, nụ cười của bông hoa đồng nội, cứ in đậm trong tâm trí các chàng trai. Những kẻ si tình săn đón, gây chú ý với người đep mọi lúc, mọi nơi. Nhiều cuộc chiến, chinh phục hoa khôi diễn ra. Có lúc âm thầm, song cũng có lúc xô xát. Sự tranh giành, ghen tuông vô bổ của lũ “chíp hôi” không chỉ xảy ra ở trường học, mà còn ở cả thôn Trầm. Dù trái tim Hồng chẳng vướng bận gì đến các gã tình si ấy, nhưng cô học sa sút.

 Khi biết tình cảm của Hồng đã dành hết cho một gã què, chăn vịt ngoài cánh bãi, những gã trai quê si tình như phát điên, phát cuồng. Chúng liên kết, thề với nhau, sẽ tàn sát hết đàn vịt. Thậm chí đập nốt cái chân còn lại của thằng Mò, khiến tình địch không thể đi lại được với người đẹp.

 Mò cứ ung dung trong “vương quốc” của mình, chẳng màng đến “thế sự” ngoài kia. Thậm chí cũng không biết có một trái tim của cô gái, đang thổn thức vì mình. Đương nhiên, chàng trai càng không biết đến một tai ương sắp ập xuống đầu. Hắn vẫn cứ yêu thương đàn vịt của mình, say sưa làm công việc hằng ngày.

Vào tầm giữa một buổi sáng, trời trong veo, thăm thẳm như mắt thiếu nữ tuổi trăm rằm. Các nàng mây diện những bộ váy hợp mốt đi lễ hội. Đàn cò trắng, chao lên liệng xuống, để trình diễn những tiết mục nghệ thuật. Những con trâu lông đen mượt, béo núng nính, thong thả gặm cỏ, thỉnh thoảng hếch mõm lên cười. Đàn vịt khoác chiếc áo màu trắng cứ bì bạch chạy hết chỗ này sang chỗ khác…

  Bỗng đột ngột Hồng xuất hiện. Mò lên tiếng:

 - Vào giờ này đang học, sao Hồng lại ra đây?

Cô bạn gái trả lời:  

- Em không học nữa.

- Sao lại thế? Em đang học tốt lắm cơ mà. Thôi cố lên, vài tháng nữa lấy bằng cấp 3 rồi.

- Nhưng em không thích.

Nói xong cô ù té chạy. Mò gọi với theo hỏi “Tại sao”. Người con gái lắc đầu quầy quậy, mái tóc dài lắc lư, lắc lư để cho người ở phía sau ngẩn ngơ, ngơ ngẩn.

  Thời gian sau, một quả “bom” nổ ngay giữa làng Trầm. Sức nổ của nó không chỉ phá toang bầu tĩnh lặng lâu nay trong làng, nó còn rung lắc đến tận trường Trung học phổ thông, nơi các nạn nhân là những chàng trai si tình, một thời ve vãn, đeo đuổi bóng hồng trong mộng.

 Ngòi nổ quả bom ấy rất nhỏ, đơn giản đến mức không tưởng - một đĩa mười miếng trầu cau của gia đình nhà Mò đến chạm ngõ gia đình nhà Hồng. Khẳng định hoa hồng đã có chủ, chờ thời gian thích hợp sẽ làm đám cưới. Còn bây giờ, hai gia đình hi vọng, “hiệp sĩ” Mò với cây “trường thương” trứ danh của Triệu Tử Long sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ người yêu của mình.

Sau buổi ăn hỏi, bản thân Mò cũng không hiểu tại sao mình lấy được vợ, trong khi thương tật thế này? Một điều trong mơ, Mò cũng không dám mơ tới, chứ đừng nói là tỉnh. Điều ấy có quá đáng không, có tàn nhẫn không? Có công bằng với cô ấy không? Mình có ích kỷ, tham lam quá không? Mình “đũa mốc”, chòi “mâm son” sao? Một người con gái đẹp người, tốt nết, thông minh, hoạt bát… hơn đứt mình về mọi mặt lại đồng ý lấy mình ư? Chính mình là người tạo nên bất công cho Hồng! Không thể cưới cô ấy! Không thể được! Không! Nhưng, mình khao khát cô ấy, mình yêu cô ấy! Làm sao có thể chối từ cám dỗ, hấp dẫn này, khi thực lòng mình yêu cô ấy?!

Mò dằn vặt nhiều đêm. Trăn trở. Nghĩ suy. Chàng trai đánh liều hỏi thẳng Hồng tại sao lại thế? Nhưng cô gái nhất quyết không chịu nói ra. Điều rất lạ, Hồng thiết tha mong muốn nhà trai đồng thuận. Cỗ bàn bên nhà gái, bố mẹ cô sẽ lo liệu. Hồng cam đoan với hai họ, cô chưa làm điều gì xấu xa, hư đốn để vội vã lấy chồng! Đám cưới này, cô tự nguyện.

Cuối cùng, ngày vu quy cũng đã đến. Trong đêm động phòng, Hồng mới giải thích thắc mắc của chồng:

 - Đời con gái, chưa có người đàn ông nào chạm vào người em. Chỉ duy nhất có một chú bé thôi. Em thề, lớn lên sẽ lấy cậu ấy làm chồng.

- Ai vậy?

- Anh không biết sao?

- Em không nói, làm sao anh biết được.

- Thực ra, lúc ấy em cũng không biết, nhưng mãi sau này người ta nói lại, em mới biết, người đó chính là anh.

- Anh chạm vào người em hồi nào?

- Cái hồi đuối nước ấy. Anh xoa bóp ngực em, ghé môi vào môi em…

- Lúc ấy còn nhỏ mà.

- Nhưng em là con gái!...

 Ngoài trời, các vì sao lấp lánh. Cái đĩa vàng trốn trong đám mây rồi tỏa sáng. Ánh trăng chảy tràn trên mọi nẻo đường. Ở vườn, cấy cối uống sương đêm và hớp ánh trăng. Trong chuồng, vài con vịt mơ ngủ kêu quàng quạc rồi đi vào giấc ngủ ngon lành. Trong phòng tân hôn, đôi tân lang, tân nương trào dâng bao cảm xúc. 

 

                                                 1- 10/4/2020

  

 ruong_thang_co_gai

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét