Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

NHÀ VĂN NGUYỄN BẮC SƠN VÀ HỒI KÝ”BẢY NỔI BA CHÌM”

 

NHÀ VĂN NGUYỄN BẮC SƠN
VÀ HỒI KÝ”BẢY NỔI BA CHÌM”

(NXB ĐÀ NẴNG - 10 / 2022)
(Trích đăng Thời nay ngày 17/7/ 2023 trang 14)

NGUYỄN THỊ THIỆN

anh_nha_giao_-_nha_van_nguyen_thi_thien

NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN

Tôi được nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tặng cuốn Hồi ký mới ra lò có nhan đề “Bảy nổi ba chìm” (BNBC) vừa in xong. Là người ham đọc, rất thích đọc tác phẩm của ông, tôi không khỏi hồi hộp khi nâng trên tay tập sách còn nóng hổi. Ấn tượng của tôi trong và sau khi đọc: Đây là cuốn sách thật là thú vị.

  1. Cuộc đời không ít gian truân

Nhiều người đều biết Nguyễn Bắc Sơn là cây đa, cây đề trong làng văn, một cây bút giàu tiềm lực tri thức với vốn sống trải nghiệm thực tiễn xã hội rất phong phú. Dư luận văn đàn ghi nhận ông là cây bút văn xuôi sung sức hàng đầu hiện nay bởi hàng loạt tiểu thuyết ra đời liên tục lại nặng ký, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chưa kể bộ tiểu thuyết Luật đời & Cha con đã được dựng thành phim nhiều tập, phát sóng trên truyền hình cả nước (2007), các tác phẩm Lửa đắng (2008), Gã tép riu (2 tập, 2010 - 2014), Vỡ vụn (2015) và Cuộc vuông tròn (2017) của ông liên tiếp được tặng Giải Ba Cuộc thi viết Tiểu thuyết giai đoạn 2006 - 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người đoạt giải cao nhất - với hai giải Nhất, một giải Nhì trong ba năm đầu - Cuộc thi viết”Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” do báo Hà Nội mới tổ chức.

Một phóng viên gọi ông là nhà văn trẻ tóc bạc có lẽ vì năm 2002 ông mới gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam nhưng chắc chắn rằng giá trị của một nhà văn đích thực không được đo bằng tuổi vào Hội mà vấn đề cốt yếu là người ấy viết được những gì có ích cho bạn đọc, có ý nghĩa cho cuộc đời. Tác giả ấy đã đóng góp được gì trong sự vận động đi lên của cỗ xe văn học nước nhà?

Vốn dạy môn Văn bậc THPT, thầy giáo Nguyễn Bắc Sơn không chỉ trao truyền kiến thức, truyền cảm hứng yêu văn chương tới các thế hệ học trò, ông còn viết rất nhiều bài báo, truyện ngắn và ký, lan tỏa những điều mình suy ngẫm gửi tới bạn đọc mọi lứa tuổi. Khi về hưu ông mới dành toàn tâm toàn trí cho việc viết văn. Đến nay, ông thực sự là nhà văn trẻ bởi năng lượng sống và viết rất mãnh liệt, hiệu quả làm việc đáng nể phục. Không thể ngờ một ông già đầy chất nghệ sĩ: dáng cao dong dỏng nho nhã, khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị, đôi mắt sáng ánh lên sự thông minh, tinh nhạy, ”tóc trắng, tim xanh, mắt ướt” (như nhà thơ Trần Đăng Khoa miêu tả) suốt hai chục năm nay có thể viết nhiều, viết khỏeviết chất đến thế! Ông đã ra 25 đầu sách và nhiều bài báo với tổng hàng vạn trang viết. Từ đâu, lý do nào khiến ông có được nội lực mạnh mẽ và sức viết đáng nể như vậy? Cuốn hồi ký BCBN của ông được hoàn thành đúng dịp nhà văn tròn tuổi bát thập - quả là vô cùng ý nghĩa - đã lý giải một phần điều đó.

Hồi kí là thể loại văn bản thiên về trần thuật, những sự kiện có thật trong cuộc đời người viết nên mang đậm tính chủ quan và cảm tưởng trực tiếp. Sinh năm 1941, Nguyễn Bắc Sơn quê gốc ở làng Nủa (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội), chào đời ở Nam Định, nơi thân phụ dạy học. Cha mẹ đặt tên ông là Nguyễn Công Bác với mong muốn con trai là người công bằng, bác ái. Cuối năm 1950, khi gia nhập Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách, ai cũng phải có bí danh nên anh trai (là Nguyễn Việt Chiến, đi từ đầu năm 1947) đặt là Bắc Sơn. Từ đó Nguyễn Bắc Sơn thành tên thường gọi và là bút danh của ông sau này.

Đọc BNBC, người đọc hiểu sâu sắc hơn cuộc đời tham gia kháng chiến từ lúc còn thiếu nhi và không ít gian truân của ông. Bức ảnh chụp năm 1951 ở
Đại từ Thái Nguyên có 30 người, 7 người hàng đầu (4 nam 7 nữ đều chân đất, quần dài, áo trấn thủ, áo len, nữ đều khăn len quàng cổ). Riêng ông mặc quần soóc mẹ may cho trước ngày đi thoát ly. Cuốn sách không giúp bạn đọc hiểu rõ cuộc đời của nhà giáo - nhà văn đồng hương đáng kính mà càng khiến thêm trân quý tác giả bởi đức khiêm tốn, ham học, tài quan sát tỉ mỉ, tâm hồn nhạy cảm. Con người ấy giàu lòng nhân ái, trách nhiệm cao với công việc, nhiệt tình với mọi người. Ngay từ những dòng đầu sách, nhà văn đã có cách xưng hô thật đặc biệt. Viết hồi ký mọi người thường xưng tôi -bình đẳng với bạn đọc. Ở đây nhà văn xưng “chú” - nghĩa là tự nhận mình ở tư thế như em trai, là vai dưới, vị thế thấp hơn so với bạn đọc. Nội điều đó cũng đã cho thấy thái độ trọng thị, trân quý người khác và sự khiêm nhường của người viết.

Cuốn hồi ký gồm 11 phần, đọc suy ngẫm và theo dõi tên từng phần đã rất ấn tượng về một quá khứ từng trải, không ít vất vả song chủ thể lại rất năng động, sáng tạo. Cuộc đời ông thật ý nghĩa, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ (Tuổi thơ kháng chiến; Cấp 3 Nguyễn Trãi một thời; Vợ chồng là nghĩa tao khang; Niềm vui thầm lặng;Gã tại sao?; Mười năm cuối cán đầu binh; Những chuyến đi nước ngoài; Học mót; Với các nhà văn; Phần kết).

Tuổi thơ kháng chiến: tái hiện những ngày hai anh em trai Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Bắc Sơn rủ nhau lên An toàn khu (ATK), xuất phát từ Phú Thọ - nơi gia đình tản cư - đi bộ mấyngày liền, phần lớn là đường rừng heo hút, bất chấp sự đau đớn vì chân bị que nhọn đâm, bị nhiễm trùng sưng tấy rồi mới tới đồn điền Canh Nông. Hai anh em bắt tay ngay vào việc học tập xướng âm, học múa và nhạc cụ.

Cấp 3 Nguyễn Trãi một thời viết về các bạn cùng lớp với tác giả, nhiều nhất là nhóm bạn đi B “một lứa ngang trời”. Người đầu tiên trong năm bạn ấy là Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân với tượng đài thơ ”Dáng đứng Việt Nam” bất tử. Hai trong năm người ấy
là liệt sĩ (Ngoài Lê Anh Xuân, lớp trưởng Nguyễn Bang cũng hy sinh). Vợ chồng là nghĩa tao khang: nói về tình yêu với người bạn đời. Niềm vui thầm lặng viết về mấy chục năm dạy học nhưng chưa bao giờ thầy bắt học sinh kiểm điểm. Ngay cả khi lớp chủ nhiệm xảy ra sự cố: em thư ký lớp bị mất hết tiền thu học phí của các bạn. Chỉ nhờ quan sát hơn năm chục học sinh, dùng phép loại trừ, thầy đã phát hiện ra em học sinh nghi có vấn đề và gặp riêng em đó vào cuối buổi. Thuyết phục không được,thầy phải lấy danh dự ra thề: không thông báo việc này
đến gia đình cũng như cả lớp
 cũng không xong, thầy dùng dao lam mang sẵn bên mình, cắt máu thề. Chỉ khi thấy chảy máu ròng ròng, trò bật khóc và mới chịu nộp ra số tiền vừa lấy trộm của lớp.

Gã tại sao? Tôi và bạn đọc nếu tra Gogoole sẽ ra hai bài báo của nhà văn: Tay chiêu tại sao? Đăng lần đầu trên báo Nhân dân 4 /12/1977, trên báo Lao động cuối tuần 5/ 10/ 2012; và bàiTrận địa cọc Bạch Đằng đã được thi công như thế nào? Đăng trên tập san Khoa học kỹ thuật Đời sống (NXB Khoa học kỹ thuật 1987) và trên Lao động cuối tuần (30/ 9 / 2018). Không biết bạn đọc xếp trí tuệ ông thuộc loại gì? Riêng tôi phục lăn nhà văn bởi cuộc đời này có rất nhiều vấn đề nhưng quy tụ vào chỉ có hai câu hỏi: thế nào và tại saoThế nào thì dễ trả lời nhưng tại sao thì quả là không dễ nhưng các bài viết của ông đã rất thuyết phục.

Mười năm cuối cán đầu binh là thời gian tác giả làm quản lý báo chí xuất bản và bản quyền - Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Đảm trách công tác này, ông làm được nhiều việc có ích. Trong đó có một sự việc nghiêm trọng đến mức: ngày 02/7/1997 ông Trần Trúc Thanh, Chánh Văn phòng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương phải có báo cáo nhanh (đóng dấu mật) gửi Thường vụ Bộ Chính trị. Cả Sở bí bách, ông cũng hoảng, vậy mà cuối cùng ông cũng giải quyết ngon lành.

Những chuyến đi nước ngoài là thời gian ông làm Phó Chủ tịch VFEJ (Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam). Người ta đi để… trải nghiệm và hưởng thụ, ông đi để học và viết. Dù không biết tiếng Anh nhưng (qua phiên dịch) các bạn nước ngoài phải nể ông và ngưỡng mộ trí tuệ Việt Nam.

Học mót không là chuyên nghiệp nhưng với gần 20 năm qua, ông gặt hái được hơn nhiều người làm cả đời.

Phần kết rất ấn tượng. Khi ông trình bản thảo BNBC lên Hội nhà văn, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cười nói: “Bác bảy nổi ba chìm chứ em thì bảy chìm ba nổi”. Nhà văn bậc thầy - Ma Văn Kháng có cuốn hồi kí mang tên: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương. Hồi kí của Nguyễn Bắc Sơn cũng đầy những nhọc nhằn và rất nhiều nhớ thương nên ông mới viết: “Có được như hôm nay là nhờ tứ thân phụ mẫu, nhờ người vợ tao khang, những người thân, nhờ bạn bè, nhất là bạn văn chương, các bạn học sinh, sinh viên đã tương tác khi làm việc - giờ nhiều người vẫn gắn bó - và bạn đọc xa gần. Biết ơn lắm cuộc đời đáng yêu, đáng sống và thực sự chú đã sống thật, sống hết mình vì nó”.

Với người mới vào nghề, tôi đặc biệt thích thú cuốn sách nói chung và phần với các nhà văn nói riêng. Tác giả chia sẻ định viết với các bạn văn, song với bản tính khiêm nhường nên lại viết với các nhà văn. Đọc kỹ thấy họ đều là những người ông rất nể trọng, đều nhiều tuổi nghề hơn ông nhưng ai cũng quý mến và đánh giá cao những gì ông đã đạt được. Người giới thiệu ông vào Hội Nhà văn là nhà văn Lê Lựu nhận xét: “Cuốn Lửa đắng viết rất hấp dẫn. Câu chữ cho thấy nhà văn có suy nghĩ tìm tòi, chứ không đều đều trơn tuột. Văn ông có đặc sắc riêng như cây tre, cây sậy có mấu, có đốt”. Nhà văn Ma Văn Kháng có đến ba bài viết về ông với những lời khen chê rất đích đáng - có lẽ chưa nhà văn nào được ông khen tới ba lần cho ba bộ tiểu thuyết. Không thể dẫn ra hết Ma Văn Kháng khen chê ra sao, bạn đọc phải tự tìm và đọc mới thấu hiểu cây tiểu thuyết hàng đầu của văn xuôi đương đại khen Nguyễn Bắc Sơn như thế nào?

Dạy học, làm người lính, làm quan nhất thời, làm cuối cán đầu binh bởi “không có chí làm quan không có gan làm giàu” nên ông không nhận danh hiệu gì. Được đưa sang cơ quan này cơ quan khác, nhiều cơ hội thăng tiến trên con đường danh vọng, nhưng ông nghĩ “oai thì rất oai nhưng sợ mình không còn là mình nữa”. Ông từ chối tất cả để được sống với đam mê văn chương, được điều binh khiển tướng đội quân chữ nghĩa vô cùng phong phú. Hơn hai mươi năm qua và hiện nay ông vẫn là Uỷ viên BCH Hội ngôn ngữ Hà Nội. Năm 2019, nhân 50 năm ngày công bố Di Chúc của Hồ Chủ tịch, ông có bài giới thiệu từ trang đầu, đăng hai trang sau của Báo Lao động cuối tuần (30/8 - 1/9/2019), “Di chúc - điển hình sự giản dị, trong sáng phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh”. Chưa kể cuốn sách hơn 500 trang có nhan đề “Tản mạn về nghề cầm phấn và nghề cầm bút”, trong đó một nửa sách viết về chuyên đề ngôn ngữ, sẽ rất hữu ích cho những ai yêu thích viết Văn vì văn chương bao giờ cũng đi liền với chữ nghĩa.

  1. Với người vợ tao khang

Vợ chồng là nghĩa tao khang là tên một phần trong cuốn sách dành riêng nói về tình yêu, về người yêu, người bạn đời. Kể từ khi quen biết đến nay, chưa bao giờ ông nguôi yêu quý và trân trọng vợ. Tao khang nghĩa nguyên thủy là nói tới tình nghĩa gắn bó thắm thiết vợ chồng kể từ thuở còn nghèo khó đến khi không giàu nhưng cũng được “thường thường bậc trung”, từ lúc tuổi thanh xuân phơi phới đến nay đầu bạc răng long.

 “Mê nhau từ cái nhìn đầu tiên”. Câu ấy cứ ngỡ ở tiểu thuyết hay phim ảnh nhưng trong cuộc đời nhà văn Bắc Sơn lại là hiện thực. Qua những trang viết sống động, người đọc biết rõ về lịch sử mối tình nhiều thi vị và quá trình nhà văn tìm thấy một nửa của đời mình. Hồi 1962, dạy Văn tại trường Sư phạm cấp II Hưng Yên, thầy giáo trẻ Bắc Sơn làm quen với người vợ bây giờ - cô Đoàn Thị Quang. Gặp lần đầu nhưng bị hút hồn ngay bởi người con gái ấy”có đôi mắt hạt nhãn, nước da trắng hồngmái tóc dài mượt mềm óng ả lại thêm tính tình nết na thùy mị”. “Bữa cơm được mời hôm ấy, sang nhất có món su hào thái chỉ xào với trứng. Hơn sáu mươi năm rồi...” nhưng đến nay “như vẫn còn dư vị trên đầu lưỡi. Bởi nó là chỉ dấu khi lần đầu tiên nhìn thấy em”. Sau này, trong tiểu thuyết “Vỡ vụn”, tác giả tái hiện lại mái tóc ấy qua nhân vật Chuyên. Và khi đã được sở hữu tấm thân ngà ngọc, làn da ngó cần ấy, trong tiểu thuyết “Gã Tép Riu”, nhà văn cho nhân vật người tình nói với cô bồ Diệu Thủy: “Anh sẵn sàng đổi cái ghế bộ trưởng lấy làn da em”. (Người vợ trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn miêu tả ngoại hình của không ít nhân vật nữ trong những cỗ trọng pháo văn chương của ông sau này).

Với tình cảm chân thành, có chiến thuật hợp
lý vây, lấn, tấn… nên anh đã chiếm được tình cảm đặc biệt của em. Sinh 1944, kém anh ba tuổi, một khoảng cách vừa đẹp. Cặp thanh mai trúc mã ấy “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Để chắc thắng, anh biết “tấn công liên tục, nổi dậy đều khắp” và được đền đáp. Cô em Đoàn Thị Quang đỗ Đại học Y Hà Nội. Học đến năm thứ tư, anh đòi cưới. Mồ côi cha khi chưa đầy tuổi, với em, mẹ là tất cả, nên cả hai phải chờ ý kiến của mẹ đã.

“Vợ hiền dâu thảo đảm đang”. Bà dì ruột, bí thư Đảng ủy bệnh viện C (Viện bảo vệ Bà mẹ và trẻ em) hỏi mẹ của Quang, chị gái quê mùa: “Chị căn cứ vào đâu để…” chấp nhận chàng rể này? - “Tôi chẳng căn cứ vào đâu cả. Chỉ thấy con trai Hà Nội mà biết đi bừa, làm cầu ao, đóng thang tre bốn chân cho tôi hái chè, cơm nước cho cả nhà đi gặt về ăn… là tôi gả thôi. Mà nó phải lòng nhau từ bao giờ ai mà biết được. Tôi bảo ở quê không có ai chưa cưới xin đã đi đôi thế đâu. Nó, người đi trước, người đi sau là được rồi”. Tác giả viết: “Thái độ hơn trình độ là thế. Nếu bà mẹ không ủng hộ thì có yêu
cũng khó thành gia thất”. 
Lễ cưới thời chiến ba không: không cỗ bàn, không pháo nổ, không chụp ảnh ở chính nơi 24 năm sau anh về làm “cuối cán đầu binh” - Trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản và bản quyền Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

Phải học 6 năm nên chỉ Trường Đại học Y mới có khu nhà lá cho sinh viên nữ có gia đình ở. Phòng chỉ bốn mét vuông hai mẹ con với bà ngoại - cháu bà nội tội bà ngoại - nên anh phải vẩy thêm một chỗ làm bếp. Chồng vẫn dạy ở Hưng Yên, ngày nghỉ đạp xe về. Em vừa nuôi con nhỏ vừa học năm cuối, cũng là chuyên khoa. Nhờ nỗ lực vượt bậc, em thi tốt nghiệp và đỗ Thủ khoa chuyên khoa Nhi. Vì nghỉ sinh con nên phải đi thực tế bù. Rủi nhưng lại hóa may, được về bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Hà Nội, làm đúng chuyên khoa Nhi. Rồi anh cũng được về Hà Nội dạy tại trường Nguyễn Gia Thiều. Chân ướt chân ráo vừa được một năm học, đúng lúc tổng động viên (1972), anh nhập ngũ. Chị nuôi con và mang bầu rồi sinh cháu thứ hai. Một nách hai con nhỏ. Chồng chỉ còn phụ cấp 5 đồng. Mỹ ký Hiệp định Pa-ri với Việt Nam. Anh được xuất ngũ, lại thêm cháu thứ ba. Không chỉ là vợ hiền, em còn là dâu thảo, ứng xử luôn có trên có dưới, biết trước biết sau trong họ ngoài làng, với cả bên nội bên ngoại: “Trong họ chỉ có chị cả Bích San và em được chú ruột chồng là Nguyễn Như Cương tặng “huân chương” chữ TÂM cho cháu dâu” thêu dòng chữ: “Vợ hiền dâu thảo đảm đang/ Chồng con yêu quý họ hàng ngợi khen”.

Thời ấy chưa có chuyện làm thêm, “Đồng lương hẹp tựa vuông khăn / Qua tay em gói quanh năm vuông tròn” (Khánh Nguyên)Chị Quang đúng là mẫu người phụ nữ đảm đang vén khéo trong câu thơ ấy. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả nước mừng vui, Bắc Nam sum họp. Đất nước ra khỏi cuộc chiến, khó khăn thậm chí còn hơn khi bắt đầu. Anh chị bán một chiếc xe đạp và giường tủ mới gom đủ tiền đổi được căn hộ 20 mét vuông ở trong phố, đoạn tuyệt hẳn cảnh chạy lũ lụt và xếp hàng gánh nước ngoài bãi Phúc Xá. Chiến tranh
kết thúc. Đất nước dường như kiệt sức. Viện trợ nước ngoài bị cắt. Anh chị cùng gồng mình chịu đựng mấy năm rồi sau anh cũng buộc lòng để chị đi làm Chuyên gia Y tế ở Algieri đặng cứu nước cứu nhà. Vợ thì nhắc chồng: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời” (Nguyễn Du). Chồng thì: “… Anh gỡ từng sợi tóc rối bời/ Dệt thành hạnh phúc mộng lứa đôi/ Em khéo kết may thành áo cưới/ Đời mình từ đó cứ nhân đôi… Thương những
sợi tóc gầy tóc bạc/ Vì chồng con lủi thủi cuối trời/ Thương những lúc nhớ anh vật vã/ Và mình em vò võ đơn côi…”.

“Mối tình đầu cũng là mối tình cuối”. Hai ông bà hoàn thành sứ mệnh của những cán bộ, công chức mẫn cán được hưu trí. Trong sâu thẳm trái tim, nhà văn Bắc Sơn không chỉ yêu thương, trân quý mà còn rất biết ơn vợ. Thật hiếm có người đàn ông nào sống ở thế kỷ XXI giữa phố thị đầy những cám dỗ, giữa các thế hệ học trò yêu quý, coi thầy là thần tượng mà suốt đời “không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà phê, cũng không lô đề, cờ bạc, đến bây giờ 80 tuổi vẫn chỉ nghiện em - vợ chú bây giờ. Việc này hơn nửa thế kỷ nay em là nhân chứng”. Đã không chỉ một lần cùng với mấy bạn văn sinh hoạt trưa cùng nhà văn, lần nào tôi cũng thấy ông chỉ dùng nước lọc cụng ly với mọi người. Chính bởi toàn tâm vì vợ con và đam mê văn chương nên nhận xét về ông, nhà văn Ma Văn Kháng viết: “Nguyễn Bắc Sơn là nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề đang trên đà sung sức. Liên tiếp mấy năm gần đây, sau Luật đời & Cha con (2005), Lửa đắng (2008), Gã tép riu, (2 tập, 2010 - 2014), Vỡ vụn (2015), Cuộc vuông tròn (2017). Ông thành công trong nhiều sáng tác còn nhờ ở sự vận dụng ngôn ngữ khá linh hoạt và chuyên nghiệp của mình. Thông thạo thứ ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác, lại khéo kết hợp với lối nói thành ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm, đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Nguyễn Bắc Sơn là một trong những nhà văn sung sức nhất hiện nay…”. Nói thế bởi trong ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp (2006 - 2020) của Hội Nhà văn VN, ông đều đoạt Giải Ba. Còn trong Cuộc thi viết thời gian dài nhất nước do báo Hà Nội mới tổ chức: “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, có nhiều nhà văn chuyên nghiệp tham gia, ba năm đầu ông đoạt một giải Nhì, hai giải Nhất và là người đoạt nhiều giải cao nhất toàn cuộc.

Đằng sau thành công của người đàn ông luôn
có bóng dáng một phụ nữ. 
Đọc Bảy nổi ba chìm của Nguyễn Bắc Sơn, càng thấy ý kiến trên là đúng.

Kết thúc bài viết này, xin mượn lời khen của nhà văn bậc thầy Ma Văn Kháng đánh giá về tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn qua bài viết “Xung đột gia đình, xung đột nhân cách” đăng báo Văn nghệ (ngày 22/3/2014): “Gã tép riu được viết bằng ngôn ngữ hàn lâm đầy kịch tính và một phẩm chất hiếm hoi nữa, một giọng kể đậm chất hoạt kê hóm hỉnh, tươi ròng sự sống, chúng tạo nên một không gian nghệ thuật mới mẻ, không nhàm chán. Trong văn xuôi hôm nay của ta tôi đọc thấy phẩm chất này ở Hồ Anh Thái, ở Lê Minh Khuê, ở Nguyễn Quang Lập. Và, bây giờ ở Nguyễn Bắc Sơn. Đủ biết đó là của hiếm”.

 

 Hà Nội, Mùa Hè năm 2023

hoa_sung_1

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét