PHIM “HỒNG HÀ NỮ SĨ” -
BỮA TIỆC TINH THẦN THÚ VỊ
(Đăng Thời báo Văn học nghệ thuật số 42
ngày 19/10/2023, trang 16)
NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN
Sau gần 4 năm kể từ khi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát khởi thảo viết kịch bản phim “Hồng Hà nữ sĩ”, cùng đạo diễn phim - NSƯT Nguyễn Đức Việt và dàn diễn viên bấm máy quay hơn một năm với bao vất vả để rồi vỡ òa niềm vui: tác phẩm điện ảnh vừa hoàn thành. Ngày 14 tháng 10 năm 2023, bộ phim được trình chiếu tại phòng chiếu số 1và 3 của Rạp Chiếu phim Quốc Gia với sự háo hức của hàng nghìn khán giả. Cả 2 phòng chiếu đều chật kín, không ít người đứng để xem ở cuối rạp.
Đây là bộ phim cổ trang về đề tài lịch sử, tái hiện cuộc đời nhiều biến cố của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1749), hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Bà là một trong ba bậc nữ lưu tài danh kiệt xuất Việt Nam thời Trung đại (cùng Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Hinh). Những câu thơ ở phần giới thiệu phim có ý nghĩa như lời đề từ, gợi lại không gian những năm tháng gần ba trăm năm trước, giúp người xem có tâm thế tiếp nhận bộ phim thuận lợi hơn: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên/ Xanh kia thăm thẳm từng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” (trích Chinh phụ ngâm). Bộ phim giúp người xem hiểu nhiều thông tin bổ ích, thú vị.
- Xã hội lịch sử Việt Nam giai đoạn đương thời thối nát, đầy bất công. Qua lời đối thoại giữa quan thượng thư Lê Anh Tuấn - NSND Trung Anh đảm nhiệm - với các bậc đại quan, trí thức cùng triều khiến người xem nhận biết vua Lê trị vì đương thời bất tài vô dụng, Chúa Trịnh Giang cùng bọn hoạn quan lộng hành, ăn chơi trác táng. Mâu thuẫn nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến dẫn đến nội chiến liên miên, đời sống nhân dân vô cùng điêu đứng. Mở đầu là cảnh: nhiều trai tráng - lao động chính trong mỗi gia đình - bị bắt đi lính rồi sau này, họ phải bỏ mạng nơi sa trường, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn phong kiến, để lại vợ trẻ, con dại bơ vơ. Người dân phải sống lay lắt vì sự ức hiếp vô lối của bọn quan lại, cường hào. Cảnh tên đồ tể vô học công khai việc hắn bỏ tiền mua chức quan huyện là dẫn chứng hùng hồn về một xã hội thối nát, làm thui chột tài năng tầng lớp nho sĩ. Những kẻ có tiền, có quyền mặc sức bắt nạt, cướp bóc, đánh đập những người thấp cổ bé họng khi trái ý chúng. Nực cười thay khi nhà Chúa bị ốm đã lệnh cho mọi nhà phải tắt hết đèn, khiến cả Kinh thành nhiều ngày phải sống trong màn đêm tăm tối. Nhờ nắm chắc nhiều tư liệu lịch sử thời ấy, tác giả kịch bản đã có sự sáng tạo không ít chi tiết độc đáo vừa có tính giễu nhại vừa tố cáo rất đanh thép xã hội phong kiến xấu xa.
- Chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và người thân của Bà được tái hiện sinh động. Diễn viên chính
luôn là linh hồn của mỗi bộ phim. Vai Bà Điểm do diễn viên trẻ Anh Đào diễn xuất được tái hiện nhẹ nhàng và cuốn hút người xem. Bà Điểm sinh ra trong một gia đình nho học, cha là Đoàn Doãn Nghi, anh trai là Đoàn Doãn Luân, sinh kế bằng dạy học. Từ nhỏ sống nơi thôn quê, cô Điểm đã chứng kiến bao cảnh bất công trong xã hội. Nổi tiếng thông minh, đẹp người lại đẹp nết, cô được cha dạy chữ, tiếp cận với sách văn chương sớm, thông thạo tứ thư ngũ kinh và kiến thức sâu rộng nhiều mặt. Năm 16 tuổi, cô được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, đưa về Thăng Long với dự định sẽ tiến cung, song cô Điểm khéo léo chối từ, mượn cớ về quê thăm cha. Cha cô bị ốm nặng rồi mất. Anh trai cô tiếp tục dạy học trò. Vì bảo vệ em gái khỏi bàn tay dơ bẩn của bọn quan tham, anh cô đã bị bắt, bị đánh đến chết. Mẹ cô không vượt qua được những tai ương liên tiếp ập đến nên cũng rời cõi tạm. Chỉ trong mấy năm mà gia đình tang trùng tang thật đau thương. Cô Điểm ở lại quê vừa làm thuốc vừa dạy học. Đêm đêm bên ngọn nến nhỏ, cô đọc sách và dồn tâm huyết lên ngọn bút, ký thác lòng mình qua từng trang viết.
Vẻ đẹp, đức hạnh và tài thơ văn của cô Điểm đã khiến nhiều trí thức Bắc Hà ngưỡng mộ, ao ước. Trong số đó có Đặng Trần Côn, diễn viên Nguyễn Văn Toàn đảm nhiệm, một danh sĩ con nhà đại
quý tộc. Qua vài lần gặp gỡ và đối thoại, Đặng Trần Côn vô cùng mến mộ Cô Điểm, đã nói: “Nếu triều đình cho nữ sinh ứng thí thì Điểm cũng sẽ chiếm
bảng vàng”. Đặng Trần Côn dù ít hơn cô Điểm mấy tuổi, vẫn thầm yêu trộm nhớ người đẹp. Khi cô Điểm rời Kinh về quê, chàng đã thốt lên: “Kinh thành mà thiếu nữ sĩ sẽ trống vắng lắm…”. Song cô chỉ coi chàng là bạn tri âm văn chương. Điểm một lòng dạy học, làm thuốc, giúp chị dâu nuôi dạy
các cháu. Năm cô 37 tuổi, Tiến sĩ Nguyễn Kiều - do Vĩnh Xương đóng, rể của quan thượng thư Lê Anh Tuấn, vợ mất từ lâu - đã xin phép song thân ngỏ lời với cô Điểm, mong về chung một nhà và được cô thuận theo. Trở thành vợ Tiến sĩ Nguyễn Kiều, bà Điểm được đưa vào cung làm lễ nghi học sĩ, dạy học cho các cung tần, mĩ nữ trong triều. Với đức hạnh đoan trang và tính cách cương nghị trong ứng xử, bà đã khiến bọn cường quyền rất tức tối. Chừng hơn một tháng sau, Tiến sĩ Nguyễn Kiều phải đi Bắc quốc làm Chánh sứ theo lệnh vua. Bà Điểm lo quán xuyến việc nhà, chăm sóc cho các con riêng của chồng: ”Thay chàng đèn sách thiếp làm phụ thân”.
- Bộ phim đã lý giải rất thuyết phục sự ra đời của tác phẩm chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn và nguyên do Hồng Hà nữ sĩ chuyển ngữ sang chữ Nôm rất thành công. Nhận lời ủy thác, bà “xem giúp” áng thơ trường thiên với 412 câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn. Ở đó, tác giả đã hóa thân làm người chinh phụ, bày tỏ tâm trạng, cảm xúc bằng thơ. Trong cảnh lẻ loi thương nhớ chồng ở xa ngàn dặm, Bà Điểm đọc và vô cùng đồng cảm, thấu hiểu nỗi lòng - cả những khát khao thầm kín -của người vợ có chồng đi lính ra chiến trường. Sau một thời gian, Bà đã hoàn thành việc chuyển ngữ sang chữ Nôm bản Chinh phụ ngâm với rất nhiều sáng tạo. Nhiệm vụ đi sứ đã hoàn thành sau ba năm, Tiến sĩ Nguyễn Kiều trở về đoàn tụ cùng gia đình. Sống bình an cùng vợ con chừng hai năm, Tiến sĩ được lệnh mới của vua: Nhận chức Tri phủ xứ Châu Hoan (Nghệ An). Nguyễn Kiều đưa vợ con cùng vào xứ Nghệ nhưng đang trên đường đi thì Bà Điểm lâm trọng bệnh rồi mất, năm 43 tuổi. Tuy thể phách bà về miền mây trắng nhưng các tác phẩm của bà như “Truyền kỳ tân phả” cùng một số bài thơ, câu đối, đặc biệt bản chuyển ngữ Chinh phụ ngâm khúc là kiệt tác của nền thơ ca dân tộc sẽ còn sống mãi với thời gian.
- Rất ghi nhận sự sáng tạo của tác giả kịch bản. Phim đã khéo lồng vào ngôn ngữ của một số nhân vật những câu thoại đậm tính minh triết: “Di sản cha ông mà không giữ gìn là có tội với non sông” (Lê Anh Tuấn). “Nước Nam ta thời nào cũng có người tài” và “Làm quan mà không giúp được gì cho dân thì sẽ từ thôi” (Đặng Trần Côn). Hay cảnh sông Ngân Hà trên nền trời đêm dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng rất nhiều sức gợi về tình cảnh vợ chồng vô cùng thương nhớ nhau nhưng cách trở ngàn trùng. Điều đó do đâu? Tác giả và đạo diễn để người xem tự tìm ra câu trả lời. Phim không nhiều kịch tính và những tình huống căng thẳng nhưng người xem thật sự cuốn hút, thú vị. Nếu muốn tìm chỗ chưa hay của bộ phim: có lẽ đó là hình ảnh các sĩ tử đi thi đình - kỳ thi quốc gia để chọn nhân tài - cảnh quay cho thấy cách bài trí, chuẩn bị còn sơ sài, có
lẽ cũng bởi tài chính dành chi cho bộ phim còn
hạn hẹp.
Những thành công nhiều mặt của phim là cơ bản, thực sự đáng trân trọng và ghi nhận. Có được kết quả ấy là nhờ kinh nghiệm dày dạn của giám đốc sản xuất và đạo diễn cùng dàn diễn viên gạo cội phối hợp ăn ý với các diễn viên trẻ. Các diễn viên nhập vai rất có hồn, diễn ra rõ chất của từng nhân vật. Đặc biệt mối tình giữa Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm được thể hiện rất tình mà vẫn kín đáo, ý nhị hợp với phong cách cổ xưa. Buổi ra mắt bộ phim đặc sắc Hồng Hà nữ sĩ khiến khán giả được thưởng thức một bữa tiệc tinh thần thú vị và bổ ích.
CHÚ THÍCH: Kịch bản kiêm Giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt. Vai Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm: diễn viên Anh Đào. Tiến sĩ Nguyễn Kiều: Vĩnh Xương. Đặng Trần Côn: Nguyễn Văn Toàn. Thượng thư Lê Anh Tuấn: NSND Trung Anh. Phu nhân Thượng thư: NSND Lê Khanh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét