Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

Khi thơ đi giữa những đường biên

 Khi thơ đi giữa những đường biên

                           LÊ ANH PHONG



Tôi có anh bạn là dân Toán, nhưng đôi lúc có làm thơ.

Anh rất ngại mọi người gọi mình là nhà thơ, dẫu

thơ anh hay hơn không ít người mang danh xưng này nọ.

Một anh bạn khác là nhà thơ có lần tâm sự về việc thơ được

đăng báo, nhưng vui thì ít, bực lại nhiều. Vì để an toàn,

người biên tập đã sửa một câu làm hỏng cả bài. Có tác giả,

sau khi đọc thơ, tôi rất muốn được gặp. Nhưng khi gặp thì

thất vọng “toàn tập”...

Đó là những câu chuyện ở đường biên, đều liên quan

đến thơ và phía sau chữ nghĩa. Dẫu biết rằng sống như

thơ là rất khó. Vì thơ vừa là hiện hữu, vừa là giấc mơ, là

lý tưởng để vươn tới. Nhưng sống một đằng viết một nẻo

là câu chuyện của nhân cách. Ngay trong Ngôi nhà Văn

chương, nhiều khi liêm sỉ và sự nhếch nhác chỉ cách nhau

một làn ranh mỏng.

Bên vách thời gian, đâu đây vẫn có một đèn một bóng để

sinh thành những tác phẩm, những tập thơ mang dấu ấn

của sáng tạo, của sự dấn thân. Không cánh hẩu, không bầy

đàn, những người thơ ấy lặng lẽ sống và lặng lẽ âm vang...

Quan niệm về thơ hôm nay thật đa dạng. Nếu cái đường

biên giữa cũ và mới, giữa truyền thống và cách tân... rộng,

cởi mở thì mở ra một không gian cho đối thoại. Ngược lại,


nếu hạn hẹp và đố kị, thơ sẽ bị xô đẩy vào tình thế đối

đầu không nên có. Tôi chợt nhớ câu nói của thi sĩ Lê Đạt

“Phải biết trân trọng đối thoại với cái khác, cái lạ. Trong

thơ, không ai được vỗ ngực độc quyền chân lý, cũng như tự

cho mình nói tiếng nói cuối cùng”, “Một nền thơ có một Lý

Bạch là một nền thơ có phúc. Một nền thơ có 100 Lý Bạch

là một nền thơ bất hạnh, vì chỉ có một Lý Bạch, còn 99 Lý

Bạch rởm”.

Cũ và mới, truyền thống và cách tân đã, đang và mãi mãi

là cuộc đối thoại song hành. Nhịp sống nhanh cùng quan

niệm hậu hiện đại, mới... và mới, câu thơ vừa viết không

lâu đã cũ, là thử thách lớn cho sáng tạo hôm nay. Chữ nghĩa

có vào thế tay ga trên con đường thơ bất tận.

Còn có một cuộc đối thoại song hành nữa, giữa nhà phê

bình và nhà thơ. Tuy gọi là đối thoại, nhưng chủ yếu diễn

ra một chiều, thơ được nhìn nhận từ phía các nhà phê bình.

Mỗi hệ hình thơ có một hệ hình phê bình tương ứng. Đứng

ở hệ hình này để nhận xét đánh giá hệ hình kia sẽ không

tránh khỏi bất cập. Thực tế ấy đã dẫn đến một vài trường

hợp phê bình không tới được, không đồng điệu, lạc nhịp

với thơ. Người sáng tác và người nghiên cứu khoa học

không gặp được nhau, vì lệch chuẩn, vì họ không cùng hệ

hình. Song hành nhưng có đồng hành được hay không?

Câu chuyện ấy chỉ có thể thành hiện thực, khi người làm

phê bình hôm nay có nhiều loại chìa khóa, để mở các ngôi

nhà thơ khác nhau. Nhưng, có “tạng thơ” thì cũng có “tạng

phê bình”. Và có cả “trường phái phê bình tuy nhiên”,

không xác quyết, không đi đến tận cùng, chung chung và

chung chung.

Trong bối cảnh thơ đứng trước nhiều đường biên đan

chéo nhau, những nhà thơ trẻ, những người viết mới nhập


cuộc rất dễ hoang mang, mất định hướng. Bởi thế, các nhà

phê bình, các cuộc thi thơ, việc kết nạp hội viên mới... phải

mang lại cho họ niềm tin và ít nhiều sự hình dung về giá

trị đích thực của thi ca, để vững bước trên con đường thơ

mà họ đã lựa chọn.

Con đường ấy còn tùy thuộc vào tinh thần nhập cuộc,

mục đích đến với thơ. Lý do của thơ là gì, nếu cầm bút chỉ

nhằm để vào hội?

Hiện nay số người làm thơ rất đông, nhưng đa số là để

giãi bày. Đường biên của mục đích, động cơ từ phía người

cầm bút cũng nhiều khác biệt. Bên cạnh những bài thơ ra

đời từ sự thôi thúc bên trong, từ bản ngã, từ câu hỏi của đời

sống và thân phận con người, là thơ thù tạc, “thơ cúng cụ”,

thơ hưởng ứng... Có người viết thơ tự do, nhưng không hề

tự do. Bởi vì, họ không viết từ đường linh của gió, mà viết

bởi “nhiệm vụ chính trị”, viết theo thói quen vô hình, thậm

chí thói quen tù túng, thói quen nô lệ. Con chim cảnh bị

nhốt lâu ngày, nay được xổ lồng, nhưng cứ quanh quẩn cái

lồng, không bay lên. Nó sợ điều gì?... Đó là đường biên vô

hình của ám ảnh.

Còn có một sự thật trớ trêu khác, nói như Phùng Cung,

nhiều khi bi kịch của nhà thơ là “bị lưu đày trong cõi

tung hô”.

Với thơ, nhạt là điều đáng sợ nhất. Đổi mới là xu hướng

tất yếu của sự phát triển. Nhưng, nếu chỉ loanh quanh ở

hình thức, thơ khó đi xa. Văn hào Đức Goethe đã từng

cảnh báo “các nhà thơ hiện đại pha nhiều nước lã vào mực

của họ”.

Từ chủ lưu duy tình, từ cái định nghĩa xa xưa “Thơ là

tiếng nói của tâm hồn, của cảm xúc...”, đến duy lý, đến khái


niệm “trí tuệ cảm xúc”, thơ đã qua chặng đường dài để đến

với tâm thức mới.

Đêm đã sâu lắm, lá cờ thơ đang bay trong gió.

Bóng ai đang mài mực tan đêm bên thành cổ

Ánh chữ phía con đường

Đêm bùng cháy chân nhang


(Đêm thế kỷ - Thơ Lê Anh Phong).


Đêm mùng 10 tháng Giêng

Xuân Quý Mão

L.A.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét