GIAO LƯU VĂN HÓA QUỐC TẾ THỜI HỘI NHẬP
PGS.TS. Vũ Nho – TS.Vũ Thị Thanh Nhã
Văn hóa Việt Nam là văn hóa của một nước đa dân tộc. Chúng ta có 54 dân tộc anh em. Và đó là một thế mạnh khi tiếp thu văn hóa của các nước trong khu vực để phát triển. Giáo sư Phan Ngọc đã khẳng định lợi thế này: “Chắc chắn người Kinh hiểu các nước theo văn hóa Hán hơn người châu Âu. Chắc chắn người Hoa hiểu Đông Nam Á hơn người Kinh. Chắc chắn người Tày, Nùng, hiểu Nam Trung Quốc hơn người Kinh. Chắc chắn người Thái hiểu Lào và Thái Lan hơn người Kinh. Chắc chắn người Chăm quan hệ dễ dàng với thế giới Hồi giao. Có bao nhiêu dân tộc có bấy nhiêu lợi thế. Lợi thế về thương mại, giao tiếp, ngôn ngữ, văn hóa và tình cảm” (Nguồn: Phan Ngọc – Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, nxb Văn hóa Thông tin, 2005, trang 122). Cũng theo giáo sư Phan Ngọc, hiện nay số người Việt ở nước ngoài khá đông đảo. Chính “Việt kiều là cái cầu nối tiện nhất để Việt Nam hòa nhập với thế giới” (tr.123). Trong quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa với thế giới, Việt Nam đã có kinh nghiệm giao lưu, tiếp biến văn hóa bên ngoài dân tộc từ xa xưa. Chúng ta giao lưu và tiếp biến văn minh và văn hóa Chăm từ vương quốc Champa trong lịch sử. Chúng ta có thương cảng Hội An tiếp thu văn hóa, kiến trúc nhật Bản, Trung Hoa. Đặc biệt, chúng ta có hàng ngàn năm giao lưu văn hóa với Trung Hoa, văn hóa Hán với tinh thần “đồng văn”. Tiếp theo, chúng ta có cơ hội giao lưu, tiếp biến văn hóa châu Âu qua văn hóa Pháp. Rồi tiếp theo, Miền Bắc Việt Nam chúng ta giao lưu văn hóa với phe xã hội chủ nghĩa, miền Nam Việt Nam chúng ta giao lưu với văn hóa Mỹ và các nước tư bản. Sau khi thống nhất đất nước, nước ta tiến hành cải cách , mở cửa, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế với nhiều nước trải khắp lục địa Á, Âu, Phi, Mỹ la tinh và châu Đại Dương. Sự giao lưu văn hóa có thể nói là vô cùng rộng lớn và đa dạng.
Làm thế nào để có thể vừa bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống của dân tộc đồng thời lại vừa tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của thế gới để làm giàu có cho văn hóa và kinh tế của mình? Đó là một bài toán không đơn giản.
Cần phải khẳng định là Việt Nam có một nền văn hóa cao rất sớm. Đúng như Nguyễn Trãi, người đặt nền móng cho văn hóa dân tộc khẳng định trong “Bình Ngô đại cáo”:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Chính vì có một nền văn hóa cao, một nền “văn hiến” cho nên dù bị Bắc thuộc hàng ngàn năm, nhưng chúng ta không bị Hán hóa, không bị đồng hóa. Chúng ta tiếp thu những gì là tinh hoa trong văn hóa Hán để làm nên giàu văn hóa Việt. Chúng ta dùng chữ Hán để sáng tác văn học viết. Chúng ta dùng thơ Đường, dùng các thể phú, cáo, hịch trong văn học Trung Hoa để viết những áng thơ văn bất hủ. Thơ văn Lí – Trần, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh,… Chúng ta dùng chất liệu chữ Hán để tạo ra chữ Nôm, tạo ra những áng thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du,…
Giáo sư Phan Ngọc đã rất chính xác khi khẳng định rằng người Việt chúng ta đã tiếp thu Khổng giáo của Trung Hoa theo cách riêng của mình “Khi sang Việt Nam, Khổng giáo đã bị khúc xạ bởi môi trường Việt Nam nên đã Việt Nam hóa. Nó trải qua bốn độ khúc xạ” (Nguồn : đã dẫn, trang 235). Khúc xạ thứ nhất là Tổ quốc. Khúc xạ thứ hai là làng xã Việt Nam. Nhà nho Trung Quốc không có khái niệm làng nước như nhà nho Việt Nam. Khúc xạ thứ ba là Việt Nam luôn giữ hòa hiếu với Trung Quốc. Không chiếm đất, không làm nhục quốc thể Trung Quốc. Người ta xâm lược thì đánh lại, đánh bại rồi không giết mà thả về, cấp quần áo, lương thực chu đáo. Vẫn triều cống. Khúc xạ thứ tư là Việt Nam theo văn hóa Đông Nam Á ( Nguồn ; đã dẫn, trang 239).
Chính vì có kinh nghiệm giao lưu và tiếp biến văn hóa với Trung Quốc như thế, cho nên, chúng ta cũng đối xử với văn minh và văn hóa Champa mềm mại, uyển chuyển. “Giữa Champa và Đại Việt không phải chỉ có chiến tranh giành đất. Xen giữa các xung đột là các sứ đoàn, các cống vật, tặng phẩm, là những người Chăm lánh nạn hoặc lưu cư trên đất Việt, và những người Việt di thực trên đất cũ của Champa. Do đó văn minh Champa đã ảnh hướng đến văn minh Đại Việt. Và khi Champa tàn lụi, văn hóa Chăm vẫn trường tồn, tiếp tục phát huy ảnh hưởng đến văn hóa Việt” (Nguồn: Lý Tùng Hiếu - Những ảnh hưởng của văn hóa Chăm đối với văn hóa Việt và dấu ấn trong ngôn ngữ. Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 17, số X2 – 2014, trang 105). Thật thú vị là “lúa chiêm” của đồng bằng Bắc bộ chính là lúa chăm của Champa. Cũng theo tài liệu đã dẫn thì nhà nghiên cứu Hồng Dân dẫn tư liệu của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”, cho biết vào giữa thế kỉ XVIII, người Việt ở Thuận Hóa- Quảng Nam đã sử dụng giống lúa nếp và lúa tẻ của người Chăm như nếp chăm, lúa chăm bạc, lúa chăm hót, lúa chăm xa cùng với các giống lúa khác. Hóa ra nhưng câu tục ngữ mà nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan sưu tầm liên quan đến “lúa chiêm” chính là giống “lúa chăm” của Champa: Mạ mùa sướng cao, mạ chiêm ao thấp; Ruộng cao trồng mầu, ruộng sâu cấy chiêm; Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bấc là duyên lúa mùa; Chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay,… Tác giả cũng nêu lên tiếp biến văn hóa Chăm – Việt trong cách thức hoạt động sản xuất; trong cách thức ăn, mặc, ở, đi lại; trong cách tổ chức xã hội cổ truyền; trong tín ngưỡng, phong tục lễ hội; trong văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ. Tác giả kết luận “ Quan hệ tiếp biến văn hóa giữa Chăm và Việt, một quan hệ lịch sử đặc biệt đã đem lại cho cả hai tộc người những yếu tố văn hóa đặc sắc để có thể tự đổi mới nền văn hóa của mình và thích nghi với môi trường văn hóa mới” (Nguồn: đã dẫn, trang 113).
Xem xét kiến trúc của đô thị cổ Hội An cho thấy người Việt chấp nhận những kiến trúc của Nhật Bản (tiêu biểu là Chùa Cầu), các kiến trúc Hội quán của người Hoa. Nghĩa là chúng ta đã giao lưu và tiếp nhận những kiến trúc của nước ngoài để làm phong phú cho kiến trúc đô thị Hội An, một thương cảng sầm uất thời đó.
Nước Việt Nam về đại thể đã có bốn lần thay đổi về văn hóa. Từ một nền văn hóa Đông Nam Á, chuyển sang văn hóa Trung Quốc trong những nét cơ bản. Rồi sau khi là thuộc địa của Pháp, chúng ta chuyển theo văn hóa châu Âu. Từ 1945 chúng ta chuyển sang văn hóa xã hội chủ nghĩa (Nguồn: Phan Ngọc, đã dẫn, trang 25). Sau năm 1975 chúng ta giao lưu, tiếp biến văn hóa vời toàn thế giới, cả xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa lẫn các quốc gia trung lập.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm xong nước ta, đã có một sự thay đổi lớn lao về giao lưu quốc tế. Trước đây, hầu như chỉ có giao lưu đơn tuyến với văn hóa Trung Hoa. Giờ đây, có thêm giao lưu với văn hóa châu Âu mà chủ yếu là văn hóa Pháp. Trong giáo dục có sự thay đổi lớn. Chế độ khoa cử bị bãi bỏ. Nhà trường Pháp Việt dần thay thế cho lối dạy học của các thầy đồ. Chứ Hán không còn mấy giá trị. Các người theo cựu học trở nên mất giá:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm thầy Phán
Tối rượu Sâm banh sáng sữa bò
Tú Xương – Chữ Nho
Thay đổi lớn nhất là người Việt bắt đầu dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm để sáng tác văn chương. Các sĩ phu yêu nước cổ động cho việc dùng chữ quốc ngữ:
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
(Trần Quý Cáp )
Chúng ta bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây một cách mạnh mẽ. Như nhà văn Hoài Thanh viết : “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giầy tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp…còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất phương tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không cho giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu tấy, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông.
Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới” (Nguồn: Hoài Thanh – Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam, nxbVăn Học, Hà Nội, 1988, trang 10). Phong trào sáng tác thơ mới xuất hiện nhiều tên tuổi đóng góp vào nền thơ ca dân tộc như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,… Nhà phê bình Hoài Thanh khẳng định : “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Nguồn: đã dẫn, trang 25). Thật thú vị khi GS Phan Ngọc nói về sự kết hợp, chắp nối (Bricolage) trong thơ Xuân Diệu “Đọc một bài thơ của Xuân Diệu, tôi có thể tìm ra xuất xứ từng câu một, lấy ở đâu. Tôi có thể chứng minh gốc Pháp của câu này, gốc Đường của câu thơ nọ, gốc dân ca của câu thơ thứ ba. Cái kì diệu là ở kĩ thuật bricolage: làm thế nào để cho một từ rất Tây, một từ rất Đường và một từ rất dân ca lại tan biến vào nhau thành một tổng thể cực kì Việt Nam mà lại rất hiện đại. Cái bí quyết khiến thơ mới thắng thơ cổ làm thành một trang mới lịch sử văn học không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đông Nam Á là ở đây” ( Nguồn: Phan Ngọc, đã dẫn, trang 151-152).
Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa với phương Đông và phương Tây trong thời kì này đạt được kết quả tốt đẹp.
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (Tố Hữu – Ta đi tới). Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục đường lối văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong “Đề cương văn hóa” (1943). Ba nguyên tắc quan trọng để xây dựng nền văn hóa mới là Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa.
Đó cũng là cơ sở để chúng ta giao lưu văn hóa với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là văn hóa Nga có nhiều điểm gần gũi với văn hóa Việt Nam. Văn chương Nga, phim ảnh Nga, nhạc Nga, một phần kiến trúc Nga đã góp phần làm giàu có thêm cho văn hóa Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước vào mùa xuân Lịch sử năm 1975, chúng ta có quan hệ ngoại giao và kinh tế, văn hóa với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ so sánh chương trình văn học nước ngoài ở trường phổ thông, cũng đủ thấy rõ điều đó.
Nếu trước đây, văn học nước ngoài chủ yếu là văn học Trung Quốc, văn học Pháp, văn học Nga thì trong chương trình mới nhất có thể thấy văn học của Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ytalia, Nhật Bản, Đan Mạch, Anh, Mĩ, Hy Lạp, Colombia,…
Nếu trước đây phim ảnh chủ yếu là phim Trung Quốc, phim Nga, phim Mĩ, Pháp thì giờ đây có thêm phim của Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ba Lan, Đài Loan, các bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng, đoạt giải Osca,…
Một số các lễ hội, phong tục nước ngoài cũng được giởi trẻ Việt Nam hưởng ứng như Lễ giáng sinh, Lễ tình nhân, Ngày của mẹ, Ngày môi trường, Ngày trái đất,…
Do quan hệ kinh tế, mà có nhiều người nước ngoài đến sinh sống ở Việt Nam. Họ mang theo cả nền văn hóa của mình tới nước ta. Tiêu biểu nhất là khu chuyên gia Thụy Điển ở Bãi Bằng Phú Thọ, khu chuyên gia Nga trước đây ở Thủy điện sông Đà Hòa Bình và bây giờ là làng Nga ở Vũng Tàu.
Có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài như Hàn Quốc, lấy chồng Đài Loan, lấy chồng người Mĩ,… Các cô dâu Việt dù sao cũng mang văn hóa Việt Nam để sống trong văn hóa của nước ngoài. Chắc chắn sẽ có sự giao thoa và tiếp biến một cách sâu sắc.
Như đã nêu, mỗi dân tộc, đất nước do hoàn cảnh địa lí, lịch sử, kinh tế, tín ngưỡng khác nhau nên văn hóa cũng có những nét khác biệt. Tinh thần của giao lưu văn hóa quốc tế là tôn trọng sự đa dạng và khác biệt đó. Có những điều của người Việt là rất bình thường, thậm chí là tích cực, thể hiện sự quan tâm. Nhưng với người nước ngoài thì đó lại là điều bất bình thường, thậm chí bị coi là tọc mạch, khiếm nhã! Có một lần chúng tôi dẫn cô giáo tình nguyện dạy tiếng Anh cho trường THPT chuyên Hải Dương đi thăm khu Chí Linh – Kiếp Bạc. Tối hôm đó nghỉ ở nhà khách huyện ủy. Những người làm giáo dục của huyện rất hiếu khách, niềm nở chào hỏi cô giáo. Và câu hỏi của mọi người nhờ chúng tôi hỏi là cô giáo đã xây dựng gia đình chưa? Chồng cô làm nghề gì? Đã có con trai hay con gái? Chúng tôi nói tiếng Việt với mọi người rằng Tây họ không thích những câu hỏi đó. Và tôi nói với cô ấy rằng mọi người muốn biết cô có thích khí hậu Việt Nam không, món ăn Việt Nam cô có ăn được không, hoa quả Việt Nam có ngon không?
Khi giao tiếp với người nước ngoài, chúng ta cần biết sơ lược về thói quen văn hóa để tránh cho họ những “cú sốc văn hóa”. Đây là quan niệm và cảm giác của một cô gái phương Tây thuê căn hộ, được viết trong cuốn sách tiếng Anh Single White Female in HaNoi (sách đã dịch sang tiếng Việt với nhan đề “ ‘Gái Tây ế’ ở Hà Nội”, nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2015).
“Qua nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau đó, tôi sẽ phát hiện ra “nơi của riêng tôi” là một khái niệm chỉ có ở phương Tây, không thể áp dụng được ở Hà Nội. Nga và Tuân có chìa khóa của căn hộ, mẹ Nga cũng thế, và bà ấy còn cho phép em trai Nga, đang sống ở đâu đó trong khu nhà, được phép ra vào căn hộ.
Nhiều thứ bắt đầu xuất hiện trong căn hộ của tôi. Có hôm tôi thấy một cái điện thoại thứ hai trong phòng ngủ; đến hôm khác, đồ đạc trong phòng khách được sắp xếp, bố trí lại và một cái bàn cổ được thêm vào. Thỉnh thoáng, về đến nhà, tôi phát hiện ra phòng khách hoặc phòng ngủ đã bị mấy người buôn bán chiếm cứ. Họ la hét vào mặt nhau bằng tiếng Việt và vẩy tàn thuốc lá ra khắp nơi. Họ nhìn tôi chằm chằm và thích thú nhận xét này nọ với nhau. Nga coi căn hộ của tôi cũng là căn hộ của cô ấy.[…]
Tôi để ý thấy chỗ hành lang nối giữa hai căn phòng của tôi bốc lên một mùi lạ. Nó là thứ mùi động vật đang phân hủy. Tôi khịt mũi vài lần và quay lại phòng khách. Ở đây cũng có thứ mùi này đang luồn lách vào trong không khí. Trong phòng ngủ còn nặng mùi hơn nữa”. (sách đã dẫn, trang 19, 20). Với người phương Tây, căn hộ, dù là căn hộ thuê, là nơi riêng tư. Chủ nhà không có quyền tự do ra vào. Và cái mùi khó chịu ấy, chính là mùi nước mắm cá, cái mùi “suýt nữa đã khiến tôi chạy trốn khỏi căn hộ”. Biết được điều này, chúng ta sẽ tránh mời người phương Tây những thứ đặc sản của nước mình, nhưng họ không chịu nổi là nước mắm và mắm tôm!
Một thực tế mà chúng tôi đã trải nghiệm về sự tôn trọng khác biệt văn hóa của Australia. Đó là một quốc gia đa văn hóa. Mọi cư dân của các nền văn hóa khác nhau đều được tôn trọng, đều có quyền bình đẳng. Con trai chúng tôi học ở trường quốc tế “Cầu vồng”. Ngày hội quốc tế tại trường, các học sinh mặc “quốc phục” của nước mình. Các phụ huynh làm bánh, mang đến các món ăn ngon tự chế biến. Mỗi nước có một bàn trải khăn trang trọng, cắm quốc kì và bày thức ăn. Học sinh xếp hàng đi theo các dãy bàn, thích món nào thì lấy vào đĩa của mình. Các cháu của nhiều nước Anh, Trung Quốc, I ran, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đều lấy món ăn Việt Nam một cách tò mò, thích thú. Và không quên khen ngon, nói rất cám ơn!
Có lẽ không có ví dụ nào sinh động và thuyết phục hơn về sự “sốc” văn hóa giữa cách nuôi dạy con của một người mẹ Trung Quốc điển hình với một bà mẹ Israen đương đại. Điều đó được phản ánh trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” 2 tập của Sara Imas, nhà xuất bản Dân Trí, 2015. Cả hai bà mẹ này từng hiện diện ở một người là Sara Imas. Đó là một phụ nữ Israen định cư lâu đời ở Thượng Hải, sau khi có 3 con và hôn nhân tan vỡ, chị đã quay về đất nước Israen. Tại đất nước mình chị đã từ bỏ hình ảnh bà mẹ Trung Quốc điển hình, từ bỏ người mẹ “máy giặt”, người mẹ “nồi cơm điện” và người mẹ “cần cẩu” của các con để trở thành một bà mẹ khác, bà mẹ Israen với một lối giáo dục con cái khác hẳn. Có thể tóm tắt trong mấy dòng ngắn ngủi : “Người Trung Quốc phân biệt rạch ròi yêu là yêu, dạy là dạy, còn người Do Thái cho rằng yêu cũng là một cách dạy con” ( Sách đã dẫn, tập 1, trang 44). Riêng với bậc cha mẹ, tác giả cho rằng tình cảm yêu thương của người Trung Quốc là hình ảnh tử cung, muốn bao bọc cho con trọn đời. Trong khi tình cảm của người Do Thái thì như ngọn lửa, nhóm lên cuộc đời và tiền đồ của con cái. Tác giả bàn luận:
“Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái trong hình tử cung và trong hình ngọn lửa liệu có mâu thuẫn với nhau? Thưa, không! Không có tình yêu như tử cung, làm sao có nhiệt tình, có dâng hiến, có hi sinh; nhưng nếu không dùng đến tình yêu như hình ngọn lửa, thì sự nhiệt tình của cha mẹ chỉ là làm theo cảm tính, không có lí trí, là sự hi sinh có vất vả mà không có báo đáp, là tình yêu mù quáng, thiếu sáng suốt và thiếu tính nghệ thuật!
Tinh thần chân chính nên lấy tử cung làm xuất phát điểm, đồng thời đốt lên một ngọn lửa trong suốt cuộc hành trình” (Sách đã dẫn, tập1, tr. 64).
Một điều đáng quan tâm khi giao tiếp với các nền văn hóa khác mình chính là sự khác biệt trong quan niệm, trong đánh giá. Tác giả Robert Lado trong cuốn sách “ Ngôn ngữ học qua các nền văn hóa” ( Hoàng Văn Vân dịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2003) đã đưa ra ví dụ thú vị và sinh động về người Mĩ và người Tây Ban Nha đánh giá hiện tượng đấu bò tót. Với người Tây ban Nha, “đó là một môn thể thao. Nó tượng trưng cho chiến thắng của nghệ thuật đối với sự hung bạo của con bò. Nó là một sự giải trí. Nó thể hiện lòng dũng cảm”.
Với một người Mĩ thì “ Đó là sự tàn sát một con vật không có vũ khí bảo vệ của một người được trang bị. Điều đó là không công bằng, bởi vì con bò thường bị giết.Nó không mang tính thể thao của ncon người với một con bò. Đó là hành động dã man đối với động vật. Do đó đấu sĩ cũng dã mận. Công chúng cũng dã man”.
Vì sao có sự trái ngược như vậy? Tác giả lí giải:
“Trong nền văn hóa Tây Ban Nha, con người không khỏe về thể chất nhưng lại có trí thông minh và kĩ năng. Một con bò khỏe về thể chất nhưng lại không thông minh. Trong nền văn hóa Mĩ, cả con bò và con người đều khỏe về thể chất. Con bò có sức khỏe, nó có cảm giác đau đớn, buồn, lòng trắc ẩn, duyên dáng – ít nhất là trong các câu chuyện về động vật chẳng hạn như câu chuyện Ferdomand thê Bull. Con bò thậm chí còn có tư cách trong trận đấu, nó có quyền của một nhà thể thao chống lại con người” (Tài liệu đã dẫn, trang 216 -219).
Chúng ta có thể thấy được sự khác biệt về văn hóa Ca Na Đa và Việt Nam trong cuốn sách thú vị nổi tiếng của Joe Ruelle – “ Tớ là Dâu” của Nhà xuất bản Kim Đồng, 2007.
Một nhận xét : “Nếu vị khách đầu tiên vào cửa hàng mà không mua mở hàng thì mình vẫn có thể đốt vía đợi khách thứ hai đến. Dù cãi nhau suốt một năm qua với một người bạn rất thân nhưng ngày mùng một Tết bạn ấy đến thăm nhà, chúc gia đình mình một năm mới vui vẻ hạnh phúc thì có thể tha thứ hết đề bắt đầu một mùa xuân hoàn toàn mới”. Sau đó là một kết luận : “Hóa ra văn hóa Việt Nam cực kì yêu đời đấy” ( tr. 58).
Nói về chuyện lấy vợ ở Việt Nam, khác biệt với ở Ca Na Đa, chàng Dâu nhận xét : “Tình yêu ở Việt Nam có một số yếu tố riêng biệt cần phải để ý. Các cụ ngày xưa thường dạy:Lấy vợ là phải xem “tông”.Và không phải mỗi “tông” đâu. Lấy vợ Việt Nam thì phải xem nhiều cái: Xem tông này, bói này, mặt này, số này, tuổi này, tướng này…Mệt ơi là mệt, đau hết cả mắt!” (tr. 62).
Sự khác biệt của cô gái Tây và gái Việt:
“Có nhiều cô Tây kêu : “Eo ơi, da em trắng thế, em xấu quá! Hu hu!”., đồng thời có nhiều cô Việt Nam kêu: “Eo ơi, da em đen thế, em xấu quá! Hu hu!”. Cô Việt Nam nhìn cô Tây tắm nắng chắc thấy điên. Trái lại, cô Tây nhìn cô Việt Nam bôi kem làm trắng da chắc cũng thấy dở hơi biết bơi” ( tr. 67-68).
Tác giả đã có phát hiện về giá trị Việt Nam là “khát vọng hòa bình và sự thịnh vượng” qua việc phân tích so sánh truyền thuyết Thánh Gióng:
“ Truyện không như truyện cổ tích của nhiều nước khác (Đức, Anh Nga, v. v.) mà trong đó khi các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẫn phải tiếp tục ở lại. Có lẽ điều này ( dù chỉ có trong một truyện cổ tích ngắn) đã chứng tỏ rằng dân tộc Việt Nam vốn rất yêu hòa bình. Khi không còn cần chiến đấu bảo vệ đất nước, thì Gióng, một biểu tượng của sức mạnh và bạo lực, đã “ bay thẳng lên trời, không còn thấy trở về nhân gian” ( tr.95).
Các ví dụ trên cho thấy dễ dàng nhận ra sự khác biệt văn hóa; và yêu cầu tôn trọng sự khác biệt là rất quan trọng khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác.
Khi chúng ta hội nhập với kinh tế và văn hóa toàn cầu thì cơ hội và thách thức là điều không tránh được. Thử thách chính là các hậu quả của văn hóa tiêu thụ. Phim ảnh, hội họa, âm nhạc, sân khấu, văn chương tràn vào như thác lũ. Người tiêu dùng có rất nhiều để lựa chọn.
Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức,…được dạy trong các nhà trường. Học sinh có thể học ngoại ngữ trực tiếp với giáo viên bản ngữ. Mỗi thứ tiếng đều có giới thiệu về văn hóa của nước đó. Cơ hội giao lưu thật lớn. Nhưng có một hiện tượng là một số bạn trẻ say mê tiếng nước ngoài mà lơ là học tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt. Thậm chí nói tiếng Việt ngô nghê hơn tiếng nước ngoài. Rồi thi thoảng lại chêm mấy từ, mấy câu của tiếng nước ngoài vào. (Có ý khoe ngoại ngữ, mà cũng có ý muốn diễn đạt chính xác ý mình!). Cũng có một vài người làm thơ đưa tiếng nước ngoài vào câu thơ của mình! Thật là thiếu tôn trọng người đọc và vô tình coi thường tiếng Việt. Ngày xưa các cụ đã chế giễu “ông Tây A Nam”. Bây giờ cũng có mấy cô Tây, chú Tây khá lố lăng, kệch cỡm!
Làm thế nào để chúng ta tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bảo vệ và phát triển tiếng nói, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc? Đó là câu hỏi cho mọi nhà, mọi người.
Nghị quyết của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ rõ :
“Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển”.
Đồng thời Đảng ta cũng nêu lên phương hướng tiếp cận và phát triển : “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”. (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).
Đó chính là phương hướng để chúng ta hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế thành công trong giai đoạn hiện nay./.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Lý Tùng Hiếu - Những ảnh hưởng của văn hóa Chăm đối với văn hóa Việt và dấu ấn trong ngôn ngữ. Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 17, số X2 – 2014.
3. Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.
4. Phan Ngọc – Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
5. Vũ Ngọc Phan – Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, nxb Văn Hóa, tái bản 2020.
6. Tú Xương thơ và đời ( Lữ Huy Nguyên tuyển chọn và biên soạn), nxb Văn Học, 1996.
7. Caroline Shine – “Gái tây ế” ở Hà Nội, nxb Hội Nhà văn, 2015.
8. Robert Lado – Ngôn ngữ học qua các nền văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
9. Joe Ruelle – “Tớ là Dâu” của Nhà xuất bản Kim Đồng, 2007.
10. Wikipedia mở
Bài đăng trên Tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam số 308, tháng 9 năm 2020. Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét