ĐỌC “CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ”
Vũ Nho
Tác giả Nguyễn Khánh Hà tự giới thiệu về mình:
“Tôi là người lính bộ binh ở tuyến đầu trong các trận chiến, có tám năm ở chiến trường Đông Nam Bộ (68-76). Tôi không giải thích được tại sao mình còn sống dù hai lần dính đạn. Đồng đội xưa : có người vào một tuần, người vào một tháng hoặc một năm đã “tịch” ngay cạnh tôi. Nếu phải chết vì bom đạn thì lẽ ra tôi phải chết nhiều lần hơn họ… nhưng tôi không chết (Dù khi đó nhiều lúc nghĩ chết còn sướng hơn sống) …để mà đi hướng Tây Nam lên Bà Quẹo Bảy Hiền theo đường Lê Văn Duyệt vào Biệt khu Thủ đô”. (Thư ngỏ).
Một lí lịch đơn giản nhưng ấn tượng, khiến cho người đọc đủ kiên nhẫn để xem, để nghe tác giả kể lại những câu chuyện của mình trong tập truyện ngắn có tên “ Chuyện bây giờ mới kể”.
Tập truyện gồm 12 truyện ngắn và truyện kí viết về chiến tranh và hòa bình. Trong số đó có những truyện liên hoàn, truyện trước nối với truyện sau cùng một nhân vật ở hoàn cảnh khác nhau . Đó là truyện “Đường vào thành phố” với “Cái rút dép râu bằng sắt”. Đó là truyện “Làng ơi” với đề từ “Ly quê góc biển chân trời/ Ngày về tóc bạc một đời phiêu diêu”, và “Làng ơi” với phụ đề Cố hương. Kèm theo là “Thư ngỏ” gửi những người lính nửa thế kỉ trước từng hai bên chiến tuyến và “Lạm bàn sỹ sự”, một tham luận của tác giả tại Đại hội Văn học Nghệ thuật địa phương.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại lấy truyện ngắn “Chuyện bây giờ mới kể” làm nhan đề cho cả tập truyện này. Bây giờ mới kể chắc có nhiều lí do. Nhưng hình như có một lí do cơ bản là thời điểm kể sớm quá sẽ không thích hợp chăng? Ngay cả đối với các truyện khác cũng thế. Bởi vì thời gian càng lùi xa, người kể cũng như người nghe càng bình tĩnh, khoan dung nhận thức về thắng- bại, đúng- sai, phải- trái, công- tội, lí – tình,…
Chẳng hạn như “Chuyện bây giờ mới kể” viết về hai cặp bộ đội và thanh niên xung phong Quang – Duyên, Đạt – Túc. Họ sống trong lửa đạn, cận kề cái chết hàng ngày. Họ yêu nhau say đắm. Đạt và Túc cố ý phạm khuyết điểm để Túc có thể rời mặt trận. Tác giả kể “Lao động nặng nhọc mà trụ được thì cơ bắp càng khỏe ra, phổi thở nhiều khỏe ra, mọi “cơ quan đoàn thể” cũng được khỏe theo, không trừ bộ phận nào, kể cả cái bộ phận không ai khuyến khích phục vụ mặt trận cũng khỏe ra…và…nó cũng đòi phải có việc làm…
Ở chiến trường, ba tuần là quá đủ để đôi trai tài gái sắc tiến đến đỉnh cao nhất của tình yêu…tình người”.
Túc bị kỉ luật về quê, mang theo giọt máu của Đạt, sinh ra thằng Quyết Thắng tên của con đường. Khi hòa bình Đạt tìm về, họ làm lễ cưới. Đạt bị chất độc da cam nên không sinh con được nữa. Dù sao họ cũng mãn nguyện vì mình còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội. Trong khi đó Duyên cũng khát khao như Túc, nhưng Quang kìm nén được. Họ không vượt quá giới hạn. Sau Duyên bị thương nặng. Quang cũng bị thương không còn khả năng làm cha. Quang về Thủy Nguyên tìm Duyên không gặp. Quang gặp lại Đạt, Túc, rồi khăn gói vào chủa Vĩnh Nghiêm tìm Duyên, nhưng lại cũng không gặp. Câu chuyện kết lửng ở đó. Không biết đến bao giờ họ mới gặp lại nhau. Dù chiến tranh đã kết thúc lâu rồi…
Trong các chuyện kể về thời kì chiến tranh, tác giả đã hầu như ghi chép lại những chi tiết chân thật lúc bấy giờ. Chỉ trong hơn một tiếng đội hình 21 tăng của ta đã bỏ lại trận địa 9 chiếc. Địch đã đưa trực thăng CHINOOK cẩu một tăng của ta về Sài Gòn khuếch trương chiến thắng. Tổng thống Thiệu đáp trực thăng lên Bình Long động viên Đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Hưng, trao cho Hưng lon Chuẩn tướng. Chi tiết chiến sĩ Lịch bị thương nằm trên cáng, đòn khiêng gãy, Lịch bị rơi xuống đất. Rồi Lịch “đi” trên vai những đồng đội khiêng anh. Có thể coi việc đánh Bình Long của quân ta là thất bại vì không giữ được mà tổn thất quá lớn “Cả tiểu đoàn tôi gồm ba đại đội bộ binh, một đại đội hỏa lực, từ tướng đến quân còn hai mươi ba người, trong đó có tôi. Mũi tiến công phía Bắc của tiểu đoàn tôi là thế đó”. (Lọt sàng chiến dịch Bình Long mùa hè 1972).
Nếu trong “Lọt sàng chiến dịch Bình Long” là những mất mát, đau thương và thất bại, thì trong “Đường vào thành phố” thể hiện khí thế tiến công để đi đến toàn thắng của quân ta. Ngay cả khi bị lăn xuống đáy hào sâu, kim giây đồng hồ “không còn nhúc nhích”, như là một điềm gở, tác giả vẫn bình tĩnh, lạc quan “Cất đồng hồ vào túi áo, tôi thầm nghĩ… có lẽ trận này mình…”tịch”…Kệ…tịch cũng là thứ việc mà tám năm chiến trường chứng minh rằng nó là việc thường ngày của lính, việc không ai muốn ấy vẫn bình thản diễn ra trong chiến trận như bao thứ việc khác, bận tâm mà làm gì, nó giống như được đi ngủ thôi”. Hình ảnh chị Hai Đức Huệ trở nên đẹp lạ lùng, dù cho sau này, đã hơn ba mươi năm, người viết vẫn chưa thấy ai đẹp hơn chị (dẫu rằng chưa kịp biết tên). Lí giải về chuyện này thế nào? Hãy nghe tác giả kể : “Thấy chị tận tình chăm lo, tôi có dịp để ý chị chủ nhà có lẽ hơn tôi vài tuổi có đôi mắt sáng dưới cặp mi dài, lời chị nhẹ nhàng, nét chị đôn hậu, da chị trắng đẹp, dáng chị thon mẩy trong bộ bà ba rất bén, có lẽ tám năm hậu cứ rừng sâu cùng chiến trận trăm miền không có bóng dáng ai ngoài đồng đội nên tôi thấy chị đẹp cũng nên”.
Trong khi tiến vào Sài Gòn, người viết gặp một người lính Việt Nam Cộng Hòa được gọi tắt là “lính Thiệu”. Anh đã tặng người đó một kỉ vật là “cái rút dép” và kịp biết quê của người ấy ở Thừa Thiên. Cái rút dép ấy được viết tiếp trong truyện “Cái rút dép râu bằng sắt”. Một sự tình cờ hy hữu nhưng mọi chuyện đều có thể trong chiến tranh. Hai người lính gặp nhau ở Huế. Họ cùng tuổi Thân. Một người thì mặc com lê là du khách. Còn một người là thợ đạp xích lô. Long Dù và Khánh F9 vui mừng gặp lại nhau như những người bạn. Chuyện tràn đầy tinh thần hòa giải, hòa hợp. Đúng như suy nghĩ của tác giả khi viết bức THƯ NGỎ trong sách này.
Có thể nói những câu chuyện về chiến tranh là phần ấn tượng nhất của tập truyện. Tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Người lính đi, qua mấy cuộc chiến tranh/ Nói về súng dẫu nhiều – chưa nhàm cũ/Nói mất mát, hi sinh dẫu cạn lời – chưa đủ”. Nguyễn Khánh Hà đã góp thêm một tiếng nói của người lính về cuộc chiến tranh gian khổ của dân tộc ta. Đó là một điều đáng quý và đáng trân trọng. Bởi những chi tiết trong truyện được bảo chứng bằng hai lần dính đạn của người viết và tám năm trong khói lửa, đạn bom.
Ba truyện ngắn về chủ đề Làng (Làng ơi, Làng ơi, Người của làng) là những truyện viết về kí ức của người xa làng đã lâu trở lại và tình trạng làng mất đất làm dự án, bọn “chúng nó ma giáo với nhau cả”. Có cả chuyện cải cách ruộng đất, chuyện dỡ đình làng, phá tượng Phật, những quan niệm ấu trĩ một thời. Ông Đẩu về thăm làng cũ, nhưng không thể dễ dàng trở về vì “ Nhà đâu để ở? Đất đâu để cày? Buôn gì bán gì để sống? Nhìn con sông Ngưu nước đen ngòm lại không còn chảy biết kiếm gì mà ăn…”
Truyện “Quang lấy vợ” và “Kị mã sơn” là những truyện góp phần làm phong phú thêm chủ đề của tập.
Tôi rất ấn tượng với truyện ngắn “Thanh lý” mở đầu của tác giả. Khi còn làm cán bộ chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi rất khuyến khích các bạn đồng nghiệp sử dụng vi tính và công nghệ thông tin. Vi tính soạn giáo án đẹp, có thể bổ sung hàng năm, lại kết hợp với làm slide để trình chiếu khi dạy học thật tuyệt vời. Tôi có biết một số vị hiệu trưởng bắt buộc giáo viên phải chép tay bài soạn để quản lí. Tôi đã phải trả lời anh chị em giáo viên rằng Bộ không có chủ trương yêu cầu soạn bài viết tay, mà khuyến khích dùng máy vi tính. Giáo án chỉ là phương tiện làm việc, cái chính là sự đầu tư chuyên môn. Giáo viên có thể gửi giáo án và giáo án điện tử cho nhau để tham khảo. Người nhận chỉ việc suy nghĩ, thêm hoặc bớt các chi tiết cho phù hợp với năng lực chuyên môn của mình và trình độ cụ thể của học sinh. Bản thân tôi đã cung cấp nhiều giáo án điện tử của các giáo viên giỏi trong cả nước cho những người cần.
Tác giả đã xử lí rất mềm mại khi người con tuyên bố người ta sẽ “thanh lí mấy ông thanh tra của mẹ thôi”, nhưng người mẹ đã tìm một lí do để “bào chữa” cho mấy vị “Các chú ấy quý các mẹ, quý giáo viên cơ sở nên muốn được nhìn thấy nét chữ viết tay cho tình cảm đó thôi, con không thấy người ta tranh nhau xin chữ kí của diễn viên và cầu thủ đấy à?” Chuyện xin chữ kí khác rất xa với việc bắt giáo viên phải viết tay khi có máy. Cái kết truyện chứng tỏ người viết có tay nghề.
Tập truyện ngắn và truyện kí của tác giả Nguyễn Khánh Hà dù có điều này điều khác chưa thỏa mãn người đọc. Nhưng có thể nói tác giả đã thành công. Và điều đáng quý nhất là tính chân thực của các truyện viết về chiến tranh và tính thời sự của những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Xin được trân trọng giới thiệu với mọi người!
Hà Nội, 13 tháng 5 năm 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét