TỪ MỘT BÀI THƠ
(Về bài thơ “Vẻ đẹp buốt trời”, trong tập thơ cùng tên
Của Nguyễn Thị Mai-NXB Hội Nhà văn-2018)
VẺ ĐẸP BUỐT TRỜI
“Rủ nhau náo nức đi chơi
Xem miền biên viễn tuyết rơi trắng rừng
Đường chênh vênh, núi trập trùng
Ngồi trong xe, ấm tận cùng…móng chân
Đời mơ thấy tuyết một lần
Thì đi cho thỏa muôn phần khát khao
Đẹp buốt trời, đẹp nôn nao
Vốc lên trắng muốt, lội vào trắng tinh
Po st lên “phây buk” trăm hình
Nụ cười mãn nguyện như mình ở Tây…
Cho người vẻ đẹp ngất ngây
Tuyết vùi lụi cỏ, chết cây, chết vườn
Lúa ngô tàn tạ trên nương
Em thơ tím tái đến trường ngồi run
Rừng không còn củi mà đun
Mái tranh lẩy bẩy, khói hun tuổi già…
Đẹp não lòng, đẹp xót xa
Ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời
Ô hay ! Kỳ vĩ tuyệt vời
Mà sao gió khóc bên trời cỏ hoang ?
Ngày 20 tháng chạp Ất Mùi (29/1/2016)
Những ngày miền núi rét âm độ C.
Mới đây, trong một lần gặp gỡ có hẹn của mấy anh chị em nhà thơ-Nhà giáo Sài Gòn-Hà Nội, tôi nhận được tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Thị Mai-Tập “Vẻ đẹp buốt trời” (NXB hội Nhà văn-2018); Mừng nữa, nhà thơ nữ muốn được “trao tận tay” cùng lời đề tặng cho tôi.
Nguyễn thị Mai, hẳn là tâm đắc khi nhà thơ lấy tên bài thơ “Vẻ đẹp buốt trời” (Trang 13) mà đặt tên cho toàn bộ tập thơ của mình ! Hẳn là, khi ghi lại thời điểm sáng tác bài thơ này (Ngày 20 tháng chạp Ất Mùi-Những ngày miền núi rét âm độ C). Và, cũng hẳn là, miền đất lạnh Sa pa luôn là điểm cuốn hút khách du lịch thập phương, đã đánh thức cảm hứng cho nhà thơ.
Nhà giáo nhà văn Trần Trung
Tôi hiểu dụng ý, dụng công của nhà thơ, khi đặt tên cho thi phẩm tâm đắc đến gan ruột này !nhà thơ, không hề dừng lại ngoại cảnh, ngoại giới nơi miền đất lạnh giá này. Mà, còn muốn đào sâu vào suy tư để tìm ra những điều suy ngẫm, triết lý về thế sự, về cuộc đời cần quan tâm- điều ấy được thổ lộ :
“ Đẹp não lòng, đẹp xót xa
Ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời
Ô hay!Kỳ vĩ tuyệt vời
Mà sao gió khóc bên trời cỏ hoang?”( Những câu thơ cuối bài )
Tôi muốn bàn (tất nhiên vẫn biết: bàn về sáng tạo cũng như cảm nhận về thơ, không có điểm dừng và, cũng vô cùng mông lung ! ) Hai tiếng “Vẻ đẹp”- nếu chiết tự mà cắt nghĩa cả nội dung cùng sắc thái biểu cảm của từ ghép này, hai tiếng “vẻ đẹp” dường như đều thăng lên trong ngợi ca, ghi nhận và sủng ái !? Nhà thơ Nguyễn Thị Mai quả là đã “vẽ” ra trong ngôn ngữ thi ca vẻ đẹp quyến rũ đến nao lòng của xứ Sa Pa; Cái-Đẹp lại gắn với Cái-Lạ “Đường chênh vênh, núi trập trùng /Ngồi trong xe, ấm tận cùng…móng chân”; Cái-Đẹp gắn với cảm hứng lãng du, tìm thú chơi, tìm cảm giác lạnh, tìm cả niềm vui náo nức khi “rủ nhau”: “Xem miền biên viễn tuyết rơi trắng rừng”; “Đời mơ thấy tuyết một lần/Thì đi cho thủa muôn phần khát khao”.
Cảm nhận về Cái-Đẹp của nhà thơ họ Nguyễn, nhanh chóng chuyển từ vẻ ngoài của xứ lạnh Sa Pa, sang cái buốt đau trong chiều sâu nội tâm, xin được trích ra, khổ thơ thứ ba của “Vẻ đẹp buốt trời :
“Cho người vẻ đẹp ngất ngây/ Tuyết vùi lụi cỏ, chết cây, chết vườn/Lúa ngô tàn tạ trên nương/Em thơ tím tái đến trường ngồi run/Rừng không còn củi mà đun/Mái tranh lẩy bẩy, khói hun tuổi già..”
Theo cảm nhận của riêng tôi, đây là khổ thơ hay nhất trong toàn bài thơ. Bởi, nhà thơ đã nhận ra, ngộ ra cảm giác buốt lạnh buồn đau của thế giới bên ngoài và, nhất là nỗi khổ hạnh của Cõi-Người xứ sở này ! Nỗi đau buốt có chừa ai đâu ! Ngữ nghĩa sóng đôi cùng sắc thái tu từ, quyện chặt và bổ sung cho nhau trong một chuỗi ngôn từ tượng hình, tượng cảm..quả thật xúc động đến nghẹn lời !
Trở lại tên bài thơ của Nguyễn Thị Mai.Cảm giác đau buốt tận lòng người, cũng là tận lòng của thi sỹ, thực sự mới là ý tưởng, là cảm hứng chủ đạo, sâu sắc của bài thơ này.
Xin lỗi bạn Mai, cho tôi và theo tôi, nếu đặt tên cho thi phẩm này, tôi sẽ đặt theo cách của tôi, mấy cái tên sau đây : “Đẹp đến buốt trời”; “Đẹp buốt lòng trời”; “Đẹp mà đau”.
Từ bài thơ “Vẻ đẹp buốt trời” của Nguyễn Thị Mai, tôi muốn bàn rộng ra một chút của tập thơ của tác giả.Đến tập thơ này (Vẻ đẹp buốt trời-NXB Hội Nhà văn 2018), nhà thơ Nguyễn thị Mai đã ra mắt bạn đọc tới 12 tập thơ. Thế cũng là nhiều và, thế cũng là định hình trước thiên hạ Một-Giọng-Điệu ! (Tôi chưa muốn dùng khái niệm lý luận: PHONG CÁCH !)
Trong 12 tập thơ của Nguyễn Thị Mai, tôi có trong tay 4 tập “Tảo tần gót khuya”; “Không xóa nổi lời hoa”; “Tầm xuân mắt biếc”; và, “Vẻ đẹp buốt trời”, cùng một số bài thơ lẻ in trên các báo của nhà thơ.
Đến tập “Vẻ đẹp buốt trời”, cảm hứng ám ảnh nổi bật, gần như đi suốt tập vẫn là nỗi niềm về thân phận con người trong và sau những cuộc chiến tranh.
Nhà thơ buồn cho nỗi khổ của “Những con người nhỏ bé” (chữ của nhà văn Go rơ ki) heo hút vùng sơn cước, chưa hết lạc hậu, và gửi gắm ước muốn về họ, cho họ :
“Buồn thì lại đẻ cho nhiều
Dắt con xuống chợ mà tiêu nỗi buồn
Ước gì chưa phải địu con
Lưng em khoác cặp chân son tới trường”
(Em gái Mông xuống chợ )
Trong một đêm “ Nằm giường bộ đội” nơi biên giới, nhà thơ gửi thầm cảm giác, cảm thông đến tái tê, nỗi cơ cực của những người lính Cụ hồ. Để rồi,tinh tế và ân tình gửi lại “sợi tóc mềm” khi “Sáng mai trở dậy” :
_ “Nằm giường bộ đội đêm biên giới
Nghe rõ sương rừng thả giọt khuya
Cảm rõ hiên ngoài run bước gió
Thấm tận thang giường lung tái tê”
_ “Sáng mai trở dậy phòng lưu luyến
Biết để lại gì chuyến ghé thăm
Có sợi tóc mềm vương lại gối
Xin gửi làm tin một đêm nằm”
(Nằm giường bộ đội)
Chiến tranh luôn là hiện thực-Thử thách nhiều với những người ra trận; Sau cuộc chiến, cái tình đồng đội vẫn thấm thía, thiêng liêng. Trong bài thơ “Chuyện của các anh”, những câu thơ của Nguyễn Thị Mai như đi về của thời gian, không gian và sau trước vẫn ân tình, thủy chung Cái-Tình, Chất-Tình giản dị mà thiêng liêng của những người lính :
“Có một bát hương thờ chung đồng đội
Các anh thay nhau cất giữ tại nhà
Mỗi năm một lần ngày vinh danh quân đội
Người đến lượt mình lại bưng bát hương ra
Các anh thắp hương và cúi đầu tưởng nhớ đồng đội xa
Rồi sau đó mới là đàn, là hát
Là kỷ niệm kể một thời trận mac
Là buồn vui cuộc sống tuổi đông về…”
Những câu thơ như trên của nhà thơ, ngỡ như chẳng cần viện lấy điệu, lấy vần mà, cứ tuôn chaỷ tự nhiên trong niềm chân thành, xúc động. Nhiều lúc, nhà thơ mượn sự im ắng, “ lặng im” của tạo vật mà lại gợi ra cái giá của những hi sinh của những người lính Trường Sơn : “Lặng im như mảnh trăng trời/ Không ai biết lính một thời Trường Sơn” ( Anh rể).
Khi bàn luận về Hiện-Thực-Trong-Thơ, tất nhiên có nhiều ý kiến đã thống nhất : đấy không phải là những điều nhìn thấy từ mắt (mục sở thị) mà là xúc cảm cùng suy tư của người nghệ sỹ trước cuộc đời và con người,. Thế nên, từ bài thơ và cũng là tên tập thơ “Vẻ đẹp buốt trời” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, có thể ghi nhận bước đường thơ của nhà thơ: luôn ý thức về sự gắn bó với những gì từ cuộc sống và nhất là những gì đáng quan tâm trong thế giới tâm tư của con người. Mà, trong đó niềm vui , niềm kiêu hãnh, tự hào và cả nỗi buồn đau trong hi sinh, mất mát của con người, sẽ mãi là điều khắc ghi trong tâm trí.
Trần Trung-Hà Nội 9/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét