Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

MỘT KẺ CUỒNG NGÔN ĐANG MUỐN LÀM RỐI LOẠN TRUYỆN KIỀU

 

MỘT KẺ CUỒNG NGÔN ĐANG MUỐN LÀM RỐI LOẠN TRUYỆN KIỀU

ĐỀ NGHỊ BÁO TUỔI TRẺ THEO GƯƠNG GOOGLE GỠ BÀI "THỬ "GIẢI MÃ" LẠI TRUYỆN KIỀU" RA KHỎI TRANG ONLINE ĐỂ TRÁNH LÀM HẠI HỌC THUẬT NƯỚC NHÀ!

PGS.TS Đoàn Lê Giang

Facebooker Lê Nghị đã đưa ra một quan điểm giật gân: Không phải Truyện Kiều của Nguyễn Du sáng tạo lại từ "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, mà ngược lại "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân được sáng tác từ Truyện Kiều. Tức Truyện Kiều có trước, Kim Vân Kiều truyện có sau.

Ý kiến này được ông Lê Nghị đã đưa lên Facebook cách đây một năm. Để khỏi làm nhiễu thông tin tôi đã viết 3 status để vạch rõ cái vô lý của lập luận đó, trong đó có việc tôi trưng ra bản chụp quyển "Thông tục Kim Kiều truyện" là bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân ra tiếng Nhật xuất bản năm 1763 - trước khi Nguyễn Du (1765-1820) sinh 2 năm. 

Thực ra thông tin này tôi đã giới thiệu từ 25 năm trước trên "Kiến thức ngày nay" số Xuân 1996, sau đó chỉnh sửa bổ sung và công bố trên tạp chí "Nghiên cứu văn học" số 12 năm 1999 (bài "Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản"):
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php…).

Người đầu tiên phát hiện ra bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" ở Nhật Bản là GS.Hatakenaka Toshirô 畠中 敏郎 (ĐH Osaka- Nhật Bản) trong bài viết "Kim Vân Kiều và văn học thời Edo" 江戸文学 と 金 雲 翹 năm 1959, sau đó được in ở phần sau bản dịch "Kim Vân Kiều" của Takeuchi Yonosuke (Kodansha, 1975).

Năm 2003 tôi đã cùng GS.Kawaguchi Kenichi (ĐH Ngoại ngữ Tokyo) đi đến Nara để nhìn tận mắt, sờ tận tay bản dịch đó và xin sao chụp về, vì biết đây là tư liệu quý về người anh em của Truyện Kiều.

Khi tôi chụp lên FB tư liệu trên thì GS.Trần Đình Sử cho biết ông cũng có và chụp đưa lên.

https://www.facebook.com/photo?fbid=1471795693005591&set=pcb.1471795846338909

Ông Lê Nghị không chấp nhận sự thật đó, vẫn tiếp tục đi trình bày quan điểm ngược đời của mình trong cuộc trưng bày các minh họa về Truyện Kiều ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vào tháng 8/2020 vừa qua.

Ngày 17/9/2020 báo Tuổi trẻ đã giới thiệu bài viết của ông Lê Nghị lên báo giấy và online với nhan đề "Thử "giải mã" lại Truyện Kiều". Bài viết gây xôn xao dư luận, sau đó Google lại đưa lên trang của mình, có lẽ đến hàng triệu người biết.

Có rất nhiều giáo viên hoang mang, có cô giáo là học trò cũ hỏi tôi: Vậy SGK, giáo trình xưa nay sai hết à? Tôi phải mắng át đi: Tôi hỏi em, em ra đường gặp một người nói: Con bê đẻ ra con bò, thế rồi em cũng tin và bỏ hết niềm tin của mình trước nay à?

Rất may nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu đã cất công tìm những tư liệu nghiên cứu mới nhất của giới nghiên cứu Nhật Bản về "Kim Vân Kiều truyện" và giới thiệu bài nghiên cứu "Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc – Trường hợp Bakin (中国才子佳人小説の影響 - 馬琴の場合)" của GS.Isobe Yūko (磯部祐子), trích từ Kỷ yếu của Đại học quốc gia Takaoka (高岡短期大学紀要), quyển thứ 18, xuất bản năm 2003 tại Nhật Bản. GS.Isobe Yūko cho biết:

"Kim Vân Kiều truyện (金雲翹伝) của Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), từ đó về sau có nhiều bản dịch truyện này sang tiếng Nhật. Năm 1763, xuất hiện bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện (通俗金翹伝) của Nishida Isoku (西田維則/ Tây Điền Duy Tắc), được xem là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc sớm nhất', nghĩa là có trước khi Nguyễn Du chào đời 3 năm." (Status "Nguồn gốc Truyện Kiều"-Fb Vương Trung Hiếu 18/9/2020).
https://www.facebook.com/hieuvuongtrung

Với tư liệu rõ ràng như thế về năm xuất hiện bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Nhật Bản (1763 - Xem ảnh từ tư liệu Đoàn Lê Giang), vấn đề "Kim Vân Kiều truyện" có trước, Truyện Kiều sáng tạo lại, chuyển thể thành truyện thơ từ tác phẩm này coi như đã rõ, mọi bàn luận sau này chỉ là cãi cố, cãi lấy được, cãi vì tự ái, hoặc không có hiểu biết tối thiểu về nghiên cứu. Tôi sẽ không tranh luận gì nữa.

Xin nói về việc dùng bài của facebooker Lê Nghị. Báo "Tuổi trẻ" đã tin dùng một bài có quan điểm rất giật gân về tác phẩm hệ trọng nhất của văn hóa VN là Truyện Kiều. Facebooker Lê Nghị (biệt danh là Li Li Nghệ) và nhóm đã bác lại hết mọi thành tựu nghiên cứu của các học giả uyên thâm về Truyện Kiều từ trước tới nay như Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Lê Thước, Phan Sĩ Bàng, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm... - những học giả rất giỏi Hán Nôm, tiếng Pháp và làm chủ các kho tư liệu Hán Nôm; trong khi đó ông Lê Nghị không biết Hán Nôm, không có một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, không có tư liệu gốc, không từng đến các thư viện lớn ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc để khảo tư liệu. Lập luận của ông và nhóm rất ngược đời, rất vô lý, toàn là quy kết, suy diễn vô bằng, ai đưa ra tư liệu nào khác quan điểm của các ông, các ông đều chỉ có một cách bác bỏ duy nhất: bảo đó là tư liệu giả hoặc tung hỏa mù để mọi người nghĩ là tư liệu giả, dù là tư liệu cổ chụp từ Thư viện Đại Liên (TQ), hay Thư viện ở Đài Loan, Thư viện Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Thư viện Đại học Tenri, Thư viện Quốc hội Nhật Bản....

Nếu các ông chỉ chơi Facebook thì muốn "chém gió", muốn "nổ", muốn chửi hết các học giả lớn, rồi chia sẻ với nhau trong nhóm thế nào cũng được - miễn là đừng phạm pháp. Tôi đã trình bày lý lẽ, chứng cứ rõ ràng một lần cho các ông biết rồi, các ông nghe hay không thì tùy, tôi không quan tâm các ông viết cái gì nữa. Nhưng bài các ông đưa lên báo Tuổi trẻ lại là một việc hệ trọng (dù đoạn kết báo có nói đưa để tham khảo), nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng.

Bây giờ trắng đen, đúng sai đã rõ, Google đã rút bài "Thử "giải mã" lại Truyện Kiều" ra khỏi trang của mình, thì báo Tuổi trẻ cũng nên mạnh dạn rút bài ấy. Điều ấy rất nên làm, nó thể hiện thái độ trọng sự thật, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của người làm báo với bạn đọc - những phẩm chất mà tờ báo đã và đang theo đuổi, những phẩm chất mang đến sự tin tưởng và kính trọng của bạn đọc, trong đó có tôi đối với tờ báo. Nếu không rút cứ để đấy, nhiều người tưởng bài viết đúng tin theo, trích dẫn thì sẽ thành trò cười cho giới nghiên cứu, nhưng rất có hại cho học thuật, cho văn hóa nước nhà.

Kính trọng Nguyễn Du, nhớ đến ông nhân 200 năm ngày mất của ông thì đừng làm gì tổn thương đến ông - để ông có thể "ngậm cười chín suối".

-
Ảnh: Bìa và trang cuối của cuốn "Thông tục Kim Kiều truyện" của Nhật Bản, dòng 3 trái qua ghi rõ năm xuất bản: "Bảo Lịch 宝暦 thứ 13, Quý mùi, Chính nguyệt". Bảo Lịch năm thứ nhất là 1751, thì Bảo Lịch thứ 13 là 1763, cụ thể là tháng Giêng." (Tư liệu Đoàn Lê Giang)

 


 
Chép lại từ  trang của Tễu'Blog

3 nhận xét:

  1. Đây là thư trao đổi của tôi với bác N., người cunbg cấp tư liệu cho bác Lê Nghị.
    Về điểm mà bác N cho rằng ông Nguyên (Trần Ích Nguyên) sợ bị “ném đá” nên vẫn cho rằng Nguyễn Du dựa vào KVKT của Thanh Tâm Nài Nhân. Tôi nghĩ đó là suy đoán của bác thôi. Ông GS này là người cương trực, khoa học, ông dám sửa lại những nhầm lẫn của các vị khác, sao ông phải sợ “ném đá”?
    - Bác cho rằng thông tin của GS Trần hé lộ một cách tiếp cận khác. Tôi đã thấy điều này khi GS Trần cho rằng cụ Phạm Quỳnh đã từng cho Truyện Kiều, Nguyễn Du dựa vào Truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (sách có trước KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân) và một học giả Trung Quốc nói Nguyễn Du có tham khảo hý khúc Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành. GS Trần cho rằng 2 thuyết này cần bàn bạc thêm.
    Chúng ta có thể kiểm chứng về truyện của Dư Hoài, vì cụ Phạm Quỳnh đã dịch và công bố trên Nam Phong năm 1919.
    Một chứng cứ mà bác N. chắc phải tin là Nguyễn Du dựa vào KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân, đó là câu đối của một vị ở Hà Tĩnh, sống gần như cùng thời với Nguyễn Du. Đó là cụ Vũ Thì Mẫn 1795 – 1866, quê ở Hội Thống, Nghi Xuân, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826). Nguyễn Du sinh 1765, mất 1820. Câu đối đó nói về Truyện Kiều như sau:
    Bạc mệnh trần nhân, giai tác do ư ngoại sự
    Kì tài diệu bút, Thanh Hiên viễn quá Thanh Tâm
    Mệnh bạc dìm người, tác phẩm hay nhờ truyện hay mới có
    Bút hoa tài lạ, ông Thanh Hiên vượt xa ông Thanh Tâm
    Nguồn: Hội Kiều học Việt Nam, kỉ yếu nhiệm kì 2011- 2016, trang 169.
    Tôi cho rằng, ngoại sự nên dịch là câu chuyện bên ngoài ( của nước ngoài).
    Tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, các bậc cao nhân đều không mảy may nghi ngờ Nguyễn Du dưa vào KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân để sáng tác nên Truyện Kiều.
    Nếu bác và cộng sự chứng minh được Truyện Kiều Nguyễn Du không dựa vào KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân, mà dựa vào Dư Hoài là một điều rất hay. Tuy vậy, cũng chỉ có tác dụng phủ nhận sự so sánh khập khiễng của Đổng Văn Thành (so sánh KVKT với bản dịch thơ chữ Hán còn nhiều bất cập của GS Hoàng Dật Cầu). Ta vẫn không đảo ngược được sự thật là Nguyễn Du mượn cốt truyện Trung Quốc.
    Mấy lời vắn tắt thông báo.

    Trả lờiXóa
  2. Xin lỗi vì có sai sót do vi tính:
    1.Dòng 2 đã viết: Thanh Tâm Nài Nhân, xin sửa là THANH TÂM TÀI NHÂN.
    2. Vế câu đối đã viết: Bạc mệnh trần nhân..., xin sửa là BẠC MỆNH TRẦM NHÂN.

    Trả lờiXóa
  3. Xin mời xem thư tôi trao đổi với người cung cấp tư liệu cho bác Lê Nghị:
    Hà Nội 30 tháng 3 năm 2020
    Kính bác L. Q. N.
    Bác viết cho tôi:
    “Chắc anh còn nhớ , hai năm trước đây , tôi có nói với anh rằng, chúng tôi sẽ mang vấn đề rằng “Có hay không có tác phẩm Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân viết từ đời Minh”.
    Tôi vẫn nhớ. Và tuy rất tôn trọng việc làm của bác và những người bạn, song tôi thấy việc ấy quá khó, nếu không nói là VÔ VỌNG.
    Trên tinh thần cầu thị, xin chuyển tới bác tài liệu đáng tin cậy của học giả Đài Loan Trần Ích Nguyên.
    Ông Nguyên là người nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh và rất quan tâm đến Truyện Kiều của Nguyễn Du.
    Trong cuốn sách tôi nhắc với bác, ông ấy miêu tả như sau:
    - Năm thứ 19 niên hiệu Càn Long đời Thanh (1754) KVKT đã được đưa sang Nhật Bản. Mười năm sau (1763) Tây Điển Duy Tắc dịch thành Nhật văn và xuất bản, lấy tên là Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện gồm năm quyển. ( trang 26).
    Lưu ý với bác là Nguyễn Du của ta ( 1765 – 1820). Như vậy KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân đưa sang Nhật 11 năm trước khi Nguyễn Du ra đời. Vì vậy KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân KHÔNG thể sao chép TK của Nguyễn Du.
    - Trang 101 sách của ông Trần Ích Nguyên cũng nhắc một giả định không phải năm 1813 là năm Nguyễn Du đi sứ, mang KVKT về , mà Nguyễn Du có KVKT để viết TK vào khoảng năm 1805-1807 khi Nguyễn Du làm Đông các đại học sĩ. Trần Ích Nguyên kết luận “ Thời gian này cách năm ra đời của KVKT ở Trung Quốc thực ra đã hơn 150 năm”.
    Ông Trần Ích Nguyên có chứng cứ về KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân đưa sang Nhật, lại được người Nhật, dịch và in trước khi Nguyễn Du của ta ra đời những 2 năm ( 1763 so với 1765 là năm ND sinh).
    Vì lẽ đó, bác và các bạn bác KHÔNG THỂ thực hiện được ý định tốt đẹp của mình.
    Ông Nguyên đã đến Việt Nam. Ông là con ma xó, xem xét tất cả các tài liệu bằng Hán văn của Viện Hán Nôm Việt Nam. Ông cho biết trong thư viện Viện Hán Nôm có 3 bản tiểu thuyết KVKT của Trung Quốc :
    A953 : 464 trang 30 x 22 cm
    VHv. 1396/1-2 : 410 trang, 30x 22 cm
    VHv. 281/1-2 : 324 trang, 28 x 18 cm.
    Ông khẳng định rằng bản VHv. 1396 thực chất là bản do nxb Nhân dân văn học Bắc Kinh in theo bản in Khiếu Hoa Hiên có ở thư viện Bắc Kinh, trang cuối có ghi “ Trọng thu năm Đinh Dậu ( 1957), Thái Bình Nguyễn Đức Ngột Thái Phong cẩn sao”.
    Bản A953 có ghi “ Thanh Tâm Tài Tử biên thứ” khác với bản ghi “Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ”
    ( Có lẽ nguyên bản mà Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch ở miền Nam, 1971 giống với bản A953 ).
    Thưa bác, ông Trần Ích Nguyên là một nhà khoa học đứng đắn. Sách của ông được bà Phạm Tú Châu dịch và in ở Việt Nam. Tôi thấy cách làm việc của ông Nguyên đúng tinh thần khoa học, nghiêm cẩn. Các dẫn chứng và chú thích đều có xuất xứ đàng hoàng.
    Bởi vậy mà tôi lo rằng việc bác và bè bạn khó mà có kết quả. Mặc dù tôi cho rằng nếu các bác THÀNH CÔNG thì thật là tuyệt vời!
    Kính bác sức khỏe!
    Vũ Nho


    Trả lờiXóa