Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Thử “giải mã” tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”

 Nhân ngày Bác mất, thử “giải mã” tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”



VietTimes – Bút danh Trần Dân Tiên, tác giả cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhân dịp tưởng nhớ 51 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, VietTimes xin gửi tới quý độc giả bài viết của nhà báo Quốc Phong nhằm góp phần "giải mã" vấn đề này.
Bác Hồ với các ông Suslov và Leonid Brezhnev trong kỳ nghỉ hè tại Yalta, Crimea ngày 12/7/1959. (Nguồn: ĐSQ)
Bác Hồ với các ông Suslov và Leonid Brezhnev trong kỳ nghỉ hè tại Yalta, Crimea ngày 12/7/1959. (Nguồn: ĐSQ)

Cách đây tròn 5 năm, nhân ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (21/7 âm lịch), trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10/2015 của Hội Khoa học Lịch sử, tôi có viết một bài nhằm “giải mã” về một quãng thời gian “trống” (1914-1917) trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây đều là những tài liệu được Bảo tàng Hồ Chí Mình lưu giữ, nhưng không được trưng bày công khai. Qua nghiên cứu những tài liệu này, càng thấy được Bác Hồ quả là người trung thực, thủ tín, trọng tình, trọng nghĩa thật đáng khâm phục, xuyên suốt từ chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc thời trẻ cho tới lãnh tụ Hồ Chí Minh về sau này. Nhân dịp chúng ta tưởng nhớ 51 năm ngày Bác mất, tôi tiếp tục thử góp phần “giải mã” xem bút danh Trần Dân Tiên - tác giả cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" - có phải là của Bác Hồ hay không.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh: TL)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh: TL)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã nửa thế kỷ nhưng vẫn còn đó những “ẩn số “.
Lịch sử luôn cần có những tư liệu xác tín - những thứ qua đó có thể giúp cho sử sách ngày một sáng tỏ hơn, thuyết phục hơn về mọi vấn đề, trong đó có những nhân vật kiệt xuất đã đi vào lịch sử dân tộc. Đến như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì cũng vậy. Thực tế là ngay sau ngày Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, dư luận thế giới cũng phải ngỡ ngàng bởi Việt Nam ta là nước đầu tiên trong các xứ thuộc địa vùng lên, giành lại chủ quyền dân tộc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân.
Sự kiện này không chỉ khiến nhiều người Việt Nam ở trong nước khi ấy thấy như mơ. Không mấy ai lúc đó biết Hồ Chí Minh cũng chính là Nguyễn Ái Quốc. Đến ngay cả các nhân vật Pháp thân thiết, vốn cùng Người tách khỏi Đảng Xã hội để tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 cũng không biết. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp năm đó là Maurice Thorez, sau ngày 2/9/1945, khi biết tin Việt Nam vừa giành độc lập và người lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa thành công ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì cũng không biết Hồ Chí Minh là ai.
Để rồi, chính Nguyễn Ái Quốc đã phải nghĩ cách gửi một “lá thư tăm” (thư viết trên một mẩu giấy bé xíu rồi vê tròn cho thật nhỏ lại như que tăm, kiểu hoạt động bí mật thời xưa), sau đó chuyển cho đường dây liên lạc gửi sang Pháp thông báo rất ngắn gọn: “Gửi đồng chí Thorez! Paul chính là Hồ Chí Minh!” (theo lời kể của ông Vũ Kỳ, trong bữa cơm Bác Hồ mời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại Phủ Chủ tịch năm 1967, Người đã kể cho ông Nguyễn Lương Bằng nghe; cùng với thông tin Nguyễn Tất Thành từng đi lính cho Pháp trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất 1914-1918 mà tôi đã viết ).
Tổng bí thư ĐCS Pháp chỉ cần nhận thông tin vắn tắt như vậy là đủ hiểu đó chính là Nguyễn Ái Quốc, vì họ biết nhau đã rất lâu. Đó là khi Nguyễn Ái Quốc còn có tên Paul Thành, người từng đi lính trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất thay con trai Vua đầu bếp Auguste Escoffier, nhằm bí mật trả ơn người thầy mà Nguyễn Tất Thành rất mực yêu quý. Và rồi từ Anh, Paul Thành trở lại Pháp năm 1918 ( xin xem thêm Tạp chí Xưa & Nay, số 464 - tháng 10/2015: “Về một quãng thời gian 'trống' trong tiểu sử Hồ Chí Minh).
Nếu như đọc bài tham luận của bà Josephine Stenson - giáo sư, tiến sĩ sử học của Trường Đại học Florida Atlantic (tiểu bang Florida, Mỹ) - với tựa đề “Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại” tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội tháng 5/1990, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy rõ Hồ Chí Minh quả là một "ẩn số" mà chúng ta vẫn chưa "giải mã" hết.
Với một sự trân trọng và kính phục, bà giáo sư đã phân tích rất có lý khi cho rằng: “Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại. Ông càng vĩ đại hơn ở chỗ ông là một con người bình thường, sống hòa mình vào cuộc sống đời thường.”
Rồi bà viết tiếp :
“Tôi đã bỏ tiền túi ra để từ Mỹ đi sang Pháp và Liên Xô, những nơi mà Hồ Chí Minh đã đặt chân tới, để tìm những di tích gốc về Hồ Chí Minh. Tôi đã ở Liên Xô một thời gian tương đối lâu để nghiên cứu về ông. Khi về Mỹ, tôi lại từ New York đến các đảo vùng Đông Bắc châu Mỹ, nơi ông đã đi tàu xuyên đại dương để đến. Tôi quyết tâm tìm cho được lai lịch văn hóa Hồ Chí Minh.
Rất tiếc, lâu nay Việt Nam chỉ cung cấp cho chúng tôi lai lịch chính trị của Hồ Chí Minh, ngoài ra không cung cấp những tư liệu gì đối với những vấn đề khác. Và tôi cũng hết sức ngạc nhiên và khó hiểu, không biết tại sao Việt Nam cứ tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nghèo khổ? Đã nghèo thì làm sao có điều kiện ăn học và làm quan như cụ thân sinh ra ông và trình độ học vấn như ông.
Ngoài ra ,Việt Nam còn tuyên truyền rằng ông làm phu khuân vác ở bến Nhà Rồng, bồi bàn dưới tàu Pháp, bồi bếp ở khách sạn Luân Đôn và làm thợ nhiếp ảnh… chỉ toàn là những lao động cơ bắp, không thấy trí tuệ Hồ Chí Minh ở chỗ nào cả! Có lẽ những nhà lãnh đạo Việt Nam sợ quần chúng hiểu rằng ông là thành phần thuộc tầng lớp trên chứ thực chất không phải là bần cố nông và thợ thuyền, giai cấp lãnh đạo cách mạng chăng?
Xin lưu ý, bất cứ quốc gia nào coi rẻ và khinh miệt trí thức thì nhất định sẽ thất bại, lịch sử đã từng chứng minh thực tế đó.
Qua nghiên cứu tôi thấy rằng:
– Hồ Chí Minh chọn việc bồi bàn trên tàu là để có điều kiện đi đến nhiều quốc gia.
– Ông chọn việc làm ở khách sạn là nơi có điều kiện tiếp xúc được với nhiều chính khách.
Thế nhưng người ta hiểu sai rằng Hồ Chí Minh làm đủ mọi nghề chỉ để kiếm sống, không đúng!
Tôi đã đến Luân Đôn tìm hiểu và thấy Nguyễn Ái Quốc kết thân với một số văn hào, nghệ sĩ danh tiếng, trong đó có vua hài Charlie Chaplin.
Người ta đồn rằng Hồ Chí Minh biết 28 thứ tiếng, nhưng theo kết quả tìm hiểu của tôi thì ông biết khá sành sỏi 12 thứ tiếng..."
Như vậy, danh nhân Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không phải là đến 1945 đã được sáng tỏ, mà có lẽ sau nhiều chục năm, các nhà sử học trên thế giới vẫn chưa "giải mã" xong các ẩn số về nhân vật vĩ đại này - GS ,TS Josephine Stenson nhận xét.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch - Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch. Ảnh: T.L

“Ẩn số” Trần Dân Tiên ?
Những gì tôi đề cập trong bài viết này cũng chỉ là những chi tiết mà bản thân mắt thấy tai nghe, chưa khẳng định được điều gì to lớn, và để “giải mã” cho chính xác thì vẫn còn những khoảng trống cần được nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục trao đổi.
Cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Dân Tiên xuất bản lần đầu tiên ở Trung Hoa năm 1948, tại Paris (Pháp) năm 1949 và đã được tái bản rất nhiều lần sau này. Song các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải đã thống nhất với nhau mà cho rằng Trần Dân Tiên là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trái lại, có tác giả nghi ngờ, có tác giả phủ nhận, lại có tác giả khẳng định, và ai cũng đều có lý lẽ của mình.
Có một tác giả sau này nhận xét, chính cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” ra đời, được ghi đích thị bút danh là Hồ Chí Minh đã chứng minh một điều, cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh" phải chăng vì có những chi tiết chưa chính xác cho nên Bác Hồ đã phải trực tiếp viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện" để gián tiếp cải chính một số chi tiết chưa chính xác trong cuốn sách kia. Nếu không phải vậy thì việc gì Người phải trực tiếp viết thêm một cuốn mới như vậy?
Có 2 câu chuyện sau, tôi muốn kể lại để chúng ta cùng suy nghĩ và phân tích:
1/ Năm 1983, khi tôi đang ở trong quân ngũ thì cha tôi đưa tôi đến nhà công vụ thăm ông Trường Chinh - khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (Chủ tịch Nước bây giờ).
Trước đó không lâu, ông Trường Chinh có một bài viết rất sâu sắc kiểu như “Sách trắng” về vấn đề quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đăng trên báo Nhân dân. Khi biết tôi đang là sĩ quan quân đội, ông có đề cập nội dung bài viết đó với cha con chúng tôi kiểu như con cháu trong nhà.
Tôi bạo phổi khen bài viết đó rất sắc sảo và mạnh mẽ, ông cười hồn nhiên rồi nói vui: Thì ông là lão tướng trên trận địa tư tưởng của Đảng, cũng như thủ trưởng Văn Tiến Dũng của cháu (tức Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó) là lão tướng trên mặt trận quân sự thôi mà, có gì đâu!
Nói rồi ông cười và sau đó trầm ngâm giây lát rồi tâm sự tiếp: Nói vậy thôi, chứ tự thấy mình cũng cao tuổi rồi nên nhiều lúc trước khi phát biểu chuyện gì, viết cái gì ra giấy, tôi cũng đều tự mình đặt câu hỏi: Liệu mình làm việc này có gàn không? Liệu mình có lẫn gì không và phải tự trả lời được 2 câu hỏi đó.
Cha con chúng tôi nghe mà rất bất ngờ vì năm đó ông cũng chỉ mới 76 tuổi, chứ cũng chưa phải đã cao tuổi lắm. Nhưng ông từ ngày trước đã được tiếng là người rất cẩn trọng về hành động cũng như viết lách. Chả vậy mà ông tự đặt cho mình bí danh "Thận" đó sao!
Trong bữa đó, cha tôi (về quan hệ gia đình thì ông nội của tôi gọi thân mẫu của ông Trường Chinh, cụ Nguyễn Thị Từ, là cô ruột; tức ông nội tôi và ông Trường Chinh là anh em con bác con cô). Do vậy, cha tôi cũng năng qua lại thăm ông bà. Hôm đó cha tôi có hỏi chuyện ông về tác giả Trần Dân Tiên viết cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” có phải là Bác Hồ không, thì rất nhanh nhẹn, ông Trường Chinh khẳng định luôn rằng không phải. Chắc chắn không phải!
Cha tôi tiếp luôn “vậy, thưa chú, Trần Dân Tiên là ai ạ?” thì ông cười rất rất tự nhiên, không hề nói gì thêm. Đang được thể vui chuyện, cha tôi tiếp luôn: “Hay tác giả Trần Dân Tiên là chú?” thì ông cũng chỉ cười tươi và thêm một cái lắc đầu nhẹ rồi nói: "Không phải!"
Chuyện chỉ như vậy mà không hề có lời giải đáp thêm gì hết. Câu chuyện được chuyển sang đề tài khác.
Sau này tôi nghĩ lại rồi tự “giải mã” thì thấy rằng nếu là Bác Hồ viết thì chuyện đã mấy chục năm, ông Trường Chinh cũng có thể “bật mí” đôi chút đâu có sao. Nhưng cách nói này cho thấy nhiều khả năng không phải là Bác viết rồi lấy bút danh đó. Nhưng nếu là một ai đó viết thì xem ra mặc dù chuyện đã xa xưa, ông cũng sẽ giữ kín trong lòng. Ông vốn là con người rất cẩn trọng chính là vậy. Nụ cười ấy không kèm thêm gì khác sẽ rất khó đoán định chính xác. Nhưng như vậy rất nhiều khả năng không phải do Bác tự viết.
Bà Lady Borton, một nhà văn Mỹ, một người gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh tới mãi sau này. Bà đã dành nhiều thời gian công sức đến một số nước mà Hồ Chí Minh từng hoạt động, xin họ cho lục hồ sơ lưu trữ để tìm hiểu sâu về Hồ Chí Minh, cũng cho rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh (nguồn Wikipedia).
Theo ông Nguyễn Khôi, nguyên Phó Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội, thì khi đó (1948) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, hầu hết người nước ngoài không biết Hồ Chí Minh là ai, tiểu sử thế nào. Cuốn sách này ra đời theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho ông Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền) viết để giới thiệu cho người nước ngoài về Hồ Chí Minh. Ông Trần Huy Liệu giao cho ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký, trợ lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút. Khi viết xong bản khởi thảo thì ông Trần Huy Liệu, Hoàng Quốc Việt và cuối cùng là ông Trường Chinh (Tổng Bí thư) duyệt để hoàn thiện đem xuất bản.
Bút danh "Trần Dân Tiên" có ý nghĩa: người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nguồn Wikipedia).
Vậy thông tin này có thể tin cậy được không? Nếu sự tình quả đúng như vậy thì cũng khớp với việc ông Trường Chinh biết rất rõ câu chuyện này. Việc ông phủ nhận ngay tức thì là không có chuyện Bác Hồ viết cuốn đó, là hợp logic. Và đó cũng chính là lý do có tính thuyết phục để giải thích vì sao chỉ sau thời gian không lâu, chính Hồ Chủ tịch lại phải trực tiếp viết về mình trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mà trong đó có một số mẩu chuyện được Bác kể khác so với cuốn của ai đó đã lấy bút danh Trần Dân Tiên trước đó.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi anh bạn đồng môn với tôi hồi học Tổng hợp Văn (khóa 18), nhà văn Trần Chiến, rằng anh thấy cha anh (tức nhà sử học, cố giáo sư Trần Huy Liệu) có để lại di cảo gì xung quanh câu chuyện này không, thì anh cho biết là không hề thấy.
2/ Năm 1993, tôi xin đăng ký gặp Cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng - người từng giữ cương vị Thủ tướng nước nhà 32 năm - tại ngôi nhà trong Phủ Chủ tịch, để phỏng vấn ông một số chuyện mà tôi còn hoài nghi, trong đó có chuyện tác giả Trần Dân Tiên.
Bữa đó có cả thư ký của ông là ông Nguyễn Tiến Năng cùng dự và ghi chép. Tôi thưa chuyện với Cố vấn những băn khoăn của mình về tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Tôi nói đại ý, lâu nay có 3 luồng ý kiến khác nhau về tác giả cuốn sách nói trên: Người thì khẳng định, người thì phủ định, có người lại hoài nghi vì chưa rõ ràng. "Vậy thì với bác, bác cho rằng tác giả đó là ai ạ?", tôi hỏi.
Nghĩ một giây lát, ông trả lời tôi: “Chuyện đó tôi không quan tâm!”.
Một câu trả lời khiến tôi hơi sốc vì không lẽ ông mà không biết. Ông Đồng vốn là người rất tinh tế về chữ nghĩa, văn phong mà sao ông trả lời như vậy nhỉ! Tôi thầm nghĩ và cảm thấy buồn có phần vì bị hụt hẫng. Một thoáng trôi qua, tôi chuyển sang đề tài khác mà không đi sâu thêm chuyện đó nữa.
Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu
Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu
Cũng may, hôm đó tôi vẫn “vớt vát” được chút xíu thông tin khá cảm động về con người ông mà sau đó tôi đã viết thành bài, đó là câu chuyện vị Thủ tướng với 32 năm tại vị lại không có nổi 2 chỉ vàng tặng con dâu nhân ngày cưới!
Trở lại câu chuyện Trần Dân Tiên là bút danh của ai.
Vậy thì ai là tác giả cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”?
Cá nhân tôi cho rằng đây là việc rất đáng để các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay và cả sau này (nếu vẫn chưa xác minh được chính xác) cùng để tâm tìm hiểu, phân tích và kết luận.
Một vĩ nhân như Hồ Chí Minh, mọi vấn đề đều cần được “giải mã” chính xác, thấu đáo đến tận cùng .
Quá khứ càng ngày càng lùi xa sẽ càng khó cho hậu thế nhìn nhận sự việc thật chính xác. Nếu hôm nay chúng ta không làm được thì quả là thiếu sót với hậu thế. Việc trước đây 5 năm, tôi từng cố gắng “giải mã” một khoảng trống dài tới 3 năm (1914-1917) không thấy ghi trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là một ví dụ. Qua đó chúng ta càng thấy Người quả là một vĩ nhân, cái gì đã hứa với người mình chịu ơn thế nào thì đến lúc ra đi vẫn là như vậy.
Nói như một nhà văn, nhà báo bạn tôi - anh Nguyễn Thành Phong - trên trang cá nhân của anh hôm 19/5 vừa rồi, nhân kỷ niệm 130  năm ngày sinh của Người, thì “những phát kiến mới về tiểu sử, thân thế và đời riêng Cụ Hồ cần được minh định rõ ràng. Hồ Chí Minh là một Con Người. Minh định về Cụ càng làm ta yêu kính Cụ hơn...” và “Hồ Chí Minh sẽ vẫn cứ là một biểu tượng đẹp đẽ trong lịch sử phát triển và văn hóa nhân loại. Đấy là một bất biến!”.
 
Chép lại từ Giao'Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét