KỈ NIỆM 100 năm sinh nhà thơ Tố Hữu (1920 -2020)
Một vài kỉ niệm về thơ TỐ HỮU
Vũ Nho
Tố Hữu làm thơ và làm cách mạng trong một thời gian dài, khi đất nước Việt Nam có những biến động lớn về lịch sử. Thơ của ông từ thời máu lửa, xiềng xích và giải phóng, tiếp theo đến kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mĩ, rồi đến khi đất nước thống nhất, rồi Liên xô sụp đổ và nước ta đổi mới thành công.
Một thời gian dài như vậy với nhiều điều biến động xã hội, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của chính nhà thơ và những người đọc thơ ông. Có một thời thơ Tố Hữu được học rất nhiều trong nhà trường, đặc biệt là trường Trung học phổ thông. Có một thời đề thi môn Văn thường là thơ Bác và thơ Tố Hữu. Có một thời thơ Tố Hữu được đánh giá rất cao, nhà thơ được coi như lá cờ đầu của thơ ca cách mạng.
Bây giờ, đánh giá về Tố Hữu không còn như trước. Nhưng có một điều tôi tin, thơ Tố Hữu vẫn là thơ được phổ biến rộng rãi nhất, được người đọc dành cho nhiều mến mộ, cảm tình.
Nhân kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Tố Hữu ( 1920 – 2020), tôi xin kể vài kỉ niệm của cá nhân với thơ của ông.
Tôi tiếp xúc với thơ Tố Hữu đầu tiên vào quãng 1956, 1957. Sách in đối với một làng quê vùng chiêm trũng như quê tôi hầu như rất hiếm. Không biết từ đâu mà ông anh họ tôi có cuốn thơ Việt Bắc. Tôi khi ấy tám, chín tuổi, mới biết đọc nên rất khoái đọc chữ in. Cuốn Việt Bắc rơi vào tay tôi và tôi đã đọc thuộc lòng nhiều bài, nhất là những bài lục bát. Tất nhiên tôi đâu biết đấy là thơ hay hoặc không hay. Nhưng tôi rất nhớ tên tác giả là Tố Hữu.
Hồi tôi học lớp 9 của trường cấp ba Nho Quan đặt ở chiến khu Quỳnh Lưu, khi đi học về tôi đi qua địa phận xã Gia Phong. Thời đó, xã Gia Phong là lá cờ đầu về văn hóa quần chúng toàn miền Bắc. Tôi đi qua trụ sở của Hợp tác xã. Đang đại hội xã viên, lại đúng vào lúc biểu diễn văn nghệ, nên tôi tò mò len vào xem. Một cây văn nghệ của xã đang trình diễn tiết mục ngâm thơ bài Bà má Hậu Giang của Tố Hữu. Anh ta vừa đọc, vừa làm điệu bộ diễn tả hành động của thằng cướp mắt xanh mũi lõ đối mặt với bà má Hậu Giang. Anh diễn tả xúc động đến nỗi cả hội trường rưng rưng về cái chết kiên cường của bà má. Nhiều phụ nữ lấy vạt khăn chấm nước mắt… Quả thật thơ Tố Hữu có những câu vô cùng xúc động, nhất là đối với những người nông dân, những người nghèo. Cũng trong một tiết mục khác của buổi biểu diễn văn nghệ mà tôi xem ké hôm ấy, tôi thấy nhiều người lau nước mắt khi nghe ngâm đoạn thơ :
Con đói lả ôm lưng mẹ khóc
Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi
Kiếp người cơm vãi cơm rơi
Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi!
Đó là những câu thơ mà nhiều người coi là diễn ca trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng của Tố Hữu.
Vào Đại học, khoa Văn của chúng tôi hồi ấy sơ tán ở trong rừng của huyện Đại Từ. Tiếp xúc với những bài phê bình thơ Tố Hữu, có lẽ bài phê bình đầu tiên để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc là bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi được in trong Tư liệu tham khảo văn học mà chúng tôi mượn của thư viện. Nguyễn Đình Thi đã bình hình ảnh anh bộ đội hiền lành “tì tay trên mũi súng” ấy là anh bộ đội Việt Nam của năm 1947, còn quen tì tay trên cán cuốc khi ngồi nghỉ ngoài đồng. Tôi là người nhà quê, từng đi cuốc, đi cày, nhưng không hề có liên tưởng này. Khi đọc, tôi rất kính phục Nguyễn Đình Thi. Hơn nữa, Nguyễn Đình Thi còn chỉ ra rằng trong bài “Bắn”, người đọc thấy nhà thơ nóng nảy vì căm thù, nhưng anh không có việc giữa lúc các chiến sĩ đang bận túi bụi và hết sức căng thẳng. Lại một chi tiết bình luận tinh và chính xác.
Bây giờ có một số người hay dẫn bài thơ Đời đời nhớ ông của Tố Hữu để chê nhà thơ. Nhưng xin hãy nhìn nhận cho công bằng. Cái thời ấy tình cảm với lãnh tụ quốc tế là như thế. Xtalin mất là năm 1953, nhưng vài năm sau, cái tình cảm dành cho lãnh tụ nước ngoài kiểu “một vai ơn Bác, một vai ơn Người” vẫn như thế. Xin hãy đọc những câu thơ này:
Bác Mao tuy ở rất xa
Bác Hồ ta đó chính là bác Mao
Tác giả là Chế Lan Viên, in trong tập Gửi các anh.
Kỉ niệm khác liên quan đến bản dịch Đợi anh về của Tố Hữu. Chắc chắn là nhà thơ đã dịch bài thơ này qua bản dịch tiếng Pháp, vì vậy có một số câu không sát với nguyên văn tiếng Nga. Khi đó tôi vừa học ở Nga về, bản dịch bài thơ được đưa vào sách giáo khoa Văn lớp 9 của nhà xuất bản Giáo dục in năm 1989. Đi dự giờ dạy của giáo viên, một số người dựa vào bản dịch của Tố Hữu nên có những giảng giải không đúng, xa với nguyên tác. Tôi có viết một bài báo nhỏ đăng trên báo Giáo dục và Thời đại để nói về chuyện này. Mặc dù vậy, tôi cũng không quên nhắc với các bạn giáo viên rằng về cơ bản, bản dịch của Tố Hữu là bản dịch hay. Chính nhà thơ K. Xi mô nôp khi thăm Việt Nam, gặp Tố Hữu đã nói câu nổi tiếng : “ Thơ tôi đã chết trong bản dịch tuyệt vời của anh”.
Vào quãng năm 2000, tác giả Nguyễn Trọng Hoàn có viết kịch bản phim Tố Hữu trong nhà trường cho VTV1. Ngoài việc quay các cảnh học sinh quây quần quanh nhà thơ, cảnh các em học bài thơ của Tố Hữu trong chương trình, kịch bản có phát biểu của một nhà phê bình, nghiên cứu về thơ Tố Hữu. Có lẽ do quen biết, nên Nguyễn Trọng Hoàn mời tôi. Quả thật tôi bất ngờ. Vì tôi không phải là chuyên gia về thơ Tố Hữu. Vả lại khi ấy, tôi cũng không phải là nhà phê bình nghiên cứu có tiếng tăm. Nhưng với tư cách là chuyên viên chỉ đạo bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng có “quân hàm quân hiệu” hẳn hoi, nên tôi cũng nhận lời. Và cảnh quay ấy tôi nhớ mãi là các bạn làm phim quay tại nhà Trần Đăng Khoa ở Lý Nam Đế. Vì các bạn ấy đang có chương trình quay chú Khoa, còn tôi thì đang hoàn thiện cuốn sách Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca nên hẹn ở đó. Khi quay, vì thiếu ánh sáng nên các bạn đã phải mượn cái mâm nhôm của nhà chú Khoa làm pha để chiếu đèn vào.
( Mà hôm đó, các bạn cũng quay luôn một đoạn tôi nói về thơ thiếu nhi của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, cho đến giờ tôi vẫn không biết mình lên hình ra sao).
Năm 2002, sau khi Tố Hữu mất, lúc ấy tôi đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Đài truyền hình phát phim Tố Hữu trong nhà trường để tưởng niệm nhà thơ. Ngẫu nhiên tôi mở ti vi và được xem hình ảnh mình trên màn ảnh.
Một chuyện khác cũng thành kỉ niệm là Tố Hữu chữa thơ.
Bài Xuân sớm của nhà thơ viết năm 1966 khi đăng báo có hai câu:
Nghé con mày đứng cho ngoan
Chớ ăn mất lá hàng xoan mới trồng
Chắc là do Tố Hữu không có thực tế về chuyện ăn lá, ăn cỏ của trâu bò, và cũng có thể đang cần vần nên nhà thơ viết thế. Khi in, các thầy cô giáo đọc và bình luận mồm:
Lá xoan đắng lắm bác ơi
Nghé không ăn được, vậy thời bác sai!
Không biết là bằng cách nào mà nhà thơ Tố Hữu biết được, hoặc giả ngẫu nhiên có ai mách về thực chất lá xoan; các bản in sau đó, Tố Hữu đã chữa câu thơ ấy thành:
Nghé con mày đứng cho ngoan
Chớ xô hàng chuối, hàng xoan mới trồng
Như vậy là nhà thơ rất phục thiện.
Trong thời gian hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, tình cờ tôi ngồi với anh Trần Đương, người dịch văn học Đức. Anh Đương cũng có mối quan hệ khá gần gũi với nhà thơ Tố Hữu. Anh kể với tôi và Hoàng Minh Tường chuyện nhà thơ Tố Hữu tâm sự về bài Tiếng hát sông Hương. Như vậy là Tố Hữu cũng biết rằng giữa thơ ngày ấy của ông và thực tế bây giờ là một khoảng cách khá xa. Phải vậy chăng mà những bài thơ về sau của ông trong tập Một tiếng đờn và Ta với ta thường đượm buồn?
Bây giờ thơ Tố Hữu vẫn hiện diện trong nhà trường, từ Tiểu học, qua Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông. Thái độ của giáo viên và học sinh trong tiếp nhận chắc hẳn sẽ không giống như hồi chúng tôi. Nhưng tôi tin lời một giáo viên có làm thơ đã viết :
Thơ ông sống và sẽ còn mãi sống
Trang vở học trò lồng lộng thách thời gian
Lê Ngọc Bảo - Gửi một thi nhân vừa khuất
Hà Nội, tháng 10/2010
tháng 9/2020
V.Nh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét