Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

MỘT DỊCH PHẨM THƠ CÔNG PHU TRANG NHÃ

 


MỘT DỊCH PHẨM THƠ CÔNG PHU TRANG NHÃ

Cảm nhận tập thơ dịch Sương trắng Bạch dương của Nguyệt Vũ

                Vũ Nho

 

“Đất nước Nga trong tôi là tiếng bạch dương reo, là mùa đông tuyết trắng, là mùa thu vàng rực rỡ, là mùa hè hoa nở bạt ngàn trong những công viên tự nhiên rộng mênh mông. Con người Nga trong tôi là những con người nồng hậu, ấm áp và rộng mở trái tim”. Dịch giả Nguyệt Vũ đã mở đầu tập thơ dịch của mình như vậy. Và tôi tin,  tình cảm ấy không riêng của chị, mà là của tất cả chúng tôi, những người từng có mặt ở nước Nga, từng tiếp xúc với thiên nhiên Nga, người Nga, văn hóa Nga…Và đó cũng là tình cảm mà  những người Việt Nam chúng ta từ nhiều năm nay dành cho nước Nga dù chưa một lần tới miền xa xôi đó.
Với tình cảm như thế, lại sẵn lòng yêu thơ ca dào dạt, nên Nguyệt Vũ đã chọn những bài thơ  chị tâm đắc nhất của  8 nhà thơ Nga, những nhà thơ cổ điển và hiện đại để giới thiệu với bạn đọc. Có những nhà thơ mà công chúng Việt đã từng thuộc tên, thuộc những câu thơ tuyệt vời của họ trong những bản dịch ra tiếng Việt như A. Puskin, O. Béc gôn, X. Esenin. Có những nhà thơ nổi tiếng của Nga nhưng chưa được dịch nhiều ở Việt Nam như A.Fet. Lại có những nhà thơ mà chúng ta còn ít biết như Iu. Drunina, K. Balmont, N. Rubtsov, E. Asadov.
Điều độc đáo của dịch phẩm này trước hết là dịch giả đã cố gắng cung cấp nguyên bản tiếng Nga và lời dịch thơ trực tiếp của mình. Người đọc biết tiếng Nga sẽ vô cùng thú vị khi thấy việc dịch thơ đã hầu như trung thành tuyệt đối với câu thơ, khổ thơ trong nguyên tác. Có thể ngẫm ngợi để thấy hết cái hay trong bản dịch thanh thoát, giàu chất thơ nhưng vẫn đảm bảo chữ tín ( trung thành với nguyên tác). Các tiêu chí dịch từ thời xưa là tín, đạt, nhã ( trung thành, thể hiện đúng, trang nhã) đã được dịch giả thể hiện khá thành công và nhất quán.
Chẳng hạn như  trong bài Tôi lại về khu vườn của em ( Afanasy Fet):
Теперь и тень в саду темна,                  
И трав сильней благоуханье;
Зато какая тишина,
Какое томное молчанье!

Giờ tán lá trong vườn râm mát
Và hương thơm hoa cỏ dâng đầy
Nhưng mà sao lại im ắng vậy,
Mà sao yên lặng đến mơ hồ!



Hoặc đây nữa trong bài thơ Chiều nay em đánh rơi lời ( On ga Bec gôn) :

Потеряла я вечером слово,
что придумала для тебя.
Начинала снова и снова
эту песнь — сердясь, любя...

Chiều nay đánh mất câu thơ,
những điều em nghĩ em mơ về người.
Và rồi lần nữa anh ơi
hát lên câu hát - giận rồi, lại thương…

Tôi muốn trích thêm đoạn dịch bài thơ Anh bên em ( Yulia Drunina):
Спасибо за эти губы,
Спасибо за руки эти.
Спасибо тебе, мой любый,
За то, что ты есть на свете.

Cảm ơn anh bởi môi mềm,
Cảm ơn anh bởi êm đềm vòng tay.
Cảm ơn người em đắm say,
Vì anh sống ở đời này cùng em.
Những đoạn dịch vừa trung thành vừa thanh thoát và trang nhã  như thế ta có thể gặp khá thường xuyên.
Người đọc sẽ hài lòng là đối với mỗi nhà thơ, đều có một giới thiệu tóm tắt cuộc đời và đặc điểm sáng tạo thơ ca. Những dòng ngắn gọn này được viết trau chuốt và rất giàu chất thơ. Người viết đã chọn những chi tiết có tính khái quát, ấn tượng, để làm nổi bật nét riêng độc đáo của mỗi nhà thơ. Nó sẽ là những chỉ dẫn cần thiết để người đọc hiểu những điều nhà thơ kí thác. Có lẽ đây là  sự  kết hợp hài hòa giữa người biên dịch và người dịch.
Trong tập này, có những bài thơ đã được các dịch giả khác dịch rồi, chẳng hạn như Mùa hè rớt của Onga Bec gôn, Tôi yêu em, Con đường mùa đông của A.Puskin, Thư gửi mẹ, Buồn rầu anh ngắm nhìn em của X.Ê senin,… Nhưng Nguyệt Vũ đã có những cố gắng riêng của mình để góp vào một phương án, một cách cảm nhận  khác giàu nữ tính và chất thơ.
       Dịch thơ là một công việc rất khó khăn. Chính vì thế mà cầm trong tay một bản dịch, nhất lại là của một phụ nữ làm khoa học tự nhiên như Nguyệt Vũ thì cảm mến của người đọc càng tăng thêm nhiều lần. Người dịch chủ yếu chọn những bài thơ về thiên nhiên, về tình yêu, nhất là về tình yêu. Nhưng qua những bài thơ chọn, quả thật thấy rất rõ thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga được thể hiện thật tập trung, thật tinh tế, và vô cùng trong sáng. Các nhà thơ nhiều thế hệ của Nga đã sống, đã yêu, đã để lại cho người Nga và cho chúng ta những vần thơ đầy âm thanh,  hình ảnh, sắc màu, ánh sáng. Và qua nỗ lực của người dịch, chúng ta được tiếp xúc với những lời thơ thánh thiện, trong trẻo, ngọt ngào bâng khuâng, khát khao nồng nhiệt và cả những thất vọng, hờn ghen, cay đắng, ngậm ngùi.
    Tất nhiên, công việc dịch thơ là một công việc không dễ dàng. Một câu thơ nguyên tác hiểu đúng đã là một chuyện khó. Rồi lại chuyển sang tiếng Việt với nghĩa tương đương mà vẫn đảm bảo được hình ảnh, được nội dung, và nếu cả nhạc tính của nó thì lại càng khó.  Nguyệt Vũ không phải là người dịch chuyên nghiệp. Chị cũng không phải là người được đào tạo chuyên môn tiếng Nga và Văn học. Vì thế, có những chỗ dịch chưa được như ý là điều không thể tránh khỏi. Chẳng hạn  mấy ví dụ sau.
Trong bài thơ của A.Fet, câu thơ tiếng Nga
Люди спят; мой друг, пойдем в тенистый сад.
Được dịch thành:  Mọi người ngủ; em ơi, ra vườn tối.
Thật ra từ тенистый có nghĩa là râm mát, rợp bóng. Tất nhiên, ban đêm thì khu vườn ấy sẽ không sáng, nhưng dịch vườn tối thì dẫu đúng đi nữa, nhưng lại có phần hơi phản cảm. Ai lại rủ người yêu ra vườn tối? Nếu không dịch là vườn sáng ( sợ không đúng với nguyên tác), vườn râm mát ( chỉ là ban ngày mới hợp), thì cũng phải là vườn rợp bóng.
Cũng trong bài này, hai câu thơ cuối
Что и ей от этой дрожи горячо,
Что к плечу невольно клонится плечо...
Tác giả dịch
Tay dần ấm vì nhịp tim lạ ấy
Vai em nghiêng vô tình chạm vai anh
Sai thì không sai, nhưng trong nguyên bản không nói vai ai nghiêng chạm vào vai ai. Đó là câu không có từ sở hữu. Bất ngờ vai nghiêng chạm bờ vai. Nhà thơ đã không viết vai ai, thì người dịch tưởng cũng không nên thêm vào. Như thế mới đúng với tinh thần bám sát nguyên tác.
Một ví dụ khác. Đó là bài thơ Ngải đắng của Ôn ga Bec gôn. Nguyên văn:
Зачем мне сердце торное
от поступи земной?..
Tác giả dịch:
Sao làm tim em bằng lặng,
đối nhân xử thế trần gian?...
Câu thơ nguyên văn phải hiểu là : Em đâu cần trái tim  bằng lặng vì bước đi của  trái đất ( thời gian vần xoay)? Lời dịch vừa không sát, lại có phần mơ hồ.
    Cũng còn có thể nêu ra một vài điều nhận xét góp ý nữa, nhưng tôi nghĩ, đó không phải là điều quan trọng.
Với một nỗ lực bền bỉ, một tình yêu đắm say với thơ ca Nga, Nguyệt Vũ đã làm một công việc tuyệt vời là dịch những bài thơ Nga ấy, truyền tình yêu say đắm ấy cho bạn đọc Việt Nam. Người đọc sẽ được tiếp xúc với Ôn ga Béc gôn không chỉ với thơ dịu dàng, sâu lắng, mà còn đắm đuối, mê say cùng khổ đau, vật vã. Chúng ta sẽ làm quen với A.Fet  qua những bài thơ có thiên nhiên đẹp lạ lùng “Những bài thơ tình của Fet mang sắc thái vườn cổ tích : dịu dàng, mê đắm và thánh thiện. Các cung bậc của tình yêu như hồi hộp, sợ hãi, lo âu, bỏng rát và run rẩy … được thể hiện một cách tinh tế trong ngôn từ đẹp và sang trọng khiến người đọc ngộp thở như chính mình đang trong vườn yêu”.  Với X. Êsenin, “Tình yêu thiên nhiên, đất nước con người Nga đã làm cho thơ Yesenin có nhạc, có hoa, có trăng sao và chim họa mi ca hát. Những dòng sông êm đềm, những con suối róc rách hoan ca hay buổi chiều thợ cày trở về làng”. Và A. Puskin, mặt trời thi ca Nga thì ngoài nhận xét của văn hào Nga  N. Gôgôl, chúng ta sẽ thấy “Thơ của Pushkin ngắn gọn súc tích, giàu âm thanh hình ảnh và luôn đọng lại trong lòng người đọc những lời thơ thánh thiện ngọt ngào như suối lặng mây bay. Thơ của ông đã đi hết tình yêu với tất cả các cung bậc sướng vui, đau khổ, hờn ghen, hậm hực cả thất vọng nữa..“
Với mỗi nhà thơ khác, trong lời tựa và trong phần giới thiệu đều có những dòng giới thiệu trân trọng,  chắt lọc và công phu như vậy.
    Phải nói rằng Nguyệt Vũ đã thành công khi  dồn tâm huyết để có một tập thơ dịch tri ân đất nước Nga. Và chính thành công này đã ghi tên chị vào hàng ngũ những người dịch thơ rất hiếm hoi ở Việt Nam, nhất là trong phái nữ.
                                                               Hà Nội, 10/10/2010






 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét