Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

TÔI KỂ CHUYỆN NÀY 2 ( tiếp)

 


TÔI KỂ CHUYỆN NÀY 2 ( tiếp)

 

38- Quá trình làm NCS diễn ra như thế nào? Khó khăn, thuận lợi và những câu chuyện, kỷ niệm trong quá trình làm NCS tại trường ĐH Sư phạm Ghéc-Sen Leningrat? Xin PGS chia sẻ về phương pháp giảng dạy, hướng dẫn của giảng viên Liên Xô. Phương pháp đó khác với phương pháp ở trong nước như thế nào?

 Như mọi nghiên cứu sinh, chúng tôi phải học và thi môn Triết học bằng tiếng Nga, thi môn Tiếng Nga. Kinh nghiệm của những người đi trước khuyên là cần giải quyết dứt điểm trong năm đầu. Bốn chúng tôi vừa học triết, vừa học tiếng Nga. Môn triết nghe giảng bằng tiếng Việt còn bở hơi tai nữa là bằng tiếng Nga. Chúng tôi học với các bạn Cu ba. Thế mà rồi cũng thi đỗ cả! Tiếng Nga cũng xong luôn trong năm đầu. Khi học tiếng Nga, tôi rất tích cực viết bài bằng tiếng Nga cho tờ báo của trường ( in tipo rất đẹp). Bà giáo rất hài lòng. Bà đưa đi thăm Bảo tàng các nhà văn A.Puskin, F. Đôtxtoevxki,…thăm Ermitage để học tiếng Nga. Bà còn đưa chúng tôi xuống trường phổ thông nói chuyện về Việt Nam. Chúng tôi mượn máy ảnh Zenhit của Alexit người Cuba. Một cuộn phim 36 kiểu nhưng chụp duy nhất được một kiểu. Thế là cũng có ảnh gửi cho báo của trường kèm bài viết tiếng Nga.

          Thông thường, nghiên cứu sinh mới đến thường nhờ một anh Việt Nam dẫn đến để làm quen với giáo sư hướng dẫn. Tôi tự tin vào khả năng của mình nên  làm quen với Valeri cùng tổ, rồi tự đến tổ bộ môn gặp GS TS M.G. Kachurin. Giáo sư hỏi han việc học hành của tôi, nói chuyện về trường, về gia đình. Sau đó ông mới hỏi đến đề tài nghiên cứu.

39-  Quá trình làm luận án PTS của ông như thế nào? Quá trình và kết quả làm NCS của ông được các thầy cô đánh giá thế nào? Và những điều học được từ Liên Xô trong thời gian này được ông về vận dụng trong nước thế nào?

Lại nói chuyện khi đi thi nghiên cứu sinh ở Việt Nam, tôi làm đề cương nghiên cứu môn Lí luận văn học. Tôi để ý thấy chúng ta có truyền thống cười hài và châm biếm.  Ta có ca dao cười, có kho truyện tiếu lâm. Các tác giả châm biếm hài hước trong văn học viết có Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh, Tú Mỡ,… văn châm biếm có  Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn,… Tuy vậy, lí thuyết về tiếng cười, lí thuyết về văn châm biếm thì hầu như là một khoảng trống. Tôi muốn nghiên cứu lí thuyết văn châm biếm, hài hước của Nga và thế giới. Khi không được  thi về Lí luận văn học, chuyển sang Phương pháp, tôi vẫn đeo đẳng đề tài văn châm biếm hài hước nên đã đổi đề cương thành : “Phương pháp dạy học các tác phẩm châm biếm, hài hước”.

          Khi gặp GS hướng dẫn, tôi mới biết rằng ông không quan tâm đến mảng đề tài này. GS có gợi ý tôi đề tài Giáo dục tinh thần quốc tế cho học sinh qua các tác phẩm văn chương. Tôi thấy đề tài rộng quá, lại cũng không hợp với mình.

          Sau khi về đọc lại  danh mục các cuốn sách đã xuất bản của giáo sư, tôi thấy có một mảng sách ông viết về “đọc diễn cảm”. Tôi nghĩ ở ta ngay khi tôi đi học đã nghe nói đọc diễn cảm, mọi người coi đây là một nghệ thuật quan trọng khi dạy học Văn. Tôi còn nghe GS Lê Trí Viễn cũng rất quan tâm. Ông đến lớp sinh viên ở Hà Nội chỉ để đọc diễn cảm tác phẩm làm mẫu! Thế là tự tôi đề nghị với GS là tôi muốn làm về lí thuyết đọc diễn cảm, một thứ mà nước ta không có. GS hướng dẫn đồng ý ngay với đề nghị của tôi. Và ông đề nghị tên cho luận án : “Vận dụng kinh nghiệm đọc diễn cảm của nhà trường xô viết vào trường phổ thông Việt Nam”. Tôi có cơ sở để tha hồ đọc, tổng kết lí thuyết đọc diễn cảm của nhà trường xô viết. Rồi rút ra những gì cốt lõi, cơ bản nhất phù hợp nhất để vận dụng vào nhà trường Việt Nam.

          Như vậy ngay khi gặp GS hướng dẫn, tôi đã xác định được đề tài. Và tôi đọc tài liệu tiếng Nga để phục vụ cho đề tài. Điều kiện đi lại không cho phép tôi về Việt nam làm thực nghiệm. Tôi nhờ các bạn sinh viên trường Ghec-sen và trường Tài Chính để phỏng vấn các em về đọc diễn cảm. Tôi cũng mời GS đến nói với các em về việc đọc. Tôi cũng trình bày với các bạn sinh viên mới xong phổ thông những thu hoạch bổ ích của tôi về nghệ thuật đọc mà tôi định sẽ vận dụng vào nhà trường Việt Nam. Công việc khá vui. GS Kachurin hài lòng.

          Trong khi viết luận án, tôi đã viết 3 bài báo tiếng Nga đăng  trong tạp chí “Tiếng nga trong nhà trường Mondavi”, “ Tiếng Nga ở nước ngoài” và “ Lưu trữ các bài báo khoa học”, tôi cũng gửi đăng 2 bài ở Tạp chí Giáo dục cấp 1 +2 của Vụ cấp 1+2. Như vậy tôi là người nước ngoài  hiếm hoi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ có 5 bài kể trong tóm tắt luận án. ( Hơi bị oai!).

          Thật may mắn cho tôi, khi đó có Hội nghị đọc diễn cảm toàn Liên bang xô viết tổ chức ở Matxcơva. GS hướng dẫn tôi là một trong các nhà phương pháp hàng đầu của Liên bang. Vì vậy tôi là nghiên cứu sinh nước ngoài duy nhất được tham dự Hội nghị và đọc báo cáo khoa học. Việc này tôi có kể trong cuốn sách “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” ( nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016). Chỉ biết sau hội nghị, tôi về tổ bộ môn, được các bạn Nga nói rằng GS hướng dẫn rất hài lòng về tôi tại hội nghị, ông bảo tôi là “arator” ( người hùng biện).Thêm một lí do GS quý mến tôi vì năm đó cuốn sách dịch thứ hai của tôi “ Misa Laxkin” được nhà xuất bản Kim Đồng in, có bày bán  trong Hiệu sách  ở Leningrat. Tôi có mua để tặng ông. Như vậy ngoài 5 bài báo, tôi còn có 2 cuốn sách dịch từ tiếng Nga được in ở Việt Nam.

          Vì tiếng Nga tốt nên tôi đọc tài liệu nhanh, viết các phần của luận án cũng nhanh. Mặc dù làm Bí thư thành Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động xã hội nhưng tôi vẫn viết xong luận án sớm. Tôi xếp luận án lại và đi lao động kiếm tiền. Rồi sau tôi cũng bảo vệ vào ngày 22 tháng 6. Trước hạn tháng 10 về nước bốn tháng.

          Từ nội dung luận án, tôi đã in thành sách “ Nghệ thuật đọc diễn cảm” ( Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999) . Vì nghiên cứu đọc diễn cảm liên quan đến giáo dục thẩm mĩ, phát triển năng khiếu, cho nên nhiều vấn đề khác như năng lực thẩm mĩ, năng lực văn chương, năng lực liên tưởng, tưởng tượng,… cũng được tôi tìm hiểu về các thành tựu của xô viết. Bởi vậy tôi có một phông văn hóa khá rộng để nghiên cứu các vấn đề của thực tiễn nhà trường Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét