Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

TÔI KỂ CHUYỆN NÀY

 


Các bạn ở TRUNG TÂM DI SẢN CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM xếp tôi vào nhà khoa học và gửi 66 câu hỏi về nhiều chuyện, từ quê hương, gia đình, ngày bé đi học, học Đại học rồi học nghiên cứu sinh, viết sách, viết báo.

Tôi đã trả lời  bằng văn bản và lưu lại một bản cho bản thân làm kỉ niệm.

Tôi sẽ lần lượt trích mấy mẩu chuyện trong số các câu hỏi mà các bạn ở Trung tâm muốn biết.

Vũ Nho

 

34 - Các sinh hoạt ngoại khóa, các buổi lao động diễn ra như thế nào? Ăn uống ra sao? Những kỷ niệm và kinh nghiệm, bài học tích lũy được sau mỗi chuyến đi?

Chúng tôi làm nhà, đào hầm hào, trồng rau xanh. Củi cho nhà bếp thì vào rừng tự kiếm. Chặt nứa, đan tranh nứa lợp nhà. Chúng tôi làm tuốt. Nhà ăn có bàn bằng nứa ghép, có ghế là thân cây mai.  Nhà ở, hội trường, nhà ăn, lớp học,…chúng tôi tự làm lấy. Chúng tôi chơi bóng chuyền. Đội bóng của khoa chủ yếu là khóa tôi chơi xuất sắc. Chúng tôi diễn kịch, chuyển thể các tác phẩm của nhà văn. Đội kịch của khối tôi nổi tiếng toàn trường. Các bạn diễn vở “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng cho cả trường xem ở Trung tâm hiệu bộ. Tạ Duyên, Tương Như, Thanh Lâm, Trần Trung, Vi Đoàn,…diễn hay đến nỗi bao người khóc. ( Sau này khi xem đoàn kịch chuyên nghiệp diễn, tôi có cảm giác không hay, không xúc động bằng các bạn mình…Lạ vậy!). Chúng tôi diễn kịch Kiều. Bạn Lễ đóng vai Từ Hải, sau mất sớm vì bệnh. Minh Lộc đóng vai Kiều, sau  cuộc sống cũng lận đận, không như ý. Cả bọn nói rằng kịch “vận” vào người…Chuyển thể ‘Tắt đèn” ban kịch mượn cháu Phương Thái ( Din) con thầy Phạm Luận đóng cái Tí.  Các diễn viên nghiệp dư mà lấy của người xem nhiều nước mắt thương cảm… Về tốp ca  nam của chúng tôi phải nói là nổi danh toàn trường với các bài “ Con cua đá”,  “ Bài ca người lái xe”… Còn nổi hơn nữa vì các chàng trai diện cà vạt giấy lên biểu diễn. Số là lúc đó cà vạt là của hiếm.  Các bạn chúng tôi chỉ mượn được 2 chiếc của thầy Phan Thanh Lương và thầy Nguyễn Đức Long. Còn lại là giấy màu tím và màu vàng, màu đen cắt ra và dán vào sơ mi. Có lẽ cũng là độc nhất vô nhị ở Việt Nam! Chúng tôi lại còn lập một dàn nhạc đàng hoàng. Có 1 công tơ bát, hai xenlo, ba vi ô lông,  hai ghi ta,  một măng đô lin, hai sáo trúc. Dàn nhạc trông rất “hoành tráng”, nhưng chỉ chơi 2 bài là “Giải phóng miền Nam” và một bài do Hoàng Đoạn lớp A sáng tác. Dù mọi người cười rằng khi ca khúc của Hoàng Đoạn vang lên, mọi người ngả mũ chào vì gặp những Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Văn Kí ở trong đó, nhưng chúng tôi tự hào vì dàn nhạc tấu nhạc của chính nhạc trưởng Hoàng Đoạn!

          Tôi kể thêm đôi điều về chuyện ăn uống.

Tiêu chuẩn lương thực 15 cân gạo một tháng với thanh niên đang sức ăn, sức lớn thì không đủ. Nhưng chúng tôi có may mắn là ở với dân. Sắn rất rẻ. Hình như chỉ 2 đến 3 hào một cân. Học bổng của chúng tôi là 22 đồng. Nộp nhà ăn 15 đồng. Còn 7 đồng  để cắt tóc, mua xà phòng, thuốc đánh răng. Đói thì luộc sắn, nướng sắn. Cũng đàng hoàng lắm. Nhưng có lần mấy tướng ở tổ 1 đi mót sắn ở nương bỏ hoang. Củ sắn mấy năm không dỡ nên rất to. Nhưng cũng không tươi ngon như sắn mua. Chẳng biết luộc và ăn kiểu nào, hai ba tay bị say sắn…lử lả. May mà có sẵn đường hòa ra uống nên cũng…qua. Sau đó cạch không ham sắn trên nương bỏ hoang nữa.

          Khi đó có chuyện ăn độn bằng bột mì. Các chị cấp dưỡng đầu tiên nhào bột, nặn thành bánh rồi cho vào…luộc. Cái bánh rất rắn. Cứ y như cục gạch nhỏ. Hồi đó chưa có bột nở, cũng chưa có “công nghệ” cán thành mì sợi. Nhưng cũng có một cải tiến là bột mì nhào, nặn thành bánh, nhưng không luộc, mà đặt lên vỉ đan trong chảo lớn và …hấp.

          Chúng tôi trồng rau ven suối. Rau cải rất tốt. Rau chúng tôi bán cho nhà bếp để cải thiện. Cũng có khi tự  kiếm thêm măng rừng về nấu ăn thêm. Có một dạo tan học , hầu như cả lớp lên đồi gần khoa Sinh để kiếm rau tàu bay. Không biết tay nào mách. Nhưng rau tàu bay về nấu rồi cùng nhau “xì xụp” cũng hay hay. Vừa đỡ đói, vừa có chất xanh và cũng …lành!

          Có một dạo độn…bằng ngô răng ngựa. hạt ngô rất to và khá khô. Các chị nuôi phải “bung” rất lâu, cho thêm tí nước vôi để cho ngô mềm. Có tay tức cảnh ra vế đối : “Ăn ngô BUNG nặng BỤNG”. Cũng giống như kiểu “Chỉ cu hỏi củ chi”. Cái hóc hiểm là có chuyện đánh vần với dấu NẶNG và dấu HỎI vì vậy mà hầu nhưng không thể đối chỉnh.

          Cũng phải nói thêm rằng đang ở nhà quê nhưng thiếu lương thực, được ăn tiêu chuẩn sinh viên, lại có măng, sắn ăn thêm nên hầu như chúng tôi cảm thấy no, không bị đói.

( Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét