Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

TÔI KỂ CHUYỆN NÀY 1(tiếp)

 
 


TÔI KỂ CHUYỆN NÀY 1 (tiếp)

37- Tại sao ông lại được lựa chọn sang Liên Xô làm NCS? Lúc ông đi có nhiều người không? Các ông đi đến Liên Xô như thế nào? Mong ông kể những kỷ niệm trên hành trình từ Việt Nam đến Liên Xô? Ấn tượng đầu tiên của ông về đất nước và con người Liên Xô như thế nào?

Tôi kể ở trên rồi. Tôi vì không thể thi Lí luận nên đành thi Phương pháp. Bà Nguyễn Thị Bình có tầm nhìn xa. Bởi vì trước đây chúng ta coi Liên xô là “xét lại”, nên chỉ học những ngành tự nhiên. Ngành xã hội không học. Bà Bộ trưởng nghĩ rằng Giáo dục cần có nhiều chuyên gia phương pháp. Bởi thế mà bà đã xin Liên xô đào tạo một số chuyên gia cả tự nhiên và xã hội. Các anh chị Cao Đức Tiến (Văn), Tô Bá Trượng (Vật Lí), Lưu Xuân Mới (Giáo dục học), Nguyễn Văn Khải (Vật Lí), Đinh Trung Quỳnh (Địa Lí), Cao Gia Nức,  Nghiêm Xuân Lượng (Sinh Vật), Nguyễn Việt Hải (Toán),  Vũ Thị Nho (Giáo dục học), Nguyễn Thị Hiền (Hóa), tôi (Văn), sau này thêm  Nguyễn Viết Chữ, Trần Thế Phiệt, Nguyễn Huy Quát, Hoàng Hòa Bình, ( Văn) … đều được Liên xô đào tạo. 

 


Không có chuyện chọn lựa đi đâu. Theo sự phân công cả. Lúc đó và sau này có câu “ Muốn giàu đi Đức, muốn kiến thức đi Nga”, chúng tôi do trên phân công, có muốn cũng chẳng được. Về sau lại có câu “ Biết đi Nga bằng ba đi Đức”. Nhưng chúng tôi cũng chẳng rõ “biết đi” là đi như thế nào!

          Chúng tôi đi Liên xô tháng 10 năm 1980. Khi đó Trung Quốc vừa xâm lược nước ta trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Chúng tôi đi máy bay, đỗ ở Bombay (Ấn Độ). Sau đó bay tiếp đến Matxcơva. Cùng chuyến bay có Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Việt Hải, Cao Gia Nức, Nguyễn Thị Hiền, Tô Bá Trượng, Nguyễn Văn Tuất, và bạn tôi ở khoa Văn Việt Bắc là Bàn Tiến Tân về phép.

          Máy bay bay một mạch thì có chuyện gì để kể đâu. Nhưng có một chuyện tôi nhớ lâu. Khi đó chúng tôi mỗi người được phát một va li, một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giầy da. Mỗi người có một khăn mặt “bé như bàn tay ếch” buộc ra ngoài quai va li (Để lau mồ hôi cho tiện, nhưng hóa ra chả  phải lau gì, nên trông rất “ngố”!). Khi đi, sợ sang Nga đói, nên chúng tôi cẩn thận vét tem gạo, mua mỗi người một bánh mì. Không ngờ trên máy bay họ cho ăn. Xuống ngủ tạm ở Kí túc xá họ cũng cho ăn. Lần đầu tiên chúng tôi ăn món catlet ( thịt băm viên, trộn bột mì rán). Thú thực, khi đó chúng tôi thấy sao mà ngon thế. Sau này ở Nga lâu, sinh viên Việt thường chê món này; nhưng với chúng tôi thì khi đó là “tuyệt vời”. Lại nói chuyện lương thực dự trữ của chúng tôi. Ở Hà Nội thật quý. Lóc cóc mang sang tận Nga, nhưng không có cơ hội dùng. Sớm hôm sau, trong tiết trời lạnh, những cái bánh mì rắn lại như đá! Loay hoay mãi tôi mới tìm thấy chỗ bỏ rác để chúng tôi vứt bỏ phần lương thực dự trữ này!

          Một kỉ niệm là khi xuống sân bay. Một người trong Đoàn đi vào khu vệ sinh mãi chẳng thấy ra. Tôi là tay “thông thạo” tiếng Nga nhất nên phải đi tìm. Hóa ra ông con giời đang đứng trước chỗ đi giải. Vấn đề là khi tiểu tiện xong, con giời giật nước. Nước xả xong thì nó lại chảy vào két. Nghe rõ tiếng nước chảy. Ông con giời nghĩ là trục trặc nên lại giật. Và dĩ nhiên nó lại chảy. Cứ thế, “giật” – “chảy”. Và con giời nghĩ mình làm hỏng (!). Khi tôi tìm thấy liền gắt: Ông dở hơi! Đi thôi, cả đoàn đang chờ! Cứ để, tự nó chảy đầy thì ngắt. ( Mới thấy rõ cái dân An Nam ta lạc hậu như thế nào! ).Kể thêm một chuyện “lạc hậu”. Việt Nam, tôi duy nhất gọi điện thoại một lần là khi đi thực tế Cẩm Phả, gọi ra Cẩm Phả đảo. Gọi nhờ ủy ban, quay máy bằng tay. Sang Nga, tôi không biết để đầu ống nói nào vào tai, để đầu ống nói  nào vào miệng. Tôi đứng quan sát Tây gọi, rồi cũng bỏ xu vào và gọi được!

          Ngay khi đặt chân đến Matxcơva, nhóm 4 người đi Leningrat gồm tôi, Cao Gia Nức, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Việt Hải đã được đưa lên tàu hỏa để về trường. Bốn tay nằm bốn toa khác nhau. Không rõ các bạn khác thế nào, tôi thì đem ngay tiếng Nga ra thực hành. Ông khách cùng toa hỏi han về Việt Nam. Tôi kể chuyện bằng vốn từ cũng kha khá. Hỏi và nói. Tôi thích thú vì mình nói, người ta hiểu. Rồi tôi ngủ thiếp đi. Đến sáng thì chúng tôi đến nhà ga thành phố Leningrat. Chúng tôi  bắt ta xi để về trường Ghec-sen. Kì lạ là có một anh bạn Việt trước học ở Nga xin cùng đi taxi. Hóa ra anh ta về nước hơn một chục năm, nay trở lại không nghe và nói nổi. Anh ta nhờ chúng tôi nói với lái xe đưa về trường.

          Chúng tôi nộp giấy tờ rồi được đưa về khách sạn, trước khi nhận chỗ ở chính thức. Lúc này có tiền rúp, chúng tôi mua gà, mua giò, mua bia, mua táo về  đánh chén. Đang từ Việt Nam đói khổ ( 1980), chúng tôi thấy quả như mình được tới thiên đường vậy! Đó là cảm giác thật khi ngồi trước mâm với hai con gà luộc, mấy khúc giò, bánh mì trắng,  sữa, rau quả thứ gì cũng tươi ngon… Hai hôm sau thì chúng tôi về chỗ ở. Tôi và Cao Gia Nức ở op 6 ngay trong trường gần Nhevxki Proxpec. Khải và Việt Hải ở bên op dành cho người nước ngoài ở Plekhanov cũng gần đó. Khi đó hai nghiên cứu sinh Việt Nam là anh Chính, anh Phong sang trước cùng trường chiêu đãi mấy ông mới một trận bia gà đã đời.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét