Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - ÁNG THIÊN CỔ HÙNG VĂN

 


TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - ÁNG THIÊN CỔ HÙNG VĂN

 

Vũ Nho

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 28 tháng 8 năm đó, Bác từ chiến khu Việt Bắc về tới Thủ đô. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào.

 Hồ Chí Minh viết và đọc bản tuyên ngôn khi đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí Quân đội Nhật, Quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tiến vào phía Bắc; Quân đội Anh tiến vào phía Nam. Thực dân Pháp theo chân quân đồng minh, tuyên bố: Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương phải thuộc quyền của người Pháp.

 Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là lời tuyên bố với nhân dân Việt Nam, mà còn tuyên bố với nhân dân thế giới, phe Đồng minh và cả kẻ thù của dân tộc về quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị có giá trị lịch sử to lớn, đồng thời là áng văn chính luận bất hủ. Càng ngày, chúng ta càng nhận thức sâu thêm những giá trị lịch sử, nhân văn, văn hoá, nghệ thuật văn chính luận... của bản Tuyên ngôn.

Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Mở đầu bản tuyên ngôn, mặc dù trong hoàn cảnh phải hoàn thành gấp (5 ngày trước khi công bố), mặc dù điều kiện để tra cứu tư liệu không thuận lợi như hiện nay, nhưng Hồ Chí Minh đã dẫn bản tuyên ngôn độc lập của Mĩ và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp để làm cơ sở cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam. Đó là những bản Tuyên ngôn tiến bộ, được cả thế giới thừa nhận.

Đáng chú ý là Bác đã “suy rộng ra” lời tuyên ngôn của nước Mĩ. Bởi vì tuyên ngôn đó nói về con người. Còn tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, tác giả muốn đề cập đến “dân tộc”. Đây là điểm sáng tạo, là đóng góp mới của Bác cho phong trào giải phóng dân tộc. Mặt khác, Bác trích tuyên ngôn của Mĩ là để tranh thủ sự ủng hộ của Mĩ và phe Đồng minh. Bác trích tuyên ngôn của Pháp, để sau đó buộc tội Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, làm trái với tinh thần tiến bộ của chính bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp. Như GS. Nguyễn Đăng Mạnh phân tích: “Bác Hồ đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ của tổ tiên người Mĩ, người Pháp đã ghi trong hai bản Tuyên ngôn độc lập, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hoá của những dân tộc ấy. Cách nói, cách viết như thế là vừa khéo léo vừa kiên quyết. Khéo léo, vì tỏ ra rất tôn trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mĩ. Kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng phản bội tổ tiên mình, đừng có làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mĩ, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, trong sách Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, Nxb Giáo dục, 2003.)

 

 

Tiếp theo là lời buộc tội thực dân Pháp. Nội dung này vẻn vẹn có hơn một trang in nhưng chứa đựng tất cả tinh thần toàn bộ cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” Người viết trước đây.

Người tố cáo thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái gây bao nhiêu tội ác đối với nhân dân ta. Cụ thể là: về chính trị, chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào; chúng thi hành luật pháp dã man; lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; thực hiện chính sách ngu dân; về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ; chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, chúng kìm hãm các nhà tư sản dân tộc, bóc lột công nhân vô cùng tàn nhẫn. Chúng còn hèn nhát bán nước ta cho Nhật, khủng bố Việt Minh chống Nhật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thái độ nhân đạo và khoan hồng của chúng ta đối với thực dân Pháp. Để chống âm mưu thực dân Pháp quay lại nước ta, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự thật. Sự thật là từ năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Sự thật đó là căn cứ vững chắc để Người thay mặt chính phủ lâm thời, đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố:

- “thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp; xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

- “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

 Người đã kêu gọi Đồng minh công nhận quyền Độc lập của Việt Nam. Để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Người đã dẫn ra hai hội nghị quan trọng ở Tê-hê-răng (I-ran) năm 1943 và Cựu Kim Sơn (Xan Phran-xi-xcô – Mĩ) năm 1945. Ở đó, các nước đã công nhận “những nguyên tắc dân tộc bình đẳng”, cho nên “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam”.

Lời văn đoạn trích sau thật rắn rỏi, tự hào với bốn lần nhắc đến từ “dân tộc”, hai lần nhắc từ “gan góc” trong trường kì thời gian gần một thế kỉ; hơi văn mạnh mẽ, đăng đối như lời văn biền ngẫu trong các bài cáo, bài hịch thời xưa:

 “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Cuối cùng là lời tuyên bố độc lập và quyết tâm của cả dân tộc:

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

 Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực. Hồ Chí Minh đã thuyết phục người đọc, người nghe bằng sự chặt chẽ trong lập luận, sự đanh thép của lí lẽ, sự đúng đắn, chính xác của luận cứ.

Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng để làm căn cứ cho bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Người đã lấy các dẫn chứng về chính trị, kinh tế, về các sự kiện lịch sử để tố cáo và buộc tội thực dân Pháp đối với nhân dân ta và đối với phe Đồng minh. Người đã 20 lần nhắc đến chữ quyền (Theo Chế Lan Viên – Trời thu xanh ngắt sáng tuyên ngôn) để tuyên ngôn về quyền của dân tộc Việt Nam. Không chỉ dùng điệp từ, Bác còn dùng điệp kiểu câu “mười bốn câu, câu nào cũng có chữ chúng mở đầu nặng như búa tạ” (Chế Lan Viên, bài đã dẫn). Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá:

Tài nghệ ở đây là dàn dựng được một lập luận chặt chẽ, đưa ra được những luận điểm, những bằng chứng không ai chối cãi được và đằng sau những lí lẽ ấy là một tầm tư tưởng, tầm văn hoá lớn” (Nguyễn Đăng Mạnh - bài đã dẫn).

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, một áng văn nghị luận bất hủ: tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, chấm dứt hơn 80 năm cai trị của thực dân Pháp ở nước ta và mở ra kỉ nguyên tự do, độc lập của dân tộc.

Bác đã viết tuyên ngôn không phải chỉ cho dân ta, mà còn cho nhân dân thế giới, cho phe Đồng minh và cả với kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp. Vì vậy lời văn rất uyển chuyển, khi trang trọng, khi đanh thép, lúc mềm mỏng xúc động; khi dõng dạc, hùng hồn...

Để đánh bại những lí lẽ kẻ cướp của thực dân Pháp hòng nấp sau quân Đồng minh quay trở lại xâm lược nước ta, Bác đã vạch trần tội ác của chúng trong 80 năm thống trị, sự hèn nhát của chúng hai lần bán nước ta cho Nhật. Bác cũng chỉ rõ Đông Dương không còn là thuộc địa của Pháp, nhân dân ta đã giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Không có lí lẽ nào thuyết phục hơn lí lẽ của sự thật. Bởi vậy Bác đã luôn láy đi láy lại hai chữ “sự thật”: sự thật..., sự thật là...; Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.

Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã đánh giá:

“Điều tôi thấy đáng chú ý nhất là tính sắc sảo của bài văn, kết cấu chặt chẽ, không giả tạo. Gần như không từ nào có thể được coi là thừa. Ví dụ điển hình nhất cho tính súc tích là câu: ”Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Nhiều sự kiện chính trị đương thời, chất chứa nhiều ý nghĩa chính trị, được gói gọn trong chín từ. Thực ra ông Hồ có thể giảm câu đó xuống còn tám từ, nhưng lại chọn cách cho Bảo Đại có được danh tước bình dân bằng cách dùng từ vua, mặc dù không phải tước hiệu chính thức là Hoàng đế. Lối nói cô đọng này ngay lập tức gợi lại những tác phẩm kinh điển Trung Hoa” (David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese PasTS., K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231. Biên dịch: Duy Đoàn| Hiệu đính: Nguyễn Tiến Văn)

Chính vì những lẽ trên mà Tuyên ngôn Độc lập được coi như một áng “thiên cổ hùng văn” của thời đại mới, tiếp nối khí phách và khát vọng độc lập của dân tộc thể hiện trong bài thơ Nam quốc sơn hà và bài Bình Ngô đại cáo trước đây.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét