Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

NGUYỄN HIẾU- CÁCH TÂN SÂN KHẤU THẬT NHỌC NHẰN…



Chép lại từ FB của Nguyễn Hiếu

NGUYN HIU- CÁCH TÂN SÂN KHU THT NHC NHN…
                        Lê Huy Quang

Bài này, chúng tôi viết khi nhà văn, kịch tác gia Nguyễn Hiếu chỉ còn cách tuổi 70 ba năm (nhân sinh thất thập- nhưng bây giờ thì không còn hiếm nữa!). Trong làng văn, người ta đã biết đến một Nguyễn Hiếu với 23 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, vài trăm bài thơ. Còn trong làng kịch, nếu tính từ 2008 là năm ông xuất hiện trở lại với làng sân khấu (vở Linh hồn đông lạnh), một kịch bản viễn tưởng duy nhất của sân khấu Việt Nam đương đại tại Nhà hát Kịch Việt Nam, với một số phận oan nghiệt như một định mệnh- khi người ta biến nó thành công cụ để đấu đá, tranh giành địa vị. Tính từ năm 2008 đến 2014 này, đã 6 năm trôi qua để dần hiện lên một Nguyễn Hiếu vẫn viết ràn rạt, ồ ạt với gần 20 kịch bản, nhưng lượng kịch bản dựng trên sân khấu của ông mới dừng ở con số 4. Với Nguyễn Hiếu, chữ “trở lại” là chuẩn xác, bởi vì ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm bút. Nếu tạm coi những giải thưởng là sự thành công và công nhận của chuyên môn và bạn đọc, thì tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn của ông đã có thành tựu. Nhưng kịch lại là thể loại Nguyễn Hiếu đến đầu tiên, đam mê đến day dứt trong hành trình sáng tác với bao nỗi nhọc nhằn, vất vả để tìm bằng được cho mình một độc đạo…


                                                                 Nhà văn Nguyễn Hiếu



Tốt nghiệp lớp 10 năm 1966, trong lúc chờ gọi vào đại học, Nguyễn Hiếu tình cờ được đọc tuyển tập kịch của thiên tài Sếcxpia (gồm 5 vở danh tiếng nhất do Bùi Phụng- Bùi Ý dịch). Thế là sau khi ngốn ngấu đọc đi đọc lại tuyển tập đó, ông tự gán cho mình trách nhiệm là phải viết kịch. Kịch bản đầu tay Truyền thuyết nỏ thần viết ngay sau đó là phiên bản y hệt Sếcxpia từ lớp lang, đối thoại, cách xây dựng nhân vật…Đến nay tròn 48 năm, chỉ tính riêng kịch bản dài, Nguyễn Hiếu đã viết hơn 60 vở. Có những năm cao trào như 1988, ông viết tới 8 kịch bản. Năm 2014 này, mới già nửa năm, Nguyễn Hiếu đã hoàn thành 3 kịch bản dài cùng 3 kịch bản ngắn (theo đơn đặt hàng). Nhưng quả là nghịch lý, nếu từ năm 1976, tác giả, đạo diễn Lộng Chương lừng danh đã dựng hài kịch Chuyện như thế thì cần phải nói của Nguyễn Hiếu cho Đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội. Rồi hài kịch Trò đùa của dân do Nhà hát Truyền hình dựng năm 2003. Đến Chu Văn An- Người thầy của muôn đời, do NSND Doãn Hoàng Giang dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội theo kịch bản Thầy Chu của Nguyễn Hiếu (đạt Huy chương Vàng Cuộc thi nghệ thuật Chèo toàn quốc năm 2013); thì lượng kịch bản được dàn dựng của nhà viết kịch vất vả này đếm chưa đủ trên đầu hai bàn tay .
Vì sao lại có tình trạng buồn cho kịch Nguyễn Hiếu như vậy? Bởi sự kém cỏi trong nghệ thuật, sự vụng dại, hồn nhiên trong việc tiếp xúc với các đơn vị sân khấu hay còn vì nguyên nhân nào khác? Chúng tôi cho rằng cả hai ý kiến này đều không chính xác. Bởi, nếu xét về giải thưởng trong lĩnh vực sân khấu tính đến nay, Nguyễn Hiếu cũng có xấp xỉ so với số lượng giải thưởng tiểu thuyết- thể loại sở trường thành đạt của nhà văn làng Chèm. Năm 1988, Giảỉ nhất kịch ngắn cuộc thi đề tài sinh đẻ kế hoạch do Đài TNVN cùng Tổ chức sinh đẻ kế hoạch thế giới(UNFA) tổ chức. Năm 2003, tập Kịch Nguyễn Hiếu được tặng Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNTVN. Năm 2010, Giải nhì kịch bản xuất sắc hàng năm của Hội NSSKVN với Khi giàn mùng tơi gẫy rập. Năm 2012, Giải Ba kịch bản xuất sắc hàng năm của Hội NSSKVN (kịch bản hài Con người là như thế nào?). Năm 2013, Huy chương Vàng Cuộc thi Chèo toàn quốc (Chu Văn An- Người thầy của muôn đời)…Vậy thì, nguyên nhân nào đã khiến kịch bản Nguyễn Hiếu khó được dàn dựng trên sân khấu?
Trong các nhà văn cùng lứa, Nguyễn Hiếu được đào tạo bài bản. Ông tốt nghiệp khoá 11( 1966-1970) khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp. Trên nền tảng cơ bản đó, lại là người có năng khiếu văn chương từ nhỏ (Giải Nhất cuộc thi văn của trường cấp 3 Xuân Đỉnh, khi Nguyễn Hiếu là học sinh lớp 8, và là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Hà Nội dự thi học sinh giỏi văn miền Bắc niên khoá 1965-1966). Qua theo dõi nhiều năm quá trình sáng tác của ông, chúng tôi nhận ra mục đích “tạo ra con đường riêng” chính là quyết tâm của Nguyễn Hiếu- đó chính là sự cách tân trong bút pháp sáng tạo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, Nguyễn Hiếu đã tạo ra dấu ấn khó lẫn bằng tập truyện ngắn hài khá nổi tiếng Chuyện cái vòi nước. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên in năm 1988, Người đàn bà quỷ ám, đã xuất hiện bút pháp huyền thoại với hình tượng linh hồn người con gái bị giặc cờ đen hiếp chết, gây ra những hiệu ứng, tác động hiện thực và nhân vật mô tả. Đến cuốn tiểu thuyết thứ hai Vết xoáy trước ngực làng (có thể coi là tập 1, bộ tiểu thuyết Dòng sông màu máu vẫn chảy); thì nhân vật Thành Hoàng làng cùng nhân vật Lão Cu trong truyện ngắn Hình như ngoài Văn Chỉ có ma( nhân vật này còn trở lại đầy ám ảnh trong kịch bản”khi giàn mồng tơi gẫy rập”) Không chỉ là nỗi ám ảnh, mà còn trở thành những nhân vật siêu thực trong đường dây cốt truyện của tiểu thuyết Nguyễn Hiếu. Loại nhân vật siêu thực này, còn trở đi trở lại nhiều lần không chỉ trong tiểu thuyết, mà còn trong truyện ngắn của ông. Như nhân vật Tiên cá trong tiểu thuyết Biển toàn là nước; người đàn bà chửa hoang treo cổ trong Con ngố; con khỉ trong truyện ngắn Bóng ảnh cuộc đời…và thành công nhất của bút pháp huyền thoại Nguyễn Hiếu, tập trung trong tiểu thuyết Chuyện tình của người điên, khi ông dựng nên một triều đình giả tưởng để thể hiện sự xung đột khốc liệt giữa lý trí và bản năng, của những nhà cầm quyền và của cả loài người. Nhà phê bình Bùi Công Hùng, nhà văn Vũ Đức Nguyên (biên tập viên NXB Hà Nội từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước), đã cho rằng bút pháp tiểu thuyết Nguyễn Hiếu tỏ ra chịu ảnh hưởng chất huyền thoại của Mác Két. Cũng chỉ đúng một phần thôi- mọi so sánh đều khập khiễng- vì ngoài xu hướng huyền thoại trong tiểu thuyết, ông lại thể hiện nhiều dạng bút pháp khác nhau trong cố gắng tìm tòi, cách tân của riêng mình. Như tiểu thuyết Sự lặng lẽ cuối cùng- mà cách đặt tên nhân vật bằng những con số và chữ cái- mang một ẩn dụ lớn về thân phận con người. Hoặc sự đan chéo giữa linh cảm Đạo Phật của nhân vật với hiện thực nghiệt ngã, đã có sức khái quát lớn về sự phức tạp của một giai đoạn xã hội. Hay ông luôn duy trì và cách tân bút pháp hài sở trường của mình trong hai cuốn tiểu thuyết hài Những mảnh trần gian; Tây tây, ta ta…Với một quan điểm sáng tác như vậy, nên trong lĩnh vực kịch bản- hình như đó là thể loại văn chương khó nhất- Nguyễn Hiếu vẫn tuân thủ một cách nghiêm ngặt và không mệt mỏi mục tiêu cách tân đó.
Giai đoạn từ cuối những năm 60, đến nửa thập niên 80 của thế kỉ XX, có thể coi là giai đoạn mở đầu cho sự nghiệp viết kịch của Nguyễn Hiếu. Hàng loạt kịch bản thời kỳ này như Truyền thuyết nỏ thần. Bộ ba Bản giao hưởng xây dựng mở đầu như thế nào? Rồi Khi cánh đồng trở lại màu xanh lúa (Kịch Nguyễn Hiếu NXBSK 2009), và ngay cả hai kịch bản hài được dàn dựng như Chuyện như thế thì cần phải nói( đạo diễn Lộng Chương); Nứơc mắt đàn ông (đạo điễn Trịnh Quang Khanh, Đoàn kịch nói Hà nam Ninh 1992); thì sự tập dượt vẫn lộ rõ khi thấy ở đâu đó chất xung đột của các tác phẩm cổ điển, những xung đột dòng mạch ngầm trong kịch bản Nguyễn Hiếu; nhưng chính kịch bản Cuộc đời viết cuối thập niên 80( Sđd NXBSK 2009), mới là sự tìm tòi đầu tiên. Ở vở này, ông đã lồng ghép câu chuyện kịch chạy song song với câu chuyện ngoài đời của các diễn viên, của những người làm công tác hậu đài. Sân khấu được chia làm hai để diễn tả những đường dây cốt chuyện khác nhau. Cách viết này đựơc dùng trong vài kịch bản nữa, nhưng tập trung nhất ở Quân khu chúng tôi chọn chỉ huy (được tặng thưởng trong cuộc thi viết cho trẻ em năm 2000; Nhà XB Kim Đồng in trong tập kịch bản được giải mang tên Cuộc chiến rừng xanh). Song song với dạng kịch bản mang bút pháp “song trùng cốt truyện” giai đoạn này ông cũng bắt đầu tìm đến một dạng kịch khác, là kết quả sự tìm tòi riêng mà Nguyễn Hiếu gọi là “kịch tùy hứng”. Tiêu biểu phải kể đến là Cu Tũn thích làm người lớn (1991)( Kich Nguyễn Hiếu NXBSK2003)- đúng thời gian đạt độ chín trong sáng tạo của Nguyễn Hiếu. Chất tuỳ hứng khi câu chuyện chảy theo một mạch trong sự dẫn dắt có tính huyền thoại. Một cậu bé lên 6 ngại học, mơ trở thành người lớn để không phải làm bài tập. Bà mụ hiện lên cho cậu bé thực hiện ao ước của mình. Vậy là cậu bé trong vóc dáng chàng thanh niên đã trưởng thành, nhưng mang tâm hồn và kiến thức của một cậu bé lên 6 vào đời. Tất nhiên mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung trong một con người đã khiến cậu gặp quá nhiều trắc trở trong cuộc sống…Kịch bản này từng làm xôn xao HĐNT Nhà hát Tuổi trẻ, ngày đạo diễn Hà Nhân làm Giám đốc...nhưng vẫn không được để mắt tới. Trong giai đoạn này, vở Bốn trái tim đau do đạo diễn Lê Chức vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về dàn dựng. Khi tổng duyệt, NSND Dương Ngọc Đức, Chủ tịch Hội NSSKVN đã hỏi tác giả và đạo diễn ”các cậu đã học học thuyết của Frớt chưa mà cho ra vở kịch kỳ lạ này ?”….Sau tròm trèm gần chục năm (1994- 2000), có lẽ vì chán nản bởi sự viết rồi cứ đút vào ngăn kéo các kịch bản, Nguyễn Hiếu không sáng tác nữa. Nhưng rồi, sự đam mê khó cưỡng với sân khấu cộng thêm việc trở thành Hội viên Hội NSSKVN đã lại kéo Nguyễn Hiếu trở lại. Mục tiêu cách tân thêm một lần bùng cháy. Sự tìm tòi trong thể loại kịch mang thương hiệu Nguyễn Hiếu ”kịch tuỳ hứng” và kịch hài đã trở lại ở tầm vóc khác. Bên cạnh những kịch bản viết theo kết cấu, bút pháp cổ điển thì liên tục những “tuỳ hứng kịch “ nhuần nhuyễn ra đời như Linh hồn đông lạnh; hài kịch Trò đùa của dân. Kết hợp ”tuỳ hứng” và hài như Con người là như thế nào nhỉ? Rồi gần đây, kịch bản Con tàu ma ra đời, cộng thêm vào đó là kịch lấy đề tài lịch sử cũng bắt đầu xuất hiện như Thầy Chu; Mặc Đăng Dung…thêm một lần minh chứng cho nỗ lực cách tân trong kịch Nguyễn Hiếu.
Trở lên trên, chúng tôi đã khái quát ngắn gọn, một chặng đường sáng tạo văn học, nghệ thuật- nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến một số thành tựu về sân khấu- của Nguyễn Hiếu. Giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc các “kích cỡ”- của Bộ, Hội, cả Trung ương đến địa phương…cho kịch bản và các vở được dàn dựng trên sân khấu tham dự các Hội diễn, Liên hoan, Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp tầm cỡ quốc gia đều đủ cả. Vậy mà, những tác phẩm của Nguyễn Hiếu lại rất ít được dàn dựng trên sân khấu- so với một gia tài khổng lồ- mà ông đã sáng tác! Phải chăng, bút pháp hư ảo, tuỳ hứng, chất hài tung tẩy cùng những kết cấu rất đặc trưng của kịch Nguyễn Hiếu là một thử thách lớn đối với các đạo diễn, trong cách nhìn nhận, đánh giá và chọn kịch bản hiện nay của các đơn vị nghệ thuật? Phải chăng, sự cách tân của kịch Nguyễn Hiếu vô tình thành thứ rào cản trước lối làm kịch còn dễ dãi, mà những thủ pháp như hiện thực huyền ảo, những suy ngẫm sâu sắc, những tư tưởng với nhiều ý nghĩa triết học xa xôi, thầm kín, cả kịch giả tưởng nữa…cũng như những vấn đề gai góc, nóng bỏng phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay…đã làm rối tung những tư duy đọc và dàn dựng kịch, vốn đã khuya cũ, nhàm chán, và đã trở thành một vết mòn hiện nay của “Thánh đường” sân khấu ngày càng thưa vắng khán giả?
Đến đây, chúng tôi đã có thể khép lại đôi dòng suy nghĩ về kịch bản và những vở đã được dàn dựng, công diễn của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu suốt hơn40 năm qua. “Vậy thì, nguyên nhân nào đã khiến kịch bản Nguyễn Hiếu khó được dàn dựng trên sân khấu đương đại Việt Nam?” vẫn như một dấu hỏi lặng, chính tác giả phải trả lời bạn đọc và công chúng, bằng những sáng tác mới mẻ, độc đáo của chính mình! Và có lẽ, đó cũng là tình cảm trân trọng của bạn đọc và công chúng của sân khấu, với nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu- đúng như lời tự bạch của ông- CÁCH TÂN SÂN KHẤU THẬT NHỌC NHẰN!

Hà Nội. Trung Thu 2014
NSND Lê Huy Quang
Không có mô tả ảnh.
Không có mô tả ảnh.
Không có mô tả ảnh.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Top of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét