TIẾP THEO NỖI BUỒN ( After
Sorrow)
MỘT CUỐN SÁCH LÍ THÚ VỀ
ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI VIỆT NAM
Vũ Nho
Ban đầu, tôi đọc cuốn
sách “Tiếp theo nỗi buồn” có phụ đề “ Một người Mỹ giữa làng quê Việt
Nam” của Nhà xuất bản Thế giới với một chút tò mò. Lady Borton, người
phụ nữ Mỹ, tác giả cuốn sách, đã bỏ công học tiếng Việt, đã bỏ ra 6-7 năm trời
ra vào hai miền Nam Bắc Việt Nam, đã biết
được gì, nói được gì về chúng ta với bạn đọc Mỹ? Nhưng rồi, sự hiếu kì lập tức
nhường chỗ cho sự say mê. Và tôi đã bị cuốn hút từ đầu chí cuối.
Điều làm nên sự thú
vị và lôi cuốn của tập sách không hẳn là tài văn chương của tác giả. Tôi nhớ
câu nói của Ác-non, bác sĩ Mỹ nghiên cứu hậu quả chất độc màu da cam khi tiếp
xúc với các thông tin truyền miệng : “đôi khi tôi phải gạt ra một bên tư cách
nhà khoa học để lắng nghe với tư cách một con người” ( tr. 307). Lady Borton đã
sống ở miền Bắc và miền Nam đất nước ta cả thời chiến tranh và thời bình. Chị
đã từng viết cuốn sách “Cảm nhận kẻ thù” khi làm việc với các thuyền nhân Việt
Nam tại Pulau Biđong của Malaixia. Chính nhờ biết lắng nghe với tư cách một con
người mà những tin tức, những mẩu chuyện, những con người Việt Nam nhà văn đã
nghe, đã gặp, đã thu lượm được trở thành chất liệu quý giá cho cuốn sách.
Mặc dầu chỉ viết về hai xã và một ít thành phố Hà Nội,
nhưng ý tưởng của nhà văn hết sức độc đáo và thông minh. Bằng sự nhạy cảm của
nhà báo, nhà sử học, nhà văn và đặc biệt
là nhạy cảm của người phụ nữ, chị đã chọn làng xã của những người nông dân, vì
muốn hiểu Việt Nam, trước hết cần phải
hiểu làng, xã.
Người kể chuyện chính trong câu chuyện là tác giả, nhưng những
cán bộ phụ nữ cùng đi là Thu, Hảo, Hoa…đã góp vào nhiều giọng kể. Đặc biệt là
Thu, chị vừa là người kể, vừa là nhân chứng, lại vừa sẻ chia, khám phá những điều
thú vị của chính những đồng bào mình. Những con người cụ thể, những câu chuyện
riêng lẻ, rời rạc, qua sự tổ chức, xếp đặt của nhà văn bỗng trở nên vô cùng mạch
lạc và có lớp lang. Người đọc không chỉ thấy được một Việt Nam thời chống mỹ,
chống Pháp, mà xa hơn, từ thời nhà Đinh,
nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê và Quang Trung với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Còn có thể thấy ở đây âm vang cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cuộc Cách mạng tháng Tám,
Phong trào đồng khởi, cuộc tổng tấn công Mậu Thân,…
Vũ Nho
Điểm kết thúc lí thú là tác giả đã tìm hiểu rất sâu, khai
thác tốt mạch nguồn văn hóa Việt Nam. Chỉ nguyên những câu thơ, lời nói, bài kệ
được trích cho mỗi chương sách, bạn đọc có thể thấy dòng chảy liên tục của văn hóa Việt Nam với các tên tuổi như Mãn
Giác, Trần Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Thái Thuận, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Cao Bá
Quát, Đoàn Thị Điểm, Lãnh Cồ, Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi, Trần Hữu
Thung, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh,…
Kirkus đã nhận xét rất đúng ( trên bìa sau của cuốn sách) về
cái nhìn thẳng thắn và tính trung thực, lối viết tránh bút chiến, tránh lên lớp
và tránh lên án. Chính vì thế, bạn đọc Mỹ có thể hiểu được tinh thần chiến đấu
của người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Họ sẽ hiểu cách “đánh giặc bằng
mồm” của du kích Khánh Phú và du kích
Bàn Long, sự khôn ngoan từ thời thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút đến thời giao
liên Việt Cộng chở vũ khí dưới các thùng nước mắm. Họ sẽ hiểu những chết chóc
mà lính Mỹ gieo xuống mảnh đất này từ chất độc màu da cam, từ bom bi, bom phá rải
bằng máy bay B52. Hầu như các câu chuyện nào ở Bàn Long, tác giả cũng gặp hai từ
mất tích và hi sinh. Ở nơi nào tác giả đặt chân đến cũng có hậu quả đau buồn của
cuộc chiến tranh. Thế nhưng, người Việt Nam vẫn dành cho tác giả, một người Mỹ,
những tình cảm bạn bè, còn gọi chị là con, là Út Lý, như một người thân.
Tác giả đã thực hiện “ba cùng” với người nông dân Bàn Long
và Khánh Phú. Chị đã tập sống trong môi trường Việt Nam và từ đó khám phá Việt
Nam. Cúi khom khom trên thửa ruộng “bùn trải qua ngón chân và ngón tay”, chị đã khẳng định dù muộn màng rằng “ không có kỉ
luật quân sự Mỹ nào – dù hùng hậu và tinh xảo đến đâu đi nữa – lại có thể khuất
phục được nông dân lao động trên ruộng đồng” ( trang 239).
Khách quan và trung thực nhưng không vì thế mà tác giả
không bày tỏ những cảm thông về sự mất mát, khâm phục về sự bền bỉ, thông minh,
hồn hậu của người Việt Nam. Cũng có khi chị châm biếm nhẹ nhàng về sự cứng nhắc, rập khuôn… nhưng tất cả đều xuất phát từ sự
chân thành và không định kiến. Nhờ thế mà cuốn sách sinh động bởi giọng điệu,
phong phú bởi góc nhìn, lý thú bởi cách nhận định, lí giải.
Mảnh đất và con người Việt Nam đã ám ảnh Lady Borton khi chị
nhìn cuộc chiến trên tivi ở Philadenphia. Chị đã tìm cách đến Việt Nam với một
khát vọng duy nhất là giúp nhân dân Việt Nam theo tinh thần của tín đồ Quây Cơ.
Rồi chị “muốn làm một việc gì đó thiết thực để bắc chiếc cầu qua cái vực ngăn
cách” (tr. 106) giữa Việt Nam và Mỹ. Chị tự nhận xét “ điều tôi cần nói về Việt
Nam đã qua hẳn một thế hệ” ( tr. 20). Nhưng ngạn ngữ phương Tây có nói “Thà muộn
còn hơn là không bao giờ có”. Cuốn sách ra đời khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam
đã được cải thiện. Chẳng cứ gì bạn đọc Mỹ mới thích thú với cuốn sách này, mà bạn
đọc Việt Nam cũng sẽ thích thú vì một nhà văn nước ngoài đã viết về nước mình, người mình hay đến vậy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét