Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Tinh chất từ Trái tim-có lý



Tinh chất từ Trái tim-có lý

( Đọc Lý lẽ của Trái tim của Cao Ngọc Thắng – Nxb Văn học, H.2020)

                                               
                                                         TRẦN TRUNG



Tập sách của Cao Ngọc Thắng vừa mới “ra lò” đội một cái tên gợi chất thơ: Lý lẽ của trái tim, có độ dầy vừa phải với 234 trang, chứa đựng hai mươi bốn bài viết và được tác giả chua trong phạm vi “Bình luận và chân dung”.

Cao Ngọc Thắng góp mặt văn chương gồm nhiều dạng loại: ký, truyện ký, truyện ngắn, chính luận, kịch bản phim tài liệu. Song, như tôi biết, anh say mê với thể loại thơ hơn cả. Cao Ngọc Thắng, từ năm 2009 đến 2015 đã cho ra mắt đều đặn, liên tục tới sáu tập thơ (Bẻ gió- Nxb Thanh niên, 2009; Giao mùa- Nxb Hội Nhà văn, 2010 ; Thức hạ- Nxb Hội Nhà văn, 2011;Trở nồm- Nxb Văn học, 2012; Mùa không nhà- Nxb Văn học, 2013; Bên sông mẹ- Nxb Văn học, 2015). Ngoài ra, anh còn là cộng tác viên thân quí của nhiều tờ báo trong cả nước. Gần đây, khi gặp tôi, anh nói sẽ viết và tập hợp những bài bình luận văn chương-nghệ thuật. Và, tôi đã sớm có trong tay tập sách Lý lẽ của trái tim (Nxb Văn học-Lưu chiểu quí 1/2020).

Đến tập bình luận và chân dung này, tôi thực sự mới nhận ra thêm cái tinh chất riêng-chung của tác giả họ Cao trong bình luận văn chương-nghệ thuật so với các thể loại khác mà anh từng trải nghiệm.

Nói là bình luận văn chương-nghệ thuật, bởi trong hai mươi bốn bài trong tập, tác giả luận bàn, lý giải, tham góp không chỉ trong phạm vi những tác phẩm văn chương (Văn học dân gian; Văn học Trung đại; Văn học hiện đại; văn học trong nước là chủ yếu và cả văn học nước ngoài). Có lẽ, điều đó đem đến cho người đọc cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng và đa chiều trong tiếp nhận.Mặt khác nữa, bên cạnh những trang viết, bình luận về văn chương, Cao Ngọc Thắng còn mạnh bạo bàn sang cả lĩnh vực âm nhạc (chủ yếu là thơ-ca từ trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao) và cả lĩnh vực hội họa (viết về các họa sỹ Tô Ngọc Thành, Ngọc Linh-Vi Văn Bích và Hoàng Hà Tùng... ).

***

Trong cuộc sống và giao tiếp thường ngày, Cao Ngọc Thắng vốn kiệm lời.Anh chỉ hứng khởi khi bàn về chuyện văn chương, nghệ thuật khi gặp bạn tâm đắc. Thắng có lối tư duy nghệ thuật nhanh và sắc; Phát hiện ra những điều mà người khác chưa nghĩ tới hoặc nghĩ mà chưa đầy đặn, sâu sắc. Thậm chí, với cả những bài văn, bài ca (vè) ngỡ như chẳng có gì để bàn, hoặc thậm chí dễ nhận biết theo lối quẩn quanh, bế tắc, thì anh lại tìm ra cách lý giải riêng thú vị và độc đáo.





                                                                         Cao Ngọc Thắng



Hai bài viết về thơ ca dân gian: Con cócThằng Bờm, Cao Ngọc Thắng đã mang cảm hứng tinh nhạy của Người-Thơ và cả những tri thức về triết học nhân sinh từ Kinh dịch (vốn không dễ đọc), cùng cả triết lý của Đạo Khổng, Đạo Lão... mà soi chiếu, mà cảm nhận.

     Bài thơ Con cóc, với sáu dòng, gắn với trạng thái,tư thế của nhân vật trữ tình (cóc): nào là “trong hang”, rồi thì “nhảy ra” (điệp hai lần), lại nữa “ngồi đó” (điệp hai lần). Và, để rồi-“phốc” trong động thái “Con cóc nhảy đi”... Bài ca dân gian này (đúng hơn là bài vè !), nếu xét về ngữ nghĩa bề mặt, chỉ“vẽ” nên hình ảnh một chú (hoặc cô) cóc nhung nhăng mà cũng luẩn quẩn trong không gian chật hẹp, o bế. Có gì mà nói !? Thế nhưng, cảm nhận bài ca dân gian này, nhà thơ họ Cao, lại “huy động” vốn tri thức về Kinh dịch, để mà ngẫm suy, mà lý giải. Nghĩa là, tác giả chưa chịu dừng lại cảm thức thông thường, quen thuộc xưa nay về “con cóc là cậu ông Giời”, cũng không dừng lại khả năng “dự báo thời tiết” của sinh vật có diện mạo xù xì mà lại “oai hơn cóc chết”! Đem trạng thái “tĩnh”- “động” của cóc, từ cóc trong bài ca, tác giả vận dụng Kinh dịch (bản dịch của Ngô Tất Tố) mà lý giải thế này: “Theo Kinh Dịch, tĩnh là âm (vạch đứt), động là dương (vạch liền), ta dựng được sơ đồ, lần lượt từ câu 1 đến câu 6 như sau :Âm-Dương-Dương-Âm-Âm-Dương, đủ 6 hào của một quẻ. Đó là quẻ Cổ. Thật thú vị !” Bài ca “Con cóc” với sáu câu cứ gợi lên hiện thực, hiện trạng quẩn quanh, ngỡ như không lối thoát của nhân vật (cóc) mà lại tiếp tục gợi ra, gợi mãi khôn cùng về triết lý nhân sinh: con cóc “trong hang”, con cóc “nhảy ra”, con cóc “ngồi đó”, con cóc “nhảy đi”. Đời cóc, phận cóc sẽ đi đâu, về đâu !? Đời cóc sẽ còn “ngồi”, “nhảy” đến bao giờ nữa! Thăm thẳm đến khôn cùng ý nghĩa và sức gợi của tấn Bi-Hài kịch thân- phận- cóc! Mà, đâu phải chỉ thân phận cóc, cho dù “Con cóc là cậu ông Giời”.

Về bài thơ dân gian ngắn, chứa đựng cả yếu tố tự sự và trữ tình “Thằng Bờm có cái quạt mo”, tôi tâm đắc và thú vị cái cách tinh hóm của Cao Ngọc Thắng, khi anh lý sự về “cái quạt mo” (trong câu thơ mở đầu “Thằng Bờm có cái quạt mo”) và trạng thái chứa chất nhiều ý tứ trong hai tiếng “Bờm cười” ở câu thơ cuối “ Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”. Thực ra, Cái-Cười-Ngầm của Bờm đã ẩn chứa từ ngay trong câu thơ đầu rồi. Bởi “cái quạt mo” thì quá bình thường, tầm thường nữa là khác ! Ấy thế mà thằng cha phú ông cứ lăn lóc “xin đổi” hết cái nọ đến cái kia, mà toàn là của nả có giá trị vật chất hoặc thú chơi cảnh vẻ của nhà giầu: “ba bò chín trâu”, “một xâu cá mè”, “một bè gỗ lim”, “Con chim đồi mồi”. Phú ông ngu dại hay tinh ranh, bịp bợm? Hóa ra “cái quạt mo” kia của Bờm lại trở thành thứ vũ -khí-lặng-ngầm của Bờm, cho dù bề mặt câu chữ, tác giả dân gian có lặp lại những tiếng “Bờm rằng”. “Cái quạt mo” của Bờm, tầm thường, bình dị đến thô mộc. Nhưng, lại gợi sự liên tưởng trong tương quan đối lập với cái mặt mo trơ trẽn, dối gian của Phú ông khi gã van xin đổi chác- tới 5 lần gạ gẫm. Bài thơ dân gian là tiếng cười. Đi suốt là tiếng cười của người lao động nghèo khổ mà đầy chủ động trong cuộc đối chất với giai cấp thống trị nhà giầu gian xảo, bịp bợm. Và, tôi thích cái cách lý giải về bài ca dân gian của Cao Ngọc Thắng: “Bờm không chỉ có vật duy nhất trong gia tài-Cái quạt mo.Bờm còn có nụ cười làm vũ khí. “Nắm xôi” đâu phải là mục đích của Bờm, nên “Bờm cười”, một nụ cười rất không bình thường, nụ cười không đồng ý, không chấp nhận lời cầu xin của Phú ông.”

Nhà thơ-nhà phê bình đã thực sự “đọc vị” ra sức gợi của tầng nghĩa sâu, khuất lấp từ nụ cười bí hiểm, núp trong cái vẻ ngỡ như ngẩn ngơ, dại ngây từ nhân vật “Thằng Bờm”. Và, Cao Ngọc Thắng đọc vị tiếp từ nụ cười rất không bình thường ấy- “Vậy Bờm muốn gì? Câu trả lời nằm ở tầng nghĩa dưới của từng câu thơ. Rằng, Bờm mong muốn thay đổi vị thế, thay đổi thân phận...Bờm muốn thoát khỏi phận tôi tớ, thoát khỏi áp bức, được tự do (...) Nhìn theo chiều hướng này,bài thơ đã thay đổi vị thế của hai nhân vật, kẻ đáng khinh cười là Phú ông, người được thông cảm là Bờm. Nụ cười dân gian quả là thâm thúy”.

***

Đọc và nghiền ngẫm về những bài “Bình luận và chân dung” của Cao Ngọc Thắng trong tập Lý lẽ của trái tim giúp ta dần dà nhận ra cách nhìn nhận thật tinh và kỹ lưỡng của tác giả, mỗi khi nhận biết, thẩm định về Con người-Nghệ thuật của các nhà văn, qua tác phẩm của họ. Điều này dường như chẳng có gì mới mẻ, lạ lẫm. Có điều, cần phải có cách tiếp cận và lý giải thế nào, cho có sức lay động để thuyết phục và cảm hóa người đọc. Nghệ thuật và bản lĩnh của người phê bình, cũng chính là ở đó.

Vốn là người làm thơ và cũng rất có ý thức tự tìm tòi mong đổi mới và sáng tạo trong thơ, Cao Ngọc Thắng đã tinh tế và tận tâm trong cảm thức riêng của mình mà gọi ra những giá trị đích thưc mang điệu-vẻ tâm hồn và trí tuệ của những nhà thơ mà anh có dịp tiếp cận-đặc biệt thông qua những trang viết của họ. Có lẽ, những bài viết về các nhà thơ-định giá về họ cũng chiếm số kha khá trong Lý lẽ của trái tim. Ở bài viết này, chỉ xin được điểm qua vài ba gương mặt-Thơ.

Viết về nhà thơ Huy Cận, gương mặt đặc sắc, tiêu biểu và nổi bật từ trong Phong trào Thơ mới (1932-1945), Cao Ngọc Thắng cũng đi tìm lối tiếp cận và đánh giá riêng về thi sỹ này, trực tiếp nhất qua thi phẩm tiêu biểu, xuất sắc bậc nhất của Huy Cận trong tập Lửa thiêng (1941)- bài thơ Tràng giang.

Có thể xem, bài thơ Tràng giang của Huy Cận là thi phẩm xuất sắc, độc đáo bậc nhất của nhà thơ ( không chỉ trong phong trào Thơ Mới-thơ lãng mạn Việt Nam-1932-1945). Từ nhiều năm nay, bài thơ Tràng giang của Huy Cận đã được thẩm định, đánh giá, có thể nói là rất/ khá ổn định trong dư luận bạn đọc; bài thơ cũng nhiều năm được đưa vào Sách giáo khoa phổ thông (chương trình lớp 11) cùng một đôi bài khác của chương trình cấp PTCS và PTTH như Đoàn thuyền đánh cá hoặc Các vị La Hán chùa Tây Phương.

Với bài thơ Tràng giang, nhận định về nét riêng-gắn với phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận (cả trước và sau Cách mạng), đó là Nỗi buồn-gắn với cảm quan vũ trụ của nhà thơ, mà thể hiện đậm sâu nhất trong tập Lửa thiêng của ông. Thế nhưng, Cao Ngọc Thắng lại có cách nhấn đẩy riêng theo chiều hướng cảm thụ, thẩm định của riêng mình: “Ở tuổi 20, đôi mắt chàng thanh niên Huy Cận nhìn vũ trụ bằng trực cảm, chứ không phải bằng trải nghiệm. Nếu không bằng trực cảm thì sao người thơ thấy được “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, để mà “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”... Khi ấy, sức cảm thụ của nhà thơ dường như đứng ngoài đối tượng, trên đối tượng biểu cảm, để cảm thông với nỗi buồn thực tại mà con người phải gánh chịu, để từ đó tình thương nhân gian trong ông lớn hơn, trĩu nặng hơn”...

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Cao Ngọc Thắng đã lấy bài viết về Huy Cận- Lý lẽ của trái tim để đặt tên cho toàn bộ tập “Bình luận và chân dung” của anh. Phải chăng tiếng nói từ trái tim (tình cảm, cảm xúc-chân thực và tinh tế) trong nhận biết nghệ thuật-nhất là nghệ thuật Thơ, không thể tách rời cảm quan của lý trí, lý tính (Cái-Có-Lý ) !

Đến với thơ Trần Quốc Thực, Cao Ngọc thắng có cách thẩm định, thẩm thấu, gọn và nhanh để gọi ra tinh chất của thơ thi sỹ họ Trần, ngay từ tên đặt cho bài bình luận của mình: Chiết xuất từ giấc mơ. Cảm động và tinh tế, trong nhận biết của nhà thơ họ Cao về Thi hữu của mình : “Nhà thơ vĩnh biệt cõi-tạm đi ở cõi-về đã tám năm nay, nhưng thơ của thi sỹ Trần Quốc Thực vẫn bám chặt trong đời sống thực tại, trong lòng người yêu thơ với ánh huyền ảo ở một vị trí rất riêng”. Vậy, “ánh huyền ảo ở một vị trí rất riêng” được mang hình hài cảm xúc và tư tưởng như thế nào, khi được “Chiết xuất từ giấc mơ”? Cao Ngọc Thắng đã gợi nhận ra từ những câu thơ mang sắc màu, diện mạo thật riêng của Trần Quốc Thực :

- “Mặt trời va vào chim tung tóa bình minh” (Chim sơn ca)

- “Em đi sương nắng khuất/ Những đồi hoa in gót chân xa” (Em xa)

- “Ngồi bên đầm sen với những lá miên man/ Ban mai chạm đến đâu, cánh mở tới đó” ( Nhập định )

Để rồi, ngòi bút phê bình sắc lạnh mà ân tình của Cao, nhận tiếp ra và cũng nâng cao thêm Tinh-Chất-Riêng trong thơ Trần Quốc Thực: “Sự ám ảnh là một trong những đặc điểm của giấc mơ. Trong giấc mơ, hình ảnh tiếp tục thay thế và hun hút, nhòa vào nhau, biến hóa dị thường :- “Em xa quá... xa đến mức ngày trời xanh lại... / một người xe thong thả đạp trong cây (Tiếng thở dài); - “Người đi qua không thèm dừng lại... / “người” cố tình thế không ngoái nữa” (Dỗi)... “Dấu ấn của giấc mơ hiển hiện là kết quả của lối tư duy trong thơ Trần Quốc Thực, có nghĩa sự sáng tạo của ông có ý thức không sao chép hiện thực một cách trần trụi mà qua lăng kính hiện thực ấy chọn lọc những ánh xạ để “làm mầu mỡ miền thừa tự” của ông, cũng là làm thơ ông hay và khác với thơ của bầu bạn thơ. Chính sức tưởng tượng đã tiếp sức cho nhà thơ nảy ra những chữ thơ lạ... “Mùa mưa thôi không níu kiếp giọt gianh/ Những giọt rượu thôi không được ngự trong rừng râu họa sĩ”. Tâm đắc và quí phục, khi nhà thơ-nhà phê bình hạ bút trong những lời kết về Giấc-Mơ-Thực mà quá đỗi ám ảnh từ thơ Trần Quốc Thực: “Trần Quốc Thực là một trong số hiếm hoi các nhà thơ nghiêng vào cõi âmhuyền bí, gần như thoát ra khỏi thế giới bị bao bọc bởi tồn tại cảm tính, để tiếp cận tồn tại lý tính. Thơ Trần Quốc Thực mang nhiều dấu ấn giấc mơ”.

Với các nhà thơ khác trong Lý lẽ của trái tim, Cao Ngọc Thắng lại có cách tiếp cận, nhận diện chất thơ theo điệu-tâm-hồn riêng của từng thi sỹ để nhấn nhá, trọng thị theo cách của mình.

Với Trần Hòa Bình (1956-2008), một thi sỹ tài hoa và đa tình rất mực từ đời, từ thơ, từ báo chí... Cao Ngọc Thắng đã đón nhận chất tinh tế, tài hoa của thi sỹ họ Trần, khởi phát từ bài thơ tình viết trong những ngày tháng cuối của đời viết- bài thơ Khau Vai. Cao Ngọc Thắng, thực ra không phải chỉ dừng lại phẩm bình trực tiếp từ thi phẩm đặc sắc này của Trần Hòa Bình. Bài thơ của Trần Hòa Bình chỉ “treo” lên như một cái cớ, từ đó giúp tác giả nhận diện ra chiều sâu đích thực của Con-Người-Đời, trong thế đồng nhất và tương quan với Con-Người-Nghệ-sỹ của thi sỹ họ Trần. Bởi, “Khau Vai” trong thơ Bình, không chỉ là một địa danh đáng nhớ, đáng lưu giữ và ám ảnh tình người (Chợ tình Khau Vai, mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3 Âm lịch, thuộc tỉnh Hà Giang). Đặt chân đến miền đất Hà Giang chập chùng nhịp đá, bắt gặp và lắng nghe tận hồn về Chợ tình Khau Vai, thi sỹ đa tình Trần Hòa Bình như nhập vào thế giới của những giọt nước mắt, song hành và đan hòa cùng khát vọng tình yêu từ xa xưa và mãi đến muôn sau của trùng trùng lứa đôi đã tìm đến Khau Vai. Cũng để từ đấy, chàng thi sỹ tài hoa, đa tình tự buông ra lời thổ lộ và cũng là lời tự thú diết da, thổn thức cùng đau đớn cùng Khau Vai: “Quì trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khau Vai/ Nhọn sắc đá tai mèo/ Cứa vào thương nhớ/ Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/Em sẽ thấy Khau Vai trong số phận chúng mình.”

Tìm đến để tâm huyết và tinh nhạy mà nhận biết cho ra tinh chất riêng của thi sỹ qua sáng tác của họ, Cao Ngọc Thắng dường như đã “bắt mạch” trúng Con-Người-Nghệ-Thuật của từng nhà thơ, từ đó gọi ra mà trân quí.

Nhận biết ra thần thái tinh thần trong sáng tác của từng nhà thơ, tôi tâm đắc và thú vị với cách nhận diện từng người qua cách đặt tên bài viết của Cao Ngọc Thắng: Lý lẽ của trái tim-viết về nhà thơ Huy Cận; Chiết xuất từ giấc mơ-viết về nhà thơ Trần Quốc Thực; Một Khau Vai số Phận-viết về nhà thơ Trần Hòa Bình; Người vẽ vòng tròn không khép kín-viết về nhà thơ Hồ Phi Phục; “Người bạn của trẻ em”-viết về họa sỹ, nhà thơ Thy Thy Tống Ngọc... Và, trên hết có thể với từng tác giả, Cao Ngọc Thắng có cách tiếp cận và nhấn nhá đậm nhạt khác nhau. Song, với bài nào Cao cũng sâu sát và ân tình hướng tới cái đích: nhận cho ra dấu ấn riêng, đậm về văn phong của họ. Xin được điểm ra đây một đôi nhận định cũng là thẩm định tinh sâu của ngòi bút phê bình: “Kỷ niệm văn chương là một tuyển tập đậm phong cách Hồ Phi Phục. Ngay từ cách sắp xếp thơ và văn xen kẽ chứ không phân chia phần thơ tách bạch phần văn, đã cho người đọc một ấn tượng bởi sự liền mạch của một hồn thơ, một suy tưởng thơ đầy đặn, nhất quán (...) Khác với vẻ bề ngoài trầm tĩnh, ung dung, văn-thơ Hồ Phi Phục luôn tiềm ẩn sự bùng nổ đi đôi với sự khái quát có lúc trào ra con chữ, nhưng phần nhiều lặn vào cấu tứ, duy lý đấy mà không mất đi cảm hứng trữ tình”.

***

Trong 24 bài viết của Cao Ngọc Thắng, như đã nói ở trên, anh không chỉ bình luận, thẩm định về văn chương mà còn “tạt ngang” rẽ lối sang cả lĩnh vực nghệ thuật khác. Ví như bàn rất tâm đắc và thú vị về hai tiếng “bình thường” trong ca từ của nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên của nhạc sỹ-họa sỹ-nhà thơ Văn Cao.

Có “một chùm” (xin được dùng chữ cho vui!) ba họa sỹ thành danh: Tô Ngọc Thành, Ngọc Linh-Vi Văn Bích và Hoàng Hà Tùng. Ba họa sỹ này, được nhà thơ-nhà phê bình họ Cao, đặt liền kề trong ba bài viết cuối cùng của tập sách. Điều ấn tượng và thú vị khi “phán định” về ba họa sỹ này, Cao Ngọc Thắng không bàn kỹ về chuyện bếp núc, mảng miếng nghề nghiệp hội họa. Tuy thế, người viết vẫn “lôi ra” và đẩy lên, đẩy trúng Chất-Nghệ-Đặc-Trưng của từng họa sỹ. Từ đó gợi cho người đọc nhiều bài học đáng suy ngẫm về sự sáng tạo nghệ thuật của họ. Mỗi họa sỹ, được gọi ra một vẻ sáng tạo nghệ thuật riêng. Tô Ngọc Thành-Tươi nguyên miền ký ức;Vi Văn Bích-Ngọc Linh- Người giữ ấm mùa xuân; Và, Hoàng Hà Tùng- Một cá tính đầy bản lĩnh.

Tôi thích cái kiểu cách đánh giá, thẩm định sắc và tinh của Cao Ngọc Thắng như thế này: - “Họa sỹ tự thuật: “Với Ngọc Linh vẽ là phịa mới hay. Vẽ là chơi, chơi để vẽ và vẽ như chơi”. Đó là cách nói của ông và đó cũng là cách sống của ông.”... “Đến với họa sỹ Ngọc Linh, xem tranh của ông, tôi luôn thấy một niềm lạc quan, yêu đời… Ông trẻ trung đến ngạc nhiên, hiếm người ở độ tuổi ông có được. Trong tâm hồn người họa sỹ cao tuổi này luôn dạt dào sức xuân. Ông đúng là “Người giữ ấm mùa xuân” cho cuộc đời hôm nay và mai sau.”

Hay - “Tôi nhận sách từ tay ông mà không khỏi ứa nước mắt.Bởi tôi biết,ngót nghìn rưởi ngày qua Hoàng Hà Tùng vẫn kiên cường và đam mê lao động trong điều kiện phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo... Ông trao cho tôi không phải chỉ là một cuốn sách, mà ông gửi vào tôi một nghị lực sống hết mình vì vẻ đẹp lấp lánh cái chân và cái thiện của người nghệ sỹ chân chính !

***

Người viết bài này, xin được dùng những dòng cuối để nói tới một trường hợp của một nhà văn, một kịch tác gia-một tài hoa thầm lặng, ẩn dấu bao khao khát cùng xót đau u trầm qua những trang viết về thân phận con người trong và sau chiến tranh, được tập hợp trong 8 truyện ngắn và một kịch bản phim truyện, được đội một cái tên chung Người lính kèn về làng (Nxb Trẻ-2015). Đó là nhà văn-nhà biên kịch Trần Quốc Huấn,qua Con-Mắt-Xanh phát hiện và đánh giá của Cao Ngọc Thắng.

Cũng xin được trích dẫn từ những lời luận giải sắc sảo và ân tình của Cao Ngọc Thắng, từ bài viết có tên Tiếng kèn của người lính: - “Trần Quốc Huấn xuất hiện trên văn đàn rất ít và rất thưa. Ông viết văn như một cuộc dạo chơi. Khi còn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, năm 1977, chàng trai Thành Nam đã có truyện ngắn “Những năm sau đấy” đăng trên báo Tiền Phong. Mãi đến tám năm sau, liền trong ba năm mỗi năm ông viết một truyện...Chính vào năm 1987, Trần Quốc Huấn đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội.”… “Những tác phẩm của Trần Quốc Huấn đã có độ lùi đáng kể, nếu không muốn nói ông là người rất sớm “ra khỏi” cuộc chiến chống thực dân (cũ và mới)... Những truyện ngắn và kịch bản phim truyện, trong “Người lính kèn về làng”, ngay khi đó đã vượt qua lối kể chuyện thông thường về những trận đánh...Tác giả “Người lính kèn về làng”, ngay khi đó, nghiền ngẫm về một cuộc chiến tranh khác”…“ Đến với truyện của Trần Quốc Huấn, trong lòng người đọc dâng lên nỗi buồn ám ảnh. Nỗi buồn ấy từ man mác chuyển sang những đợt sóng rung động và lắng lại như các trầm tích, in đậm những “hóa thạch” về thân phận con người cũng như thân phận cuộc chiến tranh...”… “Hình ảnh về anh chàng họa sỹ bất đắc dĩ trong truyện “Mùa trái rụng nhiều”, vì bị chột một mắt phải nên không thể đi bộ đội, sau những tháng ngày sống lang thang vạ vật “đã chết như một nghệ sỹ đứng đắn trong một trại điên” (Người lính kèn về làng, tr. 52). Và, xót xa, đớn đau thay, vào một ngày chớm thu, chàng họa sỹ ấy tự buông ra lời tự thú, tự bạch như một nỗi ám ảnh cho thân phận chung cục của mình cũng như của bao người : “Các người chẳng hiểu tôi gì cả, tôi có lỗi gì đâu. Tôi là quả bàng, tôi chín quá rồi. Thôi, tôi rụng đây...” (tác phẩm đã dẫn, tr. 60). Từ lời nói của nhân vật họa sỹ trong Mùa trái rụng nhiều, Cao Ngọc Thắng buông tiếp trong ngậm ngùi xa xót về chính nhà văn Trần Quốc Huấn : “...Hai mươi ba năm sau, đã vận vào chính Trần Quốc Huấn khi ông sáu mươi hai tuổi. Ông ví mình như quả bàng, im lìm xanh, im lìm chín, và lặng lẽ rụng... Cây bàng chứng thực cho cuộc đời nghiền ngẫm những nỗi đau mất mát (nhìn thấy và không nhìn thấy) của con người trong và sau chiến tranh”.

***

Với tập sách mang sắc diện “Bình luận và chân dung”, với tiêu đề Lý lẽ của trái tim, mang một dung lượng vừa phải, có thể đọc liền một mạch, theo tôi, Cao Ngọc Thắng đã tham góp một cách có ấn tượng một giọng điệu riêng trong phê bình Văn học-Nghệ thuật. Giọng điệu ấy, phải chăng đã “Chắt đọng từ trái tim- có lý” của người viết, để tìm đến, để gặp gỡ và giao hòa trong trái tim, trong tấm lòng của những độc giả yêu thương, suy ngẫm về thân phận Con-Người trong cuộc sống.



                                                                                                                    Hà Nội, tháng 3/2020.

                                                                                                                                   T.T.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét